Tuesday,
August 21, 2012 7:34:11 PM
Cuộc đấu giữa các phe phái trong đảng cộng sản Việt Nam đe dọa
cả tình hình kinh tế, sau vụ bắt giam ông Nguyễn Ðức Kiên, phó chủ tịch hội
đồng sáng lập ACB - lớn nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại ngoài quốc
doanh.
Các
mạng đã truyền tin ngay trong đêm Bầu Kiên bị bắt giữ, sáng hôm sau, 21 Tháng
Tám, báo chí mới bắt đầu đưa tin, nhưng giới có tiền không chờ đọc tin của nhà
nước.
Theo
bản tin từ trang DVSC.com của công ty Ðại Việt, thị trường chứng khoán trong
nước đã “lao dốc, chứng khoán rớt thê thảm, các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu
ngân hàng.” Theo tính toán của các chuyên gia thì hai thị trường chứng khoán Hà
Nội và Sài Gòn đã mất tổng cộng 35,600 tỷ đồng, tương đương gần 1.8 tỷ đô la
Mỹ.
Các
nhà tư bản đỏ mất tiền không đáng kể. Mối nguy là dân chúng không còn tin ở hệ
thống ngân hàng. Giá vàng đã tăng vọt. Theo tin trên mạng, dân chúng kéo nhau
đến rút tiền từ ngân hàng ACB, buổi chiều một số chi nhánh ngân hàng ACB đã hết
sạch tiền. Các chi nhánh lớn hơn thì đông nghẹt người chờ rút tiền. Ngân hàng
ACB đã yêu cầu các chi nhánh tạm ngưng việc trao tiền cho người đã được chấp
thuận vay. Ban giám đốc ACB yêu cầu các trưởng, phó đơn vị không được rời khỏi
nhiệm sở. Tổng giám đốc ngân hàng ACB là ông Lý Xuân Hải cũng đã bị công an bắt
giữ.
Bộ
Công An ở Hà Nội đã đưa ra thông cáo trấn an dư luận, nhưng không biết kết quả
sẽ tới đâu trước tâm lý bất an của những người có tiền tiết kiệm đang lo bị mất
vì các “ông lớn” trong đảng cộng sản đang “làm thịt” lẫn nhau.
Mấy
ngày nữa chúng ta mới biết tâm lý hoảng hốt của người dân có được trấn an hay
không. Trước đây đã có phong trào chuyển tiền ra nước ngoài. Chắc chắn phong
trào này đang được đẩy tới mạnh hơn.
Thống
Ðốc Ngân Hàng Nhà Nước Nguyễn Văn Bình trấn an với lời hứa Ngân Hàng Nhà Nước
sẵn sàng hỗ trợ ngân hàng ACB trong trường hợp xảy ra tình trạng rút tiền hàng
loạt. Nhưng dư luận cũng biết ông Bình chính là người được Bầu Kiên dùng tiền
để mua cho địa vị thống đốc, đồng thời cũng là người lo làm tiền cho Thủ Tướng
Nguyễn Tấn Dũng. Nếu dân tiếp tục rút tiền thì chỉ trong mấy ngày sẽ gây khủng
hoảng. Người gửi tiền ở ngân hàng khác cũng lo đi rút tiền về. Làm sao cấm
được? Trong khi đó không ai biết việc cứu hay không cứu ngân hàng ACB sẽ do ai
quyết định? Người nắm ghế thủ tướng hay người nắm Bộ Chính Trị? Làm sao dân tin
được là những người này sẽ đồng ý được với nhau trong một thời gian ngắn?
Vì cuộc đấu giữa hai phe đã đến mức độ
thù hằn, không thể nào thỏa hiệp được. Mạng
Quan Làm Báo là tiếng nói của phe chống Nguyễn Tấn Dũng tiết lộ Bầu Kiên có
quan hệ làm ăn với Nguyễn Thanh Phượng, con gái Dũng. Mạng này được coi là
thuộc phe Trương Tấn Sang, chủ tịch nước, đã liên tiếp tấn công Nguyễn Tấn Dũng
với đủ thứ tội từ lâu nay. Phe Trương Tấn Sang có blog Quanlambao, phe Nguyễn Tấn
Dũng làm blog Tư Sang như để trả đòn.
