Monday, 17 June 2013

CHUYỆN NGƯỢC ĐỜI TRONG GIÁO DỤC (BS Hồ Hải)




Chủ nhật, ngày 16 tháng sáu năm 2013

Về mặt triết học, như tôi đã viết, tư hữu và quyền lực là bản chất của muôn loài, từ thực vật đến động vật, trong đó có con người. Cái cây, ngọn cỏ muốn sinh tồn rễ và táng cây cũng phải chiếm lĩnh một không gian bên dưới và bên trên mặt đất để kiếm ăn mà sống, huống hồ con người. Một thực thể sống nửa thánh thiện, người, và nửa ác quỷ, con. Ngôn ngữ tiếng Việt trong sáng cho ta thấy rõ điều này.

Chính vì thế mà, không ở đâu trên thế giới này chấm dứt được tình trạng tha hóa và tham nhũng, chỉ có ít hoặc nhiều do thể chế chính trị góp sức nó tăng hoặc giảm mà thôi.

Nên chuyện tha hóa có nguồn gốc từ bản chất của con người. Ở người dân không có quyền lực, tha hóa sẽ làm cho họ phá vỡ lớp vỏ đạo đức mà bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội đã dày công hun đúc tạo nên nhân cách của họ. Khi tha hóa đủ sức bào mòn lớp vỏ đạo đức nhân cách này, một người bình thường sẽ không còn là người nữa, mà là con.

Khi là con, một người bình thường sống theo bản năng động vật. Bốn bản năng sinh tồn của động vật có cả nghĩa đen và nghĩa bóng của nó - ăn, ngủ, quan hệ tình dục và giải quyết những gì gọi là chất thải có độc hại với cơ thể, còn tồn đọng sau khi đã ăn vào, tiêu hóa và chuyển hóa.

Bình thường, việc ăn uống của con người là thuốc để dinh dưỡng và nuôi sống một cơ thể cường tráng chứa đựng một tinh thần minh mẫn. Khi tha hóa, một con người bình thường ăn bất cứ cái gì có thể ăn được, kể cả thịt đồng loại - mồ hôi, nước mắt và kể cả máu của người khác. 

Lúc tha hóa, ăn uống được xem là thuốc độc và cũng là chất thải cho bản thân và cho gia đình họ. 

Hai hoạt động bản năng còn lại cũng vậy, tồi tệ hơn cả việc ăn uống và thải ra. Họ không chỉ ngủ và quan hệ tình dục với người trăm năm mà ngủ lang chạ với bất kỳ ai, kể cả hãm hiếp con ruột của mình.

Nhưng khi là một con người có chức quyền trong xã hội, tha hóa được mô tả thăng hoa lên một cấp cao hơn - gọi là tham nhũng. Không có quyền lực thì không được gọi là tham nhũng, mà chỉ gọi là tha hóa đạo dức và nhân cách sống.

Về mặt xã hội học, chỉ có những tầng lớp tinh hoa - elite - thì mới được dùng từ tham nhũng. Hay nói cách khác, tham nhũng chỉ có ở những con người ưu tú. Họ có quyền lực, có mưu sâu, kế hiểm để nắm vận mệnh quốc gia dân tộc. Nhưng khi lớp vỏ đạo đức nhân cách của họ mỏng, không đủ sức chịu đựng với những cám dỗ của quyền lực ở đời, để bản năng động vật trổi dậy phá vở, và họ trở thành kẻ tham nhũng.

Lúc tham nhũng, mọi hành động không chỉ vượt qua vỏ dày đạo đức và nhân cách, mà còn lách qua kẻ hở hoặc ngồi trên luật pháp để thực hiện bốn bản năng động vật, nhờ vào tầng lớp ưu tú sở hữu được quyền lực, mà không ai chạm tới được. 

Ăn và thải của tham nhũng được nâng lên một bậc cao ngang tầm với tầng lớp ưu tú. Chất độc lúc họ ăn và thải ra không chỉ độc với bản thân và gia đình họ như một người bình thường, mà còn độc cho cả môi trường giáo dục và xã hội.

Hai hoạt động bản năng còn lại của tham nhũng còn ghê gớm hơn nhiều. Lang chạ với kẻ thù của những con người ưu tú được xem là họa mất nước. Nên tham nhũng mới được xem là giặc nội xâm.

Do vậy mà, vấn đề phòng và chống tham nhũng là vấn đề không chỉ tạo ra một con người có lớp vỏ đạo đức nhân cách cao, mà còn đòi hỏi một nền chính trị tốt có cấu trúc vững vàng. Một nền chính trị tốt có cấu trúc vững vàng là một nền chính trị có chế độ tản quyền cao, chứ không phải một nền chính trị có chế độ tập quyền cao như ở Việt Nam hiện nay. 

