Thanh Quang, phóng viên RFA
2012-08-27
Theo
Văn phòng liên lạc của Đảng Vì Dân tại Houston, Texas, Hoa Kỳ thì võ sư Trương
Văn Kim, thành viên Đảng Vì Dân, đã mãn án tù 3 năm vào hôm 26/8 vừa rồi và
hiện sum họp với gia đình tại Lâm Đồng.
Ra tù
vẫn bị theo dõi
Ông
Trương Văn Kim, một dân oan từng đấu tranh cho nạn nhân bị cưỡng chiếm đất đai trong nước, trước hết bày
tỏ niềm vui trước mắt nhưng có thể gặp nhiều khó khăn về sau, như ông mô tả:
Trương Văn Kim: Trước mắt được đoàn
tụ với gia đình thì tôi cũng thấy có niềm vui. Nhưng sau đó, tôi thấy bên phía
chính quyền họ vẫn còn ác độc là quản chế tôi 3 năm nữa, nên tôi không biết vấn
đề sẽ như thế nào. Tôi thấy rằng rời khỏi nhà tù nhỏ trở về với gia đình thì
chẳng khác chi vẫn còn nằm trong cái nhà tù lớn. Cho nên vẫn còn khó khăn lắm.
Thanh Quang: Ông nhắc tới
cảnh tù đày như vậy thì nghe nói vừa rồi, ông không được trả tự do tại cổng nhà
tù như thông thường đối với các tù nhân khác mà bị công an dùng xe bít bùng đưa
thẳng về nhà, rồi bị giữ trên xe cả tiếng đồng hồ. Theo ông thì hành động này
của giới cầm quyền có dụng ý gì không?
Trương Văn Kim: Trong trường hợp
này thì tôi cũng không biết phải nói như thế nào. Mà tôi chỉ biết trình bày
theo hiện trường đã xảy ra cho tôi, là khi tôi được trả tự do tại cổng trại tù,
vừa mới bước ra thì họ đưa tôi từ cổng trại ra tới K-1 trung tâm đấy, rồi từ
trung tâm đó, họ bắt đầu cưỡng chế tôi lên xe bít bùng, chở về tới Lâm Đông mới
thả tôi xuống. Trong thời gian từ dưới đó về tới Lâm Đồng đây, xe chạy khoảng 3
tiếng đồng hồ, họ nhốt tôi trong ngăn giữa xe bít bùng với phạm vi rộng 1 mét
bề ngang, còn đằng sau bỏ trống. Ba công an áp tải có dùi cui điện kiềm chế
tôi, bắt tôi phải ngồi theo sự chỉ đạo của họ. Nhưng tôi không ngồi, mà đứng
lên, một tay thọc theo cánh cửa kính xe đang mở một nửa, đập tay vào thành xe
bên ngoài và cố tình la lên cho mọi người cùng biết rằng tôi là tù nhân đang bị
họ chở đi một nơi nào đó mà tôi lúc đó không hình dung ra được. Họ chở tôi đi
ám sát hay thủ tiêu thì tôi không biết, nên tôi cứ đưa cánh tay ra ngoài đập
như vậy, trong khi 3 công an cố dằn kéo tôi trở vô. Do vậy mà về tới đây, cơ
thể tôi hiện giờ đau nhức cả người.
Thanh Quang: Ông đã về với
gia đình rồi, thì hiện giới cầm quyền địa phương có gây khó khăn gì không?
Trương Văn Kim: Giới cầm quyền địa
phương lập hồ sơ bàn giao tôi qua Uỷ ban Thị trấn. Họ nói với tôi là hàng tháng
tôi phải lên trình diện. Tạm thời trước mắt, từ hôm qua tới hôm nay, thì chưa
có gì rắc rối. Nhưng chung quanh nhà tôi, họ vẫn cho người theo dõi tôi rất kỹ.
Thanh Quang: Thưa ông, trong
3 năm ông bị tù đày, một cách tổng quát, hành động của giới cai ngục cùng không
khí nhà tù có những điểm nào gây đậm nét nhất trong tâm trí của ông?
Trương Văn Kim: Tại vì tôi là một
nông dân thuần tuý, đấu tranh cho đất đai, đòi lại đất đai. Rồi giới cầm quyền
dùng bạo lực buộc tội tôi, đưa tôi vào tù. Tôi từ là một người dân phải vào tù,
chưa từng làm chính trị, chưa từng làm sai trái gì, nên bị tù đày như vậy cũng
là nỗi kinh hoàng đối với tôi trong lúc ban đầu. Rồi sau thời gian qua, tôi trở
lại bình thường, nhưng vẫn cảm thấy rằng nhà tù cộng sản là một nơi rất khắc
nghiệt đối với những tù nhân trong chế độ cộng sản.
