AFR Dân Nguyễn
3-5-2013
1.
Năm nay, kỷ niệm ngày 30/4,
dường như báo đài, ti vi tuyên truyền bớt ác liệt. Đây có phải là tín hiệu đáng
mừng? Chúng ta đang đau đáu hướng tới hòa giải dân tộc. Mà một trong những điều
tưởng không gì thiết thực hơn, ấy là bớt dần, tiến tới bỏ hẳn những tuyên
truyền về “Chiến thắng”, hay về “Quốc hận”. Nếu người ta cứ ra rả nói về “chiến
thắng”, tranh thủ nói mỗi khi có dịp, đưa lên truyền hình những thước phim về
những gì liên quan đến cuộc chiến đã đi qua gần nửa thế kỷ, khác nào đụng vào
nỗi đau đã rất khó “lên da non”. Non một nửa số người Việt, cũng thuộc về con
Mẹ Âu Cơ, có lý do để kỷ niệm ngày “Quốc hận”, mỗi dịp 30 tháng tư về! Nhưng
hòa giải, hòa hợp dân tộc phải đến từ cả hai phía, và nhất thiết nó phải xuất
phát từ thiện chí. Người “Chiến thắng” phải tiên phong, phải đi đầu, và có
những kế hoạch, những bước đi cụ thể cho tiến trình Hòa Giải. Bên “Quốc hận”
hãy vị tha, hãy nghĩ tới dân tộc, tới quê hương. Nếu nghĩ rằng, “Bên thắng
cuộc” cũng là người Việt, hơn nữa còn đang chịu “Quả báo” bởi sai lầm đi theo
một thứ chủ nghĩa ghê gớm đã sụp đổ gây ra, thì bên “Quốc hận” chắc cũng thấy nhẹ
nhõm mà chìa tay ra…
Dù ít nhiều thì mỗi dịp 30/4
về, người Việt ở mọi nơi, dù trong nước hay hải ngoại chắc cũng phải suy tư,
phải có những hành động cụ thể nào đó cho một Việt Nam tương lai, mà ở đó,
người Việt không chỉ thống nhất về giang san, mà thống nhất cả về tư tưởng,
tình cảm, suy nghĩ, và hành động…
Suy nghĩ cũng là một trạng thái
của hành động. Những suy nghĩ xuất phát từ sự thành tâm, là những trăn trở cho
thời cuộc dân tộc, cũng là cần thiết. Có thể những suy nghĩ đó không phù hợp,
không “lọt lỗ tai” người này, bộ phận kia, nhưng nhất thiết phải được nói ra,
miễn sao xuất phát từ sự thành tâm và phải mang tính xây dựng.
Nghĩ về cuộc chiến tranh tương
tàn đã đi qua ngót 40 năm, nếu nói Dương văn Minh, vị tổng thống cuối cùng của
chế độ đã sụp đổ là người có công…chắc ít ai nghĩ đến, và lại càng khó chấp
nhận. “Có công” ở đây, nếu xét theo quan niệm cuả nhà thơ Nguyễn Duy, dù bên
nào thắng, thì nhân dân vẫn là người thua! Tức là hậu quả cuối cùng cho mọi
cuộc chiến, người gánh chịu là ai nếu không phải là nhân dân. Cái danh hiệu Mẹ
VN anh hùng có giá mấy xu, khi đem đánh đổi việc những đứa con mẹ vĩnh viễn bỏ
mẹ lại không người chăm sóc mà ra đi. Nếu ai bảo rằng những đứa con mẹ hy sinh
để đất nước này có độc lập thì hãy khoan nói đến, bởi vì độc lập chưa phải là
điểm đến cuối cùng cho một cuộc cách mạng, bởi vì “Nếu Nước được độc lập mà dân
không được hưởng hạnh phúc , tự do, thì độc lập ấy cũng không ý nghĩa gì”!…
Thế nên, khi Dương Văn Minh,
với cương vị tổng thống, người có quyền ra lệnh tối cao, sẵn sàng chịu trách
nhiệm về sự sụp đổ của một chế độ, sẵn sàng chịu sự chỉ trích, thậm chí là sự
lên án của những sỹ quan, binh lính trung thành với chế độ cộng hòa, đã ra lệnh
