Được đăng ngày Thứ tư, 29 Tháng 5 2013 14:25
Sự hội nhập người sắc tộc thiểu số trên Tây Nguyên vào
cộng đồng dân tộc Việt Nam từ năm 1954, đặc biệt là từ năm 1975 đến nay vẫn còn
nguyên vẹn. Đây là một vấn đề nóng bỏng mà các chính quyền Việt Nam tương lai
phải giải quyết càng sớm càng tốt
*
*
Ngày 28/05/2013, tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã H’Ra,
huyện Mang Yang (Gia Lai), Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã mở phiên tòa lưu
động xét xử 8 người sắc tộc thiểu số Bana bị kết tội "phá hoại chính sách
đoàn kết dân tộc" theo điều 87 bộ luật Hình sự.
Đây là nhóm người mà báo chí Việt Nam gọi là "tà đạo
Hà Mòn". Hà Mòn là
tên một xã thuộc huyện Đak Hà, tỉnh Kon Tum. Từ năm 1999, Hà Mòn được
biết đến với một "hiện tượng tôn giáo mới", được gọi là "tà đạo
Hà Mòn", "đạo Gyin"... Hiện tượng Hà Mòn ra đời do bà Y Gyin,
sinh năm 1942 sắc tộc Bana Rơngao, là tín đồ Công giáo nhưng làm nghề thầy
cúng. Trước năm 2007, bà Y Gyin thường trú tại thôn Kơ Tu xã Hà Mòn, huyện Đak
Hà, tỉnh Kon Tum ; sau năm 2007 bà chuyến đến ở làng Kơ Tu, xã Hơ Moong,
huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, hiện đã đi khỏi địa phương. Bà Y Gyin nói đã nhìn
thấy "Đức mẹ Maria hiện hình" trên nóc nhà vào 12 giờ khuya ngày
20/12/1999. Lợi dụng tình hình đó, một số người sắc tộc thiểu số Bana theo Công
giáo ở Hà Mòn thêu dệt, phao tin cho rằng bà Y Gyin được Đức mẹ nhập vào để
sáng lập ra một tôn giáo mới và nói "Hà Mòn là tôn giáo riêng" của
người sắc tộc thiểu số Tây Nguyên. Ban đầu số người theo đạo Hà Mòn chỉ là một nhóm
tín đồ đạo Công giáo, chủ yếu là phụ nữ sắc tộc thiểu số Bana, sau đó lan truyền
và thu hút khá đông người khác đi theo.
Trong vụ án này, 8
người bị xét xử gồm các ông Runh (34 tuổi), Jơnh (61 tuổi), Byưk (68 tuổi, cùng
ngụ xã H’ra, huyện Mang Yang), A Tách (54 tuổi), A Hyưm (73 tuổi, cùng ngụ xã
Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum), Đinh Lứ (37 tuổi), Đinh Hrôn (32 tuổi,
cùng ngụ xã An Thành, huyện Đăk Pơ, Gia Lai) và bà Y Gyin (71 tuổi, ngụ xã Hơ
Moong, huyện Sa Thầy, Kon Tum).
Nhóm người này bị khép về tội "gây hằn thù, kỳ thị,
chia rẽ dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt
Nam" theo Điểm b, Khoản 1, Điều 87 cùng một số điều khoản khác theo Bộ
luật hình sự.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai,
từ năm 2002 bà Y Gyin đã tung tin "Đức mẹ hiện hình để kích động nhiều
người dân tộc thiểu số khác, lôi kéo họ nhằm thành lập ra một tôn giáo riêng
của người đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây nguyên". Cáo trạng còn buộc tội
bà Y Gyin đã "nhận sự chỉ đạo trực tiếp từ các đối tượng Fulro sống lưu
vong ở nước ngoài, trong đó có Ksor Kớk, nhằm tiến tới thành lập một nhà nước
riêng đặt trụ sở tại thành phố Pleiku (Gia Lai)".
