Nhà báo tự
do Bùi Văn Phú
Gửi cho BBC từ California
Cập nhật: 14:35 GMT - thứ bảy, 22 tháng 6, 2013
Tuần qua, cộng đồng người Việt ở Quận Cam nhộn nhịp những
sinh hoạt chào mừng Little Saigon 25 tuổi.
Hai bên phố Bolsa, khúc từ Brookhurst đến Magnolia, phất phới cờ Mỹ và cờ
vàng ba sọc đỏ.
Tháng này 25 năm về trước, tiểu bang California chính
thức công nhận khu thương mại đầu tiên của người Việt tại Mỹ với lễ khai trương
bảng “Little Saigon” đặt trên các xa lộ bắc nam 405 và đông tây 22 chỉ đường
vào trung tâm buôn bán của người Việt tại hai thành phố Westminster và Garden
Grove. Buổi lễ hôm đó có sự hiện diện của Thống đốc George Deukmejian để đánh
dấu sự phát triển của cộng đồng người Việt sau 13 năm định cư tại Hoa Kỳ.
Vì sao California là nơi đến của nhiều người Việt từ năm
1975 và ngay cả bây giờ?
30-4-1975, khi xe tăng cộng sản Bắc Việt tiến vào thủ đô
miền Nam Việt Nam và chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng, khoảng 150 nghìn
người Việt đã bỏ quê hương ra đi.
Vào những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng hoà, khi Hoa
Kỳ quyết định rút lui, chính phủ Mỹ đã dựng trại tại căn cứ hải quân ở
Philippines, ở các đảo Guam, đảo Wake nằm trong Thái Bình dương để đón người
Việt tị nạn.
Sau đó nhiều trại cũng được mở ra trong nội địa Hoa Kỳ ở
California, Arkansas, Florida và Pennsylvania.
Trung tâm huấn luyện Thuỷ quân Lục chiến tại miền nam
California, Camp Pendleton nằm gần San Diego, là nơi đầu tiên lều trại được
dựng lên từ cuối tháng Tư để tiếp nhận người Việt và là trại có số người tạm cư
đông nhất trên toàn nước Mỹ.
Từ trại tiếp cư, người tị nạn được các nhà thờ, cơ sở từ
thiện bảo trợ đưa ra ngoài sinh sống. Chỉ cách trại tị nạn vài chục phút đường
ô-tô nên các thành phố Garden Grove, Westminster, Santa Ana đã đón nhận nhiều
người Việt đến định cư ngay trong thời gian đầu.
Năm 1975, 130 nghìn người Việt đã được định cư tại Hoa
Kỳ, rải rác ở nhiều nơi trên toàn quốc. Cộng đồng người Việt tại Mỹ được khai
sinh từ đó.
Lúc đầu, chính phủ Hoa Kỳ muốn phân tán người Việt ra
khắp nơi nên đã mở ra bốn trại tiếp nhận ở các tiểu bang khác nhau.
Tháng Giêng 1976, trải qua mùa đông đầu tiên nơi đất mới
với thời tiết lạnh khác thường và bão tuyết đổ xuống miền đông nên khi mùa hè
đến, nhiều người Việt đã được định cư ở Chicago, New York, Connecticut,
Pennsylvania, sợ cái lạnh nên quyết định làm cuộc “tây tiến”, tức đi về
California tìm nắng ấm.
'Đi dễ khó về'
Đến Cali một lần là không bỏ đi được, nên thời đó đã có
thơ: “Cali đi dễ khó về. Trai đi có vợ, gái về có con”. Đi Cali chơi cũng là mơ
ước của nhiều người Việt ở những tiểu bang khác.
Theo nghiên cứu năm 1983 của hai giáo sư Karl Jackson và
Jacqueline Desbarats thuộc Đại học California Berkeley, những nguyên nhân khiến
nhiều người Việt tới Hoa Kỳ, sau nơi định cư ở nơi đầu tiên đã di cư lần thứ
hai, đa số đổ về California vì nơi đây có nhiều việc làm, dễ xin trợ cấp xã
hội, khí hậu ấm áp và được gần gũi với đồng hương.
Chân ướt chân ráo đến xứ lạ, ngôn ngữ còn kém, phong tục
tập quán mới chưa quen nên người Việt thấy cần sống quây quần với nhau. Từ
những tình cảm thương nhớ, hoài niệm về quê hương và nhu cầu bảo tồn văn hoá
nguồn cội vì thế những năm đầu tiên ở Mỹ đã có các hội đoàn tương trợ và hội
sinh viên Việt Nam được thành lập.
"Nhu cầu ổn định cuộc sống là mua được căn nhà sau
một thời gian đi làm. Nhiều người đã quen đường đi, nước bước nên mở nhà hàng,
cơ sở buôn bán nhà cửa, bảo hiểm để phục vụ đồng hương."
