Thursday 30 May 2013

VỀ VĂN HÓA "MỜI" CỦA CÔNG AN VIỆT NAM (Innova - Dân Luận)




Innova, biên tập viên Dân Luận
Thứ Năm, 30/05/2013

Hôm nay, kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh, một blogger đã có lời từ chối lời mời làm việc của Phòng Bảo Vệ Chính Trị Công An TP Đà Nẵng vào ngày mai, 31/05/2013. Sự việc xoay quanh đằng sau lời mời này là một ẩn số, tuy nhiên lời mời này, đặc trưng cho kiểu mời của ngành công an nói chung, khiến chúng ta phải suy nghĩ. Một bạn trên Facebook Nguyễn Văn Thạnh có bình luận:

Có bác nào đi nhiều, biết nhiều cho e hỏi trên thế giới có nước nào mà chính quyền gửi "giấy mời" công dân đến làm việc mà cuối giấy mời là "yêu cầu" phải có mặt ko?
Nguồn: Facebook

Trong văn hóa Việt Nam, lời mời, lời chào rất quan trọng. Trong văn hóa mời, thường có hai loại lời mời sau, với các chiến thuật lịch sự khác nhau:

- Mời song phương: Khi người hay tổ chức A muốn gặp người hay tổ chức B. Trong trường hợp này, bên A cần chủ động liên lạc bên B, thông báo ngắn gọn nội dung, đồng thời trao đổi về địa điểm, thời gian thích hợp đối với bên B để sắp đặt tiện lợi nhất. Phần lời các lời mời trong cuộc sống thuộc thể loại này. Ví dụ: mời đối tác làm ăn, mời ăn nhậu.

- Mời đơn phương: Trong một số trường hợp đặc biệt, bên A phải chủ động thời gian, địa điểm do nhiều ràng buộc. Ví dụ đám cưới, đám tang. Trong trường hợp đó, sự có mặt của bên B là tùy thuộc vào điều kiện riêng.

Giấy mời của CATPDN gửi kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh

Việc CATPDN mời kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh, là nằm trong trường hợp mời song phương. Với phản ứng bất ngờ của kỹ sư NVT, có thể thấy bên Công An hoàn toàn thiếu một sự chuyên nghiệp trong văn hóa mời. Một cách tối thiểu, họ có thể nhấc điện thoại hoặc gửi thư trao đổi với kỹ sư NVT sơ qua về nội dung, sau đó hỏi khi nào thích hợp để mời ông đến làm việc. Làm được hai điều này, sẽ có những lợi ích sau:

- Thứ nhất, tránh được tâm lý bị ép phải lên đồn Công An. Việc đề nghị một người khác phải trình diện, tốn thời gian, tức tiền bạc cộng thêm lý do không rõ ràng dễ gây ức chế. Đây là một vấn đề rất quan trọng vì từ tâm lý ép buộc này, có thể dồn phía được mời vào tư thế thù địch, dẫn đến bất hợp tác.

- Thứ hai, tránh sự từ chối từ phía bị mời. Một khi lời mời xuất hiện một cách đơn phương, không tham khảo phía bên kia, khó tránh khỏi sự từ chối. Việc từ chối là rất tự nhiên nếu người được mời bận công việc, có cuộc hẹn khác, vì lý do sức khỏe, vì lý do phương tiện không sẵn sàng. Sự từ chối cũng có thể dẫn đến tâm lý thù địch vì bên mời có thể nghĩ đối tượng mời muốn chống lại thế lực công quyền.

Do đó, đã đến lúc CATPDN nói riêng, và ngành công nói chung, cần xây dựng một thái độ chuyên nghiệp trong việc mời làm việc. Công an, là cánh tay của hành pháp với đầy đủ sức mạnh của mình. Việc sử dụng sức mạnh hành pháp này cho hợp lý rất cần một thái độ chừng mực, có văn hóa để tránh tâm lý lạm dụng, đối đầu với người dân.

-----------------------------------------

Văn phòng Công Lý và Hòa Bình (Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, VRNs)
Đăng bởi lúc 12:09 Sáng 13/05/13



VRNs (13.05.2013) – Sài Gòn – Lâu nay, Công An thường lạm dụng quyền hạn để “triệu tập” người dân lên làm việc, thậm chí sử dụng điện thoại để “triệu tập”. Cá biệt có trường hợp “triệu tập” nhiều lần để thị uy, để gây khó khăn, gây bức xúc cho người dân… Nhưng phần lớn người dân đều không để ý đến “Giấy triệu tập” của CA hay “Thư mời”?

