30.04.2013
Khi GS toán Ngô Bảo Châu và GS vật lý Đàm Thanh Sơn thành lập
trang mạng Cùng Viết Hiến Pháp (CVHP)[1] kêu gọi góp ý về cuộc sửa đổi hiến pháp Việt
Nam, nhiều người khá ngạc nhiên vì hai nhà khoa học trẻ nổi tiếng này xưa nay
ít tham dự những bàn luận chính trị. Thậm chí GS Ngô Bảo Châu đã từng gây sóng
gió vì nhận xét rằng trí thức chỉ là người lao động trí óc, và “giá trị của trí
thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò
phản biện xã hội”.
Phải công nhận là trang CVHP đã có những đóng góp tương đối cởi
mở, chẳng hạn như bài phân tích hiến pháp thẳng thắn, tỉ mỉ của ông Đỗ Anh
Tuấn,[2] và khi họ công bố kết quả một cuộc trưng cầu ý
kiến[3] theo đó thì 86.8% người tham dự muốn bỏ Điều 4
(85.6% người trong nước), điều nói về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Tuy nhiên, đến lúc nhóm CVHP tổng kết bằng một lá thư trình bày ý
kiến của chính mình[4] thì lại viết như sau:
Về Điều 4
Chúng tôi cho rằng việc bổ sung Điều 4 vào Hiến pháp 1980 nói về
sự lãnh đạo của Đảng là không thực sự cần thiết, nhưng đã là một thực tế lịch
sử. Chúng tôi cũng cho rằng trong hoàn cảnh hiện tại, việc bỏ Điều 4 có thể dẫn
đến những hậu quả chưa thể lượng định đối với tiến trình phát triển trong ổn
định của đất nước.
Trong thời điểm hiện tại, nếu giữ Điều 4, chúng tôi đề nghị bổ
sung những ý sau đây: “sự lãnh đạo của Đảng là do nhân dân uỷ thác, có điều
kiện và phải được nhân dân kiểm tra, giám sát; cơ chế kiểm tra, giám sát phải
được pháp luật quy định”. Ngoài ra, chúng tôi thấy không cần đưa vào Hiến pháp
các nội dung về tính giai cấp, nền tảng tư tưởng của Đảng vì những điều này
thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều lệ Đảng.
Một chi tiết hơi hài hước nhưng có lẽ không cố ý: người đăng thư
này là GS Ngô Bảo Châu, ngày đăng là 1/4/2013. Không thấy ai cải chính rằng đây
chỉ là cá tháng tư!
Chỉ hai đoạn ngắn đó mà đã rất nhiều mâu thuẫn. Thực tế lịch sử
là cái gì và tại sao một bản góp ý về hiến pháp lại cần nói đến nó? Nếu hiểu
thực tế lịch sử là những gì đã nằm trong hiến pháp và cho rằng điều đó quan
trọng thì còn góp ý sửa đổi chi nữa? Có điều nào trong hiến pháp mà không phải
là thực tế lịch sử? Tại sao bỏ Điều 4 lại có thể dẫn đến những hậu quả chưa thể
lượng định đối với tiến trình phát triển trong ổn định của đất nước? Lý luận
vững chắc của nhà khoa học để đâu[5] mà không chứng minh điều đó, chỉ hót theo luận điệu
tuyên truyền rẻ tiền của Đảng? Nếu bắt nhân dân ủy thác quyền lực thì còn là ủy
thác nữa không hay là bó buộc? Đã ủy thác mà lại không ghi nội dung về đường
lối của Đảng và để cho Đảng tùy tiện định đoạt lấy, không cần cho dân biết
trước, thì căn cứ vào đâu để nhân dân ủy thác? Ủy thác có điều kiện là điều
kiện gì? Thật khó tin là hai nhà khoa
học nổi tiếng mà có thể phát biểu ngây ngô, mâu thuẫn như vậy.
Đề nghị của nhóm CVHP càng đáng
ngạc nhiên hơn vì trước đó đã có một kiến nghị về hiến pháp của 72 nhân sĩ, trí
thức trong nước,[6] thêm
chữ ký của nhiều ngàn người, nói thẳng rằng
Chủ thể nào lãnh đạo xã
hội sẽ do nhân dân bầu chọn ra trong các cuộc bầu cử tự do, dân chủ, định kỳ.
