Trần Bình Nam
May
10, 2013
Bà Lê
Thị Ngộ (1911-1995)
Trang
bìa sách Hồi Ký của bà Từ Nguyên Lê Thị Ngộ
Cụ bà Lê Thị Ngộ sinh năm 1911 qui
tiên năm 1995 thọ 85 tuổi. Năm 2011 kỷ niệm bách niên, các người con thu góp
bút tích của bà và cho in một tập Hồi
Ký.
Bà
sinh trong một gia đình trung lưu, thân phụ mẫu phóng khoáng không phân biệt
nam nữ đã cho bà “đi học chữ” hết cấp tiểu học chương trình Pháp Việt.
Đời
sống bà trải dài qua gần một thế kỷ sóng gió của nước nhà. Với bút pháp dung
dị, bà Ngộ thuật lại đời mình và sự liên hệ với các biến chuyển lịch sử: Thập
niên 1910, nước Pháp đang đô hộ Việt Nam. Năm 1945 cách mạng mùa Thu do những
nguời cộng sản chủ động. 1946 – 1954 chiến tranh giành độc lập, 1954 – 1975
Việt Nam bị chia cắt Bắc Nam. Đến năm 1975 Việt Nam thống nhất dưới chế độ cộng
sản. Sau đó là vượt biên, phân tán chia ly, rồi đoàn tụ gia đình.
Đọc Hồi ký của bà là đọc lịch sử Việt
Nam,
nhưng không ghi lại bằng lối ghi của một nhà viết sử mà từ sự lăn lộn của một
người bị cuốn hút trong cuộc. Đọc Hồi ký bà Ngộ độc giả có thể thấy nổi nhục
mất nước, cái khổ của người dân quê Việt Nam trước các thế lực chính trị tả
cũng như hữu, thảm cảnh của chiến tranh, thấy bức tranh của Mậu Thân Huế, thấy
nỗi buồn của di tản, của vượt biên, đời sống xa quê buồn tủi của người tị nạn.
Thập
niên 1910 là thập niên người Pháp bắt đầu dẹp bỏ chữ Hán để thay bằng một nền
giáo dục dùng chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Năm 12 tuổi bà được bố mẹ cho đi học
chữ Pháp và chữ Quốc ngữ: “cha mẹ tôi văn minh hơn, không trọng nam nên tôi
được xếp vào hàng gái cũng như trai” (trang 13) (1). Học chương
trình Pháp Việt 3 năm vừa đủ để làm một cô gái trí thức của miền quê, năm 16 bà
đi lấy chồng. Chồng bà là ông đốc học Tuy Hòa, Tôn thất Dương Thanh thầy dạy
của bà. Ông Dương Thanh là cháu đời thứ tư của vua Gia Long, nhánh Từ Sơn Công,
Hoàng tử thứ 13. Ông Thanh có một cuộc sống công chức gương mẫu, bình dị và
bàng bạc qua ngòi bút của bà Ngộ đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời
của bà. Ông Thanh là cái cột chống mang lại cho bà năng lực đấu tranh với đời.
Tình
yêu giữa thầy và trò đã đến một cách tự nhiên. Ông Dương Thanh săn sóc dạy dỗ
bà và bà xiêu lòng lúc nào không biết. Một năm kia, trước khi ông đốc Dương
Thanh đi chấm thi ông ngỏ ý với bà: “Ông đưa cho tôi một xấp lụa trắng, nhờ
thêu cho ông mấy cái khăn tay. Ông vẽ một cành hoa hường và hai chữ T N tréo
vào nhau. Tôi còn ngơ ngẩn chưa nói gì … bốn mắt chạm nhau … và ông nói …. Em
chưa hiểu rồi sẽ hiểu” (trang 18) . Và bà thú thật: “Tuy bề ngoài tôi
hơi lạnh nhạt nhưng trong tâm đã bắt đầu cảm mến ông rồi. Tự nhiên trong lòng
tôi xao xuyến …” (trang 18). Năm đó thầy đốc 24 tuổi, cô học trò 15 tuổi.
Năm sau ông cưới bà.
