Thursday, 2 May 2013

ĐÔI LỜI CÙNG TÁC GIẢ BÀI THƠ "ĐẤT NƯỚC NHỮNG THÁNG NĂM THẬT BUỒN" (David Thiên Ngọc - Danlambao)





Đọc qua bài thơ tôi cũng cảm thấy thật buồn, buồn như nỗi buồn của hàng triệu nhân dân VN có nỗi lòng trăn trở cho đất nước. Đất nước qua 38 năm đau khổ và thật là buồn. Không kể ra đây thì ai cũng biết nỗi buồn chiến tranh, nỗi buồn đạo đức xã hội suy đồi, băng hoại... Nỗi buồn cuộc sống của toàn dân đang trong cảnh lầm than không lối thoát mà ở đây có một nỗi buồn trên mọi nỗi buồn là giới cầm quyền nắm vận mệnh Quốc Gia dân tộc đang cố tình làm cho đất nước buồn thêm... Sĩ phu trí thức cùng những nhà yêu nước thì cô đơn độc hành trên con đường dài hun hút đầy chông gai, đèo ải. Tiếng thét gióng lên như tiếng loài chim Quốc kêu gào khản giọng giữa đêm hè thật khô khan và buồn thảm.

Thưa tác giả Nguyễn khoa Điềm! nơi đây tôi dùng chữ thưa không phải như những đồng chí của ông, những đảng viên CS cúi đầu thưa UVBCT như ngày nào mà với tôi là tôn trọng người lớn tuổi cho dù tác giả và tôi mỗi người ở hai đầu giới tuyến. Trong tôi nét văn hóa ngã mũ chào người lớn khi ra đường, "kính lảo đắc thọ" chứ không phải như cái xã hội VN thời cộng sản ra ngõ gặp anh hùng. Thứ anh hùng "Núp" lén trong bóng đêm, bụi rậm ám toán kẻ hiền lương yêu nước, hà hiếp, cướp bóc người già cả, phụ nữ tay yếu chân mềm như trong xã hội ưu việt XHCN hiện nay mà cả tập đoàn đỉnh cao trí tuệ của các ông đang ra sức bảo vệ và tung hê.

Tôi xin bỏ qua và đứng ngoài ý thức hệ như đã nêu trên mà chỉ lấy tư cách là một người VN mang dòng máu Lạc Hồng như gần 90 triệu công dân VN khác trong đó có tác giả bài thơ nói trên mà có đôi lời.

Đọc qua bài thơ, trong tôi với một chút hơi hám còn lưu giữ của một thời "ôm cặp" cho các vị thầy của tôi ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn như các GS Bửu Cầm, GS Nghiêm Toản, GS Bùi Xuân Bào, GS Nguyễn Văn Trung v.v... trong thời SV chúng tôi ngập chìm trong khói lửa, hơi cay... mà nói lên rằng riêng về mặt giá trị nghệ thuật của bài thơ là không có gì để nói. Có lẽ bài thơ này là một trong những bài thơ đầu tiên của tác giả nhận được lời phê phán trái chiều từ xã hội với một lý do đơn giản là "nhà thơ Nguyễn khoa Điềm" đã ở vào buổi xế chiều trong mọi ngữ cảnh. Ngày xưa ở ngôi vị ngất ngưởng trên cao, một câu chữ của nhà thơ đều là khuôn vàng thước ngọc và đều được dán lên trên phông nền màu đỏ... nó trở thành những "câu kinh" "lời sấm" mà mọi tín đồ đều phải tụng niệm và ca ngợi tung hô giống như chuyện ngày xưa có kẻ nịnh hót ngưởi rắm quan cũng bảo rằng thơm. Xin tác giả đọc lại mấy câu "thơ thần" của nhà thơ lớn CS Tố Hữu như:

"Vui biết mấy khi nghe con tập nói.
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin."

Hay:

"Ông Stalin ơi! Ông Stalin ơi!
Hỡi ơi ông mất đất trời còn không?
Thương cha thương mẹ thương chồng,
Thương mình thương một thương ông thương mười..."

Và còn nhiều... rất nhiều nữa! với tư duy và cái tầm của nhà thơ từng là bộ trưởng Văn Hóa Thông Tin tác giả thấy sao về ý nghĩa và giá trị về mọi mặt của những câu thơ dẫn ở trên của "Nhà thơ lớn"?