Một chính đảng thực sự có chính nghĩa, phục vụ lợi ích của nhân dân sẽ không lo
bị thất bại trong các cuộc bầu cử như vậy. Hiến pháp của Liên Xô năm 1977 quy
định ở Điều 6 vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với nhà nước và xã hội đã
không tránh được sự sụp đổ của chế độ Xô-viết khi không còn lòng tin của dân.
khó tưởng tượng một sự tương
phản nào rõ rệt hơn giữa thái độ thẳng thắn của nhóm 72 nhân sĩ-trí thức và sự
rụt rè của nhóm CVHP!
Dư luận trên mạng có hai cách hiểu ý kiến của nhóm CVHP:
1. Họ không chấp nhận Điều 4
nhưng gạt bỏ nó 1 cách khôn khéo.
2. Họ chấp nhận Điều 4.
Nếu giả thuyết thứ nhất đúng
thì, theo thiển ý, các GS Ngô Bảo Châu và Đàm Thanh Sơn đã hơi ... dại khi muốn
tranh khôn với Đảng Cộng sản. Vì không có ai khôn (lỏi) hơn Đảng. Họ sẽ bóp
méo, trích thiếu lời của hai vị GS để biện hộ cho quan điểm của họ trước mắt
công chúng. Họ chỉ cần rêu rao trên báo chí, trước quốc hội rằng “các GS nổi
tiếng X, Y đã nói “Sự lãnh đạo của Đảng là một thực tế lịch sử. Trong hoàn cảnh
hiện tại, việc bỏ Điều 4 có thể dẫn đến những hậu quả chưa thể lượng định đối
với tiến trình phát triển trong ổn định của đất nước” là họ sẽ thắng!
Câu “Trong hoàn cảnh hiện
tại, việc bỏ Điều 4 có thể dẫn đến những hậu quả chưa thể lượng định đối với
tiến trình phát triển trong ổn định của đất nước” khiến người đọc khó có
thể không tin rằng giả thuyết thứ hai là đúng. Câu này chỉ nhắc lại những luận
điệu tuyên truyền của một đảng cầm quyền độc tài muốn vĩnh viễn nắm quyền lực,
chứ không phải là một nhận xét trung thực, vô tư và có lý lẽ của người trí thức
(hiểu theo bất cứ nghĩa nào). Không có chứng cớ gì cho thấy là bỏ Điều 4 sẽ ảnh
hưởng xấu đến sự phát triển trong ổn định. Trong hoàn cảnh hiện thời, ai cũng thấy
chính Điều 4 mới là điều ngăn cản sự phát triển.
Ai cũng biết là dù không có
Điều 4 thì cũng chưa lực lượng nào có thể lật đổ được Đảng Cộng sản hay thậm
chí gây hỗn loạn được trong lúc này, vì Đảng nắm mọi quyền lực chính trị, kinh
tế, quân đội, công an, thậm chí giáo dục, nghệ thuật, văn hóa, xã hội. Điều 4
chỉ nằm đó như một bảo kê để chính thống hóa, giáo điều hóa vị trí của Đảng
Cộng sản, cho Đảng có địa vị của một loại giáo hội của quốc giáo như trong các
thế hệ thần quyền hồi xưa, và ngăn chặn mọi mơ tưởng, mọi tranh luận chính thức
về một tương lai đa nguyên đa đảng. Nói
gọn, mục đích của Điều 4 là để bịt miệng dân.
Có ai có thể ngờ hai nhà khoa học nổi tiếng, từng được đào tạo và hiện
đang phục vụ trong những đại học lớn của Tây phương, nơi mà truyền thống tự do
ngôn luận và tư tưởng được coi là mục tiêu tối thượng, lại lên tiếng ủng hộ sự
bịt miệng cả một nước 90 triệu dân!
