Wednesday, 29 May 2013

LIỆU PHÚC TRÌNH TỰ DO TÔN GIÁO CÓ CẦN THÊM HIỆU LỰC ? (Lauren Markoe, Washington Post)




Lauren Markoe
The Washington Post  (Religion News Service)   May 21, 2013

Bản dịch của Lê Anh Hùng  -  (Defend the Defenders)
Posted on May 29, 2013 by DtD

(WASHINGTON) — Chính phủ Obama không e ngại việc cảnh báo các đảng viên Cộng hoà khi họ chơi trò chính trị trong Quốc hội, chỉ trích Wall Street khi họ gặt hái những mức lợi nhuận ngất ngưỡng, hay nhắc nhở các công ty bảo hiểm khi họ đứng trước những khó khăn về chăm sóc sức khoẻ.

Nhưng tại sao, khi bảo vệ tự do tôn giáo bên ngoài lãnh thổ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại ngần ngại nêu tên thủ phạm đến vậy?

Các tổ chức bảo vệ nhân quyền nói rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lỡ mất một cơ hội then chốt để tăng cường hiệu lực cho bản đánh giá thường niên về tình hình tự do tôn giáo toàn cầu mà Ngoại trưởng John Kerry công bố hôm thứ Hai (20.5) vừa qua.

Tiếp tục mô thức vốn bắt đầu dưới thời tổng thống George W. Bush, bản báo cáo không kèm theo danh sách “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt”, hay “CPC” – thuật ngữ ngoại giao dành cho những quốc gia hoặc tích cực trấn áp tự do tôn giáo hoặc không làm đủ để bảo vệ tự do tôn giáo.

Danh sách này ít thay đổi từ qua từng năm – Bắc Triều Tiên, Iran, Trung Quốc và một nhóm quốc gia khác thường được  nêu tên như những thủ phạm tồi tệ nhất. Song bản báo cáo mới này lại không có danh sách “tệ nhất trong số tệ nhất”, một danh sách thường liệt kê những thủ phạm phải chịu chế tài hay hình thức trừng phạt khác.

Theo Dân Biểu Frank Wolf (Đảng Cộng hoà, tiểu bang Virginia), trưởng lão của các tổ chức bảo vệ tự do tôn giáo trong Quốc hội, việc thiếu những cái tên mới trong danh sách CPC của bản báo cáo là một khiếm khuyết lớn.

“Khi tình hình tự do tôn giáo tiếp tục xấu đi trên toàn cầu, hơn lúc nào hết, điều quan trọng là Bộ Ngoại giao phải sử dụng công cụ thiết yếu này để hối thúc các chính phủ chấm dứt tình trạng lạm dụng, bảo vệ công dân của họ và tôn trọng quyền con người cơ bản này,” Wolf và hai dân biểu khác nêu trong bức công văn hoả tốc mà họ gửi cho John Kerry hôm thứ Hai.

Sự quan ngại của họ còn được phụ hoạ bởi những tổ chức trong nước theo dõi tự do tôn giáo quốc tế, trong đó có Uỷ ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo (U.S. Commission on Religious Freedom – USCIRF), một tổ chức độc lập do Quốc hội thành lập, hàng năm lên danh sách những thủ phạm tệ hại nhất.

Theo Knox Thames, giám đốc phụ trách chính sách và nghiên cứu của USCIRF, uỷ ban này tin tưởng rằng đạo luật năm 1998 uỷ thác cho Bộ Ngoại giao ra bản báo cáo đó cũng đòi hỏi những đề xuất CPC mới hàng năm. Danh sách CPC hiện hành có từ năm 2011.

Trong nhiều năm, báo cáo thường niên và danh sách CPC được công bố cùng lúc; điều này đã thay đổi vào cuối nhiệm kỳ của tổng thống Bush và tiếp tục diễn ra như thế dưới thời Obama, Thames cho biết. Song danh sách CPC “là những gì đã đem lại toàn bộ thứ hiệu lực ấy cho bản bảo cáo” Thames nhận xét.

Danh sách đó khiến “các quốc gia phải làm những chuyện mà họ thường không muốn”.
Nhưng Aaron Jensen, một phát ngôn viên của Vụ Dân chủ, Lao động và Nhân quyền thuộc Bộ Ngoại giao lại nói rằng danh sách CPC có thể được lập theo một thời biểu khác với thời điểm công bố báo cáo và “vào bất cứ lúc nào mà điều kiện cho phép”.

Ông cho biết là ông không có thông tin gì về thời điểm Bộ Ngoại giao có thể công bố danh sách CPC mới.

