Friday 31 May 2013

ỦY BAN BẢO VỆ KÝ GIẢ QUỐC TẾ LÊN ÁN VỤ BẮT ÔNG TRƯƠNG DUY NHẤT (Hoài Hương - VOA)




31.05.2013

Tổ chức phi chính phủ bảo vệ quyền tự do báo chí trên thế giới hôm 30/5 đã lên án vụ bắt giữ cựu nhà báo Trương Duy Nhất và kêu gọi Hà Nội thả ông ngay lập tức.

Ông Nhất bị bắt hôm 26/5 và giới hữu trách nói ông ‘lạm dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo điều luật 258 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam’.

Trả lời Hoài Hương của VOA Việt Ngữ, ông Bob Dietz, Điều phối viên đặc trách khu vực châu Á của CPJ, nói rằng vụ bắt giữ ông Nhất là bằng chứng mới nhất cho thấy Việt Nam tiếp tục tìm cách đàn áp những tiếng nói chỉ trích.

“Vụ bắt giữ mới nhất này, đối với chúng tôi, là thêm một trường hợp khác nữa nhà cầm quyền Việt Nam đã viện những luật lệ mù mờ để quy tội chống phá nhà nước hầu bịt miệng những người dám chỉ trích chính phủ. Những người bị bắt mới đây không bị buộc tội nào cụ thể, những cáo buộc cho rằng họ xâm phạm các lợi ích nhà nước đã được chính quyền dùng như một tấm mền để ập lên đầu giới chỉ trích hầu đàn áp truyền thông tự do. Điều mà chúng ta chứng kiến ở Việt Nam, là những nhà tù hết chỗ chứa vì đầy các nhà báo và blogger vô tội.”

Theo một cuộc điều tra của CPJ, với 14 nhà báo hiện bị cầm tù, Việt Nam là quốc gia tống giam nhiều ký giả đứng hàng thứ 6 trên thế giới.

Ông Dietz nói Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng đàn áp quyền tự do báo chí và tự do internet của công dân.

“Trên thực tế, chúng ta thấy thái độ ngày càng cứng rắn hơn ở Việt Nam hiện nay, và với thời gian, càng ngày chính quyền Việt Nam càng kháng cự mạnh hơn. Ủy Ban chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu chính quyền các nước khác trên khắp thế giới, và tại thời điểm này, cả Liên Hiệp Quốc nữa, để giải quyết tình hình hạn chế nghiêm trọng giới truyền thông và quyền tự do ngôn luận, để tìm cách lật ngược xu hướng đó.”

Không chỉ có CPJ mà nhiều tổ chức thúc đẩy quyền tự do báo chí khác trên thế giới như Tổ chức Ký giả Không biên giới đều cho rằng Việt Nam không khoan dung với những tiếng nói bất đồng ôn hòa trên mạng của các nhà báo cũng như giới blogger.

Tuy nhiên, Việt Nam nhiều lần khẳng định không tống giam các nhà bất đồng chính kiến, mà chỉ bỏ tù những ai vi phạm pháp luật.



No comments:

Post a Comment

View My Stats