cho quân đội VNCH buông vũ khí. Hãy tưởng tượng, chiến tranh kéo dài thêm một
phút thôi, sẽ có ít nhất một người lính của “phía bên này” và thêm một người
lính “phía bên kia” tử trận; Sự đau khổ vì thế sẽ dày thêm. Ngoài việc nghĩa
trang thêm lên những nấm mồ, đồng nghĩa với việc có thêm hai bà mẹ ở hai phía
mất con, còn là những người phụ nữ khác, người thì mất chồng, người mất người
yêu. Chưa hết, còn có những đứa trẻ lớn lên mà thiếu vắng sự dưỡng dục, mất đi
cái quý giá nhất trong đời. Một người lính vứt bỏ vũ khí tháo chạy, với lý do
chỉ huy của họ đã chạy trốn, hay vì lý do gì chăng nữa, có thể là đáng trách,
vì không làm tròn bổn phận người lính. Một sỹ quan “tuẫn tiết” vì quá trung
thành với chế độ, đã không còn có cơ hội để chiến đấu bảo vệ cái chế độ mà mình
yêu…là có thể hiểu được; Nhưng ông Dương Văn Minh ra lênh cho quân đội của ông
đầu hàng, là đã ghi công trạng với dân tộc, với người Việt Nam. Là một chính
khách, ông hiểu chế độ mà ông đứng đầu, là cái chế độ đáng tồn tại; Nhưng khi
nhận ra sự thật là lịch sử không đứng về phía ông, ông đành chấp nhận. Lịch sử
sẽ phải đi một con đường vòng với những mất mát khổ đau khác, nhưng không phải
là máu xương…Vậy thì quyết định của ông là nhân đạo và cao cả! Đó là cái việc
có ý nghĩa cuối cùng mà vị tổng thống cuối cùng làm được cho dân tộc mình. Ông
đã không kêu gào tử thủ. Ông đã không cho mở các kho bom đạn…
2.
Gần đây có bài trả lời phỏng
vấn của anh hùng Nguyễn Thành Trung. Ai cũng biết Nguyễn Thành Trung là người
lái máy bay của Mỹ trang bị cho đồng minh VNCH, đã ném bom Dinh Độc Lập trong
những ngày tàn cuộc chiến; Nhưng ít ai biết ông ta là người của cộng sản, mà cứ
nghĩ ông là sỹ quan cộng hòa phản chiến. Cũng giống như người ta cứ tưởng anh
Trỗi chỉ là thợ điện, vì căm thù giặc Mỹ mà có hành động đánh bom liều chết,
sau này mới biết anh là biệt động quân SG. Ông Nguyễn Thành Trung nói đã hối
hận vì không được chết vì Hoàng Sa những ngày Hoàng Sa bị cộng sản Trung Quốc
cưỡng chiếm. Liệu phát biểu vậy có phải là lời chém gió chăng? Nếu thực sự ông
hối hận, thì cơ hội chết cho Hoàng Sa vẫn chưa hết, thậm chí chết bây giờ còn ý
nghĩa hơn ngày xưa. Mà nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với cái chết, ông chỉ cần hòa
mình vào những cuộc biểu tình của những người yêu nước chống quân Trung Quốc
bành trướng, trong những cuộc xuống đường ở HN hay SG. Một người cũng được coi
là có “số má” của chế độ như ông, sẽ có tác dụng lớn cho cuộc đấu tranh đòi chủ
quyền biển đảo của VN, cũng như đòi tự do dân chủ cho nhân dân… Chém gió thì
nhân dân đã và đang phải nghe nhiều rồi. Hãy làm những việc thiết thực hơn. Hãy
noi gương những người như tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, tướng công an Phạm Chuyên,
nguyên ủy viên BCT Nguyễn khoa Điềm, Bs Huỳnh Tấn Mẫm, nguyên phó CT UBMTTQ Tp
HCM Lê Hiếu Đằng…nếu thực sự AHLLVT Nguyễn Thành Trung muốn đóng góp cho đất
nước…
3.