Chúng tôi giới thiệu một vài nội dung chính của Thông tư số 01/2006/TT-BCA(C11) ngày 12 tháng 01 năm 2006 của Bộ Công An Hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 để người dân tham khảo, thực hiện quyền công dân khi nhận “Giấy triệu tập” của CA.

Trước hết, khoản 1.1 Mục 1 hướng dẫn: “ Điều tra viên được phân công thụ lý chính điều tra vụ án được ký giấy triệu tập bị can tại ngoại để hỏi cung, triệu tập và lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án theo kế hoạch đã được Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án duyệt. Việc triệu tập bị can, triệu tập và lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án thực hiện theo quy định tại các điều 129, 133, 135, 136, 137 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.” Như vậy, nếu không phải là những người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự thì không thể bị CA “triệu tập”.

Thứ hai là, ngay cả là người tham gia tố tụng thì CA cũng phải cân nhắc từng trường hợp cụ thể để “triệu tập’’ hay “mời” hay là đến tại nơi ở, nơi làm việc để lấy lời khai đối với các đối tượng dưới đây theo hướng dẫn tại khoản 1.3 Mục 1:
“- Những người có chức sắc trong các tôn giáo như: Giám mục, Linh mục trong đạo Thiên chúa; Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức trong Phật giáo; Mục sư, Giáo sư trong đạo Cao đài và người đứng đầu các tôn giáo khác;
- Người có danh tiếng trong xã hội hoặc trong các dân tộc ít người;
- Người là nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ có uy tín lớn trong nước và trên thế giới;
- Đối với người nước ngoài, việc triệu tập phải tuân theo các quy định của pháp luật có liên quan đến quan hệ ngoại giao và người nước ngoài; …”

Thông tư này còn hướng dẫn: “Khi gặp và tiến hành lấy lời khai của những người tham gia tố tụng hình sự theo giấy triệu tập hoặc giấy mời, Điều tra viên phải có thái độ đúng mực, lịch sự, ứng xử có văn hóa trong hoạt động điều tra. Nghiêm cấm mọi hành vi hống hách, quan liêu, cửa quyền, lăng mạ, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người được triệu tập đến Cơ quan điều tra để tiến hành lấy lời khai;…”

Cuối cùng, Bộ CA còn hướng dẫn cụ thể tại khoản 1.4 Mục 1:
Giấy triệu tập là biểu mẫu tố tụng hình sự được sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự nên chỉ Cơ quan điều tra hoặc Cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mới được sử dụng. Việc sử dụng giấy triệu tập phải đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định. Giấy triệu tập bị can tại ngoại; giấy triệu tập hoặc giấy mời người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đến Cơ quan điều tra để làm việc chỉ có giá trị làm việc trong một lần.

Nghiêm cấm lợi dụng việc sử dụng giấy triệu tập để giải quyết các việc không đúng mục đích, đối tượng, chức năng, thẩm quyền như lợi dụng việc ký, sử dụng giấy triệu tập gọi hỏi nhiều lần về các vấn đề không quan trọng, không liên quan đến vụ án hoặc hỏi đi hỏi lại về một vấn đề mà họ đã trình bày, v.v… làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nghiêm cấm Điều tra viên gọi điện thoại hoặc thông qua người khác để yêu cầu người được triệu tập đến làm việc mà không có giấy triệu tập hoặc giấy mời. Trước khi triệu tập hoặc mời thì Điều tra viên phải tính toán về thời gian, về việc đi lại của người được triệu tập để tránh gây phiền hà về thời gian hoặc đi lại nhiều lần của người được triệu tập hoặc được mời. Nếu người được triệu tập hoặc được mời ở quá xa trụ sở của Cơ quan điều tra thì có thể triệu tập hoặc mời họ đến trụ sở Công an nơi ở hoặc nơi làm việc của họ để lấy lời khai hoặc báo cáo đề xuất Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án thực hiện việc ủy thác điều tra.”.

Vấn đề cuối cùng là Bộ CA đã có quán triệt và kiểm tra Cán bộ, chiến sĩ của mình thực hiện đúng hướng dẫn tại Thông tư hay chưa?

VP CÔNG LÝ & HÒA BÌNH




No comments:

Post a Comment

View My Stats