Monday, 17 June 2013

ANH LÀ TRẦN HUỲNH DUY THỨC (Thùy Linh)





Trần Huỳnh Duy Thức nguyên là Tổng Giám đốc của Công ty Dịch vụ điện thoại internet OCI.

Những năm đầu thập niên 2000, công ty điện thoại internet do ông Trần Huỳnh Duy Thức thành lập và điều hành đã được coi là điểm sáng trong ngành công nghệ thông tin Việt Nam, có nhiều bước đột phá, đầu tư sang các nước trong khu vực và Hoa Kỳ.

Tổng giám đốc Trần Huỳnh Duy Thức cũng nổi bật với các ý kiến phê bình những rào cản từ phía các cơ quan quản lý viễn thông đối với sự phát triển của ngành công nghệ cao này.

Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt vào ngày 24 /5/2009, với tội danh ban đầu được nói là "trộm cắp cước điện thoại" nhưng sau đó bị chuyển sang điều tra vi phạm Điều 88 Bộ Luật hình sự, Tội Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN.

Bị bắt cùng đợt với anh còn có luật sư Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long.

Tội danh của các anh sau đó bị chuyển sang thành Hoạt động lật đổ, theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự, là tội nặng hơn.

Trần Huỳnh Duy Thức chủ trì “Nhóm nghiên cứu Chấn” đã viết nhiều bài viết, nhận định, đánh giá, dự đoán về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, các nguy cơ cho tương lai của dân tộc và con đường đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng...từ mấy năm trước. Gần như những gì Trần Huỳnh Duy Thức dự báo đã và đang trở thành hiện thực. Nhiều người xót xa nói rằng: nếu chính quyền biết lắng nghe, đừng quá sợ hãi về nỗi ám ảnh “bị lật đổ” thì chắc chắn những bài viết và nghiên cứu của THDT đã giúp được nhiều cho đất nước. 

Nhưng giờ đây, THDT vẫn đang thụ lý án 16 năm trong nhà tù. 


Nghe xôn xao rằng quyển sách tập hợp các bài viết của Trần Huỳnh Duy Thức sẽ được đưa lên mạng để rộng đường dư luận cho những ai quan tâm đến cá nhân THDT và những gì anh đã suy nghĩ, đã làm: đó là chỉ ra Con đường Việt Nam cần đi tới vì tương lai của dân tộc.

Hôm qua nhân ngày của Cha (Father Day), con gái lớn của Trần Huỳnh Duy Thức viết một bức thư cho cha và được lưu truyền trên FB. Mình post lại để mọi người đọc. Cũng coi như thêm một lời an ủi cho một người tù đặc biệt, rất đặc biệt – một người xứng đáng là tấm gương lớn về trí tuệ, tấm lòng và nhân cách.

CON TIN BA SẮP VỀ RỒI, BA ƠI...!

Ba ơi, ngày mai là ngày của Ba, ngày Chủ Nhật thứ 2 của tháng 6. Và cũng đã 4 năm ba không có ở nhà. Nhưng cũng không sao hết vì con và cả nhà đều tin rằng ngày ba trở về sắp đến rồi.

