Tuesday, 28 August 2012

THẤY GÌ QUA NHỮNG CÂU TRẢ LỜI CỦA ÔNG BỘ TRƯỞNG KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ về ĐIỆN NGUYÊN TỬ ? (Nguyễn Hùng, Trần Hoài Nam)




Nguyễn Hùng, Trần Hoài Nam
29/08/2012

Việt Nam thì rất “lạ” với nguyên tử, với điện hạt nhân nhưng lại rất “quen” với anh hùng; hồ hởi vô tư nhào vô làm ĐHN trong khi trong túi thì trống rỗng nợ như chúa chổm...” – Ôi, vô tư đi! Chúng ta đã chả từng “Chân dép lốp bay vào vũ trụ” rồi là gì. Ta chỉ bay làm “ví dụ” thôi, từ đó có ai bay nữa đâu – vẫn tự hào như thường! Giờ ta làm NMĐHN cũng là “làm ví dụ” ý mà – giải ngân xong là ... xong! NMĐHN Ninh Thuận có sự cố gì thì lúc đó ngài Bộ trưởng đã về chầu Hà bá Diêm vương từ lâu lắm rồi và bọc tiền ngài kiếm được từ dự án thừa sức xây lăng tẩm cho ngài thật hoành tráng – biết đâu lăng của ngài lại chả to bằng cái lò phản ứng ý chứ chả chơi.

Bauxite Việt Nam

-------------------------------------------

Bên lề cuộc hội thảo về điện hạt nhân tại Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức với sự góp mặt của một vài viên chức của tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Bộ trưởng Nguyễn Quân đã trả lời chất vấn của phóng viên một số báo chí trong nước như Thanh niên, VietNamNet, SGTT, VOV, Vietbao, Tuoi tre, Vn Express, Bee, Dân trí, TTXVN,...

Ngoài những thông tin ảm đạm về mọi mặt của chương trình điện hạt nhân mà ông Nguyễn Quân trình bày trong cuộc hội thảo: “cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN), bao gồm một phạm vi rộng lớn các vấn đề từ các cơ sở và thiết bị liên quan cho đến khuôn khổ luật pháp, nguồn nhân lực và nguồn tài chính,... còn đang ở trình độ phát triển thấp”, những gì ông trả lời cùng giới truyền thông về vấn đề ĐHN toàn là những lời nghịch lý. Nghịch lý ngay cả với lời đoan quyết của ông Nguyễn Minh Triết khi còn đương chức Chủ tịch nước trước toàn dân Việt Nam: “Điện hạt nhân không tuyệt đối an toàn thì nhất quyết không làm”.

Nghịch lý thứ nhất: Một dự án tân tiến nhất với đầy ưu tiên và nhiều đãi ngộ lại không thu hút đủ nhân lực?
Trong thời gian ba năm qua, từ ngày Quốc hội Việt Nam bị “nhóm lợi ích hạt nhân” tung hỏa mù lừa đảo, thông qua dự án điện hạt nhân vào tháng 11 năm 2009, cơ quan phụ trách ĐHN chỉ chiêu dụ được khoảng trên dưới 100 học viên tham gia chương trình huấn luyện từ số lượng hàng trăm ngàn học sinh sinh viên trên toàn quốc. Những lời chiêu dụ hấp dẫn như: làm trong ngành ĐHN với kỹ thuật “tiên tiến”, được đi nước ngoài học tập và được trả phụ cấp hậu hỹ... thì cứ ngỡ rằng, cả nước phải có hàng ngàn bạn trẻ ào ào nộp đơn như cảnh tượng mỗi khi có quảng cáo tuyển dụng tại các cơ quan, xí nghiệp công cũng như tư. Nhưng tiếc thay, kết quả của đề án phát triển nhân lực điện hạt nhân lại thật bi đát cả về số lượng cũng như chất lượng của số bạn trẻ đầu quân.

