Thursday 2 May 2013

SINH VIÊN & DIỄN BIẾN HÒA BÌNH (Huy Đức)





Thứ Năm, 02/05/2013

Đêm qua, một sinh viên đang học năm thứ hai tại một trường đại học ở Hà Nội có nhờ tôi trả lời một số câu hỏi. Thấy cách đặt vấn đề khá lạ, tôi có đề nghị bạn ấy giải đáp một số thắc mắc. Sau khi được sự đồng ý của bạn ấy, tôi xin đưa cuộc trò chuyện của chúng tôi lên Facebook, hy vọng, qua phản hồi của bạn đọc, tôi có thể biết được đây là nhận thức chỉ của một sinh viên hay của đa số bạn trẻ.
Huy Đức
*
*
Chào chú ạ. Cháu xin tự giới thiệu cháu là sinh viên... Cháu biết facebook của chú thông qua một người bạn ạ. Hiện nay cháu đang làm một bài tiểu luận về "vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền sửa đổi Hiến pháp 1992 của Việt Nam". Khi đánh giá về vai trò thì cần nhận xét của một nhà báo làm về pháp luật ạ. Cháu được biết chú là tác giả của cuốn sách bên chiến thắng, chú có thể cho cháu được phép hỏi 2 câu hỏi về vấn đề tiểu luận của cháu đc ko ạ?

Chú thì sẵn sàng thôi nhưng chú trả lời thì cháu có sử dụng được không (Sách của chú là Bên Thắng Cuộc).


Giới trẻ không ít người mất khả năng định hướng đúng sai. Những comment chửi bới vô lối như thế này vẫn thường thấy trên Facebook. Ảnh minh họa của Dân Luận.

À, cháu nhầm tên sách, cháu xin lỗi chú, cháu muốn được lắng nghe ý kiến của các nhà báo về vấnđề trên thôi ạ, rất cám ơn chú vì đã nhận lời. Thế cháu gửi câu hỏi luôn ở đây được ko ạ?

Được cháu, cuối tuần rảnh chú trả lời. Nhớ nhắc chú.

Vâng. Cháu cám ơn ạ. Cháu xin gửi 2 câu:
Hiện nay, đất nước ta đang diễn ra một sự kiện chính trị hết sức lớn lao là đóng góp ý kiến xây dựng bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Tuy nhiên, nằm trong âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bọn phản động đang từng giây, từng phút lợi dụng mọi kẽ hở trong luật pháp, trong tư tưởng của người dân, trong các chính sách của Đảng và Nhà nước để chống phá chế độ chính trị của ta về mọi mặt của đời sống, chống phá bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Câu hỏi cháu muốn đặt ra xoay quanh những vấn đề này.
1. Nhà báo nhận thấy báo chí nước ta đang phản biện những lí lẽ, lập luận thiếu căn cứ và mang tính phản động của các thế lực thù địch ở khía cạnh nào?”
2. Nhà báo có nhận xét gì về vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền để lấy ý kiến đống góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Chú sẽ trả lời sau, nhưng sao cháu lại bảo là: "Nằm trong âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bọn phản động đang từng giây, từng phút lợi dụng mọi kẽ hở trong luật pháp, trong tư tưởng của người dân, trong các chính sách của Đảng và Nhà nước để chống phá chế độ chính trị của ta về mọi mặt của đời sống, chốngphá bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992?"

Đấy là theo nhận định của cháu như vậy, vì sau 1 tháng theo dõi Facebook tên là Dân làm báo, cháu thấy bất cứ 1 vấn đề gì mới xảy ra trong ngày là chúng viết ngay 1 bài bình về vấn đề đó, giọng điệu phản động, kích động và nhận được sự đồng tình của ít nhất là 20 người ngay lập tức. Còn tranh thủ kẽ hở thì cháu thấy, hễ có gì liên quan đến nhân quyền tôn giáo là hàng nghìn blog viết bài phản biện ngay được ạ.

Ai nói đúng thì mình nghe, ai nói sai thì thôi, góp ý mà chỉ muốn nghe người khác nói giống mình thì đâu có được cháu.

Nhưng với quá trình sửa đổi hiến pháp thì theo cháu là: phản động chống phá nhiều, như đòi đa nguyên đa đảng chẳng hạn, nếu ta làm ngơ thì sẽ có nhiều người nghe bọn phản động đấy ạ, hì, nên báo chí mới cần định hướng dư luận góp ý theo quan điểm của đảng ta.

