Suzanne Maloney
Foreign Affairs, 16/6/2013
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
22/06/2013
Hôm thứ Sáu 14/6/2013, người dân Iran đi bỏ phiếu bầu
tổng thống mới. Ứng cử viên 64 tuổi Hassan Rouhani của phe chủ trương cải cách
bất ngờ dễ dàng vượt qua các ứng cử viên của phe bảo thủ thân cận với Lãnh tụ
Tối cao Ayatollah Ali Khamenei như Mohammad Bagher Ghalibaf, Ali-Akbar
Velayati, và Saeed Jalili. Trong bài viết sau đây trên tạp chí Foreign
Affairs ngày 16/6/2013, Suzanne Maloney, Nghiên cứu viên cao cấp ở Trung
tâm Saban về Chính sách Trung Đông thuộc Viện Brookings, phân tích lý do thắng
cử của Rouhani và vai trò của Khamenei, đồng thời đưa ra nhận định về triển
vọng vị tổng thống chủ trương ôn hòa mới đắc cử của Iran có thể dùng tài ngoại
giao của mình để tạo biến chuyển lịch sử trong cuộc tranh chấp hạt nhân giữa
Iran và Mỹ, và cách Mỹ nên ứng phó với thay đổi này.
*
*
Cách đây bốn năm, sau khi Tổng thống Iran Mahmoud
Ahmadinejad tái đắc cử một cách đáng ngờ, đường phố Iran tràn ngập biển người
biểu tình đòi biết chuyện gì đã xảy ra với lá phiếu của họ. Cuối tuần vừa qua,
cử tri cuối cùng đã có được câu trả lời của họ – và một lần nữa họ lại đổ ra
tràn ngập đường phố khắp nước. Nhưng lần này họ ăn mừng khi chính phủ khẳng
định rằng Hassan Rouhani, ứng cử viên tổng thống đã vận động tranh cử bằng
những lời hứa cải cách và tái mở cửa với thế giới, đã giành được thắng lợi áp
đảo.
Việc bầu chọn Rouhani, một giáo sĩ chủ trương ôn hòa rất
gần gũi với giới chóp bu quyền lực kể từ sau cuộc cách mạng năm 1979, là sự kết
thúc tốt lành bất ngờ của kỷ nguyên Ahmadinejad. Rouhani là một người thực dụng
thẳng thắn, có nhiều kinh nghiệm xoay xở trong chế độ thần quyền của Iran. Ông
đủ khôn ngoan để không sa vào cuộc thâu tóm quyền lực kiểu như Ahmadinejad. Và
với tư cách là một giáo sĩ, ông xoa dịu những nỗi lo sợ của tầng lớp tôn giáo
của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Ông đề cao chủ trương cải cách trong chiến dịch
tranh cử, nhưng sẽ không đi chệch quá xa những nguyên tắc của chế độ này, trong
đó nguyên tắc hàng đầu là vị thế thống lĩnh độc tôn của Lãnh tụ Tối cao. Trong
khi đó, việc Rouhani tập trung vào những tác hại kinh tế do cách quản lý sai
lầm của Ahmadinejad phù hợp ý nguyện của phe chủ trương truyền thống của chế độ
cũng như ý nguyện của dân chúng xơ xác sau một thập niên sống trong cảnh khó
khăn và bị đàn áp ngày càng tăng. Nhìn chung, vị tổng thống mới có thể được ủng
hộ nhiều hơn bất cứ ai trong lịch sử hậu cách mạng của Iran. Đó sẽ là một lợi
thế quan trọng khi ông tìm cách lèo lái đất nước ra khỏi cảnh bị cô lập và
khủng hoảng kinh tế.
Bước vào cuộc bầu cử, dường như ít ai nghĩ tới khả năng
Rouhani thắng. Người ta cho rằng ứng cử viên được phe bảo thủ ưa chuộng là
Saeed Jalili, một quan chức sùng đạo và nghiêm trang đã được bổ nhiệm làm
trưởng đoàn đám phán hạt nhân cách đây sáu năm. Những phẩm chất chính của Jalili
cho chức vụ tổng thống là địa vị “thánh sống” (ông từng mất một chân trong cuộc
chiến tranh với Iraq), cái trán bạc màu của ông (nhờ mẫn cán cầu nguyện), và
được Ayatollah Ali Khamenei vun đắp trong mười năm qua. Thật dễ hiểu tại sao
Jalili được xem là ứng cử viên hàng đầu: nói chung ông là một phiên bản hoàn
thiện hơn của Ahmadinejad, một nhân vật theo đường lối cứng rắn thuộc thế hệ
trẻ hơn và bày tỏ cam kết trọn vẹn đối với các lý tưởng của cách mạng nhưng lại
hoàn toàn quỵ lụy trước Khamenei do thanh thế còn hạn chế trên toàn quốc.
