Saturday, 22 June 2013

CHỐNG ĐỘC TÀI HAY CHỐNG LẪN NHAU ? (Người Việt Thầm Lặng)




Người Việt Thầm Lặng
Tác giả gửi tới Dân Luận
Chủ Nhật, 23/06/2013

Trong cuộc đời, ai cũng phải đối diện với những lựa chọn. Có thể nói cuộc sống là một chuỗi những lựa chọn. Chẳng hạn khi lập gia đình, ta có nhiều người yêu nhưng trong đó ta chỉ được chọn một người duy nhất làm bạn trăm năm của mình. Khi đấu tranh cho tự do dân chủ, ta cũng phải lựa chọn một trong nhiều phương thức đấu tranh khác nhau, như bạo động hay ôn hòa? để lật đổ, để chuyển hóa hay để cải thiện chế độ? công khai, bán công khai hay bí mật? đấu tranh với ai? gia nhập tổ chức nào? v.v. Sự lựa chọn nào cũng đòi hỏi ta phải suy nghĩ nhiều ngày, có khi nhiều tháng và có thể nhiều năm.

Trước một vấn đề đòi hỏi lựa chọn thì mỗi người lựa chọn mỗi cách, tùy theo bản tính, hoàn cảnh, khả năng, quan điểm, cách nhìn vấn đề, và rất nhiều yếu tố riêng biệt khác của mỗi người. Người chọn bạn trăm năm theo tiêu chuẩn phải là người đẹp mã, có nghề nghiệp tốt hẳn nhiên có quan niệm, tính tình khác với người chọn theo tiêu chuẩn phải là người cao thượng, ôn hòa, điềm đạm. Trước những lựa chọn khác nhau như thế, không thể chỉ dựa vào đó để xác định người nào đúng người nào sai, người nào tốt người nào xấu.

Ai chọn cách nào, lựa đối tượng nào cũng đều có lý riêng của mình, hẳn nhiên lý đó nơi mỗi người mỗi khác và không hẳn ai cũng hiểu hay thông cảm được. Trong lãnh vực chính trị, người có tinh thần dân chủ thì dễ dàng chấp nhận những lựa chọn khác với mình đồng thời tôn trọng những lựa chọn ấy. Còn những người có tính độc tài độc đoán thì chỉ chấp nhận những lựa chọn nào giống mình, lựa chọn nào khác với mình thì tiên thiên là sai, dở, kém, thậm chí là xấu, đáng trách, đáng bài trừ…

Xin đan cử một trường hợp cụ thể vừa xảy ra vài tháng nay. Trước tham vọng xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam và trong tình trạng Việt Nam đang bị chế độ độc tài CSVN cai trị, có hai suy nghĩ trái ngược nhau:

– Phe A cho rằng trước hiểm họa chung cho dân tộc Việt Nam, nghĩa là cho cả người Việt quốc gia lẫn người Việt cộng sản, thì cả hai bên quốc gia lẫn cộng sản phải cùng hợp tác với nhau chống kẻ thù chung đang muốn chiếm lấy đất nước mình, nô lệ hóa dân mình. Hiểm họa bị Trung Quốc xâm chiếm lớn gấp bội hiểm họa bị chế độ CSVN cai trị, nên người Việt quốc gia phải tạm thời hợp tác với người Việt cộng sản để chống Trung Quốc Hán hóa dân tộc mình trước đã. Sau khi thoát khỏi hiểm họa đó thì chúng ta lại tiếp tục đấu tranh dẹp bỏ chế độ độc tài CSVN sau.

– Phe B cho rằng trước tiên phải tiêu diệt chế độ CSVN đã thì mới có thể chống Trung Quốc xâm lược hữu hiệu được, vì CSVN là tay sai của Trung Quốc, chúng đang âm thầm bán đứng Việt Nam cho Trung Quốc. Làm sao chúng ta có thể chống Trung Quốc được khi CSVN vẫn còn đó và sẵn sàng tiếp tay, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam? Nhất là làm sao có thể hợp tác với CSVN để cùng chống lại Trung Quốc khi CSVN luôn luôn lật lọng và sẵn sàng đâm sau lưng ta? Lịch sử cho thấy những tổ chức chính trị yêu nước hợp tác với cộng sản chống thực dân Pháp thì đều bị cộng sản lợi dụng để rồi cuối cùng bị chúng tiêu diệt.