Vài
nét đơn sơ bà Ngộ vẽ ra cái khung cảnh sinh hoạt trong một thành phố nhỏ dưới
thời Pháp thuộc và sự hội nhập của phụ nữ Việt Nam vào giai cấp thống trị vào
đời sống xã hội: “Ông làm hội trưởng hội thể thao, ông bắt tôi vào hội để
khuyến khích phụ nữ ở đây vào hội, như các bà Ngọc Lan, Kim Chi, và hai bà đầm
vợ hai ông lục lộ và thương chánh người Pháp. Chồng tôi … mời hai ông Chiêm,
Giao ở Sài Gòn ra dạy cho phụ nữ Việt Nam trong hội đánh quần vợt bóng bàn”
(trang 25).
Và
đây là bức tranh làm dâu của xã hội phong kiến của thập niên 1930. Năm 1928 sau
khi sinh con gái đầu lòng, bà đem con về Quảng Nam thăm quê chồng. Về đến nhà,
bà bị cô em của bố chồng la mắng vì đã dùng tên tục bố chồng để hỏi đường: “Bà
cô Công Nữ hỏi tôi sao con biết đường mà về. Tôi trả lời, dạ con hỏi nhà ông
Thế Ngô. Vừa dứt lời bà cho một trận … ‘Thằng cả nhà này giỏi thật, kén vợ sao
vừa về đã kêu tên cha chồng ra mà chửi rồi. Đồ mọi rú” Bà kể tiếp: “Tôi
mất hồn không biết ất giáp gì cả. Ở đây và xứ tôi cũng vậy, có ai dám kêu tên
người lớn đâu, mà tôi u mê thật đáng đánh đòn nữa là khác. Tôi đứng khép nép,
mẹ chồng thấy tôi sợ sệt, bà chửa cho tôi ‘Nó còn quê mùa xin cô tha tội. Thong
thả rồi sẽ dạy cho nó’” (trang 27)
Bà
kể chuyện tàu ô bắt con gái ở các bến cảng, chuyện cọp và người nông dân ở
những vùng gần rừng núi của Việt Nam hoang dã đầu thế kỷ 20 .
Ở
Phú Yên 10 năm bà theo chồng thuyên chuyển ra Quảng Ngãi, rồi Quảng Trị.
Lúc
này bước vào thập niên 1940 người Nhật đã đến nắm hết uy quyền chỉ để cho người
Pháp lo mặt cai trị để rảnh tay lo chiến tranh: “Ra đi chuyến này thật khổ,
vì lúc này tàu hỏa bị Nhật Bổn trưng dụng, ít có toa cho hành khách. Tàu đến ga
Phước Thuận một giờ sáng, đậu 3 phút làm sao lên kịp cả gia đình đông con …
Trên tàu không đèn đưốc … lỡ lên trúng toa Nhật trưng dụng là bị đuổi … có khi
còn bị xô xuống là khác” (trang 49) .
Một
người đàn bà Pháp lên nhầm toa Nhật bị đuổi xuống mặt xanh ngắt nước mắt chảy
ròng trông thấy mà thương tình: “Ôi nhục nhã cho dân Pháp lúc này, đã qua
thời oanh liệt, bị đầu hàng vô điều kiện . Người mình cũng sợ nhưng sợ cách
khác. Người Pháp sợ nhục mạ” (trang 50).
Ngày
9/3/1945 Nhật đảo chánh Pháp: “Đến ngày 9 tháng 3, lúc 11, 12 giờ tôi còn
thức làm bánh thì nghe hai tiếng nổ dữ dội. Cả nhà thất kinh … Rồi súng lớn
súng nhỏ nổ liên hồi … “ (trang 53)
Sau
đó là nạn đói. Một hôm có ông bạn chồng tôi đến thăm, ông nói với lũ con tôi “Cha
mẹ bây thiếu ăn, để bác làm gạo thêm cho” (trang 55) . Sau đó ông bảo tôi
hùn 500 đồng để ông buôn gạo rồi ông gạt đi luôn.
Mùa
Thu tháng 8 cách mạng thành công, ông Dương Thanh được mời lo về giáo dục cho
tỉnh. Bà tham gia hội phụ nữ. Tháng 8/1946 bà tháp tùng bà Hội trưởng Hội Phụ
nữ Quảng Trị ra Hà nội thăm “bác Hồ Chí Minh”. Buổi hội kiến có cụ Huỳnh Thúc
Kháng hướng dẫn. “Chúng tôi ngồi chờ cụ Hồ thì cánh cửa bên sịch mở. Cụ Hồ
nhanh nhẹn bước vào, tay nhẹ nhàng khép cửa lại. Cụ bắt tay từng người. Có
người chưa kịp chuẩn bị liền đưa tay trái, cụ cười và nói ‘tay kia tay kia’.
