“Khi
còn nhỏ, tôi chỉ nhìn thấy lá cờ vàng từ góc độ của một sân trường trung học.
Khi lớn lên, học hỏi thêm, tôi nhìn lá cờ vàng từ góc độ của chế độ mà tôi đã
sống, từ miền Nam tự do mà tôi đã ra đi, từ đất nước mà tôi yêu quý. Và hôm
nay, tôi nhìn lá cờ vàng từ trái tim trong sáng của Phương Uyên, một em bé gái
Việt Nam vừa mới lớn và đang đập theo nhịp đập của tương lai dân tộc. Chính
nghĩa dân tộc rồi sẽ thắng. Cuối cùng, chỉ có người Việt Nam mới ôm ấp và đeo
đuổi giấc mơ tự do dân chủ cho chính mình và tương lai của con cháu mình. Không
ai xót thương và cứu vớt dân tộc Việt Nam ngoài chính dân tộc Việt Nam. Nếu tất
cả chúng ta cùng biết đau một nỗi đau chung và cùng biết đeo đuổi một giấc mơ
Việt Nam như Nguyên Kha, Phương Uyên đang theo đuổi, tôi tin cuộc vận động tự
do dân chủ và phục hồi chủ quyền đất nước sẽ sớm thành công. Điểm hẹn huy hoàng
của lịch sử có thể chỉ còn năm phút nữa nhưng nếu không ai đứng dậy và bước đi,
năm phút sẽ qua nhanh và mục tiêu không bao giờ đạt đến. Hãy đứng lên và cùng đi
với Nguyên Kha, Phương Uyên và tuổi trẻ Việt Nam.”
*
Một
em du sinh kể tôi nghe câu chuyện em hỏi mua một lá cờ vàng ba sọc đỏ tại một
tiệm Việt Nam trong những ngày mới đặt chân đến Mỹ để theo học đại học.
Trong
một lần đi mua sắm tại một tiệm tạp hóa do người Việt làm chủ tại Washington
DC, thấy gần quầy tính tiền có để một số cờ Mỹ, Việt loại để bàn, em ngỏ ý muốn
mua một lá. “Thưa bác, cờ này để trưng bày hay để bán, nếu bán cháu muốn mua
một lá.” Em du sinh hỏi. Bác chủ tiệm nhìn em từ đầu đến chân. Qua giọng nói,
cách ăn mặc, bác chủ tiệm, vốn cũng là người gốc Bắc, biết rõ chẳng những em
vừa mới Việt Nam mà còn thuộc tỉnh nào ở miền Bắc nữa. “Cậu mua để làm gì?” Bác
hỏi lại với giọng nghi ngờ. “Thưa bác, đấy là việc của cháu. Cháu chỉ muốn biết
cờ này có bán không thôi ạ.” Em trả lời. Bác chủ tiệm vốn đã không thiện cảm
lại càng khó chịu với cách trả lời hụt hẫng của em. Trong suy nghĩ của bác xuất
hiện nhiều phỏng đoán nhưng không có một phỏng đoán nào tốt. Bác nghĩ đến việc
“thằng Cộng con” này có thể mua để đốt, để xé bỏ, để ném xuống sông Potomac cho
khuất mắt. Bác đưa tay kéo hàng cờ nhỏ cắm trên tấm bảng gỗ nhỏ lại gần tưởng
như em sẽ giật chạy. “Cậu biết cờ này là cờ gì không?” Bác chủ tiệm gằn giọng
như một công tố viên đang trưng bằng chứng lịch sử trước bị can. “Thưa không ạ,
cháu chỉ biết đây là cờ vàng.” Em du sinh kiên nhẫn đáp tuy trong bụng than
thầm “Mua một lá cờ sao khó thế”. “Đây là cờ quốc gia!” Bác chủ tiệm nhấn mạnh
từng chữ. Và rồi không chờ em đáp, bác giảng cho em du sinh nghe một bài về ý
nghĩa lá cờ vàng. “Không bán, cậu ra khỏi chỗ này đi.” Bác giận dữ kết luận. Em
lặng lẽ ra về.
