Sunday, 16 June 2013

BIỂN ĐÔNG & TRUNG QUỐC, MỸ CHỌN AI ? (Lữ Giang)




Chi tiết
Được đăng ngày Thứ sáu, 14 Tháng 6 2013 12:51

Khi phong trào chống hàng "made in China" được phát động trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, chúng tôi có hỏi vài người đang hăng say vận động chiến dịch này : Năm 2011 hàng "made in China" được nhập vào Mỹ trên 399 tỷ USD và năm 2012 trên 425 tỷ. Vậy sự tẩy chay của cộng đồng người Việt sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với khối lượng hàng “made in China” đồ sộ này ? Quý vị sẽ làm giảm bớt được bao nhiêu tỷ dollars ?

Những con số nói trên cho thấy người Việt cần có tầm nhìn rộng lớn hơn mới có thể có hành động chính xác. Cuộc họp mặt giữa tổng thống Obama và chủ tịch Tập Cẩn Bình vừa qua cũng đòi hỏi phải có tầm nhìn vượt lên trên những suy nghĩ và hành động theo cảm tính.

Trọng tâm của cuộc họp
Trên báo New York Times ngày 8/6/2013, dưới đầu đề "Hoa Kỳ và Trung Quốc di chuyển gần hơn về khí hậu, nhưng không trên gián điệp điện toán", hai nhà bình luận Jackie Calmes và Steven Lee Myers nhận định rằng, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau gần tám tiếng đồng hồ bắt đầu từ tối thứ sáu, và tỏ vẻ như mong muốn xác định lại mối quan hệ giữa hai bên theo một phương cách có thể cho phép hai quốc gia vượt qua những khác biệt về kinh tế, chính trị và ngoại giao giữa họ, hơn là bàn về những cuộc khủng hoảng mới hay cũ có thể làm chệch hướng tiến bộ trên toàn bộ các vấn đề.

Ngay từ khi mở đầu cuộc họp, Tòa Bạch Ốc đã cho biết mục đích của cuộc họp ở đây không phải là thông báo giao dịch mới mà là để tạo ra một mối quan hệ thoải mái hơn giữa ông Obama và ông Tập Cận Bình, có thể tránh đẩy hai quốc gia vào cuộc xung đột leo thang.

Trong một cuộc phỏng vấn, bà Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ (Center for Strategic and International Studies-CSIS), đã nhận định như sau về cuộc họp không chính thức nầy : "Vấn đề quan trọng nhất là bản chất của quan hệ Mỹ-Trung. Cả tổng thống Obama và chủ tịch Tập Cận Bình đều hiểu rằng nhân dân Mỹ và Trung Quốc cũng như toàn thế giới sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nếu hai nước sa vào vết xe đổ của lịch sử, khi một cường quốc mới nổi thách thức một cường quốc đang đứng đầu thế giới và kết thúc bằng xung đột quân sự. Trong cuộc gặp tại California, hai nhà lãnh đạo đã bàn thảo về mô hình quan hệ mà hai bên mong muốn, như ông Tập Cận Bình tuyên bố với báo giới là một mối quan hệ dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi và mở rộng hợp tác".

Dĩ nhiên là trong cuộc họp này, nhiều vấn đề gay cấn cũng đã được nêu lên nhưng không đi vào chi tiết, chẳng hạn như vấn đề môi trường, vấn đề gián điệp điện tử (cyberespionage), vấn đề Bắc Hàn, vấn đề xoay trục ở Biển Đông và Hoa Đông, vấn đề mậu dịch, v.v.

Chúng ta thử phân tích một số vấn đề được coi là gay cấn nhất hiện nay.

Thằng bé chơi dại
Trong đầu năm nay, Bắc Hàn đã cho phóng hỏa tiển tấm xa, thử bom hạt nhân và dọa sẽ tấn công Nam Hàn và Hoa Kỳ bằng võ khí nguyên tử… Hôm 30/3/2013, Bắc Hàn công bố văn bản gọi là "Bản tuyên chiến toàn diện"!
Bắc Hàn không ngờ đó là những trò chơi dại. Hoa Kỳ và Nhật Bản đã vin vào các hành động đó để quyết định tái võ trang cho Nhật Bản, mục tiêu được nói là để đối phó với Bắc Hàn, nhưng trong thực tế là để chặn đứng sự lộng hành của Trung Quốc trong thời gian gần đây. Ngoài ra, những hành động của Bắc Hàn còn tạo lý do cho Hoa Kỳ tiếp tục duy trì các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nam Hàn và Okinawa.