Trên mạng Tư Sang,
phe Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra lá thư tố cáo: “...Trương Tấn Sang làm bí thư Thành ủy
thành phố Hồ Chí Minh (1997-1999) chỉ mới 2 năm nhưng sai phạm nhiều việc, bị
tố cáo cụ thể nên Trung Ương phải rút ra Hà Nội để kiểm điểm, mà lớn nhất là
liên quan đến vụ Năm Cam đầy tội ác và vụ bao che cho người Hoa (khi anh Sang
làm chủ tịch thành phố) để nhận tiền vàng... Vợ chồng chị Hồng, giám đốc công
ty xuất nhập khẩu Quận 3, tố cáo hành vi thiếu đạo đức của Trương Tấn Sang, một
bí thư Thành Ủy ép một giám đốc nữ phải ngủ với mình, đi Singapore để cung
phụng và làm gái bao qua đêm cho mình, người ta không chịu thì ra lệnh công an
bắt bỏ tù...” Nhưng lời tố cáo nặng nề nhất là Trương Tấn Sang đã chịu làm tay
sai cho Trung Cộng.
Sau
khi Bầu Kiên đã bị bắt, trên blog Quanlambao mới tiết lộ những cuộc điện đàm
của Bầu Kiên và đàn em, trong đó có Nguyễn Văn Bình, thống đốc Ngân Hàng Nhà
Nước, “Cái lão Trọng này đáng chết! Vậy mày gọi điện cấm các báo không được bình
luận, chỉ đăng nó bị bắt vì kinh doanh trái phép ở mấy công ty, không được nói
gì về ngân hàng cả...” Trọng là Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư, đang đứng chung
phe với Tư Sang. Hai người đã bí mật lập chuyên án đặc biệt giao cho Bô Trưởng
Trần Ðại Quang trực tiếp chỉ huy, chỉ báo cáo cho tổng bí thư và chủ tịch nước!
Mạng
này còn “sáng tác” ra lời Nguyễn Văn Bình đề nghị với Bầu Kiên chạy chữa để
ngăn chặn việc điều tra ngay, vì nếu phanh phui hết ra có thể làm hệ thống các
ngân hàng thương mại lâm nguy: “Anh ơi bây giờ phải lấy cớ: Ổn định hệ thống
ngân hàng, không làm dân hoảng loạn, lấy cớ ngân hàng nhạy cảm để không cho bọn
cảnh sát điều tra và bọn TC2 mở rộng sang các ngân hàng Phương Nam, Eximbank,
Techcombank, Bắc Á, Việt Bank, Kiên Long, SHB, Bản Việt... nếu không thì sờ đến
đâu chết đến đó anh ơi...” Ðiều này chứng tỏ phe Trọng và Sang cũng biết ảnh
hưởng nguy hiểm cho thị trường tài chánh và kinh tế, nhưng vẫn hạ thủ Dũng.
Trên
blog Quanlambao mới viết: “Mấy lời với thầy trò Nguyễn Văn Bình và Nguyễn Văn
Hưởng (Hưởng là tướng công an, phe Dũng): Hãy mau mau lập công chuộc tội thì
còn được khoan hồng, bằng không anh y tá sẽ thí mạng các người là điều chắc
chắn!”
Anh
y tá đây là Nguyễn Tấn Dũng.
Cuộc đấu giữa hai phe trong đảng cộng
sản được dân chúng Việt Nam coi như một tấn tuồng, vì dù phe nào thắng, phe nào
bại thì cũng vẫn là vở tuồng cũ. Kịch bản chính sẽ không thay đổi, họ vẫn bảo
vệ một chế độ độc quyền chuyên chế cho một nhóm trên cùng chia nhau lợi lộc.
Nhưng đây là một dấu hiệu cho thấy các phe phái trong đảng cộng sản không còn
thỏa thuận được với nhau cách chia chác quyền lợi âm thầm bên trong nội bộ nữa.
Trước
đây, những vụ tranh chấp trong đảng cộng sản đều diễn ra trong hậu trường, Võ
Nguyên Giáp giành với Lê Duẩn; Lê Ðức Thọ với Trường Chinh; Lê Ðức Anh, Ðỗ Mười
với Võ Văn Kiệt, vân vân, có thể đưa tới những vụ thủ tiêu, ám sát, nhưng ngoài
các đảng viên cao cấp ra, không ai được biết có tranh chấp nội bộ. Trận đấu
giữa hai phe hiện nay không còn giữ kín được nữa. Vì quyền lợi quá lớn, phe nào
đang được ăn nhiều thì sẽ quyết tâm giữ mâm cỗ đến cùng, không thể bỏ được.