Hình
Cờ Vàng truyền thống qua các triều đại
Mấy năm sau, câu chuyện đã trở thành chuyện vui trong những ngày đầu di du học, em thú thiệt với tôi khi bác chủ tiệm hỏi em cũng không biết mua để làm gì. Em không thể đem cờ về Việt Nam, không thể trưng bày cờ trong phòng khách, trong lớp học nhưng em hỏi mua vì thật sự muốn biết thêm về lá cờ vàng ba sọc đỏ. Đó là một phần của lịch sử Việt Nam. Không phải riêng em du sinh, dần dần càng nhiều người Việt thuộc thế hệ em muốn biết về lá cờ vàng. Sau khi hệ thống CS Đông Âu sụp đổ, lãnh đạo các nước CS Á Châu không còn cách nào khác nên phải “tự diễn biến hòa bình” để tồn tại. Cánh cửa thông tin hé mở, ánh sáng khoa học qua những khe hở rọi vào và em là một trong những con chim nhỏ may mắn nhìn được bầu trời từ kẻ hở đó.
Tuy
chưa có cơ hội nắm bắt hết ý nghĩa lịch sử, các em có đủ nhận thức để tự đặt
vấn đề, rằng nếu cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng của tất cả mọi xấu xa, tội ác
như các em được dạy thì những gì các em đang thừa hưởng hôm nay, từ những bản
tình ca các em hát mỗi ngày cho đến những bài thơ đậm đà tình dân tộc, những
bài văn ca ngợi tình người, tình cha mẹ, gia đình, làng xóm, và ngay cả trong cách
cách ăn, cách mặc, cách nói năng lễ độ, lối sống tự do thoải mái do ai để lại?
Dĩ
nhiên không phải đến từ chính sách trồng người đang làm thui chột khả năng sáng
tạo của các em, không phải từ nền giáo dục ngu dân dưới mái trường xã hội chủ
nghĩa đang biến các em thành những con người vô cảm. Và nếu không phải từ hôm
nay, có thể là sản phẩm để lại từ một chế độ đang bị đảng CS nguyền rủa mỗi
ngày. Tìm hiểu về lá cờ vàng, do đó,
đang là một trào lưu mới trong thế hệ trẻ Việt Nam.
Mới
đầy, cờ vàng ba sọc đỏ lần nữa là trung tâm của vụ án Nguyên Kha và Phương
Uyên. Một quan điểm cho rằng, sở dĩ đảng CS giáng xuống đời hai em những bản án
nặng nề chỉ vì Phương Uyên in lá cờ vàng làm truyền đơn và đem dán tại vài địa
điểm. Theo lời mẹ của Phương Uyên kể lại nội dung phiên tòa, Phương Uyên không
từ chối có in lá cờ vàng ba sọc đỏ nhưng chỉ vì em muốn tìm hiểu về lịch sử.
Lời
phát biểu của em Nguyễn
Thiện Thành khi trả lời phỏng vấn của đài Á Châu Tự Do sau đây lần nữa
xác định lời khai của Phương Uyên trước tòa: “Khi
học lịch sử chúng tôi hiểu được màu cờ vàng là màu truyền thống của dân tộc VN
trong xuyên suốt mấy ngàn năm lịch sử và lá cờ vàng ba sọc đỏ là lá cờ có từ
thời vua Thành Thái 1890 một triều đại Kháng Pháp, và vua Thành Thái bị lưu
đày. Chúng tôi sử dụng lá cờ gần nhất trong lịch sử VN để nói lên tinh thần dân
tộc bất khuất.”
Nhưng tại sao các em
lại phải đi tìm một lá cờ, trong trường hợp này là cờ vàng ba sọc đỏ, để nói
lên tinh thần bất khuất chống ngoại xâm?
Bởi vì lá cờ đỏ sao vàng không “nói lên tinh thần dân tộc bất
khuất”.
