Vikram Nehru
Người dịch: Đỗ
Quyên
Posted by basamnews on 27/08/2012
Căng thẳng trên Biển Đông đang phát triển chỉ theo một
hướng. Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á có yêu sách chủ quyền mâu thuẫn
dường như đã bắt đầu một quá trình xung đột. Dù vẫn còn ở mức thấp nhưng xác
suất xung đột nổ ra đang trên đà tăng.
Quỹ đạo hiện tại là “thua-thua-thua” đối với tất cả bên
liên quan, kể cả Trung Quốc, Đông Nam Á lẫn các nước thuộc bên thứ ba trong
Vành đai Thái Bình Dương như Mỹ – vốn dĩ có quyền lợi lớn nếu Biển Đông được
hòa bình. Vào thời điểm này, trọng tâm không nên là giải quyết các yêu sách đối
kháng nhau. Thay vì thế, giới ngoại giao phải cố gắng hạ nhiệt và làm sao để
các bên đều tiến hành các biện pháp xây dựng lòng tin, nhằm đảm bảo hòa bình và
ổn định trong khu vực. Chỉ khi nào những cái đầu nóng đã nguội đi, thì các nước
có liên quan mới có thể chuyển sự chú ý sang việc giải quyết những vấn đề dài
hạn hơn, về chủ quyền và quyền tài phán của các đảo trên Biển Đông.
Lịch sử 40 năm tranh chấp trong khu vực đã có sự leo
thang đều đều, xen kẽ với những cuộc xung đột mà thường là nhanh chóng được
kiềm chế. Căn cứ vào “đường 9 đoạn” được xác định mơ hồ (giảm từ 11 đoạn năm
1953 xuống còn 9 đoạn), Trung Quốc ra yêu sách đòi chủ quyền đối với hai quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cùng vùng biển lân cận, theo Công ước LHQ về Luật
Biển. Bên kia, đại diện là Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), gồm có
Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam – những nước này đưa ra yêu sách
khiêm tốn hơn, nhưng cũng mâu thuẫn, chồng lấn lên yêu sách của nhau và của
Trung Quốc.
Lần leo thang xung đột gần đây nhất bắt đầu từ vụ đối đầu
giữa Trung Quốc và Philippines quanh khu vực bãi cạn Scarborough. Cũng đã có
những lời mời thầu quốc tế mâu thuẫn nhau của Trung Quốc và Việt Nam, mời chào
thăm dò dầu khí trong khu vực Biển Đông mà hai nước đang tranh chấp. Các nỗ lực
của Philippines và Việt Nam nhằm giành được sự ủng hộ của đối tác ASEAN tại
cuộc họp bộ trưởng ngoại giao gần đây, đã đưa đến việc ASEAN không thể ra được
thông cáo chung – lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của tổ chức này có chuyện
như vậy.
Campuchia, Chủ tịch ASEAN năm 2012, từ chối nhắc đến
tranh chấp trên Biển Đông, rõ ràng đã cho thấy sự tác động không lấy gì làm tế
nhị lắm của Trung Quốc. Nhưng nhờ có hoạt động ngoại giao con thoi của vị ngoại
trưởng mạnh mẽ của ASEAN, ông Marty
Natalegawa, ASEAN đã đạt được một “lập trường chung” để giữ thể diện. Lập
trường này nhắc lại sáu nguyên tắc tuân theo tuyên bố về cách ứng xử và vào
Luật Biển. Tuy nhiên, tuyên bố chung của ASEAN thì vẫn chưa được đưa ra.
Sau khi Việt Nam phê chuẩn luật biển vào tháng 6-2012,
tuyên bố chủ quyền và quyền tài phán đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa
trên Biển Đông, Trung Quốc đã phản đối cực lực và đã khiến cho tình hình căng
thẳng thêm bằng việc tuyên bố các bước để chủ động quản lý các hòn đảo tranh
chấp, bãi ngầm Macclesfield (Trung Quốc gọi là quần đảo Trung Sa – ND), cũng
như toàn vùng biển 772.000 dặm vuông (tương đương gần 2 triệu km vuông – ND)
nằm trong “đường 9 đoạn”. Tam Sa – hòn đảo nhỏ diện tích 1,5 km2 nằm ở vùng
tranh cãi trên Biển Đông – đã vừa được tuyên bố là một thành phố có chính quyền
địa phương chịu trách nhiệm cai quản khu vực. Đại biểu quốc hội cùng một viên
thị trưởng đã được bầu chọn, và chính quyền Trung Hoa công bố kế hoạch đặt một
đơn vị đồn trú của Quân đội Giải phóng Nhân Dân (PLA) ở trên đảo này để giám
sát – và nếu cần thì bảo vệ – việc thực thi chủ quyền của Trung Quốc trong khu
vực.
Các diễn biến đó chỉ làm căng thẳng thêm leo thang, không
phục vụ cho những lợi ích chiến lược lớn hơn của Trung Quốc, cũng chẳng có ích gì
cho các nước Đông Nam Á có yêu sách chủ quyền.
Những hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông
chắc chắn sẽ phá hoại một cách nghiêm trọng khả năng họ gây ảnh hưởng lên khu
vực và thế giới trong những vấn đề quan trọng hơn. Ví dụ, sức mạnh kinh tế của
Trung Quốc phụ thuộc một phần vào mức độ hội nhập kinh tế của họ với Đông Nam
Á, góp phần tạo ra những mạng lưới sản xuất mang tính cạnh tranh toàn cầu. Sự
hội nhập đó phụ thuộc vào việc xây dựng được quan hệ song phương hữu hảo với
các nước láng giềng, và giờ đây nó đang bị phá hoại.