Khi cụ mới bước vào tôi thấy cặp mắt sáng ngời dòm quanh một vòng, lanh như
chớp. Tôi nhận thấy một con người rất cẩn thận, có lẽ vì bản thân vào sinh ra
tử nên cử chỉ thận trọng” (trang 59) .
Trong
buổi hội kiến bà Ngộ có một nhận xét nhỏ về cụ Huỳnh Thúc Kháng có thể giúp trả
lời thắc mắc của các nhà viết sử rằng cụ Huỳnh Thúc Kháng hợp tác với Việt Minh
bằng tấm lòng hay bất đắc dĩ. “Tôi thấy cụ Huỳnh ốm o lắm. Tôi hỏi cụ đau gì
mà ốm o vậy. Cụ trả lời không đau gì cả, chỉ vì không hạp khí hậu thôi. Tôi
hiểu ngay, không hỏi nữa” (trang 61)
Cuối
năm 1946 toàn quốc kháng chiến. Đầu năm 1947, gần Tết Đinh Hợi quân Pháp đổ bộ
tái chiếm Quảng Trị, chồng bà theo cơ quan giáo dục di tản. Riêng bà mang gia
đình tản cư về Cổ Lũy.Tại Cổ Lũy dân sống một cổ hai tròng. Việt Minh kháng
chiến áp dụng chính sách “giết lầm hơn bỏ sót”. Quân Pháp thì hành quân liên
miên, bắn giết bừa bãi. Ông Thanh trong một lần về Cổ Lủy thăm gia đình ông bàn
với bà đưa con cái trốn về Huế, lúc này quân Pháp đã tái chiếm và ổn định.
Đi
đường sông từ Cổ Lũy qua phá Tam Giang lên Huế “cập bến Bao Vinh . Hôm ấy
ngày 1 tháng 5. Lễ Lao Động, lính Pháp say sưa bừa bãi, phải tìm đường tránh né
nhất là phụ nữ, thật lao đao” (trang 78).
Bà
Ngộ sống qua ngày tháng chiến tranh bằng cách đi buôn đường Huế, Quảng Trị, Đà
Nẵng, một tuyến giao thông bằng xe lửa luôn luôn bị mìn, bom đạn và quân kháng
chiến phục kích để phụ chồng nuôi sống gia đình.
Năm
1954 chiến tranh chấm dứt, đất nước chia đôi, ông Dương Thanh tiếp tục làm việc
tại Quảng Trị. Lúc này bà Ngộ, ở tuổi 43 đầy sinh lực và dày dạn qua những ngày
tháng chiến tranh, tham gia hoạt động xã hội và chính trị tại thị xã Quảng Trị.
Năm
1955 bà được bầu vào ban vận động trưng cầu dân ý chọn thủ tướng Ngô Đình Diệm
hay quốc trưởng Bảo Đại làm tổng thống tạm thời. Hai phiếu chọn một, phiếu Bảo
Đại màu xanh, phiếu ông Ngô Đình Diệm màu đỏ. Bà ghi: “Trong ban kiểm phiếu
nhiều người quá khích làm trò trắng trợn, nhỏ nhen, không trí thức, đâm mắt
rạch mặt cho phiếu màu xanh bất hợp lệ. Mặc dù đã có khẩu hiệu ‘Xanh bỏ giỏ, đỏ
bỏ bì’ rõ như ban ngày. Chuyện gì đến sẽ đến làm chi khó coi như vậy.”
(trang 107).
Tháng
10/1956 bà Ngộ đại diện phụ nữ Quảng Trị vào Sài Gòn tham dự ngày ban hành Hiến
Pháp và được mời diện kiến tổng thống Ngô Đình Diệm. Bà là một trong những
người phụ nữ hiếm hoi trong nước được gặp cả hai nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh
và Ngô Đình Diệm. Hôm diện kiến bà Bút Trà đưa bà đến trễ : “Ông Đại Tá
thường trực hỏi tôi đi đâu, tổng thống và khách đang chờ bà đó … Trên bàn yến
tiệc đã bày sẵn … Một cái bàn chữ nhật 4 người. Tổng thống và hai ông nhân sĩ
Sài gòn đã ngồi còn một ghế trống cho tôi …. Tổng thống mời tôi ngồi … ân cần
mời mọc … Gần mãn tiệc, tổng thống hỏi tôi, bà đại biểu phụ nữ muốn gì. Tôi trả
lời … xin tổng thống lưu tâm giúp đỡ các cơ quan từ thiện tỉnh Quảng Trị, vì
tỉnh tôi nghèo lắm” (trang 111)
Nhận
xét của bà Ngộ cho thấy trong những năm đầu tổng thống Diệm bình dân chứ không
quá xa cách và đầy uy quyền vì bị xu nịnh như sau này.
