Wednesday, 22 August 2012

VAI TRÒ NGƯỜI BẢO HỘ ĐÃ LỖI THỜI (Huỳnh Việt Lang)





Mô hình một nhà nước gia trưởng mặc nhiên được các quan chức đảng Cộng sản thừa nhận trong thể chế chính trị hiện tại, vì những món lợi nhuận khổng lồ đem lại cho gia tộc và băng nhóm. Để duy trì mô hình này, họ rất cần một kiểu trật tự xã hội trại lính, nơi đó mọi thứ răm rắp tuân theo các khẩu lịnh nhiều khi rất nực cười của nhóm lãnh đạo.

Trước tình trạng bất bình đẳng đang lạm phát trong xã hội, sự kiên nhẫn của người dân đang đi đến những giới hạn cuối cùng. Những biểu hiện mất niềm tin của giới ngân hàng với các doanh nghiệp, của người dân với chính quyền sở tại, của người tiêu dùng với thị trường… là minh chứng rõ nét. Không thể đổ thừa cho nguyên nhân khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tình trạng suy sụp đời sống tại Việt Nam hiện nay là hệ quả từ hàng loạt chính sách điều hành của nhóm bảo hộ Cộng sản chóp bu.

Dưới tay nhóm bảo hộ, vai trò của hành pháp, tư pháp và lập pháp bị chi phối hoàn toàn trong những lợi ích của đảng Cộng sản. Nhân dân bị gạt phắt đi vai trò công dân, trở thành những đối tượng bị trị thuần túy. Việc cố biện bạch cho hình thức ưu việt về một xã hội dân chủ không có nhà dân chủ càng làm dấy lên sự căm phẫn từ phía người dân. Khó có thể tin được các nguyên tắc dân chủ được tôn trọng một khi chính trị chỉ được hoạt động trong các phòng họp kín giữa các quan chức của đảng.

Hình thức phê và tự phê của các nhân sự trong Bộ Chính trị vừa qua chỉ là một màn bỡn cợt rẻ tiền trước dư luận quần chúng. Tình trạng xuống cấp trong xã hội hiện nay cần được xem xét dưới con mắt của pháp luật, chứ không thể là trò rỉ tai to nhỏ giữa những người đồng hội đồng thuyền. Việc ai đó, nghe đồn là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam bị bắt là một động thái khá tẻ nhạt. Niềm tin của xã hội chẳng thể phục hồi vì chuyện con trâu vừa rụng một cọng lông.

Hiện tại, đảng Cộng sản đang đóng vai trò người bảo hộ, các mệnh lệnh được ban hành từ nhóm chóp bu ngầm hiểu là tinh hoa của quốc gia. Nhân dân ở đây bị xem là đám đông cần chăn dắt bằng những biện pháp phi nhân tính. Nhóm lãnh đạo thiểu số này ngang nhiên nhận vào mình cái quyền ra quyết định, song lại trơ trẽn chối biến đi trước những thất bại ảnh hưởng đến toàn dân. Sự bảo trợ chính trị tràn lan trong trong xã hội. Tài lực quốc gia ngang nhiên bị bòn rút làm phần thưởng cho các cá nhân và băng nhóm ủng hộ, tiếp tay duy trì lợi ích của nhóm bảo hộ này.

Xét cho cùng, các hành vi lộng quyền này khó mà thực thi nếu không có sự thừa hành từ các nhân viên cấp dưới từ các bộ phận: hành chính, quân đội và cảnh sát… Nguyên tắc công bằng trong xã hội bị xóa bỏ, các hoạt động cá thể và tư nhân luôn bị soi mói. Một chút đặc lợi từ chế độ đã làm mờ mắt đa số các công chức, mức lương ổn định sự nghiệp đã khiến nhiều đôi tai trở nên điếc đặc trước tiếng kêu than của nhân dân. Hình như họ quên rằng, bản thân sẽ bị các thủ trưởng vứt bỏ không thương tiếc. Bởi chính họ hơn ai hết, chẳng xa lạ gì việc, thi thoảng lại có một vị lãnh đạo đột tử. Lương tâm? – Có thể là một phạm trù “ảo”. Song giấc ngủ bình an mỗi khi đêm về là rất thực. Không thể cứ đổ lỗi cho cơm áo gạo tiền về những hành vi kém lương thiện của mình. Ráng học thêm một nghề nào đó, chịu khó kiếm một việc tử tế hơn. Rồi dừng tay lại cách nhẹ nhàng. Con cháu chúng ta không đáng gánh chịu sự báo thù của công lý. Sở dĩ công lý được người đời nhắc mãi, là vì ngoài việc biểu thị cho cái lý lẽ chung, công lý còn có khả năng trừng phạt cái ác. Quyền lực độc tài không thể vận hành trôi chảy nếu các bộ phận trong bộ máy ấy có những tương tác trật nhịp.

Não trạng chia xã hội ra làm hai tầng lớp thống trị và bị trị đã ăn sâu vào căn cốt của giới cầm quyền Cộng sản. Không nên trông mong vào sự thức tỉnh từ nhóm bảo hộ. Cách mạng dân chủ cho Việt Nam sẽ xuất phát từ những người lao động cùng khổ, từ những công chức thừa hành của bộ máy cầm quyền. Các hành vi bất hợp tác chủ trương chống lại nhân dân cần vận dụng thích đáng hơn. Các hoạt động cá nhân trong các việc chung cần được khuyến khích phát triển, bởi chính các biểu hiện thụ động đang mặc nhiên thừa nhận vị trí cần chăn dắt của người dân.

Khi chính quyền tung những đòn hèn hạ bóp chết tiếng nói của những người bất đồng chính kiến là dấu hiệu chứng tỏ chính quyền ấy đang bế tắc. Và khả năng bị sụp đổ là rất cao. Chuyện Luật sư Lê Quốc Quân bị bọn côn đồ vô cớ tấn công vào ngày 19/8/2012 là một trò bẩn, chỉ khiến dấy lên lòng căm phẫn của những người quan tâm đến hiện trạng đất nước.

Sẽ cực kỳ ảo tưởng nếu cho rằng, một sáng đẹp trời nào đó, nhóm bảo trợ chính trị hiện hành bỗng dưng từ bỏ các đặc lợi; sốt sắng thừa nhận quyền dân chủ vốn có của người dân. Cuộc cách mạng đấu tranh cho dân chủ Việt Nam không đến từ Tây hay Đông, chỉ xuất phát từ trong lòng dân tộc và sẽ thành công khi được tiến hành từ dưới lên.

© Huỳnh Việt Lang
© Đàn Chim Việt


No comments:

Post a Comment

View My Stats