Sự thất bại của công tác tuyển dụng học viên cho NMĐHN không phải là vì lý do tiền hay chế độ chế độ đãi ngộ. Ông Bộ trưởng suy nghĩ thật là quá đơn giản, ông cứ tưởng trả lương cho những người làm tại NMĐHN rất hậu hĩnh, nhiều lần hơn lương của ông Bộ trưởng, thì sẽ có hàng ngàn thanh niên ưu tú xung phong, dù cho công việc có phải trực diện với nguy hiểm phóng xạ nguyên tử. Thực ra họ chỉ khuyến dụ được một số người với “điểm chuẩn thấp, sinh viên tuyển không đủ, thậm chí bỏ học nhiều”. Nếu mà việc làm tốt – ngồi mát ăn bát vàng, lương hậu hĩnh như ông Bộ trưởng tuyên bố thì làm gì có chuyện những người được tuyển cho đi Nga học về ngành ĐHN lọt được vào tay những người dân thường, đã không đủ để cho các con cháu của các ông lớn gửi gắm xí chỗ hết rồi.

Các bạn trẻ Việt Nam không còn ngây thơ nhẹ dạ, và họ đã trả lời bằng hành động “tẩy chay” NMĐH. Sự kiện này gián tiếp nói lên sự không đồng thuận, chống đối của lớp trẻ với ĐHN vì tai hại khủng khiếp của ĐHN giáng xuống cho hàng trăm hàng ngàn hàng triệu người dân Việt Nam một khi thảm họa hạt nhân xảy ra tại NMĐHN.

Trong nước, với chủ trương ngăn chặn thông tin, bưng bít tin tức cập nhật của thế giới cũng không thể qua mặt được thanh niên Việt Nam về những thảm họa NMĐHN đã và đang xảy ra trên thế giới. Càng nghịch lý hơn khi ông tuyên bố sẽ chiêu dụ trí thức người Việt từ nước ngoài về làm việc tại NMĐHN của Việt Nam. Trí thức Việt Nam tại nước ngoài đã biết quá rành tình trạng lạc hậu về an toàn trong các ngành kỹ nghệ, không có ý thức bảo vệ môi trường ở trong nước, công trình bị rút ruột tràn lan, thử hỏi ai trong số trí thức Việt Nam tại nước ngoài đưa đầu vào “lỗ đen” phóng xạ hạt nhân trong khi tại các nước nơi họ sinh sống chính phủ đang cố gắng nhanh chóng thoát ly khỏi ĐHN vì hệ quả tệ hại khôn luờng của ĐHN một khi thảm họa xảy ra.

Nghịch lý thứ hai: Tiền, tiền và tiền, tiền đâu, đầu tiên!
Chi phí cho mỗi nhà máy ĐHN được tập đoàn xây NMĐHN tính sơ khởi tốn khoảng10 tỷ USD, nhưng khi tiến hành thì con số cứ thế mà tăng lên. Kinh nghiệm tại các nước Âu Mỹ, chi phí cuối cùng có thể bị đội lên thêm từ 30-50%. Việt Nam làm NMĐHN, phải vay toàn bộ 100%, sau đó phải giao cho tập đoàn ĐHN của nước cho vay đứng ra xây cất – Rosatom của Nga, Tepco và các tập đoàn khác của Nhật. Như vậy là tiền lại quay về nguồn, sau khi lại quả chút đỉnh (trích từ số tiền đội giá mà Việt Nam phải chi trả). Xây NMĐNT tại VN lại làm giàu cho các tập đoàn nước ngoài, giúp họ tống khứ các thiết bị lỗi thời không thể dùng trong nước với giá hời, cuối cùng nhóm lợi ích trong và ngoài nước được hưởng lợi, còn dân chúng và nhiều thế hệ con cháu cả nước Việt Nam được hưởng… NỢ. Và còn đội thêm cái “của nợ” giết người hàng loạt – phóng xạ nguyên tử. Để khuyến mãi (dụ), các tập đoàn ĐHN chi số tiền trợ giúp thấy có vẻ đầy tình nghĩa, trợ giúp đào tạo chuyên viên miễn phí hay chịu bớt 50% chi phí (Rosatom), trợ giúp xây dựng trung tâm huấn luyện, trường đại học “hạt nhân” với tổng kinh phí ngất ngưởng lên đến 500 triệu USD như được Tập đoàn Rosatom đề nghị chung chi khi lấy được contract (thủ tục “đầu tiên” để có được hợp đồng béo bở trên chục tỷ đô?)! Trên thế giới hiện tại không nước nào có đại học hạt nhân riêng biệt, ngon lành lắm thì chỉ có chuyên ngành vật lý hạt nhân vào năm cuối của chương trình cử nhân, hay hậu đại học.Việt Nam mình lại nhất rồi, vượt cả thế giới vì sắp có đại học hạt nhân!)