Phe A phản bác lại rằng mình đấu tranh tiêu diệt CSVN đã mấy chục năm không thành công, mà chẳng biết đến bao giờ mới thành công. Trong khi đó, hiểm họa Trung Quốc biến Việt Nam thành một tỉnh của họ thì cận kề ngay trước mắt và lớn hơn rất nhiều so với hiểm họa bị CSVN cai trị. Nếu chờ tiêu diệt CSVN rồi mới chống Trung Quốc thì e rằng Trung Quốc đã chiếm được toàn lãnh thổ Việt Nam trước khi ta tiêu diệt được CSVN. Giữa việc đấu tranh thoát ách cai trị của Trung Quốc và việc đấu tranh lật đổ chế độ độc tài CSVN thì việc nào quan trọng và cần thiết hơn? Vì thế sự khôn ngoan đòi hỏi phải chấp nhận tạm thời hợp tác với những thành phần chống Trung Quốc trong chế độ CSVN (hiện đang càng ngày càng đông lên) để ngăn chặn kịp thời hiểm họa mất nước, đồng thời cùng họ chống lại bọn thân Trung Quốc trong hàng ngũ CSVN.

Phe B cho rằng phe A quá ngây thơ, không hiểu được bản chất của cộng sản. Cộng tác với CSVN để chống Trung Quốc thì chẳng những không chống được Trung Quốc mà còn bị CSVN tiêu diệt nữa. Như vậy chẳng phải là ngu sao?

Quả thật, đó là hai cách lựa chọn khác nhau phát xuất từ những suy nghĩ, khuynh hướng khác nhau. Hai cách lựa chọn trên, cách nào cũng có lý và đều xuất phát từ lòng yêu nước và ý chí muốn cứu nước. Sở dĩ hai phe suy nghĩ và lựa chọn trái ngược nhau vì họ nhìn vấn đề từ những khía cạnh khác nhau.

Thế nhưng điều đáng buồn và hết sức đáng trách là hai phe cùng chiến tuyến lại chống nhau mạnh mẽ chỉ vì lựa chọn khác nhau. Tệ nhất là chụp mũ nhau là thân cộng, là tay sai cộng sản, là cộng sản nằm vùng bây giờ mới lộ mặt ra. Hai phe không phe nào vì bị phe kia chỉ trích hay chụp mũ mà thay đổi lập trường. Cuối cùng thì hai phe chống nhau còn mạnh hơn và nhiều hơn là chống Trung Quốc hay chống CSVN. Điều này gây nên tình trạng chia rẽ trầm trọng giữa người Việt quốc gia với nhau. Chính mình gây thiệt hại cho lực lượng của mình vốn đã yếu mà phía địch chẳng bị thiệt hại gì.

Mục đích của bài này không phải là phân tích xem phe nào có lý hay đúng hơn phe nào, mà chỉ muốn nêu lên một sự kiện thực tế là nhiều người đã coi chuyện nhỏ quan trọng hơn chuyện lớn! coi sự khác biệt giữa những người cùng chiến tuyến lớn hơn sự khác biệt giữa người quốc gia và cộng sản! coi sự bất lợi của tình trạng bất đồng ý kiến nội bộ lớn hơn cái hại của sự chia rẽ, mất đoàn kết!

Rất nhiều trường hợp, nếu không đủ tỉnh táo, ta chỉ thấy cái lợi hay cái hại nhỏ trước mắt mà không thấy cái lợi hay cái hại lớn đằng sau gắn liền với nó. Chẳng hạn khi ta diệt cỏ thì ta diệt luôn cả lúa; khi ta thoả mãn cơn đói bằng việc ăn một thực phẩm nào đó, ta đâm ra bị bệnh do món ăn đó không an toàn vệ sinh, v.v. Tương tự như vậy, có khi ta thấy lập trường của ai đó có hại cho đại cuộc, ta tố cáo, đánh phá người đó; ta không ngờ việc đánh phá đó gây bất hoà và mất đoàn kết trong cộng đồng. Có thể cái hại do người đó gây ra cho đại cuộc thì nhỏ, còn sự chia rẽ do ta tạo ra khi đánh phá người đó còn hại cho đại cuộc nhiều hơn cái hại kia gấp bội.

