Wed, 06/05/2013 - 19:29 — nguyenhuuvinh
Cuộc vây bắt và đấu tranh
Một đám công an ập vào phòng, đứng phía trước là những
người mặc sắc phục, phía sau là đám không sắc phục và những nhân viên an ninh.
Máy quay tua tủa chĩa vào chúng tôi như đang chuẩn bị chứng kiến cuộc chọi
trâu. Chúng tôi có hơn 20 người, chỉ có mấy thanh niên, còn toàn ông già và phụ
nữ, cả con nhỏ. Những người biểu tình mệt mỏi sau những trận trấn áp, căng
thẳng khi đưa về trại đang ngồi nghỉ ngơi phải đứng dậy tất cả.
Các nhân viên công an đến thu tất cả ghế nhựa lại và một
viên công an mang quân hàm Thiếu tá, tên Hiếu đứng ra chỉ vào chị Nga:
- Mời chị ra đi về, vì chị có con nhỏ.
Nga lập tức đáp:
- Tại sao tôi lại bị bắt vào đây và giờ mọi người chưa
được thả thì tôi lại có thể về? Chỉ khi nào thả tất cả thì tôi về, còn con nhỏ
nhà tôi mới 5 tháng nhưng đã hai lần ở tù, nó quen rồi.
Thật sự, tôi cảm động và cảm phục chị Nga, người thường
xuyên bị quấy nhiễu, bao vây và dùng đủ mọi hình thức để khủng bố ba mẹ con phụ
nữ. Có lần chúng tôi đã phải xuống tận nơi giải cứu. Bởi trong khi đa số người
dân dù phẫn nộ vẫn không thể xuống đường, không thể đối mặt với bạo lực vì nỗi
sợ hãi và nhiều thứ ràng buộc. Thậm chí có người chỉ xuất hiện vài phút cho có,
lấy hình ảnh chém gió là chính rồi chuồn bỏ mặc tất cả khi có bạo lực xẩy ra.
Thì người phụ nữ một nách hai con nhỏ này đã đều đặn và kiên trì không vắng mặt
bất cứ chỗ nào là điểm nóng cần có người đối mặt.
Nghe chị Nga đáp vậy, anh ta chỉ một người khác:
- Tôi mời anh này đi làm việc.
Đây là một người biểu tình bị bắt vào trại này lần đầu
như tôi, tất cả đồng thanh:
- Yêu cầu anh cho biết: Làm việc gì, mời hay anh bắt?
Chúng tôi bị bắt vào đây vì tội gì?
Anh ta ngớ người trả lời:
- Tôi đại diện cho chính quyền ở đây, mời anh này đi làm
việc.
- Anh định làm việc gì mà bắt cóc chúng tôi về đây, phải
nói rõ lý do.
Ông Nguyễn Anh Dũng yêu cầu:
- Đề nghị anh nói rõ thế này: Tôi mời anh này đi làm việc
vì biểu tình chống Trung Quốc, nói rõ vậy thì chúng tôi sẽ để anh ấy đi.
Anh ta chỉ nói:
- Tôi mời anh này đi làm việc.
Nhưng mọi người không chịu. Chắc anh ta cũng còn chút
ngại chứ không như tên công an hồi nãy vênh mặt thừa nhận là tay sai Trung
Cộng. Anh ta cáu:
- Tôi nói với các anh, các anh yêu nước, tôi cũng yêu
nước nhé.
Đây là hai chữ yêu nước đầu tiên, chúng tôi nghe được từ
sáng đến giờ này từ miệng công an. Mọi người hỏi:
- Anh yêu nước sao anh bắt cóc người biểu tình chống
Trung Quốc xâm lược?
Anh ta trả lời:
- Tôi có bắt các anh các chị đâu, người khác bắt.
Tôi hỏi:
- Vậy khi bắt chúng tôi, anh có mặt ở đó không?
- Không có.
- Có biên bản vi phạm hoặc lệnh bắt không?
- Không có, thì giờ mới làm việc.
- Anh không có mặt, không có biên bản hay giấy tờ nào khi
bắt người, chúng tôi bị bắt bởi một đám người như côn đồ, không phải thuộc cơ
quan công quyền, vậy thì anh định làm việc gì?
- Thì tôi mời các anh chị lên để làm việc vì tôi được bàn
giao.
Tôi cố nhịn cười hỏi lại anh ta:
- Đây là cơ quan pháp luật chứ không phải cơ quan chính
quyền. Vì thế yêu cầu anh làm việc đúng với pháp luật quy định. Yêu cầu anh cho
biết cơ sở pháp luật nào mà các anh bắt chúng tôi về đây? Anh nói anh không
bắt, vậy thì anh mời người bắt đến đây để trả lời không chỉ cho anh, mà cho cả
chúng tôi là chúng tôi bị bắt vì lý do gì?
Anh ta không thể trả lời được và cứ cù nhầy. Nhưng cũng
ngay lúc đó, một đám khác bất ngờ xông vào bắt đi vài người. Mọi người đương
nhiên là không thể cản được hàng đống thịt đang đè vài chục mống đàn bà, con
trẻ và ông già. Đám người bắt được mấy người đưa đi thì rút ra ngoài.