Tôi
nghĩ rằng người dân trên đất nước Việt Nam này đang sống không có nhân quyền.
Giới cầm quyền dùng cường lực, bạo lực đối với toàn dân Việt Nam đang sống dưới
ách nhà nước với những hành sử một cách côn đồ khiến người dân đau khổ, kể cả
Mục sư Dương Kim Khải, khi Kinh Thánh chuyển vào nhưng họ không đưa cho ông.
Điều này cho thấy nhân quyền không có, tự do tôn giáo không có. Tôi thuộc dân
tộc thiểu số cũng bị họ đàn áp, đưa tôi vào tù chỉ vì tôi đấu tranh đòi lại đất
đai, nhà cửa của tôi bị mất. Do đó, tôi thấy rằng điều tốt nhất là cũng nên đưa
Việt Nam trở lại danh sách CPC.
Bốn thành viên
Đảng Vì dân bị đưa ra xét xử hồi tháng 4 năm 2010: ông Phùng Quang Quyền,
ông Trương Văn Kim, ông Dương Âu và bà Trương Thị Tám. File photo.
Kêu
gọi quốc tế can thiệp
Thanh Quang: Chúng tôi được
biết là có 3 người nữa cùng lâm cảnh lao lý với ông, là ông Phùng Quang Quyền,
ông Dương Âu và bà Trương Thị Tám, họ hiện giờ ra sao?
Trương Văn Kim: Trước nhất là Phùng
Quang Quyền vẫn còn ở lại trong trại K-2, vẫn còn lao động trong trại đó. Năm
sau ông ta mới hết án.Còn Dương Âu thì bỗng dưng họ bắt chuyển trại sang K-3,
rồi từ K-3 tôi nghe nói bị đưa sang An Phú bên Bình Phước. Dương Âu còn 2 năm
nữa mới hết án. Còn cô Trương Thị Tám ở K-4 cũng trại Xuân Lộc, Z30A. Vào 31
tháng Tám này, cô ấy mãn án tù. Tôi nghĩ chắc họ cũng cưỡng chế đưa về tới nhà
thôi.
Điều
tôi muốn nói là trước nhất với tôi, với Dương Âu và Trương Thị Tám vẫn còn mang
tính chất dân oan. Ông Phùng Quang Quyền là của đảng Vì Dân. Chúng tôi 3 người
cùng ông Phùng Quang Quyền, tất cả 4 người, khi đi qua Campuchia gặp ông Nguyễn
Công Bằng, chỉ ngồi nói chuyện chứ không có vấn đề gì, và chỉ có phỏng vấn về
vấn đề đất đai thôi. Hoàn toàn không nhận một truyền đạt hay dạy bảo hay là học
tập vấn đề gì hết. Chỉ gặp nhau như vậy 2 tiếng thôi. Khi chúng tôi trên đường
về thì bị họ bắt ở VN – tại An Khánh gì đó, rồi họ đưa chúng tôi vào tù với tội
danh gán ghép là “trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân” – một tội
danh vô căn cứ. Sự thực chúng tôi chưa làm điều gì hoạt động chính trị hoặc như
những bài báo của họ từng tung lên. Đó là những nỗi oan của chúng tôi, rất là
đau đớn. Điều này chứng tỏ họ muốn buộc tội ai cũng được vì họ có quyền hành.
Họ đúng là một bạo chúa, bạo ngược, mới đưa chúng tôi vào tình huống như thế
này.
Thanh Quang: Nhân đây ông có
muốn lên tiếng gì thêm với công luận trong và ngoài nước?
Trương Văn Kim: Tôi muốn nói lên
rằng đây là sự thật. Tôi mong mỏi Quốc tế cần quan tâm hơn rất nhiều đối với
những người tù chính trị hiện đang ở trong K-4, K-3 và K-2 để họ có thể sớm trở
về. Tôi thấy trong số họ, có người ở tù mười mấy năm một cách rất vô cớ. Có rất
nhiều người bị giới cầm quyền Việt Nam sang Campuchia bắt về chỉ vì có tên
trong danh sách các đảng phái như Việt Nam Tự Do, rồi dân hành động gì đó... Họ
qua bên Campuchia, bên Thái Lan bắt về rồi kêu án 18-20 năm tù. Đó là những
cách rất là vô lý. Chúng tôi mong Quốc tế cần phải quan tâm đến những tình cảnh
đó.
Thanh Quang: Xin cảm ơn ông
Trương Văn Kim.
Theo
dòng thời sự:
Copyright
© 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
No comments:
Post a Comment