Thấy thằng bé chơi trò tai hại, Bắc Kinh đã gọi Đại sứ Bắc Hàn tại Bắc Kinh đến để khiển trách. Sau đó ngày 22/5/2013, Bắc Hàn đã phải gởi ông Choe Ryong-hae, cục trưởng Cục Chính trị, đến Bắc Kinh để trình bày vấn đề. Hôm 25/5/2013, chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un tuyên bố Bình Nhưỡng muốn hòa bình và sẵn sàng tái tục tiến trình đối thoại với những nước chủ chốt. Bắc Hàn và Nam Hàn đã gặp nhau lại ở Bàn Môn Điếm từ ngày 12/6/2013.
Tại cuộc họp ở Sunnylands, chính quyền Obama đã hoan nghênh hành động này của Trung Quốc và nói đó là một đấu trường đầy hứa hẹn để "tăng cường hợp tác."

Chưa nơi nào bằng Trung Quốc
Như chúng tôi đã nói, từ khi giao thương với Trung Quốc đến nay, lúc nào cán cân mậu dịch của Mỹ cũng bị thâm hụt và số thâm hụt ngày càng tăng. Năm 2011, hàng "made in China" được nhập vào Mỹ trên 399 tỷ USD, trong khi Mỹ chỉ bán cho Trung Quốc được 104 tỷ, thâm hụt 295 tỷ. Năm 2012 Mỹ nhập của Trung Quốc trên 425 tỷ và bán cho Trung Quốc chỉ có 110 tỷ, thâm hụt 315 tỷ. Tại sao ?
Tại Mỹ giá nhân công và các chi phí sản xuất khác quá cao, nên nhiều công ty Mỹ đã đầu tư vào Trung Quốc để có thể sản xuất hàng với gia rẻ, rồi một phần bán ngay tại chỗ, một phần bán ra trong vùng và một phần nhập ngược về Mỹ. Trong tổng số hàng Mỹ nhập cảng hàng năm từ Trung Quốc, đa số là các hàng do Mỹ sản xuất tại Trung Quốc, chỉ khoảng 25% là hàng của Trung Quốc.

Nhưng quan hệ mậu dịch giữa Mỹ và Trung Quốc đang gặp thử thách, vì ba lý do : Lý do thứ nhất là giá nhân công ở Trung Quốc ngày càng tăng. Lý do thứ hai là Trung Quốc đã tăng thuế suất hàng nhập cảng nên hàng Mỹ khó bán vào và Trung Quốc. Lý do thứ ba là giá đồng nhân dân tệ được duy trì ở mức thấp nên hàng nhập cảng có giá cao, trong khi hàng xuất cảng lại được bán với giá thấp. Mỹ coi việc ấn định đồng nhân dân tệ ở mức thấp là một hình thức "trợ cấp xuất cảng", vi phạm hiệp ước WTO.

Vấn đề này có nêu lên trong cuộc họp, nhưng ngoại trưởng John Kerry cho biết quan hệ mậu dịch Mỹ - Trung sẽ được bàn trong tháng 7 tới đây. Nhưng vấn đề sẽ được giải quyết cách nào ?

Một số người đã đề nghị đưa các công ty Mỹ từ Trung Quốc trở về Mỹ để làm giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp ở trong nước. Ông Obama cũng đã có lần tuyên bố như vậy. Người khác cho rằng nếu Trung Quốc gây khó khăn, các công ty Mỹ có thể dời các cơ sở kinh doanh qua các nước khác có chi phí sản xuất còn rẽ hơn ở Trung Quốc, như Việt Nam hay Ấn Độ chẳng hạn. Nhưng vấn đề không giản dị.
Mỹ có hai thị trường xuất khẩu lớn là Âu Châu và Trung Quốc. Âu Châu tiêu thụ khoảng 30% hàng xuất khẩu của Mỹ, tương đương với 461 tỷ USD mỗi năm, còn Trung Quốc khoảng 26%. Nhưng trong thời gian qua, Âu Châu phải trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế quá nặng kéo theo sự suy thoái kinh tế của Mỹ, nên Mỹ phải bám vào Trung Quốc. Một thí dụ cụ thể là trường hợp của Wal Mart : sau khi sản xuất tại Trung Quốc, hãng này đã lập 200 siêu thị bán hàng ngay tại chỗ, 300 siêu thị bán ở Nhật Bản và 100 siêu thị bán ở Ấn Độ. Thị trường hàng điện toán và điện thoại tại Trung Quốc là một mối lợi lớn của Hoa Kỳ. Sản phẩm iphone và ipad đợt đầu chỉ bán ở Mỹ được 64 triệu cái trong khi đó Trung Quốc tiêu thụ đến 79 triệu cái. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy năm ngoái công ty Dell của Mỹ đã bỏ ra 100 tỷ USD để sản xuất máy điện toán tại Trung Quốc.