Ngược lại, Rouhani ban đầu chỉ tạo chút ít phấn khởi
trong nước, và thậm chí còn ít được chú ý hơn ở nước ngoài, mặc dù nhận được sự
tán thành ngầm của Ali Akbar Hashemi Rafsanjani, người trung gian dàn xếp quyền
lực hàng đầu của Iran. Vì hiện tại giới giáo sĩ quá mất lòng dân ở Iran, và vì
phe chủ trương cứng rắn gần như không ngừng chê bai thành tích của Rouhani về
vấn đề hạt nhân, triển vọng đắc cử của ông dường như rất mờ mịt. Hơn nữa, trong
trường hợp hiếm hoi nếu chiến dịch tranh cử của ông thực sự tạo gây được tiếng
vang, dường như phe chủ trương cứng rắn chẳng ngần ngại bằng mọi giá vô hiệu
hóa một mối đe dọa tiềm tàng.
Nhưng khi nhìn lại, có thể dễ dàng thấy rằng Rouhani có
một số yếu tố thuận lợi cho ông. Thứ nhất, chiến dịch tranh cử của ông sắc sảo
hơn nhiều người công nhận. Ông vận động chống lại một số điều cấm kỵ của chế
độ, ví dụ hứa thả các tù nhân chính trị. Ngoài ra, trong một phát biểu rõ ràng
muốn nhắc tới Mir Hossein Mousavi và Mehdi Karroubi, hai ứng cử viên chủ trương
cải cách đã bị bắt sau cuộc bầu cử năm 2009, ông nói ông cũng sẽ trả tự do cho
tất cả những người hiện đang bị quản thúc tại gia. Rouhani đấu khẩu kịch liệt
với trưởng ban tranh cử của Jalili, và qua mặt các cơ quan truyền thông nhà
nước bằng cách tung ra một đoạn video đầy thuyết phục nhấn mạnh kinh nghiệm của
ông trong cuộc chiến với Iraq (ông nằm trong Hội đồng Quốc phòng Tối cao, là ủy
viên Hội đồng Cao cấp Hỗ trợ Chiến tranh, và tư lệnh Lực lượng Phòng không
Iran, cùng với nhiều vai trò khác). Chiến dịch tranh cử mạnh bạo của ông đã thu
hút sự chú ý của dân chúng Iran bất mãn chế độ, rốt cuộc họ bắt đầu đổ xô đi dự
những cuộc mít-tinh của ông.
Rouhani cũng hưởng lợi từ liên minh vô tiền khoáng hậu
giữa phong trào cải cách đang gặp khó khăn và phái trung hữu (Rouhani, cũng như
Rafsanjani, thường được xem là thuộc phái này). Sự chia rẽ giữa hai phái này có
từ những năm đầu của cách mạng. Sự chia rẽ này càng sâu sắc hơn sau khi phe cải
cách lên nắm quyền vào năm 1997, khi Mohammad Khatami, người dẫn đầu phong trào
cải cách, đắc cử tổng thống trong một thắng lợi bất ngờ. Hiện nay, bằng cách
liên kết với phe trung hữu, phe cải cách tìm được lối thoát ra khỏi sa mạc
chính trị mà họ mỏi mòn chịu đựng kể từ khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của
Khatami. Bằng cách liên kết với phe cải cách, Rouhani tận dụng được nỗ lực mạnh
mẽ kêu gọi dân chúng đi bỏ phiếu, và thuyết phục được Mohammad Reza Aref, ứng
cử viên phe cải cách duy nhất được chấp thuận, rút lui khỏi cuộc đua. Ngược
lại, phe bảo thủ vẫn còn chia rẽ, không bao giờ hợp nhất xung quanh một ứng cử
viên duy nhất. Nếu đoàn kết được, ít nhất phe bảo thủ cũng khiến cuộc bầu cử
bước vào vòng bỏ phiếu lại.
Dĩ nhiên, lợi thế lớn nhất của Rouhani là tâm lý bất mãn
cay đắng của người dân Iran. Họ đã chứng kiến đồng tiền rớt giá, sự trở lại của
những biện pháp thắt lưng buộc bụng chưa từng thấy kể thời Chiến tranh
Iran-Iraq, và mất dần các quyền cơ bản và quyền tự do trong tám năm qua. Việc
họ lại sẵn sàng hy vọng, ngay cả sau nỗi thất vọng ghê gớm của cuộc bầu cử năm
2009, nhấn mạnh quyết tâm lớn lao nhằm thực hiện thay đổi trong hòa bình và
phát triển các thể chế dân chủ.
Tất cả những điều này có thể lý giải tỉ lệ đi bỏ phiếu rất cao vào ngày bầu
cử và thắng lợi áp đảo của Rouhani. Nhưng chúng không giải thích được tại sao
Khamenei tránh dùng tới mánh khóe lừa bịp như trong kỳ bầu cử 2009 và tại sao
ông chấp nhận kết quả này.