Những người còn lại kiên quyết bảo vệ nhau đến cùng. Tất
cả đều đồng lòng: Đã vào đây, chúng nó có thể làm bất cứ việc gì, kể cả bắn
chết tập thể và chôn xác tại đây. Nhưng nếu chúng làm việc theo luật rừng,
đương nhiên sẽ không có ai hợp tác.
Giữa hai đợt trấn áp, tình hình lại yên tĩnh, ngồi trong
nhà nóng bức khó chịu, chúng tôi ra cửa. Một chú công an nói:
- Các bác vào nhà, đừng ra đây.
Tôi bảo:
- Các chú đây không phải tội phạm cháu ạ, và có quyền
không bị cầm tù ở đây.
- Nhưng cháu làm nhiệm vụ cũng có sung sướng gì đâu, công
an nghĩa vụ, tháng được mấy trăm thôi – anh ta đáp.
Mấy người đi cùng hỏi chú sao chọn nghề này? Chú nói:
- Các bác nói thế chứ, nghề này xấu nhưng không có công
an thì sẽ như thế nào?
- Không có nghề nào xấu cháu ạ - Tôi đáp – và cũng không
có nghề nào thiếu được trong xã hội, kể cả người chuyên môn đào huyệt, chôn xác
chết… tất cả đều cần và xã hội đều phải có người làm. Tuy nhiên vấn đề tốt hay
xấu, phụ thuộc vào chính những người làm nghề đó như thế nào mà thôi. Chẳng
hạn, công an làm đúng như nhiệm vụ là công an nhân dân, vì dân phục vụ, thì
chẳng ai ý kiến gì. Còn công an nhân dân mà lại không biết nhân dân là gì, coi
nhân dân như thù địch và chỉ biết “còn đảng còn mình” thì rõ ràng là chưa đúng.
Mà đã không đúng thì không tốt.
Đợt trấn áp thứ hai đến sau đó hơn một tiếng với số lượng
đông đúc hơn hẳn. Công an tràn ngập nhà, kèm theo là các gương mặt khá lạ và
hung dữ, kẻ khoanh tay, người đeo kính, thoáng đằng sau là tên Khương và rừng
máy quay, máy ảnh.
Mở đầu vẫn anh chàng thiếu tá Hiếu vào đề khi tất cả
chúng tôi đã đứng kết tay với nhau. Anh ta lớn tiếng:
- Bây giờ, tôi mời các anh chị đi làm việc để trả lời
chúng tôi vì sao các anh chị đến đây?
Cả đoàn người nhao nhao phản đối yêu cầu lý do mời đi làm
việc là việc gì. Trong khi đó, những viên công an xung quanh bắt đầu sấn vào
kết hợp với đám không mặc cảnh phục lôi một số người. Tình hình khá hỗn độn,
tiếng hò hét nháo nhác. Tôi nói:
- Chúng tôi có ý kiến như sau: Chúng tôi yêu cầu phải làm
việc theo Pháp luật quy định. Chúng tôi sẽ hợp tác trong khuôn khổ pháp luật.
Còn nếu dùng vũ lực trấn áp, chúng tôi phản đối đến cùng và bất hợp tác toàn
diện. Đâu có phải chúng tôi rỗi hơi kéo nhau đến đây. Rõ ràng là các anh đã bắt
cóc mà không có bất cứ một văn bản có hiệu lực nào.
Còn anh nói là để hỏi vì sao bắt chúng tôi về đây, thì các anh hỏi người bắt, chứ sao hỏi chúng tôi. Riêng tôi thì anh hỏi anh Khương đứng đây sẽ rõ vì sao. Chúng tôi phản đối việc các anh trấn áp chúng tôi tại đây và tiếp tục dùng vũ lực bắt đi một số người lúc nãy.
Còn anh nói là để hỏi vì sao bắt chúng tôi về đây, thì các anh hỏi người bắt, chứ sao hỏi chúng tôi. Riêng tôi thì anh hỏi anh Khương đứng đây sẽ rõ vì sao. Chúng tôi phản đối việc các anh trấn áp chúng tôi tại đây và tiếp tục dùng vũ lực bắt đi một số người lúc nãy.
Đến đó, tên Khương lùi ra phía sau. Thiếu tá Hiếu nói:
- Nhưng lúc nãy không phải là tôi bắt, mà là người khác
bắt, chúng tôi có nhiều bộ phận.
Thấy cách trả lời loanh quanh và dốt nát của anh ta, tôi
hỏi:
- Anh không bắt, nhưng bộ phận khác bắt? Anh vừa nói anh
đại diện chính quyền đang làm việc với chúng tôi mà một sống người không sắc
phục đã tự động vào bắt người đi, anh không can thiệp trong khi anh là công an,
thì đã đúng chưa?
Anh ta không trả lời mà chỉ nói:
- Nhưng ở đây là tôi mời các anh chị đi làm việc.