Dân tộc ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh rồi, theo cháu tại sao lại phải sợ diễn biến hòa bình? Cháu nêu ý kiến về mặt học thuật thôi, chú chỉ là nhà báo, cháu là sinh viên, không nên để các quan điểm chính trị chi phối quá cháu nhé.

Vâng, cái gì đúng thì mình nên nghe phải ko chú.

Cháu trả lời chú câu hỏi về diễn biến hòa bình nhé.

Sợ diễn biến hòa bình, theo cháu vì sợ bọn phản động dùng âm mưu lật đổ chính quyền, sợ chúng kích động đa nguyên đa đảng. Nhưng nếu không làm gì sai và chính quyền vững mạnh thì không cần phải sợ ạ.

Thế sao lại phải sợ đa nguyên, đa đảng cháu?

Sợ quyền lực tối cao ko nằm trong tay của Đảng nữa, khó mà yên bề cai trị đất nước, đặt biệt là ko thể tham nhũng nữa, đấy là vì lợi ích của 1 bộ phận trong xã hội chứ ko phải vì dân nữa ạ.

Ai không thể tham nhũng cháu? Ý cháu là cần phải bảo vệ quyền tham nhũng phải không? Sao nhất thiết quyền lực tối cao phải nằm trong tay Đảng mà không phải trong tay dân? Sao đất nước lại phải cai trị hả cháu?

Thật ra là cháu đã hiểu ý của chú, nhưng cháu là sinh viên, hiểu biết về chính trị chưa nhiều, nên có nói sai thì chết, hì, Nhà nước không muốn đa nguyên đa đảng vì như thế thì các ông lãnh đạo đâu còn cơ hội tham nhũng nữa ạ, cháu thì không cổ động đa nguyên đa đảng hay chỉ 1 đảng, vì mục đích cũng chỉ là làm xã hội tiến bộ, phát triển. Nhưng mà 1 đảng lãnh đạo mà mãi chưa tiến bộ thì cần xem xét lại ạ. Đấy là quan điểm của cháu.

Chú hỏi để cháu suy nghĩ thôi. Chú không biết cháu học những gì trong nhà trường, nhưng chú hơi ngạc nhiên khi cháu bảo vệ sự lãnh đạo của một đảng vì "nhà nước không muốn đa nguyên, đa đảng vì như thế các ông lãnh đạo đâu còn cơ hội tham nhũng nữa". Cháu học năm thứ mấy rồi?

Đấy là theo quan điểm của cháu, hì, tại chú hỏi vì sao không đa nguyên đa đảng ạ. Bây giờ quyền lực tất cả nằm trong tay chú mà chú lại phải san sẻ cho người khác, như vậy thì ai cũng phản đối cả ạ. Cháu mới học năm 2 thôi ạ, cháu còn chưa học hết đại học đại cương nên nhiều cái vẫn chưa hiểu nổi đâu ạ, hì.

Chú đưa đoạn chat này lên FB, không để tên cháu, không để tên trường, chú cháu mình quan sát xem mọi người thảo luận thế nào nhé?

Có được không hả chú?

Sẽ không ai biết cháu, nhưng cháu có thể biết mọi người nghĩ gì?

Vâng. Cháu cũng muốn xem phản ứng của mọi người thế nào chú ạ.

Có thể có ý kiến gay gắt nhưng cái chính là cháu sẽ học được. Ai có ý kiến xây dựng thì mình nghe. Ai chửi bới thì mình có thể không cần để ý. Cháu thấy sao?

Quan điểm của cháu sẽ có nhiều người phản đối, không phải vì họ không thấy đúng đâu ạ, mà cháu nghĩ họ không dám nói thôi. Chứ bây giờ đất nước phát triển, giáo dục phát triển bọn cháu cũng được lợi mà. Chú cứ đăng đi ạ, nhưng nếu nghe ý kiến gay gắt thì cháu ko ngại, chỉ sợ các ông chính quyền thấy lại nghĩ cháu cổ vũ đa đang thì chết.

Đây là trường hợp có thật, bạn ấy đang cần học hỏi, xin đề nghị các anh chị không dùng lời lẽ nặng nề khi nhận xét.

XEM Ý KIẾN :



No comments:

Post a Comment

View My Stats