Được đăng ngày Thứ sáu, 17 Tháng 8 2012 23:37
Một việc làm đáng mừng của báo chí và
truyền thông Việt Nam mới đây, có lẽ là việc thẳng thắn nhìn vào những mặt
trái, những thói xấu của người Việt, cụ thể ở đây là văn hóa ứng xử của người
Hà Nội. Trong nhiều bài viết, phóng sự về chủ đề này có một bài rất hay của
nhạc sĩ Dương Thụ “Văn hóa thấp đi nhưng
người Hà Nội rất tự tin”.
Cũng như đa số ý kiến, nhạc sĩ Dương Thụ
cho rằng văn hóa người Hà Nội đang ngày càng thấp đi. Điều này dễ dàng thấy
được qua cách cư xử, nói năng thô lỗ, tục tằn, thậm chí với cả ‘thượng đế’ của
chính mình, đó là các quán ăn “phở quát, bún mắng, cháo chửi”. Bán hàng thì
luôn hét giá trên trời, người mua trả giá nào cũng ‘dính’. Dịch vụ ăn uống
“chặt chém” khách, nhất là khách phương xa mới tới Hà Nội; những người bán hàng
rong thì chèo kéo khách du lịch và ăn vạ. Dân kinh doanh thì thích “chém gió”,
phô trương, hình thức, đối tác không biết đường nào mà lần... Nói tóm lại những
người mới đến Hà Nội lần đầu đều bị ‘choáng” và ám ảnh với văn hóa, lối sống
của người Hà Nội.
Nhiều người đã cố tìm câu trả lời. Đa số ý
kiến cho rằng nguyên nhân chính là do lượng người ngoại tỉnh đổ về Hà Nội ngày
càng đông và họ mang theo những tính xấu của người nhà quê lên phố; mặt khác,
lượng người ngoại tỉnh đổ về Hà Nội chủ yếu là kiếm tiền nên họ không đoái hoài
gì đến “văn hóa ứng xử”. Nguyên nhân này không thuyết phục vì tại Sài Gòn lượng
dân nhập cư cao hơn nhiều so với Hà Nội nhưng văn hóa ứng xử của những người
này không giống tại Hà Nội! Nhạc sĩ Dương Thụ đã cho chúng ta thấy được sự khác
nhau giữa những người nhập cư vào Hà Nội và Sài Gòn: Đa số những người nhập cư
vào Hà Nội sau năm 1954 và giờ đang là chủ nhân thật sự của Hà Nội là những
“danh gia vọng tộc đời mới”, những “ông chủ tư sản đỏ”. Những người này có
“nguồn gốc công-nông-binh. Họ giàu có hơn cả tầng lớp thượng lưu trong chế độ
cũ. Nhà cửa, xe cộ thừa mứa, tiện nghi hiện đại. Ăn chơi xa xỉ, xả láng”. Nhạc
sĩ Dương Thụ gọi lớp người này là những người “Hà-Nội-Khác”.
Chính lớp người này và con cháu họ đang làm
cho văn hóa người Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng. Để xóa đi mặc cảm về thân phận
và xuất phát điểm nghèo hèn của mình nên nhiều người trong số này (vừa có
quyền, vừa có tiền) đã thể hiện bản thân bằng sự ăn chơi xa xỉ, sự ngông
nghênh, sự thách thức và coi thường thiên hạ, nhất là với những người “dân
nghèo thành thị Hà Nội”. Sự thể hiện bản thân một cách lố bịch của những người
Hà-Nội-Khác này cũng nói lên một điều là “sự thành công” của họ không đến từ
tài năng và sức lao động. Họ vô tình bộc lộ nhân cách thấp kém của chính họ. Họ
quên rằng “chiếc áo không làm nên thầy tu”.
Cũng chính những con người Hà-Nội-Khác này,
với hành vi vô đạo đức, vô văn hóa như tham nhũng, ăn cắp, hối lộ, mua quan bán
chức, lộng quyền, lộng ngôn…đã làm cho xã hội đảo điên, pháp luật không được
thực thi, lòng người oán hận và tất nhiên là văn hóa bị băng hoại.
