29/05/2013
Như vậy, cuối cùng thì cái gọi
là Quốc hội Việt Nam vẫn quyết định không thay đổi tên nước, vẫn là Cộng hòa Xã
hội Chủ nghĩa Việt Nam. Vấn đề này, cuối cùng thì nói theo cách nói dân gian
“mèo vẫn hoàn mèo” hoặc nói cách khác là lại “trở về cái máng lợn ăn sứt mẻ”
trong câu chuyện Người đánh cá và con cá vàng.
Cái tên
Thông thường, theo Từ điển Tiếng
Việt, “tên” ngoài các nghĩa khác thì có một nghĩa là “Từ hoặc nhóm từ dùng
để chỉ một cá nhân, cá thể, phân biệt với những cá nhân, cá thể khác cùng loại”.
Tên nước thuộc loại này, nghĩa là từ hoặc nhóm từ chỉ một đất nước để phân biệt
với các nước còn lại.
Nếu như cái tên người, thường
người đó không được chủ động đặt tên và cái tên được đặt khi còn nhỏ, với mong
muốn của bố mẹ, của người lớn cho đứa bé những điều tốt đẹp. Thế nên, khi lớn
lên nhỡ có không đẹp, không tốt như cái tên, thì cũng đành chấp nhận. Chẳng
hạn, có thể đặt tên Bạch Tuyết cho một cô gái mà khi lớn lên thì da đen nhẻm.
Hoặc đặt tên Dũng cho một cậu bé mà khi lớn lên lại nói lời trước, nuốt lời
sau, chẳng thấy dũng chút nào. Có người mang tên là Minh Triết mà chẳng thấy
“minh” cũng không thấy “triết” ở đâu, thậm chí cứ mở mồm là làm trò cười cho
thiên hạ. Có sao đâu, thay đổi cái tên người không phải đơn giản và dễ dàng.
Thế nhưng, để phân biệt rõ hơn
từng con người cụ thể, người ta thường kèm theo cái tên đó chức danh, nghề
nghiệp hoặc đặc điểm cá nhân. Chẳng hạn, Giáo sư Ngô Bảo Châu, Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Phú Trọng, rồi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn
Sang, Dũng Râu lẩu dê, Hoàn Béo bia hơi, Chó Chị Dậu, Minh Râu Lẩu Dê…
Minh Râu Lẩu Dê :
http://jbnguyenhuuvinh1962.files.wordpress.com/2013/05/minhraulaude.jpg?w=521&h=435
Treo Đầu Dê Bán Thịt Chó : http://jbnguyenhuuvinh1962.files.wordpress.com/2013/05/treodaude.jpg?w=500
Và tên nước cũng tương tự.
Thông thường tên nước được đặt bằng một cụm từ nào đó để chỉ chế độ chính trị,
xã hội của đất nước đó kèm với cái tên gốc ít thay đổi. Do chế độ chính trị xã
hội có thể thay đổi, nên tên nước rất có thể đổi thay theo từng thời kỳ phát
triển khác nhau. Chẳng hạn, Vương quốc Campuchia đã thay đổi tên nước ba lần
trong vòng có 14 năm. Từ Cộng hòa Nhân Dân Campuchia, rồi Nhà nước Campuchia và
bây giờ là Vương quốc Campuchia.
Thế nên, việc thay đổi tên
nước, thường người ta phải căn cứ vào chế độ chính trị và bản chất xã hội cụ
thể của đất nước đó tại thời kỳ đó. Việt Nam, cũng từ cái tên Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa, rồi thành Cộng Hòa XHCN Việt Nam. Nghĩa là nước Việt Nam với chế độ
Cộng hòa XHCN.
Cụm từ Dân chủ, Cộng hòa là
thông thường, phổ thông, có thể ở những mức, những trình độ khác nhau nhưng còn
có thể hình dung ra để mà đặt tên. Riêng cái Xã hội Chủ nghĩa là một trạng thái
hết sức mơ hồ và ảo tưởng. Ảo tưởng đến mức, gần cả hai phần ba thế kỷ, người
dân Việt Nam được phát động đủ mọi cuộc cách mạng XHCN, phong trào XHCN, xây
dựng con người XHCN, tự hào với chế độ XHCN… Thậm chí ngay cả người dân còn
buộc phải “Yêu nước là yêu CNXH”, chùa chiền còn xác định là “Đạo
pháp – Dân tộc – CNXH” hẳn hoi. Thế mà đến khi hỏi cái CNXH nó là gì, mặt
mũi nó ra sao? Ngay cả ông trùm cộng sản là Tổng bí thư cũng đều tá hỏa tam
tinh thú nhận là không biết nó thế nào, mà chỉ là “sẽ dần dần sáng tỏ”. Sáng tỏ
đâu chẳng thấy, chỉ thấy càng ngày người ta càng sáng ra rằng đó là cái tranh
vẽ thật đẹp, càng ngày mưa gió càng bóc đi những mảng sơn phết lên đó lòi ra sự
ảo tưởng và vô vọng, không có thật.