Ngay từ đầu, những khu người Việt tập trung sinh sống
cũng gần phố Tầu, Quận Cam cạnh phố Tầu Los Angeles, San Jose gần phố Tầu San
Francisco. Điều này nói lên việc ăn bơ, uống sữa và làm quen với thực phẩm Mỹ
còn là điều khó khăn, nhất là cho những ai trưởng thành từ Việt Nam.
Năm 1975 có khoảng hai chục nghìn người Việt định cư tại
Quận Cam. Với làn sóng vượt biển gia tăng vào đầu thập niên 1980, người vượt
biển được Hoa Kỳ nhận cho định cư thường đi về những nơi có thân nhân hay bạn
bè đang sinh sống, vì thế số người đến California ngày càng nhiều.
Cộng đồng lớn mạnh, kéo theo những phát triển về kinh tế,
xã hội, văn hoá và chính trị.
Nhu cầu ổn định cuộc sống là mua được căn nhà sau một
thời gian đi làm. Nhiều người đã quen đường đi, nước bước nên mở nhà hàng, cơ
sở buôn bán nhà cửa, bảo hiểm để phục vụ đồng hương.
Thông tin, giải trí cũng là nhu cầu không thể thiếu trong
cộng đồng. Tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở California là nguyệt san Hồn Việt ra
đời cuối năm 1975. Sau có bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại, Thức Tỉnh. Tuần
báo Người Việt phát hành số đầu tiên năm 1978.
Các chương trình sinh hoạt cộng đồng, văn nghệ sinh viên
thường mang chủ đề đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam hay giúp người vượt
biên, vượt biển được tổ chức tại các đại học từ Los Angeles, Santa Ana, Irvine
lên đến Berkeley, San Jose, San Francisco.
Năm 1988 có khoảng 100 nghìn người Việt ở Quận Cam, làm
chủ trên 1000 cơ sở thương mại, quây quần trong hai thành phố Westminster và
Garden Grove, đông nhất trên các phố Bolsa, Brookhurst và Magnolia, những nơi
mà hơn thập niên trước đó còn là những cánh đồng trái cây.
Ngày nay số cư dân gốc Việt tại Little Saigon tăng gấp
ba, số cơ sở thương mại tăng có đến gấp năm lần. Ở đó, nay có siêu thị bán thực
phẩm với nhiều cây trái, gia vị, cà-phê, hải sản nhập từ Việt Nam, có nhiều cửa
hàng phục vụ đủ loại món ăn Việt. Ở đó nổi tiếng có Xe đò Hoàng nối liền nam
bắc Cali mỗi ngày, có phở và bánh mì được nhiều người không phải gốc Việt cũng
thích ăn. Các trung tâm băng nhạc Thuý Nga, Asia và Vân Sơn đều đặt trụ sở tại
đây.
Người Việt ở Mỹ có một số tờ báo riêng
Sau 25 năm chính thức được công nhận, Little Saigon ngày
nay có các nhật báo Người Việt, Việt
Báo, Viễn Đông là lâu đời nhất; gần hai chục tuần báo, cả chục chương trình
ti-vi và phát thanh tiếng Việt.
Nhật báo Người Việt ra ngày Chủ nhật 16-6-2013 là số
10053. Trên báo này, mỗi ngày chỉ phần rao vặt không thôi, chưa kể nhiều các
quảng cáo thương mại khác, đã chiếm trên 10 trang.
Tuần báo Saigon
Times đến nay ra được 1349 số, in khổ nhật báo. Số mới nhất dày 76 trang
với nhiều tin tức, bình luận cùng nhiều quảng cáo từ văn phòng bác sĩ, nha sĩ,
nhà hàng và tràn ngập rao vặt tìm thợ sơn móng tay.
Đánh dấu cho sinh hoạt chính trị của cộng đồng, Little
Saigon có thị trưởng Westminster là ông Tạ Đức Trí, có Giám sát viên Janet
Nguyễn trong Hội đồng Giám sát Quận Cam và hơn chục dân cử gốc Việt các cấp
trong chính quyền địa phương. Little Saigon với Westminster có hơn một phần ba
cư dân gốc Việt và Garden Grove với một phần tư, là khu vực đã có những nghị
quyết không hoan nghênh các cuộc viếng thăm của quan chức nhà nước cộng sản
Việt Nam.
Thành phố Westminster có tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ, đài
tưởng niệm thuyền nhân. Đại học U.C. Irvine có văn khố lưu trữ tài liệu về
người Việt tị nạn. Đại học Cal State Fullerton có chương trình sư phạm đào tạo
giáo viên dạy Việt ngữ bậc phổ thông. Các đại học Long Beach, U.C. Los Angeles
và Irvine đều có những lớp về ngôn ngữ và văn hoá Việt. Nhiều giáo sư có dự án
nghiên cứu về cộng đồng người Việt.
Với lịch sử cộng đồng gắn liền với sự phát triển của
Little Saigon tại Quận Cam, vì thế khi nhắc đến người Mỹ gốc Việt, giới truyền
thông và nghiên cứu thường coi khu vực này là tiêu biểu cho cộng đồng.
Tác giả hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do
từ vùng Vịnh San Francisco.
No comments:
Post a Comment