Nghịch lý “mẹ của tất cả nghịch lý”!
Cả nước Nhật tuy đã quen với điện hạt nhân hơn 50 năm mà dân chúng và chính phủ của họ lại quyết tâm từ bỏ điện hạt nhân. Kinh tế Nhật bị thiệt hại trầm trọng, công ty hàng đầu về ĐHN Tepco đã bị sạt nghiệp vì thảm họa hạt nhân Fukushima.
Mỹ cũng đã quen với bom nguyên tử, điện nguyên tử hơn nửa thế kỷ; sau thảm họa NMĐHN “Five Mile Island” năm 1979, họ vội vàng ngưng xây thêm NMĐHN. Và mới đây, ngày 14-08-2012, tòa kháng án tại Washington D.C đã ra án lệnh ngưng cấp giấy phép xây cất NMĐHN, ngưng gia hạn giấy phép vận hành các NMHN trên toàn nước Mỹ vì sự mất an toàn trầm trọng của hàng đống thanh nhiên liệu hạt nhân phế thải tại NMĐHN do không có nơi bảo quản an toàn. Các nước khác tại Âu Châu cũng rất quen với ĐHN hơn 50 năm qua, đang nhanh chóng từ bỏ ĐHN trở về điện truyền thống và điện tái tạo. Tại nước Nga cộng sản trước kia rồi hiện nay dưới chế độ Putin, đã và đang hứng chịu hậu quả liên tiếp của nhiều thảm họa điện hạt nhân – Chernobyl, Kursk, Tomsk,... xuất xứ từ tập đoàn ĐHN “mafia” Rosatom đầy “xì căn đan” về ăn chặn, rút ruột công trình xây cất NMĐHN, cung cấp thiết bị lò phản ứng nguyên tử dùng vật liệu kém phẩm chất.

Việt Nam thì rất “lạ” với nguyên tử, với điện hạt nhân nhưng lại rất “quen” với anh hùng; hồ hởi vô tư nhào vô làm ĐHN trong khi trong túi thì trống rỗng – nợ như chúa chổm và các tập đoàn nhà nước trong đó có Tập đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) – tập đoàn phụ trách dự án ĐHN – tham nhũng tràn lan và đã hoặc sắp sạt nghiệp, trình độ kỹ thuật sơ khai chậm tiến, pháp quy an toàn kỹ nghệ môi trường là con số zero to tướng nói chi đến an toàn phóng xạ hạt nhân, nhưng lại nhiệt tình và cuồng loạn ép buộc toàn dân lao vào địa ngục thảm họa phóng xạ hạt nhân.

Lãnh đạo đảng cộng sản VN, bị mê hoặc bởi các nhóm lợi ích, vẫn cố chấp triển khai dự án NMĐHN, giao cho Rosatom rồi Tepco, Nhật Bản, lèo lái con tàu phóng xạ NMĐHN “không bến” về đáp tại Ninh Thuận Việt Nam.
Đến năm 2020-2030 nước Nhật Bản không còn NMĐHN, nhưng ngược lại,Việt Nam, đất nước “anh hùng” sợ gì phóng xạ nguyên tử – chuyện nhỏ, từ năm 2020 sẽ có NMĐHN và được tập đoàn nổi tiếng thế giới về tham nhũng rút ruột lò phản ứng hạt nhân Rosatom xây cho!

Đây là nghịch lý khủng, “mẹ của tất cả nghịch lý”, mà chỉ Việt Nam mới có loại đại nghịch này.

Thế giới đang từ bỏ điện nguyên tử. Điện nguyên tử tuyệt đối không an toàn!

Việt Nam tuyệt đối không được làm điện nguyên tử, theo pháp lệnh của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết!

N.H. - T.H.N.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Tài liệu tham khảo:

- Cơ sở hạ tầng điện hạt nhân Việt Nam còn thấp

- Thủ tướng Nhật tái khẳng định quyết tâm từ bỏ lệ thuộc điện hạt nhân

- Xây nhà máy điện hạt nhân: Lưu ý bài học Fukushima

- Nhật Bản: người dân biểu tình chống điện hạt nhân

-Việt Nam làm điện hạt nhân khi cơ sở hạ tầng thấp

-NRC Freezes All Nuclear Reactor Construction and Operating Licenses in US

- Nhà máy điện hạt nhân – Nhật Bản tìm cách nhanh chóng tháo bỏ; Việt Nam tích cực xúc tiến việc xây dựng!