Tôi nói:
- Anh mời hay anh bắt? Mời thì chúng tôi không nhận lời
mời kiểu này. Tôi hỏi anh, chúng tôi đã là phạm nhân, đã mất quyền công dân
chưa? Chúng tôi còn được tự do không?
- Tất nhiên các anh là công dân, vẫn tự do chứ có ai làm
gì đâu.
- Vậy tại sao chúng tôi bị nhốt trong nhà và có người
canh giữ, không được tự do đi lại mà buộc phải ngồi đây? Tại sao chúng tôi bị
đặt máy phá sóng điện thoại? Như vậy quyền tự do thân thể, tự do đi lại và tự
do thông tin của chúng tôi đâu?
- Vậy bây giờ các anh yêu cầu gì?
- Chúng tôi yêu cầu: Trả ngay tự do cho chúng tôi, đưa
chúng tôi về nơi đã bắt chúng tôi đi, đền bù các thiệt hại do việc bắt bớ này
gây nên. Đồng thời khởi tố ngay những tên đã bắt chúng tôi trái pháp luật.
Anh ta không thể trả lời và cùng với bầu đoàn mới hùng hổ
xông vào lại quay trở ra.
Chúng tôi lại ngồi lại với nhau, đống ghế vừa bị dẹp ra
để cho cuộc vây bắt lại đưa về chỗ cũ, ngồi tán chuyện với nhau, chuyện nổ như
ngô rang. Chợt một thông tin đến với chúng tôi, là anh Nguyễn Tường Thụy và một
thanh niên đã bị đẩy ra ngoài. Cô bé mặc áo đỏ từ đầu đến giờ ngồi chơi với bé
Tài đưa tay làm dấu Thánh giá, tôi mới biết cô cũng là người Công giáo. Tôi
hỏi:
- Cháu ở xứ nào mà lại vào đây?
- Cháu đâu có biết hả chú, sáng dậy cháu nghe nói có biểu
tình chống Trung Quốc xâm lược nên định đi xong thì đi lễ Nhà thờ Lớn luôn. Đâu
ngờ biểu tình chống Trung Quốc xâm lược mà bị bắt tàn bạo như bắt giặc thế này.
Tôi cười bảo:
- Chống Trung Quốc xâm lược cũng có thể bị bắt cháu ạ.
Chống Trung Quốc lẽ ra thì Trung Quốc bắt mới đúng, nhưng đây là bạn vàng đã
bắt hộ Trung Quốc, thế mới là tình đoàn kết Quốc tế vô sản cháu ạ. Chỉ có điều
nó đi ngược lợi ích dân tộc, đất nước thôi. Và khi đó, nhân dân trở thành thế
lực thù địch.
Đợt trấn áp thứ ba cách đợt thứ hai khá dài, nhưng đủ các
thứ binh hùng, tướng mạnh. Đúng là “ào ào như sôi”. Thậm chí, căn phòng mà mấy
chục người chúng tôi chỉ dồn vào hết một khoảng trong tường, còn lại là công an
và các lực lượng khác đứng chật kín. Bên ngoài, đã tăng cường thêm một xe cứu
thương và nhiều xe biển xanh khác. Không khí hết sức căng thẳng và bạo lực.
Nhóm người chúng tôi kết tay nhau thành một khối.
Lại cũng Thiếu tá
Hiếu lên tiếng:
- Bây giờ, tôi nói một lần nữa, mời mọi người đi làm
việc. Nếu không nghe, chúng tôi có biện pháp cưỡng chế. Lực lượng cưỡng chế làm
việc đi.
Tiếng phản đối ầm ĩ và hàng loạt công an lao vào bắt từng
người. Tôi nói:
- Chúng tôi yêu cầu nếu làm việc, thì đặt bàn ghế tại đây
và mọi người chứng kiến. Vì tất cả ở đây đều mắc chung một tội là tội yêu nước.
Các anh định làm như thế này để làm gì? Nếu để đe dọa, thì như anh đã thấy,
chúng tôi không sợ khi chúng tôi đứng về phía chính nghĩa và không vi phạm luật
pháp. Còn nếu các anh dùng vũ lực, thì rất dễ. Ở đây chỉ có vài chục người,
không tấc sắt trong tay,chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em, các anh có thể
bắn tại chỗ và chôn chúng tôi ở đây, chẳng sao cả. Chúng tôi sẽ đi nhưng có
quyền sẽ không hợp tác vì các anh đang sai trái. Đó là ý kiến chúng tôi.
Cả đám công an xông vào cứ bốn năm người bắt một người
đi. Khi tôi bị dẫn đi qua tầng 1 phòng đầu tiên, nghe tiếng kêu thét của anh
Trương Văn Dũng và hàng loạt người không sắc phục chạy vào phòng đó, hỗn loạn
Tôi được dẫn vào một phòng ở tầng 2.
(Còn tiếp)
Hà Nội, ngày 5/6/2013.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
J.B Nguyễn Hữu Vinh
----------------------------------------------
No comments:
Post a Comment