Wednesday 8 May 2013

CHÚNG TA CẦN HÒA HỢP, KHÔNG CẦN HÒA GIÀI (Bát Thạch Kiều)




Bát Thạch Kiều
Cập nhật lần cuối 03/05/2013


...Đại thắng mùa xuân
(hay) Tháng tư uất hận
Một chính phủ tiêu vong
Một (Lâm Thời) hoàn thành sứ mạng...

Lúc ấy tôi còn trẻ, nghe tin "Giải phóng miền Nam", nước nhà hoà bình thống nhất, mừng như điên. Gia đình tôi như mọi gia đình, đều có người bên này bên kia, lúc đó thực tình đã nghĩ rằng chuyện lớn nhất sau chiến tranh là "Hoà hợp và hoà giải dân tộc".

Bây giờ đã gần 40 năm trôi qua, vẫn cứ câu nói ấy "đến hẹn lại lên" như một điệu hát buồn vô nghĩa. Để rồi mọi người đều quên. "Hoà hợp và hoà giải" như nó đã được đặt ra lúc ban đầu đã trở thành không đối tượng. Những người ra đi thì đã ra đi, chết thì đã chết, trở về thì đã trở về... những quyết định ấy có những lý do kinh tế, tình cảm... chứ chẳng mảy may vì cái gọi là "chính sách Hoà hợp và hoà giải" đãi bôi. Đó vẫn chỉ là một khẩu hiệu lá nho mà thôi, của những kẻ không hề tin vào chính điều mình nói.

Thôi, bỏ đi có được không ? Đừng lải nhải nữa, để đặt ra những câu hỏi có thực chất: Đất nước này, dân tộc 85 triệu con người này cần gì ?

Hoà giải ? chỉ có thể "hoà giải" khi hai bên đều chịu nhận một phần những sai lầm về mình, và dĩ nhiên bên thắng cuộc cần đưa tay ra trước... 40 năm qua làm gì có. Bất kể họ chân thành hay không, có thể là chính họ cũng chia rẽ với nhau, nửa chân thành nửa lừa bịp, những kẻ đề ra khẩu hiệu chính trị này đều đã đi vào quá khứ. Đại đa số người Việt hiện nay dù ở đâu cũng không còn chịu trách nhiệm gì về cuộc chiến đã qua, thế thì còn cần gì nói đến hoà giải ? Giới ưu tú trên vai họ đặt nặng tương lai đất nước (dĩ nhiên không phải là giới "lãnh đạo" hiện nay), họ có những ưu tiên khác, những con đường khác...

Về chữ "hoà giải" này chỉ còn món nợ tinh thần của thế hệ đi trước đối với họ : đó là giải thích trung thực tại sao đây lại là một cú lừa bịp đau đớn của lịch sử ; tôi nói "của lịch sử" mà không nói tại ai. Bài học lịch sử không bao giờ thừa cho văn hoá và hành xử của con người. "Lấy đức báo oán, nên chăng ?" Khổng Tử đã trả lời : "thế thì lấy gì báo đức ? lấy đức báo đức và lấy công chính báo oán". Về chữ "hoà giải" này chỉ còn cần và rất cần sự công chính của lịch sử. Không cần ai đóng kịch giơ má giơ tay cho đáng khinh, buồn cười, muốn khóc.

Hoà hợp dân tộc, nói cho cùng là chuyện dĩ nhiên, muôn thủa, không phải sau chiến tranh mới cần đặt ra. Và lúc nào cũng có ở mức cao hay thấp, ai cũng có thể hoà hợp với hàng xóm; nhưng ở ta thì mức hoà hợp vẫn rất thấp, vì còn quá nhiều công an chìm nổi... mà đất nước đang cần hoà hợp hơn bao giờ hết để mọi người đồng lòng phát triển kinh tế và giữ gìn lãnh thổ. Không thể có hoà hợp nếu không có dân chủ và nếu không có một Hiến Pháp thực sự là khế ước sống chung của đại đa số, nghĩa là tối thiểu phải công nhận đa đảng bình đẳng với nhau.

Hoà hợp đồng nghĩa với "Cộng hoà", "Xã hội Chủ nghĩa" thì bỏ đi vì có ai biết nó là cái gì đâu ? Hoà hợp mà không có "vua" cá nhân hay tập thể thì là dân chủ và bình đẳng rồi, không cần nói ra. Vậy xin hãy bắt đầu bằng tên nước : Cộng Hoà Việt Nam.

Bát Thạch Kiều



No comments:

Post a Comment

View My Stats