Trên thế giới hiện nay có nhiều nơi có giá nhân công rẻ như Phi Châu, Ấn Độ, Nam Mỹ, kể cả Mexico bên cạnh Mỹ, nhưng các công ty Mỹ đã không đầu tư ở các vùng này mà đầu tư ở Trung Quốc vì ở các vùng đó mãi lực quá kém.

Ông Ôn Gia Bảo, thủ tướng Quốc Vụ Viện của Trung Quốc, đã từng tuyên bố : "Chúng ta không có một lý do nào để kéo lui mối giao hảo Mỹ - Hoa ; trái lại, có hàng vạn lý do để các quan hệ phải chặt chẽ hơn".

Một cách cụ thể, ông Ôn Gia Bảo nói rằng khi Trung Quốc xuất cảng hàng sang Mỹ thì có hai giới được lợi lộc. Thứ nhất là các công ty Mỹ đã thiết lập nhà máy sản xuất ở Trung Quốc sẽ kiếm thêm lời ; thứ nhì là người tiêu thụ ở Mỹ được mua hàng hóa với giá rẻ.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thấy như thế nên họ không sợ Mỹ bỏ Trung Quốc.

Biển Đông : vấn đề gây cấn
Bản tin của đài VOA ngày 8/6/2012 cho biết, theo bản tường trình của thông tín viên đài VOA là bà Natalie Liu, mối quan tâm chính của Trung Quốc là sự chú trọng mới trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ về vùng Châu Á-Thái Bình Dương - thường được gọi là "trục xoay" - nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Như chúng ta đã biết, tham vọng hiện nay của Trung Quốc là làm chủ cả Biển Đông lẫn Biển Hoa Đông. Trung Quốc nghĩ rằng khi Mỹ có quyền độc chiếm Trung Đông thì Trung Quốc cũng có quyền độc chiếm Biển Đông, vì Trung Quốc cũng là một cường quốc. Để giảm bớt sự lộng hành của Trung Quốc, Hoa Kỳ tuyên bố quay trở lại Á Châu. Vấn đề là Hoa Kỳ đang làm chơi hay làm thật ?

Về kinh tế, Hoa Kỳ hô hào triển khai "Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương" (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement - viết tắt TPP). Nhưng đây chỉ là mới một hoài vọng. Các quốc gia trong khu vực này nhỏ lớn và nghèo giàu cách nhau quá xa nên rất khó trở thành một thị trường chung như Âu Châu. Một thí dụ cụ thể là khu vực ASEAN được thành lập từ năm 1992, nhưng đến nay có 4 nước là Việt Nam, Lào, Campuchia và Miến Điện vẫn chưa thể gia nhập được. Trong khi đó hầu hết các thành viên của khối này lại ký hiệp ước làm ăn riêng với Trung Quốc !
Về phương diện pháp lý, ngoài Philippines ra, các nước khác khi hành xử tố quyền chưa chắc ai thắng ai. Đừng nghe những người không phải là chuyên gia nói mà tưởng bở. Philippines cũng đang gặp khó khăn. Phi không thể kiện Trung Quốc trước Tòa Án Quốc Tế, vì muốn được tòa này thụ lý, hai bên phải cam kết thi hành phán quyết của tòa, nhưng Trung Quốc không cam kết nên Tòa không thể xử được. Phi phải kiện trước Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế. Trước tòa án này, nếu Trung quốc không tham dự, tòa sẽ xử khuyết tịch. Nhưng một khó khăn khác lại xảy ra : Giả thiết tòa xử Phi thắng nhưng Trung Quốc không thi hành phán quyết của Tòa, Phi phải làm thế nào ? Phi phải nhờ Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc can thiệp. Nhưng tại đây Trung Quốc có quyền phủ quyết nên vấn đề lại bế tắc. Như vậy phán quyết của Tòa Án Trọng Tài chỉ có giá trị xác định những nguyên tắc căn bản mà thôi, không có giá trị cưỡng hành.

Về quân sự, chúng ta mới chỉ thấy hai biến cố : Biến cố thứ nhất là Hoa Kỳ tuyên bố tăng cường căn cứ quân sự ở Úc. Biến cố thứ hai là ủng hộ Nhật tái vũ trang. Hoa Kỳ có hiệp ước bảo vệ Philippines năm 1951, nhưng Phi vẫn nghi ngờ sự can thiệp của Hoa Kỳ khi có cuộc đụng độ với Trung Quốc. Hoa Kỳ có thể viện dẫn không có sự cho phép của Quốc Hội để từ chối hành động.

