Tuesday, 28 May 2013

PHẢI THEO ĐUỔI CHIẾN LƯỢC CHỐNG TRUNG QUỐC (Florence Knightingale)




Monday, May 27, 2013 at 11:24pm

Trong dư luận lề trái, chủ đề chống Trung Quốc dường như đang bị lãng quên. Mới đây, nước ta hứng chịu bốn động thái xâm lược liên tiếp chỉ trong vòng 2 tuần lễ. Nhưng tất cả những khiêu khích trắng trợn đó dường như không gợi lên được một con sóng nào trong dư luận đối lập. Cộng đồng bé nhỏ này còn đang bận rộn tíu tít với việc chửi Nick Vujicic, đoán mò về Trương Duy Nhất, và xây các tượng đài anh thư. Người ta không rủ lòng cho chủ đề biển đảo lấy một bài viết, chứ đừng nói đến một cuộc biểu tình. Trong xu hướng thời trang yêu nước của năm nay, dường như chuyện biển đảo đã hết mốt.

Đôi lúc, người ta còn biện bạch cho sự lãng quên này bằng lập luận. Bạn tôi quả quyết rằng biểu tình chống Trung Quốc chỉ là giai đoạn sơ khởi, chập chững của phản kháng dân sự ở Việt Nam. Anh nghĩ cái giai đoạn này nên khép lại, vì có làm nữa cũng hết tác dụng, và vì cần tập trung vào những chủ đề mới, như quyền con người. Nhiều bạn khác lại cho rằng có lên tiếng tiếp cũng vô ích và vô duyên, vì "cái chính quyền mặt trơ này đã quyết định bán nước". Họ cho rằng thay vì tiếp tục nấn ná với chuyện biển Đông, dư luận trái chiều nên tập trung vào những thông điệp đòi nhân quyền, chống chính quyền, và khai thác những mâu thuẫn trong xã hội. Vì theo họ, có thay đổi chế độ mới "giải quyêt được từ gốc rễ" chuyện biển Đông.

Tôi không đồng ý với quan điểm này. Dù chính quyền có hay không có sự đê hèn, và dù các hoạt động phản kháng dân sự đã phát triển đến đâu, phong trào đối lập vẫn cần duy trì liên tục một thái độ chống ngoại xâm mạnh mẽ.

Trong bài viết ngắn này, tôi chỉ xin nêu hai lí do mà mình cho là đặc biệt quan trọng.

Thứ nhất, nếu không liên tục giữ một thái độ đúng mực với vấn đề chủ quyền của Tổ quốc, phong trào đối lập sẽ không thể hiện diện như một phong trào yêu nước trong mắt quần chúng Việt Nam. Ai sẽ nghe anh hô những khẩu hiệu yêu nước, khi chính anh cũng thờ ơ, hoặc chỉ quan tâm một cách qua quýt, đến cảnh đất nước bị xâm lược dần dần ? Cần lưu ý rằng trong ngôn ngữ và tâm hồn của người Việt Nam, Đất Nước = Đất + Nước. Chúng ta vẫn thuộc về một dân tộc nông dân có cuộc đời bị chôn chặt vào đất đai, tầm nhìn bị giam hãm trong lũy tre làng, và ý thức quốc gia gắn liền với những cuộc đấu tranh giành giật lãnh thổ. Bởi vậy, trong thời kì chuyển tiếp, thành tố yêu Đất và yêu Nước vẫn chiếm phần quan trọng trong tình yêu Tổ quốc của người Việt Nam. Muốn khơi dậy lòng yêu nước của người Việt, ta không thể quên nhắc đến chuyện chủ quyền. Vì vậy, nếu bạn thừa nhận rằng lòng yêu nước là một trong những động lực quan trọng nhất của cuộc vận động dân chủ hóa Việt Nam, hãy luôn tâm niệm rằng cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền là một nguồn nhiên liệu vừa dồi dào, vừa không thể thiếu.