Hội nghị trung ương 7 của đảng
vừa khai mạc hôm nay. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đọc diễn văn khai mạc.
Nhân dân cả nước đang theo dõi sát sao, cũng kỳ vọng nhiều vào Hội nghị lần này
sẽ không “thành công tốt đẹp” như hội nghi trung ương 6 tháng 10 năm ngoái,
cũng như những hội nghị trước đây, bởi vì, cứ “thành công tốt đẹp” như vậy cho
đảng, thì nhân dân sẽ mất rất nhiều, và dân tộc chẳng được gì cả!
Hy vọng trong hội nghị lần này,
người ta không phải nghe những phát biểu mang tính suy thoái như phát biểu của
cụ tổng trước đảng bộ Vĩnh phúc tháng 2 mới rồi. Quả thực, như nhà báo Nguyễn
Đắc kiên từng nhận xét, những tác hại về tư tưởng, ý thức hệ mà một chính khách
gieo rắc, có hậu quả khôn lường so với hậu quả về kinh tế mà ai đó gây ra, dễ
khắc phục hơn. Thế nên, đừng dập tắt niềm hy vọng của nhân dân vào một sự
chuyển mình tốt đẹp cho tương lai dân tộc từ Hội nghị trung ương này. Đã đủ
chưa, sáng tỏ chưa, về “tính ưu việt” hay “dân chủ gấp vạn lần”…của cái thứ chủ
nghĩa mà chúng ta đã và đang đeo đuổi suốt mấy mươi năm qua.? Đảng đã hứa gì,
và đã làm được gì. Nhưng điều đó cũng không quan trọng bằng đảng sẽ nói gì và
làm gì…Thiết nghĩ, hãy rời bỏ cái chủ nghĩa mà trên thực tế nó đã phá sản, đã
sụp đổ. Như thế sẽ tốt đẹp cho dân tộc này. Rời bỏ nó, có thể đảng sẽ mất đi
nhiều quyền lợi. Nhưng cái được là lớn lao, là cái bao trùm lên toàn dân tộc,
trong đó có đảng. Việc thiết thực trước mắt là đừng đàn áp dân, đừng bắt bớ
những người bày tỏ quan điểm, đừng nghi kỵ và lập hàng rào với các trí thức.
Trí thức yêu nước là nguyên khí quốc gia, là những người muốn canh tân đất
nước. Ổn định kinh tế vĩ mô hay thậm chí là ổn định chính trị cũng chưa là cấp
bách. Chống tham nhũng cũng chưa phải là cấp bách hiện nay, hơn nữa, sẽ chẳng
thể chống nổi tham nhũng nếu cứ duy trì sự “ổn định chính trị” thế này, bởi ai
cũng biết tham nhũng đào hầm trú ẩn trong sự ổn định thể chế chính trị như kiểu
này. Hãy cho người dân được đóng góp, được bày tỏ chính kiến. Hãy luật hóa ngay
những điều cơ bản mà HP đã minh định mấy mươi năm qua. Đó là quyền biểu tình,
quyền tự do báo chí, quyền thành lập đảng phái, thành lập hội đoàn.
Muốn ra khỏi tình trạng như
hiện nay, thì không thể cứ duy trì hay lập lại cái gây nên tình trạng như hiện
nay.
April/2nd/2012.
Tác giả gửi quechoa.vn
Bài viết thể hiện văn phong và
quan điểm riêng của tác giả
No comments:
Post a Comment