Wednesday, 8 May 2013

NÓI CHUYỆN HÒA GIẢI, ĐỒNG THUẬN (Đại Nghĩa - Đàn Chim Việt)




12:01:am 07/05/13

Một chủ đề mà tôi ấp ủ từ lâu, nó cũng như một hoài bão cuối đời của người lính thua trận đang phải sống lưu vong trên đất khách. Suốt 38 năm qua đã có biết bao người bên này cũng như bên kia cùng mơ ước có ngày hòa giải và hòa hợp dân tộc để cùng nhau xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, con đường hòa giải, đồng thuận ngày càng mờ mịt vì thiếu sự quyết tâm chân thành.

Nhân đọc bài “Hòa giải, đồng thuận để đại đoàn kết” của nhà báo Tống Văn Công đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 4-5-2013, tôi xin phép tuần tự cùng lạm bàn với ông về bài viết này.

- TVC: “Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có lần nói “Ngày 30-4 có hàng triệu người vui, nhưng cũng có hàng triệu người buồn”. Câu nói phản ánh hoàn cảnh lịch sử khiến cho “đất nước đã thống nhất mà lòng người còn ly tán”. Ba mươi năm qua hố ngăn cách đã hẹp lại theo chiều rộng, nhưng vẫn còn đôi chỗ hun hút sâu”.

Thưa ông Công, ngày 30 tháng 4 năm 1975 trong số “hàng triệu người vui” mà ông Kiệt nói tôi thấy không trọn vẹn lắm vì trong số đó ít ra cũng còn có một người buồn. Người nữ bộ đội miền Bắc Dương Thu Hương khi theo đoàn quân chiến thắng vào Sài Gòn ngồi bên lề đường mới hay mình “vui sao nước mắt lại trào”. Trong lần trả lời phỏng vấn của phóng viên Đinh Quang Anh Thái đài LSR hồi tháng 4 năm 2000, bà Hương nói:
“Lần thứ nhất khi đội quân chiến thắng và Sài Gòn năm 1975, trong khi tất cả mọi người trong đội quân chúng tôi đều hớn hở cười thì tôi lại khóc. Vì tôi thấy tuổi xuân của tôi hy sinh một cách uổng phí…
“Vào Nam tôi mới hiểu rằng chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người…
“Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ”. (Dân Luận online ngày 2-4-2012)

Và mới đây cụ nhạc sĩ Tô Hải cũng nói như thế trong bài “Nhân 30 tháng 4, tôi tuyên bố”, cụ Hải viết:
“Chính mình đã đưa ra cái ý kiến về câu: ‘Có triệu người vui và cũng có triệu người buồn’ của ông Võ Văn Kiệt là: ‘bề trên’, ‘kẻ cả’ và cực kỳ… ‘chủ quan’ bằng những lý lẽ để ‘bổ sung’ (thực chất là để ‘bác bỏ’). Rằng thì là: ‘chẳng có cái tỷ lệ chung chung, bằng nhau đó đâu”…
“Tuyên bố:
“Chính ngày 30 tháng 4 này là ngày giải phóng cho tôi, một công dân miền Bắc, khỏi kiếp nô lệ một thứ triết học chính trị ngoại lai cực kỳ phản động…” (Bauxite Việt Nam online ngày 2-5-2013)

Như vậy cho chúng ta thấy rằng sau 38 năm chính quyền Hà Nội chưa dám nhìn ra sự thật và hàng năm cứ đến ngày 30 tháng 4 vẫn còn tổ chức ăn mừng lừa dối một cách khôi hài thì làm sao có được hòa giải. Người cộng sản chỉ chiếm được thành chớ không chiếm được lòng dân, cho đến ngày hôm nay hố cách biệt ngày càng “hun hút sâu” chớ không “hẹp lại theo chiều rộng” như ông Công đã tưởng.

- TVC:Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, ở bệnh viện Từ Dũ, từ chối đơn bảo lãnh sang Mỹ của chồng, để ở lại cứu giúp đồng bào sau chiến tranh…
“Trung úy Quân y Nguyễn Chấn Hùng vừa rời trại cải tạo đã được nhận vào trường Đại học Y và Bệnh viện Bình dân…
“Chắc chắn hai điển hình này đã góp phần không nhỏ cho hòa giải, tạo nên sự đồng thuận xã hội…”

Ông Công đã vội lạc quan qua những sự kiện không lấy gì làm thuyết phục lắm, tôi không nghĩ điển hình của hòa giải mà nó chỉ là sự cá biệt của một vài cá nhân không có chút nào về ý thức chính trị. Trong một cách nghĩ nào đó, với cuộc sống yên thân họ đã an phận trùm chăn đắp chiếu. Trường hợp của họ không như trường hợp của bác sĩ Nguyễn Đan Quế, người biết sống cho tha nhân, cho dân tộc, cho Tổ quốc, ông ấy mới là một điển hình đáng được đề cập tới.