Tổ quốc là không gian, thời gian, nguồn cội và là căn nhà chung của một giống
dân có cùng một lịch sử, văn hóa, truyền thống, lãnh thổ, vùng trời, vùng biển.
Ngay trong Đại Tự Điển do Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam thuộc Bộ Giáo
dục và Đào tạo soạn thảo và nhà Xuất bản Văn hóa Thông Tin ấn hành năm 1998
cũng định nghĩa tổ quốc là “Đất nước, gắn liền với bao thế hệ ông cha, tổ tiên
của mình: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổ quốc Việt Nam của chúng ta.” Đảng CS,
về đối nội, nhẫn tâm bỏ tù từ cụ già đến em bé vị thành niên nhưng đối ngoại
chỉ biết cúi đầu trước Trung Quốc ngang ngược. Đọc những lời phản đối Trung
Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam của các phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN từ Lê
Dũng trước kia đến Lương Thanh Nghị ngày nay gần như chỉ có một nội dung ngoại
giao sáo rỗng tuy khác nhau ngày tháng. Lãnh đạo đảng biết rằng việc chỉ trích
nặng lời chỉ càng thêm tổn hại cho mối quan hệ về sau giữa hai đảng chứ chẳng
làm Trung Quốc nhả ra một thước đất nào. Trung Quốc biết điều đó rất rõ nên
cũng rất ít quan tâm đến những lời phản đối lấy lệ của phía Việt Nam.
Bởi
vì lá cờ đỏ sao vàng chỉ đại diện cho đảng CS độc tài. Dù người vẽ cờ là Lê
Quang Sô, Nguyễn Hữu Tiến, Hồ Tri Hạ hay nhập từ Trung Quốc, Liên Xô, lá cờ đỏ
sao vàng vẫn là lá cờ CS và đã được đại hội Xứ Ủy Nam Kỳ thông qua tại Tân
Hương vào tháng Bảy 1940. Chỉ cần đọc lại lịch sử thế giới trong phần tư thế kỷ
qua thôi, từ 15 nước thuộc Liên Bang Xô Viết cho đến 8 nước Cộng Sản Đông Âu, 3
nước Cộng Sản vùng Baltics (Latvia, Lithuania, Estonia), Cộng Sản Phi châu
(Ethiopia), Cộng Sản Á Châu (Kampuchea), có quốc gia thay đổi ít như Ba Lan hay
quốc gia thay đổi hoàn toàn như Nga, nhưng không có một nước nào tiếp
tục sử dụng lá cờ của chế độ Cộng Sản làm cờ đại diện cho quốc gia thời kỳ sau
Cộng Sản. Trong quan điểm đó, thương hiệu nền đỏ sao vàng của đảng
CSVN chỉ gắn liền với sự cai trị của đảng CS không thể gọi là cờ tổ quốc và
càng không nên dùng để biểu dương lòng yêu nước của mình. Lý luận cho rằng chỉ
cờ búa liềm mới là cờ đảng CS còn cờ đỏ sao vàng là cờ tổ quốc chẳng khác gì
bảo Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Quốc hội CSVN, nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ
Nghĩa Việt Nam là những cơ quan hoàn toàn độc lập chứ không phải là một tổ chức
trực thuộc trung ương đảng CSVN và đều do các ủy viên Bộ Chính Trị trực tiếp
lãnh đạo.
