Monday, 13 August 2012

VIỆT KIỀU ĐỨC VỀ NƯỚC BỊ CHẶN TẠI CỬA KHẨU TÂN SƠN NHẤT (Gia Minh - RFA)




Gia Minh, biên tập viên RFA
2012-08-13
Một Việt kiều Đức về nước hồi tuần rồi không được công an xuất nhập cảnh cho vào Việt Nam qua ngả phi trường Tân Sơn Nhất.
Đó là ông Vương Trí Tín, một trong những thành viên trong ban xây dưng Bia Thuyền Nhân tại Troisdorf Đức quốc, và cũng là thư ký của Uỷ Ban điều hợp đấu tranh của người Việt tại Cộng Hoà Liêng Bang Đức.

Ông Vương Trí Tín

Không cho vào với lý do ‘không có lý do’
Khi ông này về lại Đức, vào tối ngày 13 tháng 8, Gia Minh hỏi chuyện ông Vương Trí Tín về vấn đề đó, và trước hết ông cho biết:

Ông Vương Trí Tín: Ngày 8 tháng 8 tôi từ Frankfurt, Đức đi Việt Nam và đến vào tối ngày 9 tháng 8. Tôi nhận được visa ngay tại phi trường, nhưng khi đến cửa khẩu để đóng dấu vào Việt Nam thì được họ nói bị ‘trục trặc’. Họ dẫn tôi trở ngược vào lại chỗ cấp visa, bảo ngồi đợi. Sau đó họ đưa tôi vào phòng phỏng vấn… Cuối cùng họ quyết định không cho vào với lý do ‘không có lý do’. Họ chỉ nói Nhà nước Việt Nam không hoan nghênh tôi vào Việt Nam. Tôi hỏi lại thì họ nói ‘lý do không được nêu’.

Gia Minh: Mặc dù họ nói thế, còn về phía ông xét có việc làm gì không phù hợp với luật pháp Việt Nam hay không để không được nhập cảnh?
Ông Vương Trí Tín: Tôi nghĩ những họat động của tôi ở Đức không có gì là đánh phá chính quyền Việt Nam. Vào năm 2007, người dân tại Đức có ý tưởng muốn làm bia để tưởng niệm thuyền nhân và cám ơn chính quyền Đức đã cứu mạng những người tỵ nạn chúng tôi. Trước việc đó chúng tôi gặp nhiều khó khăn với phía chính quyền Việt Nam. Họ đặt ra những câu hỏi và có áp lực với chính quyền Đức, nhưng rồi công việc ( xây dựng đài tưởng niệm) vẫn được hoàn thành. Từ đó đến nay tôi không gặp khó khăn gì khi về Việt Nam, chỉ có kỳ vừa rồi tôi vào thì bị chặn lại không cho vào.
Những hoạt động của tôi ở đây đa số cho người Đức và chính quyền Đức.
Tại phi trường họ hỏi tôi có hoạt động cho những đảng phái chính trị hay những hội đoàn người Việt ở Đức hay không? Tôi trả lời không và cho họ biết là ở Đức có nhiều hội đoàn người Việt và người tham gia rất đông.
Đối với người Đức họ chỉ biết về cảnh đẹp của Việt Nam, còn về chính trị và văn hóa của Việt Nam họ biết rất ít. Thành ra lâu lâu tôi có tổ chức những cuộc nói chuyện ở đại học về văn hóa và chính trị Việt Nam. Sắp tới đây tôi cũng tổ chức một cuộc nói chuyện như thế tại thành phố tôi đang ở cho người dân hiểu về Việt Nam nhiều hơn. Vấn đề hội nhập của người Việt Nam tại Đức, đó là chương trình được phía Đức phát triển trong những năm sau này. Cuộc sống của những người nước ngoài ở Đức có gặp khó khăn, trở ngại gì hay không?
Trước đây khi còn ở Bonn, tôi có vào đại học nói về vấn đề nhân quyền, nếp sống, văn hóa của người Việt Nam, rồi cuộc sống của người Việt tại Đức. Đó là nằm trong chương trình của nước Đức.
Tại thành phố Landau nơi tôi ở, cộng đồng Việt Nam có tổ chức những lớp học, nhưng tôi chưa tham gia các lớp học đó vì tôi hoạt động cho các hội đoàn của người Đức nhiều hơn cho người Việt Nam.

Gia Minh: Những lần mà ông đi Việt Nam không gặp trở ngại gì thì ông đi với mục đích gì?
Ông Vương Trí Tín: Tôi chỉ về thăm gia đình thôi vì bố mẹ tôi vẫn còn ở Việt Nam, ông bà lớn tuổi rồi, ngoài 80. Lần này tôi về thăm mẹ vì bà bệnh nặng.
Khi ở phòng giam, có anh tên Nguyễn Văn Sơn và hai người nữa cho biết trong thời gian gần đây có những người về thường xuyên bị nghi vấn nên không được vào. Rồi những người lâu lâu mới về cũng bị gặp khó khăn. Dạo sau này số không được cho nhập cảnh gần đây rất nhiều. Họ giải thích tình hình Việt Nam hiện nay không ổn định nên việc xét nhập cảnh Việt Nam khó hơn lúc trước.

Gia Minh: Chiếu theo nghị quyết của Đảng và Nhà nước Việt Nam về người Việt ở nước ngoài với hành xử vừa rồi, thì ông nghĩ sao?
Ông Vương Trí Tín: Tôi thấy chính sách Nhà nước Việt Nam kêu gọi người Việt ở nước ngoài về xây dựng đất nước hoặc thăm quê hương để hiểu rõ đất nước hơn có nhiều điểm trái ngược nhau. Vì gần đây có nhiều trường hợp không được nhập cảnh ví nhiều lý do; trong khi đó có những trường hợp về Việt Nam để giúp đỡ người nghèo hay các em mồ côi; hay về Việt Nam thăm quê hương. Ở đây họ có những hoạt động khác nhau: văn hóa, chính trị… họ về đều gặp khó khăn.
Việt nam cho tất cả chúng tôi là ‘phản động’.
Thêm một điều nữa là khi họ giữ tôi họ canh gác như một tội phạm hình sự, trong khi tôi là một công dân Đức bình thường.

Gia Minh: Cám ơn ông về những chia xẻ vừa rồi.

Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.




No comments:

Post a Comment

View My Stats