Đã 38 năm, người thua trận bây giờ đang sống khắp cùng thế giới hưởng được tự do, dân chủ và nơi đó họ đã có đủ nhân quyền thì làm sao kêu gọi họ trở về hòa giải và đồng thuận với những người tam độc: độc đảng, độc quyền, độc tài. Hiện nay nhân quyền và tự do báo chí ở Việt Nam bị thế giới đánh giá là đang xuống cấp 172/179. Ngay cả những nhà trí thức cách mạng lão thành, những thanh niên trẻ mới trưởng thành trong XHCN còn “không đồng thuận” với nhà nước cộng sản thì làm sao đồng thuận được với những người thua trận; họa may vớ được một vài tên.

- TVC: “nhạc sĩ Phạm Duy…: “Điều chủ yếu là nhận thấy chính sách văn hóa văn nghệ nay cởi mở rất nhiều so với trước, đã cho phép được hát tình ca”…Như vậy nhạc sĩ Phạm Duy muốn được trở về là do có sự đồng thuận về văn hóa. Một nhân vật khác là nguyên Phó Tổng thống VNCH, tướng Nguyễn Cao Kỳ về nước năm 2004…Ông nói, mình muốn đóng vai trò hòa giải dân tộc để góp phần kêu gọi đầu tư xây dựng đất nước. Như vậy có thể hiểu sự hòa giải thành công với những người như ông Nguyễn Cao Kỳ và rất nhiều doanh nhân trong và ngoài nước, chủ yếu là sự đồng thuận về tự do kinh tế”.

Ông Công thật sự đã không hiểu nhiều về hai nhân vật “sớm đầu tối đánh” và “đón gió trở cờ” này, họ chỉ cốt chạy theo những lợi lộc cá nhân thấp hèn.

Phạm Duy, người đã từng tham gia kháng chiến, rồi từ bỏ kháng chiến về thành, di cư vào Nam theo “Mỹ Ngụy” chống cộng triệt để rồi nay thấy cộng sản thắng ông lại quay trở về với cộng sản, con người như thế có gì đáng để nêu. Ngay cả cái cá nhân bê tha tồi bại trong việc đi “ăn chè Nhà Bè”, điều này nhân dân Sài Gòn trước năm 1975 ai cũng rõ, ông ấy chết rồi nên không nhắc lại. Còn ông ta trở về Việt Nam cũng chỉ nhằm kiếm sống lúc về già thôi chớ ở hải ngoại này thì ông đã bị chê, mặc dù ông đã có tài. Văn hóa ở Việt Nam làm gì cởi mở hơn trước, có chăng là những loại nhạc tình kích động chạy theo thị trường nơi các phòng trà ôm, cà phê ôm chớ như Việt Khang sáng tác nhạc đấu tranh chống quân xâm lược thì đang ngồi tù hoặc những ca sĩ hải ngoại của trung tâm ASIA trình diễn nhạc đấu tranh chẳng phải đã bị cấm đó sao?

Còn ông Kỳ, thì không cần phải nói cái ông “Con cầu tự” này khi được thời thì ba hoa. Ông ta đã từng kể:
“Năm 1964, nhân đi Air Việt Nam qua Vọng Các tôi gặp Đặng Tuyết Mai, một tiếp viên hàng không xinh đẹp, 20 tuổi…Để được có dịp gặp nàng chào từ biệt lúc 6 giờ sáng, nhân mặc đồ đại lễ trắng thiếu tướng Không quân, bèn đóng vai bồi khách sạn gõ cửa phòng Tuyết Mai, tay bưng đồ ăn sáng”. (Giao Chỉ -Cõi tự do trang 61)

Năm 2005, nhân chuyến về Việt Nam ông Kỳ tuyên bố với ký giả Lưu Quang Phổ của tờ báo Thanh Niên Xuân Ất Dậu tại Sài Gòn mà không biết ngượng rằng:
“Quân đội miền Nam không ai đáng giá cả, kể từ ông Nguyễn Văn Thiệu Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh trở xuống. Trong số những vị cùng vai với tôi, cứ mười người thì mười một ông tham sống sợ chết”. (Người Việt ngày 24-1-2005)

Ông Kỳ tưởng rằng ông ấy có được uy tín để đứng ra làm cái việc hòa giải, ông không nghĩ rằng chỉ có người cộng sản tạm dùng ông như một con cờ để lôi kéo những con thiêu thân hám lợi về làm giàu cho đảng cộng sản. Vì muốn củng cố và duy trì quyền lực thống trị nên cộng sản đã kêu gọi những “đĩ điếm” bỏ xứ ra đi là khúc ruột ngàn dặm mang chất xám, chất xanh về nuôi đảng vì ít ra mỗi năm họ cũng được hàng chục tỷ Mỹ kim, chớ thật lòng họ không muốn hòa giải bao giờ.