Bởi
vì lá cờ vàng ba sọc đỏ đang bị che giấu, bị trù dập là lá cờ mà các em cần
phải biết nhiều hơn. Có thể các em chưa biết nhiều về lá cờ vàng ba sọc đỏ nhưng một điều các em biết cái gì đảng nguyền rủa, đảng sợ hãi cái đó
phải tốt, phải đúng. Các em có thể bắt đầu do tính tò mò, do chán
ngán với thực tế phũ phàng đang có, dần dần có nhận thức rõ và sâu sắc hơn về
các vấn đề lịch sử. Thì ra, lá cờ vàng, không phải chỉ có một nguồn gốc lịch sử
lâu dài nhưng còn từ máu xương, từ mồ hôi nước mắt, từ hơi thở của những người
đã gìn giữ và bảo vệ vùng trời, vùng biển tự do của đất nước. Một tài sản dù đồ
sộ bao nhiêu cũng không có giá trị lớn về mặt tinh thần nếu tài sản đó không
được đánh đổi bằng mồ hôi ước mắt của những người đã tạo ra nó. Lá cờ vàng đã
đắp lên bao nhiêu ngôi mộ, bao nhiêu quan tài, bao nhiêu khuôn mặt tuổi thanh
niên đã chết vì lý tưởng tự do của dân tộc trong cuộc chiến tự vệ đầy gian khổ
để bảo vệ từng thước đất, từng hải lý của tổ quốc thân yêu. Không giống như
những năm bị khóa chặt trong bốn bức tường đen sau 1975, thế hệ trẻ ngày nay,
nếu chịu khó học hỏi, đọc nhiều nguồn tư liệu khác nhau, các em sẽ biết ngay lá
cờ vàng ba sọc đỏ không đơn giản là cờ của “Bù nhìn Bảo Đại”, “chế độ Ngô Đình
Diệm” hay “chế độ Nguyễn Vãn Thiệu”, biểu tượng cho “tội ác ngập đầu của Mỹ
Ngụy”, phản ảnh một “xã hội miền nam thối tha đồi trụy” như em đã được dạy
trong trường, học tập trong sinh hoạt chi đoàn. Các chế độ chính trị, dù tốt
hay xấu, hưng thịnh hay suy vong cũng đến và đi nhưng màu cờ vàng đại diện cho
cả quốc gia như dòng nước vẫn tiếp tục trôi trên con sông lịch sử.
Bởi
vì lá cờ vàng ba sọc đỏ không chỉ là cờ của chế độ VNCH và phục hồi giá trị lá
cờ không có nghĩa là phục hồi chế độ VNCH, tái lập hiệp định Paris, chia đôi
đất nước như trước 1975. Không. Dân tộc Việt Nam không hề đặt
bút ký thỏa ước Patenotre, hiệp định Geneve hay hiệp định Paris. Tất
cả chỉ là sự áp đặt của thực dân và đế quốc đã diễn ra dưới nhiều hình thức
trong những thời điểm khó khăn của vận mệnh đất nước. Trong
suốt hai thế kỷ qua, dân tộc Việt Nam liên tục là nạn nhân đáng thương, bị xâm
lược bởi các ý thức hệ ngoại lai vong bản. Không một người Việt Nam yêu nước
nào muốn thấy quê hương chìm đắm và tiếp tục chìm đắm trong lạc hậu, độc tài
triền miên như thế này. Một người Việt Nam nào thiết tha với tiền đồ đất nước
cũng muốn thấy quê hương được thật sự tự do, thống nhất từ Ải Nam Quan đến Mũi
Cà Mau ôm ấp Hoàng Sa, Trường Sa trong bao la tình biển mẹ. Nhân dân Việt Nam
chỉ chống lại việc thống nhất đất nước bằng xe tăng và đại pháo của Nga, Tàu và
đặt cả nước dưới ách cai trị độc tài chuyên chính của đảng CSVN mà thôi.
Bởi vì lá cờ đỏ sao
vàng là cờ phi nghĩa.