Bốn năm trước, khi mà ba vừa mới bị bắt thì cả nhà đã rất lo vì 3 mẹ con không hề biết ba bị bắt đi đâu và lúc nào mới được gặp lại ba. Khi được thông báo là ba đang bị tạm giam tại B34 thì cả nhà liên nhanh chóng sắp xếp để đi thăm ba. Đó là lần đầu tiên con gặp ba trong một trường hợp rất đặc biệt như thế. Ngày đi thăm ba là một ngày trong tuần bình thường vì trại giam không giải quyết cho thăm gặp vào cuối tuần. Vì thế nên tụi con đã xin trường vào trễ buổi sáng để đi thăm ba với mẹ và chú Út. Lúc tới đó, con đã rất lo lắng và có một chút sợ vì con không biết là ba nhìn như thế nào. Nhưng vì là con gái lớn nên con không muốn để lộ ra là con sợ vì mẹ sẽ thấy lo hơn và cũng để củng cố tinh thần của em (lúc đó nhìn mặt em không thấy sợ sệt nên nếu con mà tỏ ra như vậy thì chắc mất mặt lắm, hehe). Sau khi làm hết mọi thủ tục và ngồi đợi được một hồi thì người ta dẫn cả nhà vào một căn phòng nhỏ để thăm ba. Ba ngồi một bên của cái bàn trong phòng, còn gia đình thì ngồi đối diện. Lúc thấy ba bước vào phòng thì con đã rất muốn khóc nhưng con cố gắng không khóc vì không muốn ba lo và vì không muốn làm cho em con khóc theo. Mẹ với ba và chú Út nói chuyện với nhau một hồi thì ba quay qua hỏi thăm tụi con. Ngay khi mà ba vừa nói xong thì con tự nhiên bật khóc sướt mướt. Nguyên một buổi con cứ nghĩ là nếu có người khóc thì em sẽ là người khóc trước. Nhưng cuối cùng thì người đó là con (thua cả em, xấu hổ quá). Sau đó thì em cũng khóc. Ba xin 2 cán bộ ngồi kèm giữa ba cho 2 đứa được vào ngồi bên cạnh nhưng không được cho phép. Vì vậy ba chỉ biết nắm chặt tay 2 đứa rồi cười cười, vui vẻ nói là 2 đứa khóc nhè, mít ướt nhìn xấu quá. Vừa cười vừa chọc xong thì ba nói với một giọng chắc chắn là ba không sao, vẫn khỏe mạnh. Nghe ba nói vậy thì 2 đứa cũng ngừng khóc nhưng mà mắt, mũi vẫn sụt sịt cho đến khi người ta thông báo là giờ thăm đã hết. Đó là lần đầu tiên cả nhà thăm ba trong trại giam nhưng cũng là lần đầu tiên và lần cuối tụi con khóc. 

Gia đình hạnh phúc

Cả nhà nhớ ba rất nhiều ba ơi. Em hay ít nói nhưng con biết là lúc nào nó cũng lo cho ba hết. Con nghe mẹ kể rằng có một lần em hỏi mẹ rằng nếu ba sắp trở về thì ba ngủ ở đâu. Vì bây giờ nhà mình đã chuyển về một căn nhà rất nhỏ, nhỏ hơn nhà cũ của mình rất nhiều. Cái gác ngủ của nhà mới vừa nhỏ vừa thấp mà còn chất đủ đồ. Em lo không biết làm sao có chỗ ngủ cho ba trên căn gác nhỏ xíu, không có điều hòa, khi mà ba đã quen ngủ trong một phòng lớn, mát mẻ. Em khá ít nói nhưng nó lúc nào cũng rất lo cho ba và mong ba về sớm. Mẹ cũng nhớ ba rất nhiều. Con nhớ có một lần đi thăm ba, mẹ đã có nói với ba rằng mẹ cảm ơn ba rất nhiều. Ba thì vốn tính hay cười nên đã cười cười hỏi mẹ là sao nói vậy. Thì mẹ đã trả lời rằng cảm ơn ba lúc nào tinh thần cũng ổn định, vững vàng và lạc quan. Bởi vì ở trong trại giam thiếu thốn nhiều thứ thì nếu như tinh thần không vững vàng thì sức khỏe cũng sẽ bị ảnh hưởng xấu. Gia đình ở bên ngoài thì không thể biết được sức khỏe của ba ra sao nên những lần đi thăm thấy ba vẫn vui vẻ, lạc quan thì mọi người đã rất là an tâm rồi. Và vì thế nên mẹ cảm ơn ba vì đã cố gắng vì gia đình. Còn con thì khỏi phải nói, con rất là khâm phục ba. Con còn nhớ trước lúc ba bị bắt, vì cả nhà mình quen ngủ chung một phòng (vì 2 đứa con gái lớn già đầu rồi mà còn sợ ma, hihi), có nhiều đêm con giật mình tỉnh dậy lúc nửa đêm hay gần sáng thì con vẫn thấy ba còn ngồi ở bàn làm việc. Con nhớ nhiều lần ba nhờ con đi nhà sách mua dùm ba một số quyển sách, có khi là quyển tự điển dày cả ngàn trang, để đêm ba ngồi “nhai” nó. Con lúc đó cũng không để ý lắm đến việc tại sao ba lại thức khuya như vậy khi một ngày đi làm đã dài rồi. Về sau con hỏi thì ba mới nói là ba đang tự học nhiều thứ. Con vẫn hay giỡn rằng vì tên ba là Thức nên ba rất giỏi ở việc thức khuya, giỡn rằng bà nội đặt tên cho ba khéo quá. Bây giờ thì con cũng muốn học nhiều thứ nhưng mà sao con thấy bắt chước ba không được. Cứ tới 1 giờ sáng là mắt con nó díu lại hết rồi, hehe. Nhưng thôi con sẽ cố gắng để học được nhiều thứ giống như ba vậy.