Trước đại hội đảng vừa qua, phe Tư Sang đã tấn công phe Ba Dũng bằng việc phanh
phui ổ tham nhũng Vinashin. Hơn nữa, các mạng lưới thông tin mới khiến mỗi phe
lại tìm cách vận động dư luận bên ngoài bằng cách phơi bày các tội lỗi của đối
thủ. Nhờ vậy, người dân bình thường mới được biết chi tiết về các tội lỗi đó.
Nhưng
cuối cùng, những tội lỗi đó do đâu mà ra? Không phải những cá nhân như Nguyễn
Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, Bầu Kiên đã soạn ra vở tuồng tranh giành lợi lộc
này. Trong hệ thống xã hội đó, bất cứ lúc nào cũng có những người trong đảng
cộng sản tìm cơ hội giành nhau các quyền lợi lớn lao không lo bị ai kiểm soát,
nhờ địa vị độc tôn của đảng cộng sản. Chính hệ thống độc quyền chính trị đã
sinh ra tình cảnh này. Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, hay Trương Tấn Sang
cũng tuồng trong cùng một kịch bản.
Ðây là lúc những người dân bình thường phải quyết định:
Dân Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đóng vài khán giả coi những vở tuồng nhơ bẩn như
đang diễn ra trước mắt; hay phải đứng dậy, xóa bỏ cái sân khấu ô nhục này?
-------------------------------------------
Thursday, August 23, 2012
Tuy mới ra đời từ ngày 07/06/2012 tức là đến nay
mới hơn 2 tháng nhưng trang blog Quan Làm Báo đã thu hút
được một số lượng người truy cập có thể nói là kỷ lục – hơn 9 triệu lượt truy
cập. Cứ cho là administrator đã cài đặt đồng hồ đếm lượt truy cập theo cấp số
cộng hay cấp số nhân đi chăng nữa, thì vẫn phải khẳng định rằng con số thực về
lượng khách truy cập trên trang blog này vẫn là đáng nể.
Theo giới thiệu của trang Ba
Sàm, tôi là một người đã nhanh nhảu gắn đường link liên kết của
trang Quan Làm Báo vào trang blog cá
nhân ngay từ ngày thứ hai khi trang này xuất hiện. Có lẽ mọi độc
giả của trang Quan Làm Báo đều giống tôi, đều nhận định đây là một trang mạng
mà chủ trang là người rất nghiệp dư về báo mạng Internet, nhất là chưa có kinh
nghiệm sử dụng dịch vụ blog của blogspot.com.
Chính vì vậy tôi đã canh giờ post bài mới của
trang Quan Làm Báo và phát hiện ra trang này sử dụng múi giờ GMT+8 (hiện nay họ
đã cài đặt lại theo múi giờ GMT+7). Những vùng lãnh thổ có múi giờ như vậy gồm
Singapore, Đài Loan, Kualar Lumpur, Thượng Hải, Hồng Kông vv… Nếu đây là sơ suất của người
thiết kế trang blog Quan Làm Báo trong những ngày đầu, thì chủ trang trang này
chắc chắn không cư ngụ trong lãnh thổ Việt Nam.
Người ta lập ra một trang mạng không phải để giải trí bằng việc đưa
tin, viết bài về chính trị xã hội, vậy mục đích của trang Quan Làm Báo là gì?
Trang Quan Làm Báo tấn công vào chế độ chính trị
Cộng Sản ở Việt Nam, nhưng “ưu ái” chĩa mũi nhọn chính vào đương kim thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng và các nhân vật thân cận cộm cán cũng như những nhóm lợi ích
xung quanh ông này. Cũng có một vài bài nhắc đến các cái tên như Nguyễn
Phú Trọng, Trương Tấn Sang và Nguyễn Sinh Hùng. Nhưng tràn ngập trên Quan Làm
Báo vẫn là các thông tin về Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thanh Phượng, Hồ
Hùng Anh, Nguyễn Đăng Quang, Nguyễn Văn Hưởng, nhóm ngân hàng đứng đầu là thống
đốc Nguyễn Văn Bình và “bố già” Nguyễn Đức Kiên vừa bị bắt.