Thames nói, ông hy vọng danh sách mới sẽ xuất hiện trong mùa Hè này.

Việc lập ra danh sách đó quả có tác dụng, ông tiếp tục, nêu tên Việt Nam như một dẫn chứng về một quốc gia đã nhảy dựng lên khi bị liệt vào danh sách CPC. Nhưng rồi những cải cách thực sự, dưới sự hối thúc của các nhà ngoại giao Mỹ, đã dẫn đến việc Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách năm 2006.

USCIRF – cơ quan thường thúc ép Bộ Ngoại giao phải tỏ thái độ mạnh mẽ hơn khi đòi hỏi những cải cách về tự do tôn giáo trong hoạt động ngoại giao – trong tháng Tư đã khuyến nghị rằng toàn bộ 8 nước trong danh sách CPC hiện hành của Bộ Ngoại giao phải được giữ nguyên trong danh sách mới: Myanmar, Trung Quốc, Eritrea, Iran, Bắc Triều Tiên, Saudi Arabia, Sudan và Uzbekistan.

USCIRF cũng muốn 7 quốc gia khác được đưa vào danh sách CPC: Ai Cập, Iraq, Nigeria, Pakistan, Tajikistan, Turkmenistan và Việt Nam.

Paul Marshall, thành viên kỳ cựu của Viện Hudson (Hudson Institute, chuyên nghiên cứu về tự do tôn giáo) ở Washington, nhận xét rằng danh sách CPC của Bộ Ngoại giao đã “rất ổn định trong một thời gian dài”.

Chắc chắn là có những chính phủ thủ cựu, độc đoán, chẳng  hạn như Bắc Triều Tiên, không quan tâm đến chuyện họ có nằm trong danh sách hay không. Song điều đó không có nghĩa là danh sách CPC và bản báo cáo nói chung không có giá trị, Marshall bình luận.

Ông nói, chẳng hạn lấy một quốc gia nằm trong danh sách CPC làm dẫn chứng là Saudi Arabia, nơi mà việc thực hành các tôn giáo phi Hồi giáo vẫn bị cấm đoán chính thức. Hoa Kỳ đã tạo sức ép lên các quan chức Saudi Arabia về chủ đề này, và trong những năm gần đây, người Saudi Arabia đã nói rằng họ sẽ không vượt ra ngoài khuôn khổ để xoá bỏ những nghi lễ phi Hồi giáo, mặc dù họ vẫn truy tố khi phát hiện ra chúng.

Và ở Myanmar, một thành viên trung thành của câu lạc bộ CPC, tình hình tự do tôn giáo đã thay đổi, và là một cái gì đó mà chúng tôi muốn chính phủ phải theo dõi, Marshall nhận xét. Thế nên “danh sách CPC là rất tốt”.

Jamsheed K. Choksy, một giáo sư thuộc Phòng Nghiên cứu Trung Á-Âu (Central Eurasian Studies) của Đại học Indiana, lại cho rằng trên thực tế vấn đề lớn hơn bản báo cáo hay việc việc nó có kèm theo danh sách CPC hay không.

Ông nói, “Những gì cần diễn ra là chính phủ Hoa Kỳ chấp nhận các bản báo cáo này và biến chúng thành trọng tâm trong chính sách và quan hệ ngoại giao của Hoa Kỳ.”

Đại sứ hồi hưu Randolph Bell, người điều hành Trung tâm Tự do Đệ nhất (FirstFreedomCenter), một nhóm giám sát tự do tôn giáo đóng ở Virginia, cũng có quan điểm tương tự. Việc danh sách CPC mới có kèm theo bản báo cáo hay không không mang tính chất sống còn như việc liệu chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ có vận hành dựa trên những thông tin mà các viên chức của họ tập hợp, và biến tự do tôn giáo thành một nguyên tắc tổ chức (organizing principle) cho các mối quan hệ song phương và đa phương của Mỹ hay không.

Tuy nhiên, Bell nói, trong bất cứ trường hợp nào Hoa Kỳ cũng cần tiếp tục cho ra đời những bản báo cáo như thế hầu tiếp tục hướng sự chú ý vào chính nghĩa của giới tín hữu bị đàn áp.
Bell nhận xét về các bản báo cáo: “Nếu chúng không xuất hiện thì liệu những người hoàn toàn chú tâm vào hoạt động thương mại và kinh tế của Mỹ, hay những người chú tâm vào một khía cạnh nào đó của tình hình thế giới, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, có chuyên tâm với công việc của mình hay không?”


Nguồn: Washington Post


No comments:

Post a Comment

View My Stats