- TVC: “Hơn lúc nào hết đất nước đang đòi hỏi khẩn trương tìm lời giải đáp cho hòa giải, đồng thuận để đại đoàn kết toàn dân đem lại sức mạnh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Lời giải thực ra đã có: “Đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp”. (Văn kiện Đại hội 11, trang 99), “Phát huy dân chủ và đại đoàn kết dân tộc”. (Văn kiện trang 33). Công việc cụ thể để thực hiện vấn đề lớn lao đó cũng đã có: Góp ý xây dựng Hiến pháp 1992 sửa đổi…trường hợp góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992, lãnh đạo đã có chủ trương không có vùng cấm…”

Bài viết của ông Công có sau Kiến nghị 72 của những nhà trí thức Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam, Lãnh tụ các tôn giáo Việt Nam yêu cầu sửa đổi Hiến pháp đã bị Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chụp mũ và hăm dọa những ai đóng góp không theo ý đảng mà ông Công đã không nhắc tới.

Ông Công có biết được tin nhà cầm quyền cho người đi ép dân chúng ngay cả những người đang ở trong tù không có quyền công dân ký tên trên mẫu giấy viết sẵn là “đồng ý” với bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp bịp theo ý đảng hầu hợp thức hóa những điều mà toàn dân đang muốn bỏ đi hay không?

“Trong buổi làm việc với tỉnh Vĩnh Phúc ngày 25-2-2013, TBT đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu rằng những ý kiến đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp, đòi đa nguyên đa đảng, đòi tam quyền phân lập, phi chính trị hóa quân đội, có thể được quy là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”.
“Sau đó phát biểu trước các lãnh đạo thành phố Hà Nội ngày 27-2-2013 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã cảnh báo về việc “lợi dụng việc lấy ý kiến về Hiến pháp để tuyên truyền vận động nhân dân chống lại đảng, nhà nước”. Theo ông Hùng, hành động đó là “ngược chiều, phải kiên quyết đấu tranh và ngăn chận”. (Đối Thoại online ngày 1-3-2013)

Qua lời tuyên bố của hai lãnh đạo chóp bu Hà Nội thì những người đóng góp ý kiến trái chiều có thể bị quy chụp là: tuyên truyền chống đảng (Điều 88) hoặc là hoạt động lật đổ (Điều 79) thì tù từ năm bảy năm cho đến tử hình như vậy thì ông Công có còn tin đảng cộng sản thực lòng muốn sửa Hiến pháp hay không và “lãnh đạo có chủ trương không có vùng cấm” nữa không?

Ông Trọng đã quy chụp và hăm dọa:
“Thế là suy thoái chứ còn gì nữa. Tham gia khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể, thì nó là cái gì? Nên phải quan tâm và xử lý những điều đó”…

Đáp lại, phóng viên Nguyễn Khắc Kiên viết:
“Đầu tiên, cần phải xác định, ông đang nói với ai? Nếu ông nói với nhân dân cả nước thì xin khẳng định luôn là ông không có tư cách”. (VOA online ngày 5-5-2013)
Thế là Nguyễn Khắc Kiên bị đuổi việc và bị “bao vây cấm vận”.

Đứng trước sự việc quá tệ hại, giáo sư Tương Lai đã khí khái nhận định lời phát biểu của ông Trọng khi trả lời đài RFA như sau:
“Sau khi ông ấy liều lĩnh tuyên bố một cách hồ đồ là: “có ai nói đến đòi bỏ điều 4 không? Có nói đến tam quyền phân lập không?… đấy là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức chứ còn gì nữa?”…
“Qua cái bên ngoài tôi thấy đầu óc ông này nó đặc sệt, có lẽ hết thuốc chữa…Chính vì một mớ giáo điều nó chiếm lĩnh trận địa tư tưởng và đặc sệt trong đầu óc những người lãnh đạo khiến cho dân tộc này không cất đầu lên nổi, vấn đề là ở chỗ ấy….
“Cả hệ thống truyền thông đại chúng mà người ta nói là lề phải từ người điều hành cấp cao nhất hoàn toàn xuyên tạc, quy kết cho chúng tôi cho rằng nhóm Kiến nghị 72 này là phản động, là chống đảng”. (RFA online ngày 3-5-2013)

Trong khi những người đảng viên trí thức yêu nước đưa kiến nghị “không đồng thuận” thì đã bị đảng chụp như thế thì làm sao bên thua trận “đồng thuận” với bên thắng trận được, mà đã “không đồng thuận” thì việc hòa giải cũng không làm sao có được?