Không mấy ai có đủ khả năng chứng minh về tính xác
thực của những thông tin mà Quan Làm Báo đã đăng tải. Nhưng có thể thấy, chỉ
cần độ chuẩn đạt 50% thôi thì những thông tin về nhóm lợi ích mang tính chất
Mafia xung quanh nhân vật Nguyễn Tấn Dũng cũng đã là “bom tấn” trên mạng
Internet.
Ai có thể cung cấp những thông tin và số liệu hoạt
động kinh tế của ngành ngân hàng đã chiếm một dung lượng lớn trên trang Quan
Làm Báo? Đó phải là những thông tin được lấy ra từ chính những nhân vật cao cấp
trong ngành ngân hàng và công an an ninh. Nói “những” có nghĩa là có nhiều nhân
vật đã cùng làm việc này. Nếu vậy thì việc bắt ông Phạm Chí Dũng – một sĩ quan trung
cấp, vốn trước đây thuộc ngành anh ninh của công an Việt Nam, một người được
cho là tay chân của ông Trương Tấn Sang – chỉ có thể là do phe nhóm đối lập với
nhóm của Nguyễn Phú Trọng thực hiện.
Có 2 tình
huống giả định được đưa ra: Thứ nhất, Quan Làm Báo ra đời chính là chủ trương
của nhóm ủy viên Bộ chính trị Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam do Nguyễn Phú
Trọng và Trương Tấn Sang đứng đầu. Thứ hai, đây chính là những thông tin hoạt
động kinh tế tài chính nội bộ mà tình báo nước ngoài đã lấy được. Họ đã tung ra
những bằng chứng phạm pháp của nhóm Nguyễn Tấn Dũng để hạ bệ ông này. Đó chắc chắn phải là tình báo của một
nước ủng hộ nhóm của Nguyễn Phú Trọng. Theo suy luận thì đó chỉ có thể là tình
báo Trung Quốc.
Sự kiện Nguyễn Đức Kiên, tiếp đến là tổng giám đốc ngân hàng ACB bị bắt
chỉ sau hơn 2 tháng trang Quan Làm Báo xuất hiện đã cho thấy hai sự việc có thể
có liên quan đến nhau. Vậy trang Quan Làm Báo ra đời là tín hiệu vui hay buồn?
Trước hết nó là tín hiệu vui, vì một phần sự thật
về nhóm lợi ích đục khoét công khố, móc túi nhân dân qua các thủ đoạn hoạt động
ngân hàng, chứng khoán, kinh doanh vàng bạc, đầu cơ bất động sản vv.., đã được
phanh phui. Nếu không được ngăn chặn, chắc chắn những bố già như Nguyễn Đức
Kiên sẽ nhảy sang làm chính trị. Và khi đó thì hậu quả sẽ khôn lường…
Nhưng sự xuất hiện của trang Quan Làm Báo cũng chỉ
là một tín hiệu buồn vì những gì thể hiện trên trang này cho đến hôm nay đơn
thuần là phục vụ cho mũi nhọn tấn công vào nhân vật Nguyễn Tấn Dũng dưới dạng
tố cáo tham nhũng. Người đọc chưa thấy quan điểm chính trị của Quan Làm Báo
giống như đã thấy trên trang Dân Làm Báo
– một trang blog khá nổi tiếng trước khi Quan Làm Báo xuất hiện.
Chúng ta không có quyền bắt buộc người khác phải
làm theo ý mình, nhất là họ đang phải nhận lãnh những nhiệm vụ đặc biệt nào đó.
Nhưng có thể khẳng định, nếu coi trang Quan Làm Báo là
một trang có mục đích chính trị thì đó chỉ là những mục đích chính trị đấu đá
nội bộ của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Đối với đại đa số người dân Việt Nam, nhất là tầng
lớp dân nghèo, họ sẽ không được hưởng lợi ích gì nếu nhóm của Nguyễn Tấn Dũng
bị hạ bệ. Đơn giản là một khi có quyền lực độc đoán trong tay, những đảng viên
Đảng Cộng Sản kế nhiệm ông Dũng trước sau gì cũng sẽ vướng vào “vết xe đổ” bởi
sức hút khó cưỡng của những đồng tiền phi pháp.
Lê Nguyên Hồng
-----------------------------------
No comments:
Post a Comment