Đây là ngày của Ba thứ 4 mà ba đã không có ở nhà rồi. Nhưng con và cả nhà vẫn tin rằng ngày của Ba năm sau, ba sẽ có mặt ở nhà “đãi tiệc” cả nhà để chúc mừng, hehe.

Con yêu ba nhiều. Gửi đến ba 100 cái hôn từ em và con.


Trích hồi ký: TRẦN HUỲNH DUY THỨC - NHỮNG CHUYỆN CHƯA KỂ

"Đầu năm 2002, Trần Huỳnh Duy Thức bay ra Hà Nội công tác và hẹn trước với Lê Thăng Long ở đó: “Tôi đang bị thôi thúc trước một quyết định rất quan trọng nên muốn trao đổi với ông. Hãy dành cả buổi tối này nhá”. Tối đó cũng là một đêm đông, trời rất lạnh nhưng Long luôn cảm thấy mình được sưởi ấm và thôi thúc bởi nhiệt huyết của Thức. Thức bức xúc với sự thờ ơ của Bộ Bưu chính Viễn thông trước những đề nghị của công ty EIS về những công nghệ và dịch vụ mới nhằm mục đích giảm giá cước viễn thông quốc tế. Thức tin rằng viễn thông – Internet là hạ tầng tối quan trọng trong nền kinh tế tri thức, tương tự như hạ tầng giao thông trong nền kinh tế hàng hóa. Một hạ tầng kém đi kèm với giá cước cao sẽ hạn chế sự lưu chuyển của luồng thông tin và kiến thức giữa nước ngoài và Việt Nam. Từ đó sẽ đưa đất nước đến thế cô lập và bị đẩy ra ngoài luồng cơ hội của xu thế tri thức hóa nền kinh tế thế giới.

Vào thời điểm đó EIS, Inc. đang hoàn tất công nghệ điện thoại Internet với thiết kế riêng của mình và chuẩn bị thiết lập một trung tâm điều hành dịch vụ toàn cầu cho One-Connection tại Việt Nam. Tuy nhiên Bộ Bưu Chính Viễn Thông đã tỏ ra hoàn toàn vô cảm trước những kiến nghị và hồ sơ xin phép của EIS, mặc dù Pháp lệnh Bưu Chính Viễn Thông, số 43/2002/PL-UBTVQH10, ngày 25 tháng 5 năm 2002, đã có hiệu lực. Pháp lệnh khuyến khích những mô hình kinh doanh như vậy, nhưng các cơ quan liên hệ luôn trả lời là phải chờ nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh. Quan điểm vi hiến như trên là kiểu tư duy rất phổ biến của các quan chức Việt Nam.

Sau nhiều lần thúc giục và chỉ nhận được câu trả lời “chờ nghị định” mà không có khái niệm thời gian, Thức đã chọn một cách hành động khác. Thức nói với Long rằng có một giải pháp là EIS sẽ đặt trung tâm điều hành dịch vụ toàn cầu tại Singapore, từ đó có thể gây áp lực ngược trở lại trong nước để được Bộ Bưu Chính Viễn Thông cấp giấy phép sử dụng và cung cấp cho dịch vụ điện thoại Internet tại Việt Nam.