Thế thì, khi gắn tên nước với
một trạng thái không có thật, ảo tưởng vô vọng, người ta nghĩ gì và giải thích
ra sao? Các nhà “ný nuận” và lập pháp ra sức bảo vệ cái không ai không thấy là
vô lý đó một cách rất hài hước nhưng rất quyết liệt. Hài nhất là những lý luận,
nghe rất cùn và rất… ngây thơ. Họ không hề sợ tiết lộ bí mật quốc gia là trình
độ cùn của các ông nghị nhà ta hết sức cao vời.
Tôi lại nhớ câu chuyện cách đây
4 năm. Một sĩ quan An ninh khá cao cấp mời tôi đến một quán café khi để tranh
luận một số vấn đề nhằm khai hóa cho tôi. Câu chuyện khá dài và nhiều chi tiết,
trong đó có một chi tiết như sau:
Tôi nói: – Ngay cả cái tên nước
là Cộng hòa XHCN là sự mạo danh, không chính đáng, ở ta đã là CNXH hay chưa?
- Bây giờ VN chưa phải là CNXH,
nhưng sẽ tiến đến CNXH, đó là mục tiêu sẽ hướng đến nên đặt tên nước ghi như
vậy là đúng chứ sao lại sai.
- Nếu bây giờ một cậu bé phấn
đấu để sau này làm Thủ tướng, mục đích của nó rất rõ ràng nhưng nó đang là học
sinh, vậy nó có thể in danh thiếp là “Thủ tướng nước Việt Nam Trần Văn Quai” để
giao dịch với mọi người được không?
- Như thế thì không được, anh
đang là học sinh, là công nhân hay nông dân thì chỉ ghi đúng như vậy thôi chứ,
chắc gì anh ta đã làm được thủ tướng.
- Nhưng mục đích, mục tiêu của
nó là sẽ làm thủ tướng, cũng như Việt Nam có mục tiêu là CNXH, sao nước ta chưa
đến CNXH lại ghi là CNXH được mà nó lại không được ghi danh thiếp là Thủ tướng?
Thôi, cứ cho là có thể nó không được làm thủ tướng đi, vì nó khó, nhưng chắc
chắn nó sẽ làm được điều này, là nó sẽ chết. Vậy danh thiếp nó có thể ghi là
“Hồn ma Trần Văn Quai” để đi giao dịch được không?
Anh ta bối rồi rồi im lặng.
Ngụy biện… cùn của các ông nghị
Hôm nay, nghe các đại biểu của
dân lại tiếp tục giọng điệu như anh sĩ quan an ninh kia cho nhân dân cả nước,
nghe mà oải.
Ông Phan Trung Lý trình bày trước Quốc hội rằng thì là “việc
giữ nguyên tên nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm tiếp tục khẳng
định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội,
bảo đảm tính ổn định, tránh việc phải thay đổi về quốc huy, con dấu, quốc hiệu
trên các văn bản, giấy tờ. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên
quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế”. Còn Thượng
tướng Lê Hữu Đức, ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền, Đặng Đình Luyến, Lê Đắc Lâm,
Nguyễn Xuân Tỷ, Huỳnh Văn Tí… cũng dứt khoát quan điểm: “Không đổi tên
nước”. Bởi một mặt người dân, tổ chức quốc tế, bạn bè thế giới đã quá quen
thuộc với quốc hiệu nước ta; hàng triệu, hàng triệu người dân với biết bao thế
hệ đã và đang tự hào với tên nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Mặt khác, nếu đổi tên
nước như một số đề xuất thì vô cùng lãng phí, tốn kém mà không mang lại ích lợi
gì cho nhân dân”.
Nghe những cách giải thích này,
người ta có cảm giác họ đang coi nhân dân Việt Nam như đàn bò, bảo sao nghe
vậy, chỉ đằng nào thì đi đằng đó?