Cũng chính những con người này đã làm cho
bộ mặt của Hà Nội, thủ đô yêu dấu trở nên kệch kỡm, nhếch nhác. Chính họ đã
biến Hà Nội “Từ cô nàng thiên nga yêu kiều thanh lịch, tinh tế và lãng mạn
những năm xưa, bỗng chốc thành cô vịt, ả vịt già xấu xí, bẩn thỉu và thô lậu
giữa chợ buổi đương đông. Vừa đáng chán, lại vừa... đáng thương”. (Vịt già xấu xí và chuyện… mùi đồng. Kỳ
Duyên).
Cũng chính những người Hà-Nội-Khác này đã
làm ô nhiễm và khuyến khích những người lao động nhập cư hiền lành sau này vào
Hà Nội lối làm ăn chụp giật, hung hăng và không cần uy tín khiến cho việc kinh
doanh tại Hà Nội ngày càng khó khăn. Khi con người không còn niềm tin vào nhau
và phải sống trong môi trường lừa lọc, dối trá thì mọi giao dịch hay việc kinh
doanh sẽ bị hạn chế, manh mún và không có chiều sâu, không bền vững.
Cũng chính những người Hà-Nội-Khác này đã
khoét sâu hố ngăn cách giữa người Hà Nội xưa và nay. Một biểu hiện rất đáng lên
án đó là sự kỳ thị những người nghèo khổ. Người có tiền thì coi thường, khinh
rẻ những người nghèo và người nghèo thì thù ghét người giàu. Sự vô cảm, sự ích
kỷ, chỉ biết lo cho mình còn người khác thì sống chết mặc bay. Tình người, sự
cảm thông, chia sẻ và liên đới đã bị lớp người Hà-Nội-Khác hủy hoại không
thương tiếc.
Cái gì đã làm cho những người Hà-Nội-Khác này cư xử thiếu
văn hóa đến như vậy? Đâu là nguyên nhân của mọi nguyên nhân?
Nhạc sĩ Dương Thụ có lý khi cho rằng “Xã
hội nào thì văn hóa ấy. Hậu quả của xã hội bao cấp là lối sống xin-cho, hậu quả
này nặng lắm bởi nó đánh mất lòng tự trọng, đánh mất tính độc lập, đánh mất
khát vọng và động lực làm việc do vậy con người hèn đi mà không tự biết. Khi
không có lòng tự trọng thì mọi giá trị tốt đẹp sẽ bị tiêu hủy, trước tiên là
giá trị văn hóa”. Những người vẫn hàng ngày đến ăn uống ở những quán ăn “phở
quát, bún mắng, cháo chửi” mà không có phản ứng gì thì quả thật, họ là những
người không có lòng tự trọng. Những người có các hành vi như chửi bới tục tằn,
thô lỗ, cư xử thiếu văn hóa như nhổ bậy, đái bậy, vứt rác bậy, hơi tí là nổi
khùng, dọa dẫm, lối sống vô cảm, ích kỷ… cũng là những người không có lòng tự
trọng và thiếu nhân cách.
Đi xa hơn một chút về lịch sử để tìm nguyên nhân dẫn đến
lối sống vô văn hóa hiện nay của người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng
thì có lẽ, mọi sự tồi tệ
bắt đầu từ cuộc “Cải cách ruộng đất” long trời lở đất mà Đảng cộng sản đã thực
thi ở Miền Bắc nước ta trong những năm 1953-1956.
Trong những năm tiến hành chiến dịch “cải
cách ruộng đất” thì văn hóa ứng xử, mối quan hệ giữa con người với nhau, những
tinh hoa dân tộc mà cha ông ta đã chắt lọc hàng ngàn năm trong phút chốc đã bị
đảo lộn tất cả. Cái tốt đẹp, sự giỏi giang bị triệt hạ và tiêu diệt không
thương tiếc để rồi cái xấu, cái ác, sự giả dối lên ngôi và kéo dài cho đến tận
ngày nay.
Cũng từ ngày đó nhà thờ, chùa chiền, miếu mạo,
các nơi thờ tự đều bị đập bỏ nhân danh việc ‘xóa bỏ tàn dư chế độ phong kiến”.
