Wednesday,
August 15, 2012
Thời
gian gần đây người dân Việt Nam không còn xa lạ gì với hai chữ “biểu tình”. Có
được điều đó chính là nhờ thông qua hàng loạt các cuộc biểu tình bảo vệ chủ
quyền biển đảo, người dân đã bắt đầu làm quen với câu chuyện biểu tình, mặc dù
rất nhiều người chưa từng tham gia biểu tình, cho dù chỉ một lần.
Sau
khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc nổ ra, chủ yếu là tại Hà Nội Việt Nam,
dư luận đang chia ra hai phe rõ rệt, một bên là những người ủng hộ biểu tình,
ủng hộ hành động bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng biện pháp ôn hòa, còn bên kia
là báo chí và truyền thông ăn lương nhà nước, phục vụ “mục đích chính trị” của
Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Đối
với báo chí và truyền thông nhà nước Cộng Sản, họ là công cụ của kẻ cầm
quyền nên chúng ta không lạ gì khi họ bất chấp lương tâm của người cầm bút.
Nhưng chúng ta cũng cần tìm hiểu một cách sâu sắc động cơ nào đã khiến công an
Việt nam rất tích cực ra tay đàn áp biểu tình?
Trước
hết cần khẳng định rằng, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc không vi phạm pháp
luật Việt Nam. Tuy chưa có luật biểu tình, nhưng quyền được biểu tình đã được
Hiến pháp Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam xác nhận. Việc chưa xây dựng
và ban hành luật biểu tình là thiếu sót của chế độ cầm quyền, không phải là lỗi
của người dân.
Đối
với người biểu tình chống Trung Quốc, tất cả đều là xuất phát từ lòng yêu nước,
và đó đương nhiên là quyền bất khả xâm phạm của họ. Nhưng dường như những người
chủ xướng biểu tình hầu hết đều là những thành phần không ưa gì (hoặc ít nhất
là đôi lúc cũng có biểu hiện không hài lòng với chế độ Cộng Sản), bao gồm kể cả
một số đảng viên Đảng Cộng Sản đã từng tham gia biểu tình và một số thành viên
của các tổ chức đấu tranh công khai đối lập với chế độ.
Chính
vì những yếu tố trên cho nên chế độ Cộng Sản ở Việt Nam đã dựa vào sự xuất hiện
của những lực lượng tạm gọi là đối lập trong các cuộc biểu tình để kết tội
những người biểu tình là “lợi dụng lòng yêu nước”, “gây rối trật tự trị an” vv…
Họ lo lắng về một tương lai gần, khi những cuộc biểu tình chống Trung Quốc
không còn là thời sự nữa thì người dân, với nếp biểu tình đã được hình thành
thông qua các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, họ sẽ tổ chức các cuộc biểu tình
chống chế độ. Như vậy là chúng ta có thể hiểu được phần nào căn nguyên của vấn
đề.
Thế
nhưng biểu tình vốn dĩ là một nhu cầu sinh hoạt văn hóa bình thường xuất hiện
trong đời sống, hay cụ thể hơn là nhu cầu bày tỏ ý kiến, bày tỏ chính kiến của
người dân. Vậy thì phải xác định một cách chắc chắn, bất luận là biểu
tình chống Trung Quốc hay chống một ai đó, đòi hỏi một điều gì đó, tôn vinh một
cái gì đó, đều là quyền lợi không thể bác bỏ của người dân. Vậy thì biểu tình
ôn hòa chống chế độ, hay chống lại những bất công nói chung, hay những sai phạm
riêng biệt của hệ thống công quyền, hoặc bày tỏ lòng yêu nước, đều là những
hoạt động bình thường.
Một
số cuộc biểu tình chống Trung Quốc gần đây có biểu hiện ngày càng thu nhỏ về mô
hình. Điều này có thể lý giải rằng do công an đã đàn áp không nương tay với
những người dân vô tội, nhiều người đã sợ bị bắt, bị liên lụy, cho nên họ đã
không dám tham gia, mặc dù trong lòng đại đa số người dân Việt Nam không ai
không uất ức với những hành động lấy thịt đè người của Trung Quốc trên Biển
Đông. Nhưng còn có một lý do khác quan trọng hơn, đó là có nhiều người không
phải là người bất đồng chính kiến với chế độ, hoặc có bất đồng nhưng không dám
thể hiện, kết quả là họ không dám sát cánh bên những người đối lập với chính
quyền.
Như
vậy có thể hiểu việc công an mạnh tay đàn áp người biểu tình là do trong đó có
rất nhiều thành phần đối lập với chế độ cầm quyền? Điều này vừa đúng vừa không
đúng! Bởi lẽ dù có đối lập với chế độ thì họ cũng vẫn là người dân, và vì vậy
họ vẫn không mất đi quyền bày tỏ lòng yêu nước của mình.