Nếu các ông nghị cho rằng cái
tên nước hiện nay “người dân, tổ chức quốc tế, bạn bè thế giới đã quá quen
thuộc với quốc hiệu nước ta; hàng triệu, hàng triệu người dân với biết bao thế
hệ đã và đang tự hào với tên nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” thì tự các ông ấy
đã vả vào mồm “đảng ta” đã chủ trương thay đổi tên nước từ Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa thành CHXHCNVN vào năm 1976. Chỉ vì cái tên đó còn nổi tiếng hơn bây
giờ là cái chắc. Khi đó Việt Nam vừa mới “đánh thắng hai đế quốc to” vừa mới
“lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu”, đến mức “người nước ngoài mơ rằng “sau
một đêm ngủ dậy được trở thành người Việt Nam”… chứ đâu phải như bây giờ nghe
nói đến Việt Nam chỉ nghe nói đến nghèo đói, tham nhũng và suy thoái, tệ nạn.
Nếu các ông nghị cho rằng “nếu
đổi tên nước như một số đề xuất thì vô cùng lãng phí, tốn kém mà không mang lại
ích lợi gì cho nhân dân”. Vậy thì sao các ông không nói thật to, thật rõ
cho dân nhờ khi Quốc hội giơ tay để biểu quyết mở rộng Thủ đô.
Sao các ông không gào lên thật
lớn khi nhà nước chi hàng ngàn tỷ đồng vào Đại lễ Ngàn năm Thăng Long mà đến
giờ chưa ai biết con số tổng kết là bao nhiêu, chỉ biết là rất lớn?
Sao các ông không kêu to lên,
khi đảng ta chủ trương đập phá cả Hội trường Ba Đình mặc dù đã có nhiều tiếng
nói can ngăn mà mấy ông nghị vẫn câm như hến?
Việc đổi tên nước có tốn kém
bằng “Chủ trương lớn của Đảng” ở Bauxite Tây Nguyên hoặc Dung Quất hay không?
Sao các ông nghị sợ tốn kém tiền dân khi đó trốn đâu mất dạng mà không lên
tiếng ngăn cản?
Thực ra, tất cả chỉ là ngụy
biện, một sự ngụy biện trơ trẽn và rất… cùn. Thưa các ông nghị.
Tôi không khâm phục lý luận của
các vị “đại biểu nhân dân”. Nhưng tôi khâm phục sự cùn và trơ trẽn, nói không
hề biết ngượng đó của quý vị.
Thực chất
Thực ra, điều cốt yếu để cuối
cùng, ván bài sửa hiến pháp lại trở về “cái máng lợn ăn sứt mẻ” chính là chỗ
này: “tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là đúng. Song việc chọn tên nước là
vấn đề nhạy cảm, trong đó quan trọng nhất là phải tránh sự xuyên tạc. Vì thế
cần giữ nguyên tên nước là CHXHCN Việt Nam”. – Cao Sỹ Kiêm, Đại biểu Thái
Bình.
Có một điều mà gần dây đảng và
nhà nước hay lo sợ bị xuyên tạc, song ai xuyên tạc nổi nếu có chính nghĩa trong
tay? Câu của cổ nhân dạy rằng “cây ngay không sợ chết đứng” là vậy, chưa chi đã
sợ chết đứng, chỉ vì tự biết mình không ngay mà thôi.
Thực ra, vở kịch sửa đổi Hiến
pháp vừa qua, có mục đích mà nhà báo Huy Đức đã nhìn ra và đặt câu hỏi từ rất
sớm là “Sửa Hiến pháp hay xây lô cốt”? Có xây xong cái lô cốt Chủ nghiã
Xã hội, thì đó mới là thành trì cho thể chế “Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn
diện”. Nếu không có mô hình quái gở đó, lấy đâu mô hình cho việc một đảng tự
nhiên nhảy lên đứng trên đầu, trên cổ dân tộc để tự khẳng định mình là quang
vinh, là trong sạch vững mạnh và chỉ có mình mới được lãnh đạo đất nước, dân
tộc này, chỉ có mình mới đủ khả năng và tài đức lãnh đạo, dù trong đó có cả bầy
sâu.
Nhưng, lòng dân thay đổi, người
dân biết mở miệng, khi đó vở kịch có nguy cơ bị cháy.
Khi vở kịch đã có nguy cơ bị
cháy, người ta cố bằng mọi cách đẩy nó về “cái máng lợn ăn sứt mẻ”.
Điều đó cũng không có gì lạ.
Nhưng ai mà đoán biết, cái lô cốt đó tồn tại được bao lâu nữa?
Ngày 28/5/2013
J.B Nguyễn Hữu Vinh
No comments:
Post a Comment