Năm
1959 ông Dương Thanh nghỉ hưu. Bà Ngộ về Huế sống với đại gia đình chồng. Năm
1960 phụ nữ Quảng Trị yêu cầu bà ra ứng cử vào Quốc Hội Đệ nhất Cộng Hòa pháp
nhiệm 2 tranh chức đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Trị với ông Hồ Duy Tình đại
diện Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia của cụ Diệm.
Cuộc
tranh cử gian nan đượm màu sắc chính quyền và kỳ thị nam nữ và nóng từ ngày
đầu.
Hôm
vận động tại quận La Vang: “Đại diện chính quyền nói, xin hai vị ứng cử viên
lịch sự với nhau. Ông Tình trả lời cộc lốc ‘không lịch sự chi cả. Với đàn bà
không lịch sự được’. Người ta cười ông Tình lại sùng thêm. Tôi nói ‘Tôi nhận
thấy không ít thì nhiều ông cũng có hấp thụ giáo lý Khổng Mạnh. Tôi tôn trọng
nhân vị ông sao ông không tôn trọng nhân vị tôi’ . Ông nói đàn bà mà nhân vị
chi. Không ai nín cười được” (trang 133)
Bà
Ngộ kết luận: “Đến ngày bỏ phiếu, đồng bào cũng như tôi đều biết trước ông
Tình sẽ đắc cử… Ở thị xã ông Tình ít phiếu, nhưng ông hơn tôi ở các quận nhiều”
… Bà mỉa mai: “Ông tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đông tặng tôi một câu, trước khi
dơ cao phong bì bỏ vô thùng phiếu: Một con én không làm nên mùa Xuân”
(trang 137)
1963
ông Diệm đổ. Năm 1967 bầu cử tổng thống Đệ nhị Cộng Hòa và Quốc hội. Bà được
mời đại diện cho liên danh ứng cử tổng thống của hai ông Phan Khắc Sửu – Phan
Quang Đán và liên danh “Nông Công Binh” của hai ông Trần Văn Đôn và Tôn Thất
Đính.
“Có
nước nào văn minh như nước Việt Nam không? Ứng cử tổng thống mà có đến 11 liên
danh. Sau rút hai, còn 9 … 6 tự do 3 đảng phái” (trang 143, 144) .
Rồi
Mậu Thân. Một bức tranh sống động: “Ngày mồng một Tết chúng tôi đi thăm bà
con. Mấy cháu ở đây nó cản không cho đi nhiều … Té ra ở đây người ta biết Việt
Cộng về hoạt động rồi” …
“Tới
2 giờ sáng nghe pháo kích, cả nhà hoảng hốt, súng liên hồi đến 3 giờ sáng chưa
dứt … Trời sáng mẹ con tôi thấp thỏm nhìn bốn phía, khi dòm lên thành thấy
người đi trên thành rất đông, đi dép râu”… Con tôi nói ‘Việt Cộng rồi không sai
má ơi …’
Ngày
nào phèn la cũng đánh inh ỏi ngoài đường kêu gọi thanh niên ra trình diện tham
gia công tác …
Ngày
mồng tám súng nổ tràn đến xóm tôi …
Ngày
mồng chín … một quả đạn lớn nã đến xóm tôi, con nít la khóc om sòm … Ông Dương Thanh
khuyên bà mang con ra khỏi thành lánh nạn.
Ngày
11 súng lớn bắn quá cỡ chưa đi được …
Ra
khỏi thành tôi tạm trú nhà ông cụ làm tòa án . Sáng 14 tôi chạy vào thành tìm
đứa con trai …
Ngày
28 rễ tôi là lính Cộng Hòa, nghe tiếng súng nhận ra tiếng súng bạn nó nói ‘Mạ
đừng sợ súng của ta đó’…”
Bà
dẫn con cháu qua hữu ngạn tạm trú tại trại tạm cư trong trường Đồng Khánh.