- Rosatom-owned company accused of selling shoddy equipment to reactors at home and abroad, pocketing profits

- Nuclear power plant accidents: listed and ranked since 1952


Xem thêm:

SGTT.VN - Các chính sách ưu đãi dành cho những người làm việc trong lĩnh vực điện hạt nhân sẽ sớm được công bố công khai, bộ trưởng bộ Khoa học và công nghệ (KHCN) Nguyễn Quân khẳng định với báo giới bên lề hội thảo “Phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân”, do bộ này phối hợp cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức ngày 23.8 tại Hà Nội.



Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam dự kiến khởi công năm 2014. Đề án phát triển nhân lực điện hạt nhân được giao cho năm trường đại học nhưng lấy điểm chuẩn rất thấp, sinh viên tuyển không đủ, thậm chí bỏ học nhiều. Vậy đâu là căn cứ để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực cho nhà máy, thưa bộ trưởng?
Chúng ta gặp nhiều khó khăn do chính sách đối với người đi học, người sẽ làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, trong nhà máy điện hạt nhân chưa được công bố công khai nên chưa tạo được động lực để thu hút. Người học cũng đòi hỏi khắt khe hơn so với những lĩnh vực khác do cần có trình độ cao, đặc biệt trong lĩnh vực vật lý hạt nhân. Bên cạnh đó họ còn phải chấp nhận rủi ro trong quá trình xây dựng, vận hành nhà máy sau này.
Trong mấy năm qua, Việt Nam đã hợp tác với Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ… đào tạo đội ngũ các nhà khoa học trẻ. Chúng ta đã gửi được 200 người sang Nga, khoảng 300 người sang các quốc gia khác học tập ngắn và dài hạn. Bộ cũng đã kiến nghị Chính phủ sớm công bố công khai chế độ đối với người đi học, người làm việc trong lĩnh vực này. Khi đó, có thể sẽ có sinh viên giỏi học ngành điện hạt nhân, người giỏi sẽ không bỏ nghề.

Những chế độ mà ông vừa đề cập, cụ thể là gì?
Ví dụ như người đi học, ngoài học bổng của Chính phủ và học bổng của quốc gia theo học cần có thêm phụ cấp đặc biệt để đảm bảo cuộc sống của họ, gia đình. Sinh viên đang học các chuyên ngành điện hạt nhân ở Việt Nam cần được cấp học bổng, tạo điều kiện thuận lợi nhất. Những người sẽ vận hành nhà máy điện hạt nhân trong tương lai, do phải tiếp xúc với môi trường phóng xạ, rủi ro cao nên mức lương phải cao, có thể cao hơn lương bộ trưởng.

Từ nay tới năm 2020, chúng ta có chuẩn bị đủ nhân lực cho việc vận hành nhà máy?
Chính phủ dành ngân sách 2.000 tỉ đồng cho chương trình đào tạo cán bộ hạt nhân. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng dành 1.000 tỉ đồng cho việc đào tạo cán bộ kỹ thuật và công nhân vận hành. Trong nước, có năm trường đại học lớn đào tạo kỹ sư điện hạt nhân. Số kỹ sư này sau đó được cử đi nước ngoài thực tập. Chúng ta đào tạo đầy đủ bao gồm chuyên gia pháp quy, chuyên gia kỹ thuật, chuyên gia tư vấn giám sát phục vụ cho xây dựng và vận hành nhà máy sau này.

Còn việc thu hút các nhà khoa học Việt kiều về nước làm việc?
Chúng ta luôn mở rộng cửa chào đón và tạo môi trường làm việc tốt nhất cho các nhà khoa học. Hiện đã có nhiều nhà khoa học Việt kiều về nước. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn nên trước mắt chúng tôi chỉ sử dụng một phần ngân sách nhà nước, còn lại, chúng tôi vận động tài trợ từ cơ quan quốc tế, quốc gia nhằm đảm bảo chi phí tối thiểu cho các nhà khoa học.
Về cơ sở hạ tầng, chúng ta chuẩn bị xây dựng một trung tâm khoa học công nghệ hạt nhân do Liên bang Nga giúp đỡ, trị giá 500 triệu USD. Ngoài ra, với các cơ sở nghiên cứu hiện có của Việt Nam, chúng tôi cho rằng tới năm 2017 – 2018 sẽ có cơ sở đầy đủ phục vụ công việc của các nhà khoa học.