Kết luận này được thực tế khẳng định. Trong thực tế, một khẩu hiệu hô hào bảo vệ chủ quyền có thể đem lại cho các lực lượng chính trị Việt cả đà thắng thế lẫn cảnh tiến thoái lưỡng nan. Chính quyền Việt Nam - cái chính quyền mà tính chính đáng vẫn lệ thuộc chủ yếu vào huyện thoại về hai cuộc chiến tranh giữ nước - đang gặp rắc rối lớn khi không thể tìm giải pháp cho vấn nạn chủ quyền. Tương tự, nếu phong trào đối lập tiếp tục quên khuấy chuyện biển đảo trong lúc dồn mọi cố gắng tuyên truyền để xây dựng những tượng đài anh thư chống chống ngoại xâm, nó cũng sẽ gặp rắc rối to với những câu hỏi của công chúng. Ai có thể tiếp tục tin chúng ta, nếu dư luận lề trái cứ biện bạch rằng vì nó bận tập trung bộ sức lực để ca ngợi bài thơ chống Trung Quốc của Phương Uyên, nó đã hết cả thì giờ để đả động đến chuyện tàu cá Việt bị đâm, hay chuyện tàu chiến Trung Quốc tiến vào Vịnh Bắc Bộ ? Bằng cách này, tử huyệt của chính quyền khi trước có thể sẽ biến thành tử huyệt của chính chúng ta.

Thứ hai, cần lưu ý rằng nếu chính quyền có cơ hội ngả sang Trung Quốc, tiến trình dân chủ hóa Việt Nam sẽ rơi vào cả một cơn đại họa. Những lực lượng chính trị và xã hội ở Việt Nam chỉ có một điểm chung duy nhất: chúng đều yếu như nhau. Chính quyền Việt Nam suy sụp, xã hội dân sự Việt Nam què quặt, và phong trào đối lập Việt Nam thì rã rời. Trên mảnh đất này, ngoại quốc là những lực lượng mạnh nhất. Bởi vậy, sẽ không đáng ngạc nhiên nếu trong thập kỉ tới, việc chính quyền ngả sang Trung Quốc hay phương Tây sẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định vận mệnh dân tộc. Ngay từ bây giờ, phải vận dụng mọi sáng kiến và nỗ lực có thể để đẩy lùi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc nếu chúng ta muốn cuộc chuyển hóa dân chủ diễn ra trong thời gian ngắn nhất, tránh được những đổ vỡ đáng tiếc và tiết kiệm được xương máu nhân dân. Và như thế, có thể nói rằng phong trào chống Trung Quốc sẽ dọn đường cho cuộc vận động dân chủ: nó đẩy lùi chướng ngại vật lớn nhất đang chắn ngang đường. Nếu tinh thần bài Trung Quốc còn sôi sục trong nhân dân, Hà Nội sẽ không dễ dàng chọn Bắc Kinh làm nơi dựa dẫm.

Vì tất cả những lí do trên, Chống Trung Quốc phải được nhìn nhận như một chiến lược quyết định thành bại của phong trào đối lập Việt Nam, và được phong trào theo đuổi một cách liên tục, bền bỉ.

Tuy vậy, ngay lúc này, phải thừa nhận rằng những người đối lập đang quên khuấy nó, và còn định xếp nó vào nhà kho của những kỉ niệm, bất kể 4 cái tát mà Trung Quốc vừa giáng vào lòng tự trọng của dân tộc Việt Nam. Vì sao ra nông nỗi này ?

Lí do kì thực rất giản đơn: PHONG TRÀO ĐỐI LẬP VIỆT NAM KHÔNG CÓ CHIẾN LƯỢC NÀO HẾT. Chiến lược là sản phẩm trí tuệ của những tổ chức theo đuổi mục tiêu dài hạn. Nếu phong trào đối lập Việt Nam muốn có một chiến lược đúng, nó phải được lãnh đạo bởi một tổ chức vừa có cái đầu, vừa qui tụ được niềm tin. Đáng tiếc: một cộng đồng ô hợp của những cá nhân rời rạc và hội đoàn nhỏ lẻ là tất cả những gì chúng ta có lúc này. Mà trong tự nhiên, một thau cát rời không bao giờ có khả năng chủ động tiến bước cùng nhau theo một lộ trình lí tính định sẵn. Nó chỉ có thể bị cuốn theo những cơn gió ngẫu nhiên, nhất thời và vô định. Thay vì nghiêm túc theo đuổi chuỗi nước đi thông minh của một thế cờ mang lại chiến thắng, phong trào đối lập đã chỉ quanh quẩn trong vòng xoáy của những diễn biến sự vụ có khả năng khơi dậy cảm xúc ngắn hạn của đám đông. Nó sẽ như cô bé quàng khăn đỏ: vì mải đuổi ong bắt bướm mà bỏ đường thẳng để đi đường vòng. Và tôi e rằng trong khu rừng chính trị sắp bật rễ vì cơn bão đổi thay, "bác thợ săn tốt bụng" sẽ chỉ có trong truyện cổ tích.

FK.


No comments:

Post a Comment

View My Stats