Một cách lý giải là Ayatollah đã tính toán sai và một lần
nữa không lường trước được tình hình khi thanh thế của Rouhani tăng nhanh trong
giai đoạn tranh cử mà không có dấu hiệu báo trước. Quả thực, có thể Khamenei
thực sự kỳ vọng người dân Iran sẽ bỏ phiếu cho các ứng cử viên bảo thủ. Suy cho
cùng, phe bảo thủ đã nắm mọi quân bài ở Iran từ năm 2005; họ thống lĩnh các thể
chế của đất nước và áp đặt các điều kiện của cuộc tranh luận. Do những nhà cải
cách hàng đầu bị giam cầm hoặc sống lưu vong, không ai nghĩ rằng các động lực
thay đổi lại có thể hồi sinh một cách mạnh mẽ như vậy. Khi những kỳ vọng của
ông tỏ ra sai lầm vào thứ Sáu tuần rồi, có lẽ Khamenei không muốn lặp lại tình
huống năm 2009.
Tuy nhiên có một khả năng khác có thể giải thích rõ hơn
thái độ chấp nhận lạ thường của Khamenei đối với chiến dịch tranh cử sắc nét
của Rouhani và đối với cuộc tranh luận khác thường diễn ra giữa tám ứng cử viên
tổng thống còn lại trên đài truyền hình nhà nước chỉ một tuần trước ngày bầu
cử. Trong cuộc tranh luận đó, một cuộc trao đổi về các vấn đề chính sách đối
ngoại nói chung đã bất ngờ biến thành một cuộc nổi loạn về vấn đề hạt nhân. Ứng
cử viên Ali Akbar Velayati, thuộc dòng dõi bảo thủ của chế độ, chỉ trích Jalili
vì đã không đạt được một thỏa thuận hạt nhân và để cho những cấm vận được Mỹ
ủng hộ chống Iran tăng lên.
Cuộc thảo luận thẳng thắn đáng ngạc nhiên diễn ra sau lời
công kích của Velayati bộc lộ sự thật là giới chóp bu thủ cựu của Iran nhận
thức được rằng chế độ ngày càng dễ bị tổn thương. Điều đó có thể được hiểu như
một sự can thiệp – sự can thiệp do phe ủng hộ tích cực nhất của chế độ khởi
xướng và nhằm để cứu vãn chế độ bằng cách công nhận những tình cảnh hiểm nghèo
của nó và cổ xúy chủ nghĩa thực dụng (thay vì chủ nghĩa giáo điều của Jalili).
Cuộc thảo luận đó cũng là sự công nhận rằng đời sống lầm than của người dân
Iran do cấm vận tạo ra hiện nay không thể còn xoa dịu được bằng trò phô trương
rỗng tuếch về hạt nhân hay thậm chí kêu gọi theo chủ nghĩa dân tộc tôn giáo.
Do đó, có thể hình dung rằng sự hào phóng bất ngờ của
Khamenei, trong đó có lời thỉnh cầu phút chót của ông kêu gọi mọi người dân
Iran – kể cả những người không ủng hộ Cộng hòa Hồi giáo – đi bỏ phiếu, là có dự
tính trước. Nếu vậy, những ai xem việc bầu chọn Rouhani là sự lặp lại thắng lợi
chính trị đáng kinh ngạc của Khatami năm 1997 là đã nhận định sai. Trái lại,
thắng lợi của Rouhani gợi nhớ lại sự thay đổi đột ngột của Khamenei vào năm
1988 và 1989, khi ông giao cho Rafsanjani, một người thực dụng, trách nhiệm
chấm dứt chiến tranh với Iraq, rồi giúp cho Rafsanjani thắng cử tổng thống để
ông có thể dẫn dắt chương trình tái thiết hậu chiến. Giờ đây, cũng như lúc đó,
Khamenei không hề hy sinh vô hạn. Có lẽ cho phép Rouhani là cách ông tạo điều
kiện cho một người chủ trương hòa giải hàn gắn những mối quan hệ rạn nứt của
Iran với thế giới và tìm ra cách giải quyết cuộc tranh chấp hạt nhân để tạo
điều kiện cho đất nước phục hồi xuất khẩu dầu hỏa và khôi phục thương mại bình
thường.
Hẳn nhiên điều đó không có nghĩa là Rouhani có chặng
đường dễ dàng trước mắt. Ông phải vận động được sự ủng hộ của phe chủ trương
cứng rắn và tranh thủ được ít nhất là sự hậu thuẫn ngầm tiếp tục của Khamenei.
Làm như vậy, ông sẽ phải khắc phục được một thập niên bất mãn. Trong thời gian
làm trưởng ban đàm phán hạt nhân, Rouhani đã đưa ra nhượng bộ nghiêm túc duy
nhất mà Cộng hòa Hồi giáo từng có đối với các tham vọng hạt nhân của mình: tạm
ngưng nhiều năm các hoạt động làm giàu [uranium], điều này đã chấm dứt ngay
trước khi Ahmadinejad nhậm chức.
Nước cờ đó đã khiến Rouhani đón nhận cơn cuồng nộ không
ngừng từ phe chủ trương cứng rắn, trong đó có Khamenei. Khamenei phê chuẩn thỏa
thuận đó nhưng chỉ mới mùa hè năm ngoái còn công khai phê phán đường lối ngoại
giao hạt nhân của Rouhani. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người Iran – dường như có
cả nhiều người trong giới chóp bu thủ cựu – khâm phục khả năng của ông trong
việc xoay xở được một thỏa thuận khả thi với thế giới về vấn đề hạt nhân. Do
vậy, việc ông đắc cử tổng thống cho thấy có thể sắp có một biến chuyển mang
tính lịch sử về cách tiếp cận của Iran đối với thế giới và đối với tình thế bế
tắc về hạt nhân. Song, để vượt qua những ác cảm từ lâu của phe bảo thủ và để
xúc tiến kế hoạch thay đổi của ông trong văn hóa chính trị xảo quyệt của Iran,
Rouhani sẽ cần có sự ủng hộ rõ ràng và không lay chuyển của Khamenei, điều mà
từ trước tới nay Lãnh tụ Tối cao chỉ ban cho một tổng thống trong 25 trị vì của
mình: đó là Ahmadinejad, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên.
Trong khi đó, đối với Washington, cuộc bầu cử này khẳng
định mạnh mẽ rằng chiến lược của Mỹ đang có tác dụng, ít nhất là ở một điểm nào
đó. Kết quả này khẳng định rằng bên trong Cộng hòa Hồi giáo có ý chí chính trị
mong muốn đạt được một thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, ngay cả dưới quyền lãnh
đạo của một tổng thống ôn hòa hơn, vấn đề hạt nhân sẽ không được giải quyết
ngay, và chính trường chia rẽ của Iran vẫn còn gay go như từ trước tới nay. Để
khắc phục tâm lý nghi ngờ ăn sâu (và không phải hoàn toàn không có lý do chính
đáng) đối với người có quyền ra quyết định cuối cùng của Iran, Mỹ sẽ cần phải
kiên nhẫn. Ví dụ, Mỹ cần phải hiểu rằng Rouhani sẽ cần chứng tỏ với người dân
Iran rằng ông mang lại các thành quả hữu hình cho các cuộc thương lượng ngoại
giao. Như vậy có nghĩa là Washington nên sẵn sàng giảm cấm vận đáng kể để đổi
lại bất cứ nhượng bộ nào về vấn đề hạt nhân. Washington cũng sẽ phải hiểu rằng
Rouhani có thể đương đầu với những hạn chế thật sự khi tìm cách giải quyết cuộc
tranh chấp hạt nhân mà không làm tăng tâm lý nghi ngờ của phe chủ trương cứng
rắn. Và đồng thời, chính quyền Obama sẽ phải có nước đi thận trọng, vì nếu tỏ
ra quá hồ hởi và mạnh bạo thì sẽ làm giảm vị thế trong nước của Rouhani.
Nói cách khác, con đường thoát khỏi cảnh bị cô lập và
khủng hoảng kinh tế đầy bất trắc, nhưng vị tổng thống mới của Iran, người đôi
khi được gọi là “ông hoàng ngoại giao”, rất có thể là người thích hợp ở thời
điểm thích hợp để đi trên con đường đó.
thực ra đây cũng chỉ là những thông tin được lấy từ trên mạng mà thôi, còn tình hình thực tế như thế nào thì chúng ta có ở iran đâu mà biết được vì vậy những thông tin kiểu này hoàn toàn là những thông tin mang tính chất tham khảo mà thôi, không có nhiều tác dụng lắm
ReplyDeletenhững việc liên quan dến iran và triều tiên luôn được cộng đồng thế giới hết sức quan tâm sâu sắc đây chính là hai điểm nóng của thế giới trong thời gian vừa qua, đó là điều không lấy gì làm tốt đẹp, hi vọng có lãnh đạo mới thì mọi việc sẽ trở lên tốt đẹp hơn
ReplyDeletenếu lãnh đạo mới lên mà làm tình hình có nhiều thay đối theo hướng tích cực thì mới có ý nghĩa chứ còn không có thay đổi gì nhiều thì cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì cả cũng chỉ là bình mới rượu cũ mà thôi, cả cộng đồng quốc tế đang hướng về iran với nhiều chờ đợi
ReplyDelete