Nhưng
cũng có thể thấy một điều, một số những người có tư tưởng hoàn toàn đối lập với
chế độ, nhất là các tổ chức chính trị phi Cộng Sản có mặt trong các cuộc biểu
tình tại Hà Nội từ năm 2011 đến nay cũng mong muốn “thu hoạch” được một điều gì
đó cho những người đấu tranh. Và họ đã thu được một kết quả tốt, đó là người
dân Việt Nam hôm nay đã bắt đầu làm quen với thuật ngữ “biểu tình”. Điều quan
trọng hơn đó là, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội vừa qua đã đẩy
chế độ vào thế bị động: Không dẹp thì sợ hiệu ứng dây chuyền. Bắt bớ thì bị
công luận lên án, sự bất cập của hệ thống pháp lý càng bị lộ tẩy, và sự bạc
nhược đớn hèn của chế độ trong vấn đề “Biển Đông” càng được phanh phui…
Có
lẽ như vậy đã là đủ? Không, dường như các cuộc biểu tình chống Trung Quốc vừa
qua đều có ít nhất 50% là chống chế độ Cộng Sản. Bởi vì chính sự đớn hèn, nhu
nhược, và ngu ngốc của chế độ Cộng sản đánh dấu từ ngày 14/09/1958 đến nay, đã
là bằng cớ thuận lợi để Trung Quốc lộng hành trên Biển Đông. Một khi câu chuyện
“Biển Đông” càng được dư luận quan tâm tìm hiểu tận gốc rễ của căn nguyên, thì
vị thế chính trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam càng bị giảm sút. Do vậy chế độ cần
tích cực đàn áp biểu tình.
Nhưng
có lẽ những người xúc tiến biểu tình chống Trung Quốc cũng nên tạm hài lòng với
những gì họ đã đạt được. Một ví dụ gần đây nhất cho thấy, những người biểu tình
chống Trung Quốc đã bỏ qua một cơ may của họ, đó là ngày 05/08/2012 cùng với
việc nổ ra cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội (đã bị công an dập tắt)
thì cũng ngay tại Hà Nội còn có một cuộc biểu tình khác của hơn 400 bà con nông
dân Văn Giang - Hưng Yên đấu tranh đòi đất. Có thể những người đi đầu trong
cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã không biết trước vụ việc này, nhưng giả sử
họ biết và bất ngờ kéo nhau đi biểu tình ủng hộ bà con Văn Giang thì hay biết
mấy…
Những
người biểu tình chống Trung Quốc nòng cốt đều là những thành phần trí thức.
Thông thường thì trí thức đi đầu, và là lực lượng lãnh đạo, dân oan và quần
chúng theo sau. Nhưng nếu như ngược lại, trong một vài tình huống nào đó, những
thành phần trí thức lại đi sau ủng hộ dân oan biểu tình thì còn gì thú vị hơn?
Vì biểu tình bày tỏ lòng yêu nước hay đòi hỏi công bằng, về mục đích là khác
nhau nhưng tính chất lại giống nhau. Hơn thế nữa, những người đấu tranh, những
nhà đấu tranh đối lập với chế độ có mục đích rõ ràng là muốn thay đổi chế độ
Cộng Sản mục nát và phi nhân…
Và
như vậy thì “ván bài” đấu tranh thông qua hình thức biểu tình, cần lật ngửa ra
giữa thanh thiên bạch nhật. Biểu tình chống Trung Quốc là một nhiệm vụ thời sự,
biểu tình chống những chính sách bất công của chế độ (ví dụ chống thu hồi đất
của nông dân) là nhiệm vụ lâu dài, có thể dẫn đến việc đổi thay cả một nền
chính trị. Như vậy những người biểu tình bày tỏ lòng yêu nước thì cứ vô tư với
chủ trương của mình, và những người biểu tình phản đối bất công thì cứ công
khai mục đích (ví dụ bà con Văn Giang chẳng hạn), không cần phải “ngụy trang” ý
định.
Đề
tài cho mỗi cuộc biểu tình ở Việt Nam hiện nay vô cùng phong phú. Ví dụ biểu
tình hỗ trợ bà con dân oan, biểu tình chống bị công an bắt giữ trái pháp luật,
biểu tình đòi trả tự do cho một người hay một nhóm người vô tội nào đó, biểu
tình đòi quyền biểu tình vv…
Trên
thực tế ở Việt Nam từng có những cuộc tụ tập đông người vang dội, phản đối
những bất công như cuộc nổi dậy của nông dân Thái Bình năm 1997 đã đi vào lịch
sử với hàng vạn người tham gia. Gần đây có các cuộc đình công của công nhân
Matrix – Vinh, Canon Thăng Long – Đông Anh, Da Giầy Sao Vàng – Hải Phòng vv..,
với hàng ngàn đến hàng chục ngàn người tham gia. Nhưng nếu kêu gọi những người
đó đi biểu tình chống… Trung Quốc, thì chưa chắc họ đã tham gia. Đó là một thực
tế không thể không băn khoăn.
Như
vậy người ta cần và nên hoàn toàn công khai mục đích các cuộc biểu tình nhằm
thu hút người tham gia. Chỉ khi những người có cùng mục đích, hoàn toàn thống
nhất về ý tưởng cũng như lý tưởng, thì họ hành động mới có hiệu quả. Một người
tham gia biểu tình bày tỏ lòng yêu nước khi không biết cụ thể yêu nước là gì,
một người biểu tình đòi đất trong khi mình không mất đất thì rõ ràng là độ
quyết liệt phải khác. Đó là điều hiển nhiên. Và đó là điều đáng để ta suy ngẫm…
Lê Nguyên Hồng
No comments:
Post a Comment