Giáo sư Tương Lai nói tiếp:
“Khi ổng nói “Ý đảng lòng dân” thì thực ra câu nói bẻm mép ở cửa miệng thôi chứ còn lòng dân bây giờ nó khác. Còn ý đảng thì đi ngược lòng dân, vì vậy mà phải dùng bạo lực”. (RFA online ngày 3-5-2013)

Đúng, họ đã dùng bạo lực đàn áp trong ngày tổ chức “Dã ngoại nhân quyền” tại 3 thành phố Hà Nội, Nha Trang, Sài Gòn bằng nhiều phương cách khác nhau đã lộ rõ được sự chà đạp nhân quyền của chính phủ Hà Nội đang bị thế giới lên án và chứng tỏ sự thiếu thực tâm cởi mở để hòa giải.

Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã nhận định việc làm của chính quyền Hà Nội như sau:
“Đây là bằng chứng rõ nhất về việc xâm phạm thô bạo quyền riêng tư của công dân. Mà tôi nghĩ rằng với những động thái diễn ra như hôm nay, thì tuyên bố về việc nâng cao quyền con người trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chỉ là trò diễn”. (RFI online ngày 5-5-2013)

Chính những người ở trong nước còn không tin được cộng sản thì làm sao người quốc gia tin được; làm sao có được thật lòng hòa giải và đồng thuận. Người Việt quốc gia chúng tôi nhìn vào cách hành động của người cộng sản, ngày nào những người trong phong trào đòi tự do, dân chủ ở trong nước như tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, kỷ sư Trần Huỳnh Duy Thức, người tù hai thế kỷ, Đại úy QLVNCH Nguyễn Hữu Cầu và hàng trăm người tù bất đồng chính kiến khác còn bị giam ở trong tù thì ngày đó còn chưa nói chuyện hòa giải. Chúng tôi không còn ngây thơ chỉ biết nghe cộng sản nói, mà không nhìn kỷ những gì cộng sản làm.

Tiện đây tôi xin nhà báo Dương Chí Dũng cũng đừng ngộ nhận là những tên “chống cộng khét tiếng” ở Bolsa mà nhà báo liệt kê trong bài viết “Việt Nam có thực tâm hòa hợp và cả hòa giải dân tộc?” trên đài RFA ngày 5-5-2013. Họ chỉ là những con múa rối thôi, không là gì cả, nên chọn cho đúng người đúng việc chớ đừng chọn nhầm những tên “thủ tướng” của mấy gánh hát rong ở hải ngoại này. Chúng tôi cũng không nhầm tin ông cán bộ cộng sản nào đó đến thăm nghĩa trang Biên Hòa là hành động hòa giải, tôi cho đó chỉ là hành động chính trị mị dân với mục đích tuyên truyền rẻ tiền, không thể che mắt được những người cận thị như tôi.

Tôi nghĩ, nếu đảng CSVN có thiện chí muốn hòa giải dân tộc thì không cần tìm kiếm đâu xa, nên chọn đối thoại thành thật với người trong nước như tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã lên tiếng:
“Tôi kêu gọi lãnh đạo đảng CSVN mau chóng thực hiện chế độ đa đảng ở Việt Nam bởi nếu không, hòa hợp hòa giải dân tộc sẽ trở thành lừa dối dân tộc với hậu quả có thể nhìn thấy được”. (VOA online ngày 29-4-2013)

Kính chào đoàn kết.

© Đại Nghĩa


----------------------------------------

NON NGÀN says:

VIỆC LÃNH ĐẠO ĐẤT NƯỚC VÀ VIỆC LÀM CÁCH MẠNG

Làm cách mạng là dúng ý chí, ý muốn của mình để cải tạo xã hội, đất nước theo một hướng nào đó. Làm cách mạng không phải chỉ một cá nhân làm được mà cần phải có sự kết hợp của nhiều người.

Trước kia trong thời kỳ Pháp thuộc, người ta hiểu làm cách mạng là làm việc quốc cấm, làm việc nước, nhằm vận động toàn dân đứng lên giải phóng dân tộc, đất nước khỏi chế độ thực dân Pháp đô hộ. Những nhà cách mạng như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thượng Hiền v.v… chính là những con người như thế. Ý nghĩa, giá trị và mục tiêu của việc làm cách mạng như vậy là vĩnh viễn không bao giờ thay đổi.