Các nhà lãnh đạo Cộng Sản
không thể chứng minh cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam là cuộc chiến tranh
chính nghĩa. Hãy đọc con số thống kê: Ba triệu người chết trong chiến tranh. Ba
trăm ngàn người còn ghi nhận là mất tích sau chiến tranh. Một xứ sở 38 năm sau
chiến tranh vẫn còn bị xếp vào một trong những nước chậm tiến. Một chế độ độc
tài đảng trị bị loài người khinh rẻ. Một nền kinh tế khoa học kỹ thuật đi sau
nhân loại hàng thế kỷ. Nhãn hiệu độc lập, tự do, hạnh phúc sau bao năm đánh
bóng cũng chỉ hiện nguyên hình là những con cá gỗ. Tất cả những hậu quả đó là
cái giá dân tộc Việt Nam phải trả cho cuộc chiến tranh được gọi là “giải phóng
dân tộc” của lãnh đạo đảng CSVN. Đó không phải là chính nghĩa, không phải là
giải phóng nhưng là tội ác diệt chủng. Ngạn ngữ Tây phương có câu “Ai
giải thích được lịch sử người đó thắng”. Những cường hào ác bá đang sống trong
các biệt thự nguy nga ở Hà Nội, Sài Gòn ngày nay không phải là những người làm
nên lịch sử nhưng chỉ là những kẻ, trước đây, đã ăn cắp lịch sử, giải thích
lịch sử, bóp méo lịch sử cho phù hợp với tham vọng Cộng sản hóa Việt Nam, và
ngày nay, để tiếp tục sống huy hoàng trên những thống khổ triền miên của dân
tộc Việt Nam.
Bởi vì lá cờ vàng ba
sọc đỏ là cờ chống Trung Quốc bành trướng một cách dứt khoát. Khi Phương Uyên dõng dạc tuyên bố trước tòa án CS “Tôi
dùng máu viết khẩu hiệu ‘Tàu khựa cút khỏi Biển Đông’ và ‘Đảng cộng sản chết
đi’, khẩu hiệu bị cho là ‘phỉ báng đảng cộng sản Việt Nam’, là vì tôi thể hiện
lòng yêu nước khi tôi căm phẫn Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam đến tột cùng sự
phẫn uất” cho thấy suy nghĩ của em chẳng những vượt cao hơn những người cùng
thế hệ mà còn can đảm và rõ ràng hơn những bậc cha chú còn cam tâm nhận ơn mưa
móc của đảng. “Tàu khựa cút” và
“Đảng Cộng Sản chết” là hai điều kiện tiên quyết để phục hồi chủ quyền đất nước
về đối nội cũng như đối ngoại. Lịch sử Việt Nam cho thấy, muốn thắng kẻ thù
xâm lược dân tộc phải biết đoàn kết và phát huy nội lực. Ngày nào đảng CS còn
cai trị đất nước bằng nhà tù, trấn áp và cúi đầu trước Tàu Khựa thì đừng mong
gì đoàn kết và phát huy nội lực, đừng mong đòi lại được Hoàng Sa và phần lớn
Trường Sa. Nguyên Kha biết điều đó. Phương Uyên biết điều đó. Nhân dân Việt Nam
có nhận thức đúng về hướng đi của đất nước biết điều đó. Nếu không phải do chính bà
Nguyễn Thị Nhung, mẹ của Phương Uyên và những người chính mắt tham dự phiên tòa
thuật lại, thật không ai có thể tin một cô bé mong manh như giọt sương buổi
sáng 21 tuổi đó đã điềm tỉnh đón nhận bản án dành cho em. Em trở thành huyền
thoại ngay trong khi còn sống và ở tuổi hai mươi. Em dâng hiến tuổi thanh xuân
của mình để dựng mùa xuân cho dân tộc Việt Nam.
Thế
hệ tuổi hai mươi hôm nay sinh ra nhiều năm sau khi chiến tranh chấm dứt nên có
nhiều điều các em chưa hiểu hết. Từ sau ngày 30 tháng Tư 1975, lá cờ vàng không
còn bay trên bầu trời miền Nam nhưng đã để lại cho nhân dân Việt Nam, trong đó
có các em, những tài sản vật chất và tinh thần vô cùng phong phú, và nếu lấy
các giá trị và thành quả đó ra, Việt Nam hôm nay chỉ là một địa ngục Bắc Hàn.