Trung Quốc cũng đã có vài người bạn trong khu vực. Trong
một diễn văn đọc hồi năm ngoái, Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang) –
người mà theo dự kiến sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Trung Quốc – tuyên
bố, Trung Quốc muốn đảm bảo với thế giới rằng họ có ý định hợp tác với các nước
khác để làm dịu bớt sự trỗi dậy như một siêu cường toàn cầu của họ. Quan điểm
về sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc vốn là hòn đá tảng trong chiến lược đối
ngoại của Bắc Kinh. Thật không may là các nước láng giềng Đông Nam Á lại thấy
hành động của Trung Quốc chẳng đi đôi với những luận điệu hoa mỹ của họ.
Bản thân Việt Nam và Phlippines, bằng những hành động
khiêu khích của chính họ, cũng không phải là hoàn toàn vô tội trong hàng loạt sự
cố gần đây. Tuy nhiên, cũng không cần phải nhắc họ rằng, đối đầu với Trung Quốc
chẳng có lợi gì cho họ cũng như cho phần còn lại của Đông Nam Á.
Đà phát triển kinh tế đầy ấn tượng của khu vực trong hai
thập niên qua đã hưởng lợi rất lớn từ cỗ máy tăng trưởng Trung Quốc. Những
khoản đầu tư lớn đã được rót vào mạng lưới sản xuất đang phát triển, và quan hệ
hữu hảo với Trung Quốc, nếu được duy trì, còn hứa hẹn nhiều nữa. Quan hệ xấu đi
có thể gây rủi ro. Quan trọng hơn, các nước Đông Nam Á đã nhận ra sự nguy hiểm
của bất kỳ cuộc xung đột có vũ trang nào với Trung Quốc – xung đột ấy có thể
nhân rộng nếu Mỹ bị kéo vào cuộc chiến.
Cuối cùng, rủi ro xung đột ngày càng gia tăng không hề có
lợi cho cộng đồng quốc tế, đặc biệt là cho những nước phụ thuộc vào hoạt động
hàng hải bình yên trên Biển Đông, và những nước nằm trong Vành đai Thái Bình
Dương. Nền kinh tế toàn cầu vốn dĩ đã phải chịu đựng vô vàn khó khăn, sẽ không
thể chịu thêm một sự bất định nữa.
Tất nhiên, chi phí tiềm ẩn của xung đột, đối với khu vực
và thế giới, vượt xa bất kỳ lợi ích kinh tế tiềm năng nào có thể có được nhờ
đáy biển – phần lớn các lợi ích này chưa bao giờ được xác định rõ. Không còn là
chuyện băng cháy và nguồn cá, tranh chấp Biển Đông giờ đây ngày càng bị lôi kéo
bởi ý kiến công luận ở mỗi nước liên quan, mà công luận thì lại bị kích động
bởi những vận động hành lang của phe quân sự và tình cảm dân tộc chủ nghĩa mạnh
mẽ.
Lùi khỏi miệng vực sẽ là có lợi cho tất cả mọi người.
Nhưng việc này phải được thực hiện theo một cách tạo ra sự tin cậy lẫn nhau. Sự
leo thang kiểu ăn miếng trả miếng hiện nay giữa Trung Quốc và hai quốc gia
ASEAN có yêu sách chủ quyền khác – Việt Nam và Phlippines – cần phải chấm dứt,
dù rất khó, và thậm chí cần thay đổi hoàn toàn. Cần đi kèm với một loạt hành
động được “biên đạo” cẩn thận để dần dần tháo gỡ các lập trường hiện nay, theo
một cách có thể thỏa mãn các cử tri của mỗi nước.
Với thành công gần đây của mình trong hoạt động ngoại
giao con thoi, ngoại trưởng Natalegawa của Indonesia rất có thể sẽ là người luồn
kim (nguyên văn: thread the needle, nghĩa bóng là tìm đường lách qua các quan
điểm đối kháng, đối lập nhau). Có lẽ ông sẽ được một nhóm nhỏ những chính khách
có uy tín quốc tế hỗ trợ, để ông thực hiện ngoại giao con thoi nhằm làm trung
gian hòa giải ba nước chính có yêu sách chủ quyền: Trung Quốc, Philippines và
Việt Nam. Ủy nhiệm thư rất được ca ngợi gần đây của ông, với tư cách nhà ngoại
giao, đã khiến ông giành được sự tin cậy của cả hai bên. Hơn thế nữa, cách tiếp
nhận như của ông Natalegawa có thể làm thỏa mãn Bắc Kinh, vốn dĩ rất miễn
cưỡng, không muốn phải đàm phán đa phương về vấn đề Biển Đông trong khi vẫn
đang phải sắp xếp một cuộc thay đổi nhân sự tập thể (nguyên văn: a collective
stand-down, cuộc rút lui tập thể khỏi vị trí lãnh đạo, chỉ sự thay đổi nhân sự
lãnh đạo sau Đại hội Đảng ở Trung Quốc – ND).
Nhưng đừng lầm. Năng lực lãnh đạo và lòng can đảm thực sự
cần phải đến từ chính các nước có yêu sách chủ quyền. Trong tình hình có nhiều
lợi ích lớn liên quan đến khu vực, chúng ta hãy hy vọng rằng nhà lãnh đạo như
thế sắp xuất hiện.
Tác giả: Vikram Nehru là
nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, thuộc Quỹ Hòa bình Quốc
tế Carnegie (Carnegie Endowment for International Peace).
Nguồn: National Interest
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
No comments:
Post a Comment