Nhưng từ khi có chủ nghĩa Mác du nhập vào Việt Nam, làm cách mạng được những người CS hiểu là phải thực hiện cải tạo xã hội, đất nước theo đúng chủ trương, quan niệm của học thuyết đó. Mục đích của làm cách mạng như thế trở thành việc thực hiện tiêu chí của một ý thức hệ chính trị nhất định mà không phải chỉ thuần túy nhằm giải phóng đất nước khởi ách nô lệ ngoại xâm như trên đã nói.

Ngày nay rõ ràng chủ nghĩa Mác hay ý thức hệ quốc tế vô sản đã hoàn toàn tan rã, sụp đổ trên toàn thế giới. Sự hiện hiển nhiên là Liên Xô cũ và khối XHCN Đông Âu trước kia đã không còn nữa, đó là điều hoàn toàn thực tế, khách quan, không ai có thể chối cãi hay phủ nhận gì được. Vậy thì những người gọi là làm cách mạng theo kiểu ý thức hệ tức kiểu CS trước kia còn có khả năng lật ngược được vấn đề hay không, họ có phải là những tài năng vĩ đại, những đầu óc lỗi lạc thuộc tầm cỡ lịch sử và quốc tế hay không, hay thực sự họ cũng chỉ là những cán bộ bình thường được quá trình lịch sử đôn lên trong thực tế, được thừa hưởng công danh, vị trí, địa vị chỉ như một kế thừa kiểu tuyến tính, tức hàng dọc theo quán tính vốn đã có.

Nói khác đi, ngày nay đất nước không cần những người làm “cách mạng” theo kiểu đó, mà chỉ cần những người tài giỏi, biết lèo lái đất nước làm sao cho phát triển ngoạn mục, thành công nhất, và toàn dân hay xã hội được hạnh phúc, an vui nhất. Có nghĩa ý muốn, ý chí cá nhân hay tập thể riêng tư theo kiểu cách mạng duy ý chí chủ quan nhằm thực hiện một ý thức hệ giả tạo nào đó như trước đây đã hoàn toàn lỗi thời, vô bổ, vô ích, và đi ngược lại mọi nguyện vọng, ý thức và lòng mong mõi chính đáng, thực tế của toàn dân và toàn thể đất nước. Tức chủ nghĩa duy ý chí đã lỗi thời, xưa cũ, cổ hủ của ngày xưa, hay của thời kỳ trước đây, cần nhất thiết phải bị loại bỏ, cùng với nó là chủ trương toàn trị, để thay thế vào đó ý thức dân chủ, tự do chính đáng, đích thực, khoa học, tiến bộ, tiên tiến và phát triển đúng theo trào lưu hiện đại của thế giới và nhu cầu tiến lên của toàn thể đất nước, dân tộc.
Trong ý hướng và mục đích như vậy, hiển nhiên ngày nay không cần kiểu “cán bộ cách mạng” làm theo, nói theo, tuân theo như cách cá mè một lứa trước kia nữa vì mọi tiêu chí hay chuẩn mực từng gắn liền với nó theo cách đó trong quá khứ ngày nay thực chất cũng tuyệt đối không còn. Cho nên ý nghĩa của những nhà lãnh đạo đất nước đúng nghĩa ngày nay phải là những người thật sự có tài năng, có đức hạnh, nhất là phải được toàn thể nhân dân công khai, trực tiếp bầu lên theo đúng phương thức dân chủ, tự do thật sự, mà không phải kiểu bổng dưng tự trên trời rơi xuống bên ngoài mọi ý chí hay mong muốn của toàn dân được nữa.

Đấy ý nghĩa thực chất của ý thức hay ý muốn hòa giải dân tộc thực sự ngày nay cũng chỉ có thể là như thế. Không thực hiện theo đường lối đó cũng chỉ có nghĩa là không có ý thức hòa giải, hòa hợp dân tộc thực sự, mà chỉ là sự bảo thủ theo quan niệm hay quyền lợi riêng, tức vẫn tiếp tục theo kiểu một mình một chợ, và thực chất điều đó cũng chỉ hoàn toàn vô nghĩa, hay vô giá trị, tức là nó vẫn hoàn toàn không chính đáng, và không hợp thời thế, hay không hợp với lòng dân, tức không hợp với nguyện vọng chính đáng, tối cao của toàn dân tộc, của đất nước, hay của toàn dân nói chung.

Võ Hưng Thanh
(08/5/13)



No comments:

Post a Comment

View My Stats