Ngoài vấn đề nhân lực, theo ông, thách thức lớn nhất đặt ra đối với phát triển hạ tầng cho nhà máy điện hạt nhân hiện nay là gì?
Trước nhất và quan trọng nhất là tài chính. Việt Nam còn là nước đang phát triển, tiềm lực tài chính chưa mạnh. Toàn bộ tài chính cho điện hạt nhân Việt Nam phải dựa vào nguồn vốn ODA của Nga, Nhật Bản. Thách thức thứ hai là Việt Nam xây nhà máy điện hạt nhân ngay sau khi xảy ra thảm hoạ Fukushima, làm dấy lên làn sóng không đồng thuận với điện hạt nhân, mặc dù công nghệ mà Việt Nam lựa chọn đã đảm bảo mức an toàn rất cao. Tuyên truyền tới người dân để tạo sự đồng thuận trong việc này là thách thức rất lớn.

Các chuyên gia Nga có tiến hành khảo sát lại địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân không và đến thời điểm này, ta đã chốt được điểm xây dựng chưa, thưa ông?
Hiện nay, cơ quan tư vấn khảo sát địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân đang lập báo cáo để trình bộ Công thương và ban chỉ đạo Nhà nước về điện hạt nhân, chưa có báo cáo cuối cùng nên chưa thể nói cụ thể các đề xuất được.
Còn theo dự kiến, năm 2014 Việt Nam sẽ khởi công nhà máy đầu tiên. Tuy nhiên, thời điểm khởi công phụ thuộc nhiều vào công tác chuẩn bị, trong đó có cơ sở hạ tầng. Chúng ta không đặt mục tiêu khởi công đúng tiến độ mà chỉ xây dựng khi đảm bảo đủ an toàn về an ninh, pháp lý, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Sau sự cố Fukushima, tất cả các quốc gia đều được cảnh báo phải tăng cường cơ sở hạ tầng để bảo đảm an ninh cho điện hạt nhân, Việt Nam thì sao?
Đúng là sau sự cố Fukushima, vấn đề an ninh, an toàn cho điện hạt nhân trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Việt Nam đã có sự hợp tác với IAEA để thực hiện dự án phát triển hạ tầng cho Việt Nam. Chính phủ đã khẩn trương hợp tác với Nga, Nhật Bản, IAEA để tiến hành các hoạt động đồng bộ trên cả ba mặt: hạ tầng pháp lý; hệ tầng nghiên cứu phát triển và nhân lực. Đây là bước quan trọng để khởi công nhà máy Ninh Thuận.
Thanh TuyỀn (Thực hiện)



Ông Alexander Bychkov, phó tổng giám đốc IAEA:
Chúng tôi cung cấp kinh nghiệm tốt nhất, hy vọng các bạn lắng nghe!
Chuyến thăm nhà máy điện hạt nhân của Nhật gần khu vực Fukushima gần đây cho thấy không có tác động nào thực sự quan trọng nếu xảy ra động đất ở đây. Mức độ an toàn hạt nhân trong xây dựng và vận hành nhà máy điện sẽ không có vấn đề gì. Các nhà máy điện hạt nhân vẫn được xây dựng ở Đông Âu. Hiện nay, các nhà cung cấp công nghệ và thiết bị hạt nhân đã tích cực cải tiến công nghệ an toàn. Chúng tôi sẽ cố gắng cung cấp kinh nghiệm tốt nhất, thông lệ tốt nhất, đưa ra tư vấn tốt nhất cho Chính phủ Việt Nam, hy vọng các bạn sẽ lắng nghe, đánh giá về lời khuyên tư vấn đấy một cách phù hợp. Tôi tin các bạn sẽ thành công trong chương trình của mình tới năm 2020.

Ông James Lyons, trưởng phòng An toàn cơ sở hạt nhận, vụ An toàn và an ninh hạt nhân – IAEA:
“Thiết lập khuôn khổ an toàn”
Việc thiết lập một cơ quan pháp quy độc lập, hiệu quả và vững mạnh là vấn đề cần thiết để đảm bảo một chương trình điện hạt nhân an toàn. Trong trường hợp có nhiều cơ quan có trách nhiệm về vấn đề an toàn, Chính phủ phải xây dựng điều khoản về việc phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan để tránh sự bỏ sót, trùng lặp không cần thiết.







No comments:

Post a Comment

View My Stats