Thật
vậy, chỉ bàn sơ về âm nhạc, một lãnh
vực gần gũi nhất với thế hệ trẻ. Gác qua một bên quan điểm và lối sống cá nhân
của một số người viết nhạc, hãy tưởng tượng âm nhạc Việt Nam không có Phạm Duy,
Lê Thương, Dương Thiệu Tước, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Trầm
Tử Thiêng, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương, Nguyễn Văn Đông, Hoàng Trọng, Cung
Tiến, Phạm Đình Chương, Nguyễn Ánh 9, Hoàng Thi Thơ, Trần Thiện Thanh, Lam
Phương, Trúc Phương, Anh Bằng, Lê Dinh, Minh Kỳ, Lê Hựu Hà, Nhật Ngân v.v. rồi
nền âm nhạc Việt Nam với những Bài ca năm tấn của Nguyễn Văn Tý, Trai anh hùng,
gái đảm đang của Đỗ Nhuận, Hò kiến thiết của Nguyễn Xuân Khoát v.v. sẽ nghèo
nàn và lạc hậu biết bao nhiêu. Các nhạc sĩ Nguyễn
Văn Tý, Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát đều là những tài năng âm nhạc, những
nhạc sĩ tiên phong của nền âm nhạc Việt Nam nhưng không giống Văn Cao và Đoàn
Chuẩn im lặng, họ chấp nhận làm những
con ve để trỗi lên một điệu nhạc tuyên truyền rẻ tiền, buồn tẻ suốt 21 năm trong
mùa hè Cộng Sản nóng bức và dài lê thê ở miền Bắc.
Sự
hiện hữu và sức thu hút của cờ vàng là một thực tế không thể chối cãi. Những
phản ứng tức tối của nhà cầm quyền CSVN trước việc các thành phố lớn nhỏ ở Mỹ
nối tiếp nhau công nhận lá cờ vàng cho thấy sự sợ hãi của họ trước một sự thật
lịch sử mà họ không còn có thể che đậy, giấu diếm, lừa gạt được ai hay giải
thích cách nào khác. Hành động điên cuồng, man rợ, vô nhân của đảng CS khi kết
án một cô gái chỉ 21 tuổi phải giam hãm sáu năm tới của đời con gái trong vòng
lao lý và ba năm quản thúc chỉ vì em in và dán lá cờ vàng, một lần nữa, chỉ tự
tố cáo sự sợ hãi của đảng CS đối với lá cờ vàng ba sọc đỏ.
Khi
còn nhỏ, tôi chỉ nhìn thấy lá cờ vàng từ góc độ của một sân trường trung học.
Khi lớn lên, học hỏi thêm, tôi nhìn lá cờ vàng từ góc độ của chế độ mà tôi đã
sống, từ miền Nam tự do mà tôi đã ra đi, từ đất nước mà tôi yêu quý. Và hôm
nay, tôi nhìn lá cờ vàng từ trái tim trong sáng của Phương Uyên, một em bé gái
Việt Nam vừa mới lớn và đang đập theo nhịp đập của tương lai dân tộc. Chính
nghĩa dân tộc rồi sẽ thắng. Cuối cùng, chỉ có người Việt Nam mới ôm ấp và đeo
đuổi giấc mơ tự do dân chủ cho chính mình và tương lai của con cháu mình. Không
ai xót thương và cứu vớt dân tộc Việt Nam ngoài chính dân tộc Việt Nam. Nếu tất
cả chúng ta cùng biết đau một nỗi đau chung và cùng biết đeo đuổi một giấc mơ
Việt Nam như Nguyên Kha, Phương Uyên đang theo đuổi, tôi tin cuộc vận động tự
do dân chủ và phục hồi chủ quyền đất nước sẽ sớm thành công. Điểm hẹn huy hoàng
của lịch sử có thể chỉ còn năm phút nữa nhưng nếu không ai đứng dậy và bước đi,
năm phút sẽ qua nhanh và mục tiêu không bao giờ đạt đến. Hãy đứng lên và cùng
đi với Nguyên Kha, Phương Uyên và tuổi trẻ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment