Saturday 8 June 2013

BẢN ĐIỀU TRẦN CỦA ÔNG DANIEL BAER về QUAN HỆ SONG PHƯƠNG MỸ-VIỆT (Testimony – Daniel Baer)




Testimony – Daniel Baer
Nguồn: State.gov

Bản dịch của Nguyễn Thanh Thủy

Bản điều trần của ông Daniel Baer, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, về quan hệ Việt – Mỹ

Video:

Ngày 5/6/2013 – Văn bản trình bày của Daniel Baer.
Phó Trợ lý Ngoại trưởng, Vụ Dân chủ, Nhân quyền và Lao động.

Tại Tiểu ban Châu Á – Thái Bình Dương, Ủy ban Đối ngoại.
Washington, DC.

Thưa ngài Chủ tịch và các thành viên Uỷ ban, cảm ơn quý vị đã tổ chức buổi điều trần ngày hôm nay. Chúng tôi đánh giá cao mối quan ngại của quý vị về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, và chúng tôi vẫn đang đang hối thúc chính phủ về những cải cách cần thiết.

Gần đây, Bộ Ngoại giao đã gửi đến Quốc hội cả bản Báo cáo Quốc gia về Thực thi Nhân quyền và bản Báo cáo về Tự do Tôn giáo Quốc tế. Hai bản báo cáo này đều do vụ của tôi chuẩn bị với sự hợp tác của các đồng nghiệp trên khắp thế giới; chúng sẽ cung cấp một bức tranh chi tiết về những dữ kiện giúp lý giải mối quan ngại của chúng ta về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Tôi xin giới thiệu hai bản báo cáo này tới quý vị.

Tháng Tư vừa qua, tôi dẫn đầu một phái đoàn đến Việt Nam, đoàn bao gồm các đại đại diện đến từ Nhà Trắng và Bộ An ninh Nội địa để tham gia cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt. Chúng tôi đã nhấn mạnh với phía Việt Nam rằng năm 2013 là một cơ hội cho chính phủ Việt Nam lựa chọn cải thiện thành tích nhân quyền, chúng tôi cũng đã trình bày chi tiết về một số những lĩnh vực cấp bách mà họ cần bắt tay vào.

Chúng tôi đánh giá cao những bước đi tích cực như việc phóng thích (kèm theo một số hạn chế) nhà hoạt động Lê Công Định, tạo thuận lợi cho cuộc viếng thăm của một tổ chức nhân quyền quốc tế, và sự gia tăng khiếm tốn trong việc đăng ký hoạt động tôn giáo ở Tây Nguyên. Chúng tôi hoan nghênh các cuộc thảo luận giữa chính quyền và Vatican, đồng thời hoan nghênh những chuyển biến tích cực và triển vọng về nhân quyền của những người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới (LGBT). Chúng tôi vẫn đang quan sát, với sự quan tâm đặc biệt, làn sóng ý kiến đóng góp về bản dự thảo Hiến pháp và cảm thấy được khích lệ bởi quyết định kéo dài thời gian góp ý của chính quyền. Bây giờ là lúc giới chức cầm quyền cần thể hiện trách nhiệm, xem xét nghiêm túc những ý kiến đóng góp này và đưa những mối quan tâm của công dân vào trong nội dung bản Hiến pháp sửa đổi.

Song các bước đi này vẫn chưa đủ để đảo ngược xu hướng nhiều năm thụt lùi. Và những bước tiến tích cực và biệt lập này cũng chưa hình thành nên một mô hình nhất quán. Ngày càng nhiều blogger bị sách nhiễu và bỏ tù vì những phát ngôn ôn hoà trên mạng Internet và các nhà hoạt động thường xuyên sống trong tình trạng bất trắc – các nhà hoạt động như Nguyễn Văn Đài Phạm Hồng Sơn, những người đã bị nhà chức trách ngăn gặp tôi tại Hà Nội.

Tình hình nhân quyền phản ánh tình trạng thiếu công bằng có tính hệ thống, tác động đến mọi mặt của mối quan hệ. Tôi xin phác hoạ một số những quan ngại của chúng tôi.

Nhiều trong số hơn 120 tù nhân chính trị Việt Nam đang bị tù đày chỉ vì họ thực hành quyền sự do ngôn luận của mình. Ông Cù Huy Hà Vũ, mà vợ của ông tôi đã gặp ở Hà Nội, đã công khai phê phán nạn tham nhũng gắn với hoạt động khai thác bau-xit và bị kết án 7 năm tù. Bà Tạ Phong Tần đang ngồi tù vì viết bài trên mạng về sự suy đồi của công an. Nguyễn Văn Hải, tức Điếu Cày, người từng thể hiện quan điểm trên mạng một cách ôn hoà và phản đối chính sách của nhà nước với Trung Quốc, hiện đang thụ án 12 năm tù giam. Chính quyền coi những người này là mối đe doạ, một mối quan ngại về an ninh quốc gia – một lời cáo buộc thiếu cơ sở khi quý vị ngồi trao đổi với những cá nhân như Cha Lý, người mà tôi đã có dịp được gặp trong nhà lao. Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương Nguyễn Hoàng Quốc Hùng đã bị bắt tháng 2 năm 2010 khi phát tán tờ rơi kêu gọi các quyền dự do dân chủ. Nhóm công tác Liên hợp quốc về Giam giữ Tùy tiện đã khuyến nghị việc phóng thích họ.