“Gạo
cơm không có phải mượn của bà Doãn (2) 8 lon gạo để nấu ăn đỡ rồi sẽ
hay. Bà Doãn thật tốt chứ hồi này ai cho mượn gạo …. Thật đáng quý tấm lòng
thiện của bà Doãn” (trang161).
Sau
Mậu Thân là mùa hè đỏ lửa.
“Năm
1972, mùa hè đỏ lửa, dân Quảng Trị chạy vắt giò lên cổ, kéo nhau chạy chí mạng”
(trang 166)
Rồi
biến cố 1975.
“Ngày
29/3 năm 1975, giải phóng vào Đà Nẵng … Không biết lệnh của ai mà Đà Nẵng cắm
toàn cờ Phật giáo. Hai ngày sau cờ Phật giáo hạ xuống, cờ giải phóng tung bay …
Đi
lên một đoạn nữa gần nhà thờ Tin Lành đường Khải Định, thấy một anh lính Cộng
hòa, cũng quần áo rằn ri đi một mình rất hiên ngang mang trên vai khẩu súng
trường. Hai tên giải phóng áp lại tước khí giới anh này không đưa. Tên đứng sau
cho một phát đạn, não văng ra tứ tung. Anh té xuống chết không kịp ngáp. Tôi
bưng mặt khóc nức nở …. “(trang 169).
Sau
30/4 bà trở về Huế: “Đời sống thay đổi đột ngột, ngày nào cũng đi họp, kêu
trình diện khai báo đủ cách. Thấy khó sống tôi dù vào Sài gòn đem theo mấy đứa
nhỏ … Mấy tháng sau nhà nước đánh tư sản mại bản.
Bà
buôn bán đổi chát hàng hóa linh tinh trên đường Lê Thánh Tôn để sống:
“Đường
Lê Thánh Tôn đủ hạng người, Huế có, Quảng Trị có, Đà Nẵng cũng có …
Có
người bạn chồng tôi hỏi, ông Đốc đâu rồi mà bà làm bạn với ông Nghè Hồi (3)
vậy (trang
171, 172)
Năm
1981 ông Dương Thanh được con gái bảo lãnh đi Thụy Điển đoàn tụ gia đình. Gia
đình yên ổn.
“Năm
1983 cả gia đình khỏe mạnh yên ổn nhưng các con cháu thi cử chẳng ra gì. Không
phải chúng nó dốt không vào được đại học, mà vì lý do có cha mẹ là ngụy quân
ngụy quyền …” (trang 181)
Tháng
3/1984 bà đi Thụy Điển đoàn tụ với chồng và con gái: “Đến cầu thang lên máy
bay tôi để hành lý xuống chắp hai tay vái hai cái, con xin từ tạ giang sơn đất
nước, ông bà cha mẹ. Cầu trời Phật cho con hai năm được trở về quê cha đất tổ,
gởi gắm thân già nơi đất mẹ. Mười hai giờ máy bay cất cánh. Hành khách toàn
người đi đoàn tụ, kẻ lau nước mắt, người sụt sùi bịn rịn …” (trang 189)
Năm
1986 ông Dương Thanh qua đời và chôn tại Thụy Điễn:
“Ông
chết không có gì đáng tiếc chỉ tiếc ông nguyện về đất mẹ gởi thân xác mà không
được như ý nguyện … Tôi đau xót vô ngần không sao quên được người chồng tình
nghĩa tri âm tri kỷ, 60 năm trời vàng son gắn bó” (trang 222)
Năm
1989 bà Ngộ trở về Việt Nam và qua đời năm 1995, thọ 84 tuổi .
Một
thế kỷ sóng gió của đất nước Việt Nam và của một đời người được đóng lại mở đầu
cho một kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên của thế kỷ 21.
Trần Bình Nam
May
10, 2013
————————————
Ghi
chú:
(1)
Chữ nghiêng trích nguyên văn từ Hồi ký ấn bản 2011 do nhà in Papyrus ở San Jose
. Số trong ngoặc là số trang trong ấn bản đó.
(2)
Bà Hoàng Thị Doãn, giám học trường nữ trung học Đồng Khánh.
(3)
“Nghè Hồi” nói lái là “ngồi hè”: ngồi chò hỏ trên vỉa hè
No comments:
Post a Comment