Bây giờ đọc bài thơ "Đất nước những năm tháng thật buồn" của tác giả riêng về mặt nghệ thuật thì tôi đã nói là không có gì để phải phân tích vì thú thật, lời ngay mất lòng, nhà thơ chớ buồn vì nó thấp lắm. Điều đáng nói ở đây là phần ý thức hệ chính trị về mặt trái và mặt phải của từng câu thơ, ngữ cảnh của từng câu chữ và xa hơn là chiều sâu và "Ý thực" trong đáy lòng của tác giả. Bởi trong tôi và hàng triệu con dân VN luôn có tâm trạng "con chim bị tên khi thấy cành cung vẫn sợ!" xin tác giả chớ buồn vì hầu hết đảng viên cộng sản từ xưa giờ hiếm có ai là người chân chính và nói thật với lòng mình! ở đây tôi nói "Hiếm" chứ không phải là "Không", vì trong hơn 1/2 thế kỷ qua cũng có lắm vị đảng viên CS cốt lõi nửa đường ngộ chân lý và dũng cảm nói ra ý thật của lòng mình cho dù thịt nát xương tan, thân thế sự nghiệp bị bôi nhơ bởi những thùng nước thối như GS Hoàng Minh Chính, Trung Tướng Trần Độ trong đám tang của ông mà gia đình cũng bị hành hung sách nhiễu và bôi nhọ danh dự uy tín của ông. UVBCT Trần Xuân Bách, UVBCT Nguyễn Hà Phan, nhà lý luận Lê Hồng Hà, và gần đây là hai anh em Huỳnh Nhật Tân, Huỳnh Nhật Hải ở Đà Lạt - Lâm đồng. Tất cả đều thức tỉnh khi đang tại vị nếu cúi đầu làm ngơ ắt sẽ giàu sang phú quí như các ông đã hạ cánh an toàn. Nếu những vị đã chết mà hiện vẫn còn sống thì nhân dân luôn dang rộng đôi tay và đón về cùng dân tộc.

Trở lại những dòng đầu của bài thơ, nếu như cho rằng Nguyễn Khoa Điềm có nỗi ưu tư cho vận nước thật tình thì tôi thấy hoàn toàn mâu thuẫn. Bởi cái bức tranh đất nước thật buồn đang hiện hữu thì Nguyễn Khoa Điềm là một trong những bàn tay cầm cây cọ vẽ nên mà còn ra sức bẻ cong hay chuyển hướng cho nhiều cây cọ khác phải tô, phải vẽ như chính cây cọ tuyên giáo của mình. Hành động này là mới đây thôi, nét sơn còn ướt, thời gian như mới hôm qua thế mà hôm nay lại có cảnh "nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt" rồi "Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành/ Như kẻ khát nước qua sa mạc..."!?

Theo tôi cái suy nghĩ và hoàn cảnh này nó phải trải qua một thời gian không ngắn và phải có một lộ trình đấu tranh gay gắt trong tâm hồn, trong hệ tư tưởng mà cả cuộc đời ông lao tâm khổ tứ và sẵn sàng hy sinh tất cả cho lý tưởng, cho học thuyết đã theo đồng thời rao giảng cho nhiều thế hệ chứ có bao giờ chỉ một đêm sáng dậy mở cửa ra thấy núi mọc trước nhà? và nơi đây là hình tượng một vị UVBCT "về vườn hôm trước, hôm sau đổi chiều."? có đáng tin không? và hơn thế nữa là tác giả lại cầu mong một "tin lành"! một giọt nước cho kẻ dài ngày qua sa mạc? thật khó hiểu.

Rồi đọc đến đoạn "...Cả bầy ve vừa lột xác... Sớm mai còn giữ được màu cờ đỏ..." ở đoạn này tôi nhận thấy trong đó hàm chứa hai ý lấp lửng giữa ngược và xuôi. Nguyễn Khoa Điềm trăn trở không ngủ được là lo sợ vì bầy ve lột xác hay mừng vui khi thấy lột xác cả bầy ve? đồng thời phập phồng lo cho màu cờ có còn đỏ, có còn bay phấp phới giữa trời đêm hay tả tơi qua một cơn dông bão...? Đến đoạn cuối nhà thơ lại đề cập đến hai từ "xấu hỗ". Vậy thì Nguyễn Khoa Điềm hãy đối diện với những nhà báo, nhà văn, nhà thơ VN trong mấy thập niên qua sẽ có câu trả lời cùng những bức tranh sống động minh họa chính xác và cụ thể về hai từ "xấu hỗ", xấu hỗ với mọi người cùng con cháu hiện tại chứ không nói đến "hỗ thẹn với tiền nhân" như ngài chủ tịch nước đương kim.

Những lời nhận xét trên của tôi là thẳng thắn và khách quan trên cả mặt nghệ thuật văn thơ cùng ý thức hệ. Tôi không đứng trên quan điểm đối nghịch, cực đoan mà có lời nghịch nhĩ. Nhưng thưa thật với tác giả bài thơ rằng những gì mà tập thể đảng CSVN đã và đang nói thì khó mà minh định và xác tín kể cả các vị đã thối trào tay vẫn còn khư khư thẻ đảng mà có ý về lại với nhân dân. Một câu phát biểu xuôi theo chiều gió, một bài báo viết theo lề dân, và một bài thơ không theo lề đảng nó chưa nói lên một điều gì. Nhân dân VN có một nhược điểm là cả tin, xiêu lòng nhưng với hoàn cảnh hiện nay thì không thiếu sáng suốt bởi những bài học đắng cay, xương máu mà nhân dân đã rút ra từ đảng CSVN trong gần một thế kỷ qua rồi. Những ai thành tâm, thành ý, ăn năn hối cải, hành động thiết thực để chứng tỏ rửa sạch tâm hồn, vứt áo quỉ ma mà về với chính nghĩa thì mẹ Việt Nam luôn dan tay đón nhận. Mẹ nào mà chẳng thương con cho dù muôn ngàn tội lỗi một khi đã thức tỉnh quay về.

Ngày 3/5/2013




No comments:

Post a Comment

View My Stats