Nói như nhà báo Kỳ Duyên thì họ (những người cộng sản) đã: “không phân biệt nổi
đâu là mê tín, đâu là nơi tinh thần, tình cảm và tâm linh con người cần được
chia sẻ, hướng thiện, để tìm kiếm sự bằng an của tâm hồn”. Chính vì “không phân
biệt nổi” đâu là xấu, đâu là tốt, cái gì cần và cái gì không cần? Nên những
người nhân danh cách mạng đã đặt các tôn giáo vào vị trí đối lập với chính
quyền, đối lập với người dân. Họ đâu biết, chính tôn giáo là nơi che chở, là
chổ dựa cho mỗi người về mặt tâm linh. Chính vì thiếu vắng đức tin (mà các tôn
giáo đem lại) cho nên nhiều người Việt ngày nay có những hành động không thể
tượng tưởng được, họ không biết sợ một ai và sẵn sàng làm bất cứ điều ác gì
miễn sao đạt được mục đích của mình. Tội phạm ngày càng trẻ hóa và mức độ tàn
bạo, kinh hoàng đã vượt qua mọi mức báo động.
Làm thế nào để thay đổi các thói quen và tập cách ứng xử
có văn hóa?
Ở đây vai trò của chính quyền, theo tôi, là
quan trọng nhất. Chính sự thờ ơ, buông lơi giám sát và sự thực thi pháp luật
một cách luộm thuộm, không công bằng và thiếu trách nhiệm của các cấp chính
quyền đã khiến cho bộ mặt và văn hóa của thủ đô Hà Nội trở nên nhếch nhác và
xuống cấp một cách thê thảm như ngày nay.
Nhạc sĩ Dương Thụ đã tế nhị (và đúng) khi
cho rằng chính ông Bí thư thành ủy và ông Chủ tịch thành phố Hà Nội là người có
trách nhiệm để biến Hà Nội thành một đô thị văn minh và sạch đẹp. Tuy nhiên chỉ
hai ông này vẫn chưa đủ do sự quản lý nhà nước luôn chồng chéo giữa các ban
ngành, trống đánh xuôi, kèm thổi ngược. Căn bệnh hình thức như thi đua để trở
thành “gia đình văn hóa”, “khu phố văn hóa”… cần được dẹp bỏ. Cần thẳng thắn
nhìn vào những yếu kém và mặt xấu của người dân lẫn chính quyền để có những
giải pháp thích hợp và cần thiết thay cho thói quen ‘xấu che, tốt khoe”.
Chính quyền cần nâng cao năng lực và trách
nhiệm của đội ngũ nhân sự, những người thi hành công vụ. Cần có những chế tài
bắt buộc và sự lựa chọn bình đẳng để đội ngũ này (có thể) thực thi công vụ một
cách nghiêm minh, công bằng. Nếu đội ngũ này kém chất lượng, thiếu giáo dục và
thiếu kiến thức về pháp luật thì việc người dân nhờn luật, chống trả lực lượng
chức năng ngày càng nhiều là điều không tránh khỏi như lời phàn nàn của ông phó
giám đốc Sở công an Hà Nội, thiếu tướng Trần Thùy.
Hà Nội cần có những qui định và xử phạt
những hành vi thiếu văn hóa như chửi bậy, đái bậy, xúc phạm người khác, mua bán
chặt chém khách hàng. Giá cả các mặt hàng cần được niêm yết công khai. Cần có những
cơ quan để xử lý những vụ việc liên quan khi người dân yêu cầu. Luật pháp cần
nghiêm minh nhưng phải đặt trên nền tảng “giáo dục, nhắc nhở, răn đe là chính.
Trừng phạt là biện pháp bất đắc dĩ và sau cùng”.
Cần tạo điều kiện cho các hoạt động của xã
hội dân sự, các hội đoàn độc lập, các tôn giáo… Tôn trọng tự do báo chí để mọi
tiếng nói phê phán các thói hư tật xấu của người Việt được công khai bàn luận,
lắng nghe và chia sẻ.
Điều sau cùng mà chính quyền cần làm là tạo
ra nhiều công ăn việc làm cũng như cơ hội nghề nghiệp cho người dân và phân bổ
đồng đều cho mọi miền, mọi khu vực để giảm tình trạng người các nơi đổ về Hà
Nội ngày càng nhiều, khiến thành phố quá tải. Trước mắt tập trung vào hai lãnh
vực giáo dục và y tế.
Đã là con người ai cũng muốn sống đẹp, sống
đàng hoàng và sống có nhân cách. Chính môi trường xã hội tạo ra văn hóa cho con
người sống trong môi trường đó, đúng như nhạc sĩ Dương Thụ nhìn nhận. Cám ơn
nhạc sĩ.
Việt Hoàng
No comments:
Post a Comment