Nếu những lời viết về Điều 4 của hai GS Ngô Bảo Châu và Đàm Thanh Sơn được dịch
ra tiếng Anh và quảng bá trên thế giới, liệu các lãnh đạo đại học, các đồng
nghiệp và thậm chí các sinh viên của hai GS sẽ nghĩ gì về họ? Chúng ta nên nhớ,
gần đây Đại học Sydney (Úc) chỉ không cho phép Đức Đạt lai Lạt ma tới diễn
thuyết, mà đã bị các giáo sư và sinh viên phản đối kịch liệt vì cho là nhượng
bộ cường quyền (Trung Cộng), dẫm đạp tự do ngôn luận, và rốt cuộc lãnh đạo ĐH
đã phải đổi ý.
Vì lý luận lúng túng nên hai vị
GS đã đưa ra 1 đề nghị rất phản logic là viết vào hiến pháp rằng “sự lãnh
đạo của Đảng là do nhân dân uỷ thác.”. Sự ủy thác của nhân dân chỉ có thể
có do lựa chọn, tức là do bầu cử tự do, chứ không thể bằng cách đơn phương đưa
nó vào hiến pháp. Làm vậy là bắt buộc chứ không phải ủy thác. Nếu nhân dân đã
ủy thác cho một đảng (bằng lá phiếu) thì không cần phải ghi sự lãnh đạo của
đảng đó vào hiến pháp vì đó sẽ là chuyện đương nhiên. Nếu hiến pháp đã ghi rằng
Đảng Cộng sản lãnh đạo thì... ĐÉO cần ai ủy thác cả (chỉ có chữ này mới diễn tả
chính xác được hành động bỉ ổi của những kẻ đã giành hết quyền lực mà còn bắt
toàn dân phải “bôi thơm” cho sự tham quyền cố vị của họ).
Đâu rồi sự tuyệt đối tôn trọng sự thật của nhà khoa học? Đâu rồi khẳng định “với thói quen làm việc khoa học, cái mà
[nhà trí thức] có thể làm là đưa ra những lập luận vững chắc và có tính thuyết
phục”?[5] Đâu rồi
tinh thần suy nghĩ độc lập, “bám theo lề là việc của con cừu, không phải
việc của con người tự do”?[7] Trong bản góp ý vuốt đuôi của CVHP chỉ thấy sản
phẩm của một nền giáo dục nhồi sọ, giả dối, mắt thì thấy rõ mà miệng không dám
nói. Thua xa một thi sĩ chưa từng được diễm phúc trải qua nền giáo dục đại học
Tây phương, chưa hề biết gì về Đại học Humboldt chứ đừng nói là chủ biên một
cuốn sách về nó,[8] một người sống trong cùm kẹp của chế độ toàn
trị, không được may mắn hít thở không khí tự do dân chủ của Âu Mỹ nhưng đã viết
- Con ơi! trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.
(thơ Phùng Quán)
_____________
Chú thích:
[5]GS Ngô
Bảo Châu, 2/2/2012: “Với thói quen làm việc khoa học của mình, cái mà [người
trí thức] có thể làm là đưa ra những lập luận vững chắc và có tính thuyết phục.
Nhà lãnh đạo văn minh, có bản lĩnh sẽ biết lắng nghe những lập luận đó. Họ có
thể làm theo hoặc không làm theo kết luận của anh. Trong trường hợp họ không làm
theo, vẫn dưới giả thiết là lãnh đạo văn minh và có bản lĩnh, lãnh đạo sẽ phải
đưa ra những lập luận ít nhất cũng vững chắc bằng những lập luận của anh để bảo
vệ quyết định của mình.” (http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Chuyen-gia-Giao-duc/Gs-Ngo-Bao-Chau-Khong-co-phan-bien-xa-hoi-da-chet-lam-sang/104053.gd,
nhập ngày 30/4/2013)
[6]Kiến
nghị về Sửa đổi Hiến pháp 1992, http://www.diendan.org/viet-nam/kien-nghi-ve-sua-doi-hien-phap-1992
[7]GS Ngô
Bảo Châu (2010). Xem http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/08/100821_ngo_bao_chau_blog.shtml
[8]GS Ngô
Bảo Châu là đồng chủ biên cuốn sách “Đại học Humboldt 200 năm (1810-2010):
Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam”, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội (2011).
Cuốn sách này (với đóng góp của nhiều trí thức Việt Nam và quốc tế nổi tiếng)
viết để vinh danh những lý tưởng của Đại học Humboldt, được coi là “bà mẹ” của
các đại học lớn trên thế giới.
No comments:
Post a Comment