Thức ý thức được rằng làm như vậy thì EIS sẽ không có lợi đối với thị trường trong nước nhưng người dân sẽ được hưởng lợi lớn và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội giao lưu mở rộng quan hệ làm ăn ra nước ngoài nhiều hơn. Một khi điện thoại Internet hiện diện trên thị trường, nó sẽ làm cho giá cước tất cả các loại dịch vụ viễn thông Internet khác giảm nhanh chứ không chỉ có cước viễn thông quốc tế.

Thức nói: “Chúng ta phải hành động nhưng không phải vì lợi nhuận. Điều này sẽ mang lại lợi ích quá lớn cho đất nước để có thế toan tính thiệt hơn. Nếu điều này không xảy ra trong năm sau thì Việt Nam sẽ đánh mất một cơ hội lớn giống như lỡ một chuyến tàu”.

“Nhưng điều này sẽ còn gây khó khăn cho chúng ta ở các thị trường cung cấp giải pháp hạ tầng mạng viễn thông và Internet trong nước nữa.” – Long đặt vấn đề.

Thức đáp: “Chắc chắn như vậy, nhưng phải phát triển nhanh thị trường nước ngoài để bù đắp. Nhưng đó không phải điều tồi tệ nhất. Cái khiến chúng ta sẽ trả giá nhiều hơn là ở chỗ việc này sẽ làm dính dáng đến vấn đề chính trị mà lâu nay chúng ta vẫn tránh. Nó sẽ gây cho chúng ta nhiều phiền phức hơn việc phải nỗ lực làm việc nhiều hơn để mở rộng thị trường nước ngoài. Đó là điều tôi muốn ông ý thức rõ trước khi quyết định”.

Long bảo: “Tôi hiểu và sẵn sà̀ng chấ́p nhậ̣n. Làm thôi.” Và Long nói thêm: “Ông không thích nhưng lại có khiếu chính trị lắm đấy”.

Giữa năm 2002, Thức và Long hẹn gặp anh Nguyễn Mạnh Hùng và anh Hoàng Anh Xuân lúc đó là phó giám đốc và giám đốc Công ty Viễn thông Quân đội Viettel. Sau khi được giới thiệu và trực tiếp dùng thử dịch vụ điện thoại Internet bằng chính công nghệ của EIS, anh Hùng và anh Xuân rất ngạc nhiên về chất lượng cũng như khả năng mở rộng ứng dụng các dịch vụ gia tăng của loại mô hình này. Nhưng cả hai anh đều nhận định rằng Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT) sẽ tìm mọi cách để ngăn cản nó. Thức nói: “Đó chính là lý do vì sao tụi em gặp các anh để cùng nhau vượt qua sự ngăn cản đó”.

Rồi Thức và Long trình bày về ý định sẽ thiết lập trung tâm điều hành dịch vụ này tại Singapore, tổ chức khai trương ở đó và sẽ mời rộng rãi báo chí cả bên ngoài lẫn từ trong nước qua tham dự.

Thức nói tiếp: “Em tin rằng Bộ Bưu chính Viễn thông sẽ buộc phải mở ra. Điện thoại Internet sẽ là đích nhắm chiến lược đột phá đầu tiên vào sự độc quyền của VNPT đối với các loại hình dịch vụ viễn thông cho người dùng. Điều này cũng sẽ dẫn đến việc phải đưa Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông vào thực hiện”. Long tiếp lời: “Tuy nhiên khi điều này xảy ra thì tụi em sẽ không còn cơ hội đối với thị trường trong nước. Mà nếu không có các công ty viễn thông mới trong nước tập trung thúc đẩy các loại hình dịch vụ và mô hình kinh doanh mới để đối trọng với VNPT thì sự gỡ bỏ độc quyền về pháp lý cũng sẽ không có nhiều ý nghĩa”. Rồi Thức kết luận: “EIS tin rằng Viettel đủ sức để làm đối trọng như vậy nên mới chia sẻ với các anh ý định này. Tụi em sẽ xuyên thủng một lỗ nhỏ và các anh sẽ khoan phá nó ra thành một không gian rộng lớn”.

Anh Xuân khẳng định chắc nịch theo đúng kiểu của một người lính: “Vậy chúng ta cùng chiến nhé!”."

-Trích một quyển sách về Trần Huỳnh Duy Thức-


No comments:

Post a Comment

View My Stats