Wednesday, 22 August 2012

JAMES WEBB : HOA KỲ CẦN CÓ THÁI ĐỘ CỨNG RẮN ĐỐI VỚI BIỂN ĐÔNG (Trần Bình Nam phóng dịch)





Thượng nghị sĩ James Webb cựu bộ trưởng Hải quân kêu gọi: Hoa Kỳ cần có thái độ cứng rắn đối với Trung quốc tại Biển Đông

Giới thiệu: Trong một bài báo nhan đề: “The South China Sea’s Gathering Storm” đăng trên tờ Wall Street Journal số ngày 20/8/2012, Thượng nghị sĩ James Webb (Dân Chủ, Virginia) kêu gọi Hoa Kỳ cần có thái độ cứng rắn với Trung quốc tại Biển Đông trước khi quá muộn (1)
Thượng nghị sĩ James Henry “Jim” Webb sinh năm 1946, xuất thân sĩ quan Thủy quân Lục chiến, tốt nghiệp trường Sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ tại Anapolis năm 1968, từng chiến đấu và đoạt nhiều huy chương tại Việt Nam. Ông từng làm Bộ trưởng Hải quân dưới thời tổng thống Reagan và đắc cử Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ năm 2006.

Trần Bình Nam phóng dịch

—————————————————

Kể từ Thế chiến thứ 2, qua hai cuộc chiến tại Hàn quốc và Việt Nam, Hoa Kỳ đã giúp cân bằng thế lực và mang lại ổn định trong vùng Á Châu – Thái bình dương, mặc dù các thế lực quốc tế khác đã thay nhau giữ vai trò chủ chốt tại đó, sau Nhật Bản là Liên bang Nga, và bây giờ là Trung quốc. Sự can thiệp của Hoa Kỳ là một thắng lợi lịch sử trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Á châu, giúp cho các nước nhỏ khác trong vùng có thì giờ và cơ hội xây dựng kinh tế và trưởng thành về chính trị.

Sau khi các nước trong vùng phồn thịnh, vấn đề chủ quyền quốc gia trở thành một vấn đề nóng bỏng. Trong hai năm qua Nhật Bản và Trung quốc tranh nhau chủ quyền quần đảo Senkaku nằm ở phía đông Đài Loan mặc dù Nhật đang có một cơ quan hành chánh tại đó được quốc tế công nhận là một chính quyền hợp pháp. Xa hơn về phía Bắc, Liên bang Nga và Nam Hàn tranh chủ quyền một số vùng biển với Nhật Bản (TBN: Nhật chiếm trong Thế chiến 2). Trong khi đó Trung quốc và Việt Nam tranh nhau chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Ngoài ra Trung quốc, Việt Nam, Phi Luật Tân, Brunei, Mã Lai Á tranh nhau chủ quyền các hải đảo trong quần đảo Trường Sa. Tại đây Trung quốc và Phi luật Tân thường đụng chạm nhau.

Các vụ tranh chấp này do tự ái quốc gia và chủ quyền lịch sử, nhưng được khơi dậy do những vấn đề quan trọng khác như quyền di chuyển trên biển, quyền đánh cá và quyền khai thác tài nguyên nằm dưới đáy biển chung quanh các quần đảo. Tranh chấp căng thẳng nhất là tại Biển Đông, một vùng hứa hẹn nhiều tài nguyên thiên nhiên.

Ngày 21 tháng 6 vừa qua Hội đồng Bộ trưởng Trung quốc cho thành lập một tỉnh mới đặt tên là Sansha, có cơ quan hành chánh đặt tại đảo Woody (Trung quốc gọi là đảo Yongxing , Việt Nam gọi là đảo Phú Lâm) thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đảo Phú Lâm không có dân, không có nguồn nước thiên nhiên, nhưng Trung quốc cho thiết lập tại đó một sân bay quân sự, một nhà bưu điện, một ngân hàng, một tiệm tạp hóa và một bệnh viện.

Quần đảo Hoàng Sa cách 200 hải lý về hướng Đông Nam đảo Hải Nam, ở phía Đông bờ biển miền trung Việt Nam và Trung quốc đã chiếm từ tay Việt Nam Cộng Hòa đầu năm 1974. Và cuộc tranh chấp không chỉ giới hạn tại quần đảo này.

Trong 6 tuần qua Trung quốc tuyên bố rằng chủ quyền hành chánh của tỉnh Sansha bao gồm toàn Biển Đông trong đó có tất cả các hải đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa. Tân Hoa Xã nói tỉnh Sansha bao gồm 200 hải đảo, rộng 2 triệu cây số vuông biển. Trung quốc bổ nhiệm một Hội đồng Nhân dân gồm 45 thành viên chịu trách nhiệm trực tiếp với chính quyền trung ương, trong đó có một Ủy ban thường trực, một tỉnh trưởng và một phó tỉnh trưởng để cai quản 1000 cư dân. Ngày 22/7 Quân ủy Trung ương của quân đội Trung quốc cho thành lập một đội quân bảo vệ Sansha. Ngày 31/8 Trung quốc tuyên bố các toán tuần tra an ninh của tỉnh Sansha đều được trang bị vũ khí và sẵn sàng tác chiến. Đi xa hơn Trung quốc kêu gọi đấu thầu khai thác dầu khí trong một vùng biển được quốc tế công nhận thuộc vùng Đặc quyền Kinh tế (theo Luật Biển) của Việt Nam. (Trung quốc kêu gọi đấu thầu)

Thực tế, một cách đơn phương Trung quốc đã sát nhập vùng biển Đông Nam ngoài khơi Việt Nam và Phi Luật Tân sát xuống eo biển Malacca làm đất của mình. Tỉnh mới rộng bằng đất bốn nước Việt Nam, Phi luật Tân, Nhật và Nam Hàn gộp lại.

Trước động thái này, Hoa Kỳ im lặng. Mãi đến ngày 3 tháng 8 Hoa Kỳ mới lên tiếng với lời lẽ dè dặt kêu gọi Trung quốc giải quyết vấn đề chủ quyền theo luật quốc tế và tránh dùng vũ lực.

Dù vậy Trung quốc cũng đã giận dữ bác bỏ cho rằng bộ Ngoại giao Hoa Kỳ “không phân biệt được phải trái đã lên tiếng gây hiểu lầm”. Tờ Nhân Dân Nhật báo cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sảnTrung quốc tố cáo Hoa Kỳ “đã đổ dầu vào lửa, gây chia rẽ với ý đồ chống Trung quốc”. Bản tin phổ biến quốc ngoại còn đi xa hơn viết một cách thô lỗ rằng: “Đã đến lúc Hoa Kỳ nên câm miệng lại.”

Sự thật, thái độ lưng chừng của Hoa Kỳ trong nhiều năm qua đã khuyến khích Trung quốc lấn lướt. Đối với sự tranh chấp Biển Đông Hoa Kỳ luôn luôn nói không đứng về phe nào và kêu gọi các bên liên hệ giải quyết tranh chấp với nhau bằng phương pháp hòa bình. Trong khi đó các nước nhỏ trong vùng kêu gọi quốc tế cần mạnh dạn tham gia giải quyết cuộc tranh chấp.

Lập trường của Trung quốc là giải quyết song phương với từng nước một. Có nghĩa là: hoặc không giải quyết gì cả, hoặc giải quyết theo chương trình và đòi hỏi của Trung quốc. Cho nên lập trường “không theo phe nào” của Hoa Kỳ mặc nhiên khuyến khích Trung quốc tiếp tục dùng sự đe dọa để lấn tới.

Lúc này Hoa Kỳ, Trung quốc và các nước Đông Á đang đối diện với một sự thật không thể trốn chạy được là: Giải quyết tranh chấp chủ quyền bằng phương pháp hòa bình hay bằng vũ lực. Sự lựa chọn sẽ quyết định không những tương lai của vùng Biển Đông, sự ổn định của Đông Á mà còn xác định quan hệ lâu dài giữa Trung quốc và Hoa Kỳ.

Lịch sử chứng tỏ rằng trước hành động gây hấn mà ngồi yên thì tình thế chỉ càng ngày càng xấu hơn. Bài học rõ ràng nhất không ở đâu xa mà chính ở Đông Á. Trong cuốn tiểu sử của tướng Joseph Stilwell (2) sử gia Barbara Tuchman viết rằng, năm 1931 khi Nhật Bản chiếm Mãn châu, chính phủ quốc gia Trung quốc kêu gọi Hoa Kỳ và Liên hiệp quốc (lúc đó còn gọi là League of Nations) can thiệp. Hoa Kỳ và Liên hiệp quốc làm ngơ, kết quả là cuộc chiến tranh Hoa Nhật kéo dài một thập niên sau đó.

Lúc này Hoa Kỳ đang bận rộn với cuộc tranh cử tổng thống, các nước Đông Á đang chờ xem Hoa Kỳ sẽ làm gì trước hành động gây hấn của Trung quốc. Họ chờ xem Hoa Kỳ sẽ can đảm nhận lãnh vai trò bảo đảm ổn định trong vùng Đông Á hay để cho toàn vùng rơi vào hỗn loạn.

Năm 1931 Trung quốc (quốc gia) học được bài học “không can thiệp” tai hại như thế nào rồi. Không biết năm 2012 này Trung quốc sẽ áp dụng bài học đó như thế nào và Hoa Kỳ có đủ cương quyết và khả năng buộc Trung quốc phải giải quyết theo công thức hòa giải quốc tế để duy trì hòa bình và ổn định trong vùng không?

James Webb
Aug. 21, 2012
(Trần Bình Nam phóng dịch)

© Trần Bình Nam
© Đàn Chim Việt
————————————————–

(1) (The South China Sea ‘s Gathering Storm )

(2) Tướng 4 sao Joseph Stilwell, chịu trách nhiệm vùng Trung quốc Miến Điện – Ấn độ giúp Tưởng Giới Thạch chống Nhật trong thập niên 1930, 1940. Ông là người hết sức cảnh giác thái độ xâm lấn của Nhật Bản nhưng ít ai nghe.






No comments:

Post a Comment

View My Stats