Sự phát triển của một đất nước hiện đại, thành công và công bằng đòi hỏi sự tự do thông tin – sự trao đổi ý kiến và sáng kiến. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tìm cách kiểm soát thông tin, ngay cả khi sự kiểm soát đó ngày càng vuột ra khỏi tay họ. Chúng tôi rất quan tâm đến các chính sách ngăn chặn, hacking và theo dõi internet của Việt Nam, cũng như việc giam giữ blogger của họ. Dự thảo quy định về quản lý nội dung internet lại tìm cách hạn chế thêm dòng thông tin trên mạng.
Tuy nhiên, mức độ thâm nhập internet ở Việt Nam đang ngày càng phát triển, và đất nước này đã chứng kiến hiện tượng bùng nổ của những blog vẫn đang thu hút đông đảo người Việt Nam có đầu óc cải cách – bao gồm Dân LuậnThông Tấn Xã Vàng Anh. Những website mang tư tưởng cải cách khác như Anh Ba Sàm là đối tượng bị hack và làm cho tê liệt.

Một điệp khúc mà tôi thường nghe mỗi khi tôi thăm Việt Nam đó là sự cần thiết phải thực thi tốt hơn những quy định pháp luật đã ban hành. Theo hiến pháp, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và những quyền con người khác. Nhưng chúng ta đều biết, chẳng hạn, rất nhiều tín hữu Công giáo, Phật giáo và các nhóm khác phải đối mặt với tình trạng bị sách nhiễu và bị yêu cầu đăng ký hoạt động nhưng rồi lại không cho đăng ký. Nghị định 92 mới có hiệu lực từ tháng Giêng có thể được thực thi theo cách còn hạn chế thêm, thay vì thúc đẩy, quyền tự do tôn giáo như quy định trong hiến pháp.

Luật pháp Việt Nam đảm bảo quyền tiếp cận luật sư và đảm bảo địa vị của luật sư bào chữa ngang với công tố viên. Tuy nhiên trong thực tế, điều này lại diễn ra hoàn toàn khác. Tôi thường xuyên được nghe từ các luật sư của tù nhân chính trị là họ không được phép tiếp cận hồ sơ vụ án, họ bị bố trí chỗ bất công ở tòa án, họ không được phép sử dụng máy tính, cũng như không được dành thời gian bào chữa cho thân chủ.

Và một vài số quy định pháp luật rõ ràng là cần phải thay đổi – những điều luật đi ngược lại chuẩn mực nhân quyền quốc tế như Điều 79 và Điều 88, vốn được sử dụng để giam giữ các nhà hoạt động chính trị chỉ trích chính quyền.

Trước khi kết thúc, tôi xin lưu ý rằng hơn 18 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ, mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tiến triển – thông qua hoạt động thương mại, du lịch và giao lưu văn hóa. Những người sống bên hai bờ Thái Bình Dương đều được hưởng lợi, đặc biệt là những người Việt Nam sống ở Việt Nam, nơi mức sống đã tăng lên khi người dân có điều kiện hơn và được giáo dục tốt hơn. Khi chúng ta nói về nhân quyền, tất cả chúng ta cần nhớ rằng những quan ngại của chúng ta chính là âm hưởng của những quan ngại mà hàng triệu người dân sống trong lòng Việt Nam đang nói lên và bàn luận. Họ hiểu điều đó. Họ hiểu hệ thống hiện hành không làm được gì. Họ nhận ra rằng, cho dù đã trở thành một đất nước sung túc hơn, song nếu thiếu tiến bộ về nhân quyền, Việt Nam cũng chỉ đạt đến một giới hạn nhất định.

Chúng tôi muốn tăng cường sức mạnh cho họ, và chúng tôi muốn làm việc chặt chẽ hơn với các thành viên của Uỷ ban để thúc ép Việt Nam cải thiện việc bảo vệ nhân quyền.

Một lần nữa, cảm ơn quý vị đã tổ chức buổi điều trần ngày hôm nay. Tôi trông đợi được làm việc cùng quý vị, và rất mong nhận được câu hỏi từ quý vị.


* Nguồn: State.gov


No comments:

Post a Comment

View My Stats