Vì mọi quyền hành hiện nay trong chế độ ở Việt Nam đều tập trung vào trong tay của tầng lớp ưu tú của đảng cầm quyền. Nên tham nhũng ngày càng nặng nề, nhưng với cái cách phê và tự phê, cùng nhau bỏ phiếu tín nhiệm trong đảng như vừa qua, thì xem như một hành động bất lực với tham nhũng. Ai đâu dại gì phải tự chặt đi cánh tay của mình? Đó là lý do tại sao việc phòng chống tham nhũng thất bại.

Song, tất cả những điều trên là đối với người trưởng thành, do điều kiện khách quan của nhà trường, gia đình và xã hội tác động vào để điều kiện chủ thể bị tha hóa hoặc tham nhũng tùy theo tầng lớp thấp cao trong xã hội.

Đối với trẻ con thì khác, nhân tri sơ tính bổn thiện, đó là nguyên lý và là xuất phát điểm của tâm lý con người. Nếu trẻ sống trong một môi trường gia đình tốt. Nhà trường không dạy cho học sinh tha hóa. Xã hội không có những tấm gương tha hóa và tham nhũng, thì chắc chắn trẻ sẽ không hoặc ít tha hóa.

Vì trẻ con và ngay cả người bình thường không phải là người có chức quyền, cũng không là thành phần ưu tú của xã hội, nên trẻ con và người bình thường không thể tham nhũng, mà chỉ có thể tha hóa. Khi người lớn tha hóa, để trẻ con bắt chước.

Nhưng trẻ con có thể là thành phần ưu tú của tương lai nắm vận nước, nên trẻ con cần những tấm gương tốt hiện thực ngay trong đời sống của chúng. Cha mẹ, anh chị, ông bà chiếm 80% thời gian sống gần gủi và lớn lên của một đứa trẻ. Nhà trường, xã hội và bạn bè chiếm 20% sống và gần gủi với trẻ trước khi vào đời. Nhưng tỷ lệ này đảo ngược lại khi trưởng thành.

Một đứa trẻ có đạo đức và nhân cách tốt khi vào đời làm việc trong một môi trường toàn tha hóa và tham nhũng, nó sẽ bị xem là một kẻ tâm thần, nếu nó không biết thoát ra khỏi môi trường ấy để tạo dựng một môi trường riêng thực sự trong sạch, ắt nó phải phá vỡ đạo đức và nhân cách của mình để hòa tan với tha hóa và tham nhũng.

Trẻ con không cần dạy phòng và chống tham nhũng như cái đề án 137 thí điểm giáo dục, mới vừa được ký quyết định để đưa vào chương trình học phổ thông trung học, và lồng ghép vào chương trình các cấp học từ năm học 2013 - 2014. 

Trẻ con chỉ cần dạy khái niệm, định nghĩa thế nào là tha hóa, thế nào là tham nhũng. Không cần dạy cả một chương trình đồ sộ vì người lớn có chức quyền làm bậy. Sau khi có khái niệm đúng, tự cuộc sống sinh động quanh trẻ sẽ giúp trẻ hiểu và thực hành đúng những gì nó học. Tự cuộc sống quanh trẻ sau khi bước vào đời, đời sẽ minh chứng cho trẻ cái nào nên giữ, cái nào nên từ bỏ. Đó là quy luật bàn tay vô hình trong cuộc sống.

Cái cần để tha hóa và tham nhũng giảm thiểu là chế độ chính trị minh bạch và tản quyền cao, để kiểm soát tốt mọi hành vi của quan lại triều đình sai trái. Không thể đánh tráo khái niệm từ chuyện tham nhũng của người lớn có chức có quyền, thành trò đem trẻ ra làm cái sọt rác, để thí nghiệm hết thế hệ này đến thế hệ khác như 70 năm qua.

Người cần dạy phòng chống tham nhũng là thành phần ưu tú trong xã hội đang nắm lấy vận mệnh quốc gia và dân tộc. Vì tham nhũng chỉ có ở tầng lớp này. Như vậy, cái đề án 137 có phải là sự ngược đời của nền giáo dục Việt Nam hiện nay không?

Tôi đã từng viết, đất nước mình hòa bình và thống nhất rồi, dân không ai muốn giành quyền lãnh đạo, mà dân chỉ muốn có cơm ăn áo mặc, đêm ngủ không gặp ác mộng vì cơm áo gạo tiền. Nên ngành giáo dục Việt Nam hiện nay không cần sáng kiến hay tối kiến làm gì nữa để tốn tiền của dân, chỉ cần đem nền giáo dục khai phóng của Việt Nam Cộng Hòa áp dụng thì nước Việt sẽ hùng cường, văn hóa Việt sẽ phục hồi. Nều không, tình trạng không chỉ văn hóa giáo dục mãi suy đồi, mà còn mãi tình trạng tiến thoái lưỡng nan trong kinh tế chính trị như ông phó thủ tướng bảo rằng, khó khăn khi tái cơ cấu vì không có nhân lực.


Bài đọc liên quan:






No comments:

Post a Comment

View My Stats