Theo báo Công an thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) số ra
ngày ngày 26/02/2013, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ công an phối hợp với Công an
huyện Ngọc Hồi, Công an tỉnh Kon Tum ngày 19/12/2012 bắt được bà Y Gyin và ông
A Nghel đang lẩn trốn, ít lâu sau bắt thêm A Tách. Đây là 3 người bị kết tội là
"nhóm cầm đầu". Hàng tháng (hoặc hàng tuần), tất cả tụ tập tại nhà
người cầm đầu để nghe "thuyết giáo", đọc kinh cầu nguyện tại nhà
riêng vào khoảng 5-7 giờ sáng và từ 6-10 giờ tối. Với thời gian, số người theo
đạo này ngày càng đông và chỉ lo đọc kinh cầu nguyện, không tham gia sản xuất,
hay sinh hoạt cộng đồng. Công an và các cơ quan khác đã thi hành nhiều biện
pháp cứng rắn để răn đe người Bana theo đạo nhưng không mấy thành công.
Qua những tường thuật đăng trên các báo nhà nước, người đọc không khỏi thắc
mắc là, ngoài những hành vi như đọc kinh, cầu nguyện như trên, không thấy những
bị cáo này đã làm gì thêm để "kích động, gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ dân
tộc", cũng không thấy nêu chứng cứ nào là đã "nhận sự chỉ đạo trực
tiếp từ tổ chức Fulro", do Ksor Kớt chỉ huy. Có lẽ chính vì vậy nên khi
hay tin các ông A Hyum cùng A Tách và bà Y Gyin bị bắt, số người theo đạo Hà
Mòn vẫn tiếp tục gia tăng.
Trong quá trình điều tra, một kịch bản quen thuộc được
công an địa phương áp dụng, đó là buộc các ông A Hyum và A Tách đọc lời thú tội
để quay thành video, sau đó chính quyền dùng bộ phim này chiếu lại cho dân
chúng xem nhằm răn đe những người chống đối. Song người dân Bana chất phác cho
rằng đó là những dàn dựng do công an tạo ra, một số người khác cho rằng cán bộ
cho hai ông A Hyum và A Tách uống "thuốc lú" để thú tội.
Mức án mà phiên
tòa đã tuyên cho thấy bà Y Gyin "người cầm đầu" chỉ bị mức án nhẹ
nhất là 3 năm, trong khi A Tách nhận mức án 11 năm tù giam và những người khác
bị xử 7 đến 10 năm tù giam. Điều này cho thấy có sự không rõ ràng từ các thông
tin trên báo chí cho đến cáo trạng buộc tội.
Phải chăng điều chính yếu khiến nhà cầm quyền nặng tay
với những người khác vì họ không chỉ cầu nguyện, đọc kinh mà còn kích động
những người khác "phản đối chủ trương của chính quyền tỉnh Kon Tum về việc
di dời nơi ở của đồng bào sắc tộc thiểu số Bana đến nơi ở mới để xây dựng công
trình thủy điện" ? Thông tin này Thông tấn xã Việt Nam chỉ đưa ra qua
loa trong khi cáo trạng không hề nhắc đến. Báo chí nhà nước tường trình về
phiên tòa cũng không hề nhắc đến hoặc nói rõ công trình thủy điện đó tên gì, và
nằm ở vị trí nào.
Phải chăng những người sắc tộc thiểu số ở vùng xa xôi,
thấp cổ bé miệng lại không thông thạo tiếng Việt đã phải trả giá cho niềm tin
của mình ? Hay vì họ hiện nay là người thiểu số trên chính quê hương của họ và chỉ có một quyết tâm duy nhất còn sót lại là giữ gìn một
phần đất của cha ông để lại trước làn sóng di dân ồ ạt của người Kinh lên Tây
Nguyên phá rừng lập đồn điền và khai thác bauxít ?
Sự hội nhập người sắc tộc thiểu số trên Tây Nguyên vào
cộng đồng dân tộc Việt Nam từ năm 1954, đặc biệt là từ năm 1975 đến nay vẫn còn
nguyên vẹn. Đây là một vấn đề nóng bỏng mà các chính quyền Việt Nam tương lai
phải giải quyết càng sớm càng tốt, nếu không Trung Quốc sẽ lợi dụng ước muốn tự
trị của những cộng đồng người sắc tộc này gây bất ổn cho Việt Nam.
Lạc Việt
No comments:
Post a Comment