Đức Tâm -
RFI
Chủ nhật 05 Tháng
Tám 2012
Ngày hôm qua, 04/05/2012, sau khi phản đối bản tuyên bố báo chí của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình Biển Đông, bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục triệu mời một quan chức của sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh lên để bày tỏ thái độ bất bình về vụ này.
Theo Reuters, tối qua, bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo cho biết là trợ lý Ngoại trưởng Trương Côn Sanh đã triệu mời ông Robert Wang, nhân vật số hai của sứ quan Mỹ tại Bắc Kinh lên bộ Ngoại giao.
Bắc Kinh cho rằng các tuyên bố của Mỹ về tình hình Biển Đông đã « không hề chú ý tới một thực tế nào và nhầm lẫn đúng - sai ».
Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc cho biết là Bắc Kinh « bày tỏ sự bất bình mạnh mẽ và kiên quyết phản đối » bản tuyên bố báo chí của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, « yêu cầu phía Mỹ sửa sai ngay lập tức hành động của mình, nghiêm túc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và cần hành động nhiều hơn nữa có lợi cho sự ổn định và phồn thịnh ở châu Á-Thái Bình Dương ».
Trước đó, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cũng đã lên tiếng « phản đối mạnh mẽ » bản tuyên bố của bộ Ngoại giao Mỹ và tái khẳng định rằng Trung Quốc có chủ quyền tuyệt đối ở Biển Đông và các quần đảo liên quan, do vậy, Bắc Kinh có toàn quyền thành lập một thành phố ở Hoàng Sa.
Hôm thứ Sáu, 03/08, bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ trích các hành động gây hấn, hù dọa của Trung Quốc tại những nơi đang có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Washington nhấn mạnh là việc Bắc Kinh có kế hoạch đưa quân đội ra đồn trú ở quần đảo Hoàng Sa, là đi ngược lại các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp, làm cho tình hình trong khu vực thêm căng thẳng.
TIN LIÊN QUAN :
----------------------------
Đức Tâm - RFI
Chủ nhật 05 Tháng
Tám 2012
Hôm nay, 05/08/2012, tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đề xuất một sáng kiến nhằm làm giảm căng thẳng tại vùng quần đảo Điếu Ngư Đài ở Biển Hoa Đông. Quần đảo này theo tiếng Nhật là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Sáng kiến mà tổng thống Đài Loan đưa ra cũng giống như dự án của Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN nhằm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông: Cần xây dựng một bộ luật ứng xử của các bên.
Theo ông Mã Anh Cửu, « gia tăng căng thẳng gần đây do tranh chấp chủ quyền ở Điếu Ngư Đài / Senkaku có nguy cơ làm tổn hại hòa bình và ổn định ở Đông Á ». Do vậy, « việc đạt được đồng thuận về một bộ luật ứng xử tại Biển Hoa Đông và thiết lập một cơ chế hợp tác trong việc thăm dò và phát triển các nguồn tài nguyên ở Biển Hoa Đông, sẽ giúp bảo đảm hòa bình trong vùng ».
Tổng thống Mã Anh Cửu đã đưa ra sáng kiến này sau khi bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto cảnh báo là Tokyo sẵn sàng đưa quân đội đến quần đảo Senkaku / Điếu Ngư Đài, để bảo vệ chủ quyền của mình.
Năm 1949, khi kết thúc nội chiến với việc đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền tại Trung Hoa lục địa, chính phủ Quốc Dân đảng đã phải chạy ra đảo Đài Loan.
Cho đến nay, Trung Quốc cũng như Đài Loan vẫn không thừa nhận việc phân chia chủ quyền đảo biển theo Hiệp ước San Francisco, Hoa Kỳ, được ký năm 1951, sau thất bại của quân đội Nhật Hoàng trong chiến tranh
thế giới lần thứ hai.
Tháng trước, tàu tuần duyên của Đài Loan và Nhật Bản đã đối mặt với nhau trong vùng biển gần quần đảo Điếu Ngư Đài/Senkaku khi các tàu của Đài Loan hộ tống những người tranh đấu đòi chủ quyền đến khu vực này.
Cũng trong tháng trước, quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo cũng căng thẳng thêm sau khi các tàu của Trung Quốc hai lần thâm nhập vào vùng biển mà Nhật Bản khẳng định có chủ quyền. Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu đại sứ Trung Quốc ở Tokyo lên để phản đối các vụ này.
Cuối năm 2010, chính quyền Tokyo đã băt giữ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc bị cáo buộc cố ý lái tàu đâm vào tàu tuần duyên Nhật Bản. Ngay lập tức, Bắc Kinh gây sức ép và
áp dụng các biện pháp trả đũa và buộc Tokyo phải thả viên thuyền trưởng này.
Tổng thống Đài Loan đề xuất xây dựng bộ luật ứng xử tại Biển Hoa Đông nhân dịp kỷ niệm ngày ký kết hiệp định hòa bình với Nhật Bản. Tháng Tư năm 1952, dưới sức ép của Mỹ, chính quyền Nhật Bản đã phải ký hiệp định hòa bình với Đài Loan, còn được gọi là Hiệp định Đài Bắc. Văn bản có hiệu lực ngày 05/08/1952. Tuy nhiên, Nhật Bản đã hủy bỏ hiệp định này vào tháng 9 năm 1972 khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Hoa lục địa.
No comments:
Post a Comment