Nhiều người tuy chống cộng, chống độc tài và đấu tranh cho tự do dân chủ nhưng vẫn còn tâm thức độc tài độc đoán, không chấp nhận những ai có lập trường chống cộng, chống độc tài khác với mình. Thử hỏi nếu những người này lật đổ được chế độ độc tài hiện nay thì họ sẽ lập nên thể chế nào? độc tài hay dân chủ?

Khi phải giải quyết những vấn đề có nhiều ý kiến để lựa chọn khác nhau, hẳn nhiên dân tộc nào cũng chia thành nhiều phe nhiều nhóm do có những lựa chọn khác nhau. Điều đó rất tự nhiên vì "chín người mười ý", luật đa dạng trong xã hội là như thế! Dân tộc nào chỉ nghĩ ra được một vài ý kiến để lựa chọn thôi, hẳn là dân tộc ấy kém suy nghĩ, ít người tài…

Trước nhiều ý kiến khác nhau để lựa chọn như thế, dân tộc nào biết tôn trọng sự lựa chọn khác biệt của nhau, tôn trọng cách suy nghĩ và lý lẽ của nhau, thì họ tìm cách đi đến một lập trường duy nhất bằng cách dựa theo ý kiến của đa số. Sau khi ý kiến của đa số trở thành quyết định chung, thì cả phần thiểu số cũng vui vẻ chấp nhận quyết định chung ấy là quyết định của mình.

Nhưng ngược lại, trước những lựa chọn khác biệt nhau như thế, có những dân tộc không thể thống nhất với nhau được một điều gì. Vì ai cũng cho rằng chỉ có lựa chọn của mình hay của phe mình là đúng, nên muốn ép buộc người khác, phe khác phải theo cách lựa chọn của mình. Ai suy nghĩ hay lựa chọn khác với mình hẳn nhiên là sai, phải triệt hạ, không cách này thì cách khác, không bịt miệng hay hạ bệ được thì chụp mũ, vu khống, v.v. Phe nào người nào cũng hành xử như thế thì ắt nhiên sẽ đánh phá lẫn nhau, hạ uy tín nhau, để rồi chẳng quyết định được điều gì chung. Thật đáng tiếc là dân tộc chúng ta nằm trong số này.

Địch thù muốn gây chia rẽ nội bộ những nhóm người có tâm thức như thế thật dễ dàng. Bọn nằm vùng chỉ cần nêu ra một vấn đề tế nhị nào đó có thể nhìn từ nhiều khía cạnh khác nhau, thì nội bộ những tổ chức ấy liền phát sinh nhiều phe phái tranh cãi nhau, đập nhau chí chóe tương tự như những ông thầy bói rờ voi trong dụ ngôn của Đức Phật (*).

Đứng ngoài nhìn vào, ta có thể đoán được vận mệnh của hai loại dân tộc ấy. Những dân tộc có tinh thần dân chủ biết tôn trọng sự khác biệt sẽ tạo được những thể chế dân chủ, sẽ phát sinh được những chính phủ biết tôn trọng nhân quyền. Còn những dân tộc có tâm thức độc tài không chấp nhận cho người khác được quan niệm và suy nghĩ khác với mình sẽ triền miên sống trong thể chế độc tài, vì "rau nào sâu nấy", "cây nào trái nấy" hay "dân tộc nào thể chế nấy". Thật vậy, một dân tộc có tâm thức độc tài tất yếu phải sinh ra những thể chế độc tài, không thể khác được! Những dân tộc ấy phải hy sinh biết bao xương máu mới dập tắt được chế độ độc tài hiện hành, nhưng chẳng bao lâu họ lại lập nên một chế độ độc tài khác như một điều tất yếu. Triền miên bị cai trị bởi những thể chế độc tài như thế, những dân tộc ấy không thể nào hưởng được tự do, hạnh phúc và tiến bộ như những dân tộc có thể chế dân chủ được.