Để bảo vệ vùng đặc khu kinh tế 200 dặm của Việt Nam, Hà Nội đã gạ mua hỏa tiễn tầm trung của Nga, nhưng Nga không bán. Hà Nội gạ Ấn Độ, Ấn Độ cũng từ chối. Hà Nội phải gạ Mỹ, Mỹ đòi thực thi nhân quyền. Trong thực tế, không nước nào muốn bán hỏa tiễn tấm trung cho Việt Nam vì không muốn làm mất lòng Trung Quốc.

Hiện nay Trung Quốc chỉ muốn Việt Nam công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Để đổi lại, Trung Quốc sẽ dành cho Việt Nam một số khu vực trên Biển Đông để khai thác. Khi vấn đề chưa giải quyết, nếu Viêt Nam im lặng, Trung Quốc sẽ để cho khai thác một số khu vực. Nếu Việt Nam ồn ào, Trung Quốc sẽ xiết nhỏ vùng đánh cá lại. Nếu Việt Nam cứ cho ngư dân ra khơi, Trung Quốc cho "tàu lạ" (tàu không số, không bảng cờ) húc... Trung Quốc đang xử dụng lý của kẻ mạnh.

Trong cuộc họp với bộ trưởng quốc phòng Philippines là Voltaire Gazmin hôm 7/6/2013, đô đốc Samuel Locklear III, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ khẳng định : "Mỹ trung lập ở Biển Đông". Ông bày tỏ mối lo ngại về những gì đã và đang diễn ra trong khu vực.Ôngcam kết thực hiện chính sách tái cân bằng ở Châu Á của Hoa Kỳ, bao gồm các khía cạnh chính trị - kinh tế và ngoại giao. Ông nhấn mạnh Mỹ phản đối bất cứ hành động đơn phương nào làm thay đổi hiện trạng khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Nhưng đó chỉ là những lời cam kết suông.

Giải pháp hiện nay là tiến tới hoàn thành một "Quy tắc Hành Xử" (Code of Conduct-COC) ở Biển Đông. Nhưng qua hội nghị thường niên về An Ninh Khu Vực Châu Á Thái Bình Dương ở Singapore vừa qua với cái tên là "Đối thoại Shangri-La", chúng ta thấy kết quả vẫn chưa đi tới đâu, vì không có sự đồng thuận của Trung Quốc.

Mỹ khó bỏ Trung Quốc
Các nhà phân tích nói ông Tập Cận Bình muốn có cuộc họp không chính thức vừa qua là để khẳng định dấu ấn về chính sách đối ngoại của mình, đó là xây dựng mối quan hệ "siêu cường kiểu mới" với Mỹ, tức thực hiện "Giấc mơ Trung Quốc".

Trong cuộc gặp gỡ hôm 7/6/2013, tổng thống Obama nói : "Mỹ hoan nghênh sự vươn lên của Trung Quốc. Trên thực tế, sự phát triển của Trung Quốc cũng là lợi ích của Mỹ. Mỹ tin tưởng rằng, một Trung Quốc hòa bình, thịnh vượng và ổn định không chỉ tốt cho Trung Quốc mà còn cho cả Mỹ và cộng đồng quốc tế".

Ông Tập Cận Bình trả lời : "Tôi và tổng thống Obama gặp nhau để vạch ra tương lai cho quan hệ Trung-Mỹ và thiết kế kiểu quan hệ mới. Năm ngoái khi tới thăm Mỹ tôi đã từng nói, Thái Bình Dương rộng lớn đủ không gian dung nạp cả hai nước lớn Trung - Mỹ chúng ta, và bây giờ tôi vẫn cho là như vậy" (Tân Hoa Xã ngày 8/6/2013).

Trước đó, trong cuộc họp về Đối thoại Shangri-La ở Singapore, phó tổng tham mưu trưởng Trung Quốc Thích Kiến Quốc tuyên bố : "Tranh chấp Biển Đông để đời sau giải quyết".

Philippines thấy rõ vấn đề Biển Đông hơn người Việt ở hải ngoại. Trên tờ Malaya Business ngày 10/6/2013, bà Ellen Tordesillas, một nhà phân tích kỳ cựu của Philippines đã nhận định : "Mặc dù Mỹ muốn ngăn chặn thế lực của Trung Quốc, nhưng nước này sẽ không muốn làm kẻ thù của người khổng lồ Châu Á. Họ cũng không muốn bị lôi kéo vào cuộc chiến giữa Philippines và Trung Quốc".

Trung Quốc cũng đã chính thức thông báo nhận lời mời của Mỹ tham gia cuộc tập trận mang tên "Vành đai Thái Bình Dương" (Rim of the Pacific Exercise-RIMPAC) vào năm 2014.

Lữ Giang (13/6/2013)


No comments:

Post a Comment

View My Stats