Hiện nay, CSVN đang trong ở tình trạng rối beng với trăm chuyện khó khăn phải đối phó, thù trong giặc ngoài, chia rẽ nội bộ, kinh tế suy thoái, v.v. Bên ngoài thì Trung Quốc đang lăm le xâm chiếm, bên trong thì dân chúng căm hờn sẵn sàng nổi dậy… Chúng hết sức lúng túng, không biết xoay sở thế nào, chỉ biết đối phó. Nhiều việc chúng biết là hết sức bất lợi cho chính sự tồn tại của chúng, cho đất nước nhưng vẫn cứ phải muối mặt mà làm. Khả năng bị rã đám và bị lật đổ của bọn chúng rất cao.
Vì thế, bây giờ là thời điểm rất thuận lợi cho cuộc đấu tranh chống cộng, chống độc tài để dứt điểm chế độ phi nhân bán nước này. Trong nước cũng như hải ngoại, cần tập trung lực lượng vào một mũi nhọn duy nhất thì mới đủ năng lực dứt điểm chế độ này được. Chúng ta đừng để cơ hội này vuột khỏi tầm tay của mình một lần nữa. Muốn thế, mỗi người chúng ta cần thay đổi tâm thức và cách hành xử của mình, nghĩa là tập sống tinh thần dân chủ đa nguyên, biết tôn trọng suy nghĩ và sự lựa chọn của nhau trong đời sống thường ngày, trong gia đình cũng như ngoài xã hội, nhất là giữa những người đấu tranh cho tự do dân chủ với nhau. Khi cùng mẫu số chung là chống độc tài, là đấu tranh cho tự do dân chủ, thì sự khác biệt đường lối đấu tranh chỉ là chuyện nhỏ, đoàn kết lại để tạo nên sức mạnh mới là chuyện lớn. Đừng vì chuyện nhỏ mà làm hỏng chuyện lớn.

Chuyện cụ thể nhất phải làm là những người cùng chiến tuyến chống độc tài cộng sản hãy quyết tâm không đánh phá nhau, không chỉ trích nhau nữa, dù không đồng ý với nhau, hay quan điểm ngược lại nhau... Có làm được chuyện nhỏ này thì mới mong bàn đến chuyện lớn hơn được. Bằng không thì… đành bó tay, tuyệt vọng!

Người Việt Thầm Lặng.
__________________________

(*) Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn và trong Kinh Trường A Hàm của Phật Giáo, có chép dụ ngôn của Đức Phật đại lược như sau: Có một ông vua nọ muốn biết người mù nhìn sự vật ra làm sao. Vua bèn cho gọi năm anh mù đến, cho mấy anh sờ vào một con voi rồi tả cho vua nghe. Anh sờ trúng cái vòi thì nói con voi giống như vòi nước. Anh sờ trúng tai voi thì nói con voi giống như cái quạt. Anh sờ trúng bụng voi thì nói con voi giống như cái trống. Anh sờ trúng chân voi thì nói con voi giống như cột nhà. Anh sờ trúng đuôi voi thì nói con voi giống như cái chổi. Năm anh mù tả con voi theo kiểu của mình, không ai giống ai, người nào cũng cho mình đúng rồi cãi nhau um xùm làm vua vừa buồn cười vừa thương hại. Buồn cười vì anh nào cũng cho mình biết được con voi, thương hại vì các anh mù mà không biết mình mù, chỉ sờ thấy một phần nhỏ mà tưởng là mình đã thấy toàn thân con voi.

Một hình ảnh khác: hai con chó đang vui vẻ đùa giỡn với nhau, nhưng chỉ cần ai đó quăng cho chúng một cục xương, là hai con gây lộn với nhau để giành cục xương cho mình. Cục xương ở đây không chỉ là quyền lợi, mà chỉ là một vấn đề có thể gây tranh cãi, trong đó ai cũng muốn giành phần thắng về phía mình.


Mời đọc thêm:

1) Một vài góp ý cho cuộc đấu tranh chống cộng sản hiện nay:
http://nguoivietthamlang2012.blogspot.com/2013/05/gopychocuocdautranh.html


3) Nhận xét về hai phương cách đấu tranh chống cộng:
http://nguoivietthamlang2012.blogspot.com/2013/05/nhanxetve2phuongcachdautranh.html


5) Đấu tranh để chiến thắng hay để lấy tiếng?
http://nguoivietthamlang2012.blogspot.com/2013/06/dautranhdechienthanghaydelaytieng.html

6) Quay lưng với những người bỏ đảng là tự chặt tay mình
http://nguoivietthamlang2012.blogspot.com/2013/06/quaylungvoinhungnguoibodang.html




No comments:

Post a Comment

View My Stats