Phạm Đình Trọng
Posted by basamnews
on 25/08/2012
1.
Hơn bốn mươi giờ sau khi ông Nguyễn Đức Kiên, người kinh
doanh ngân hàng bị bắt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liền lên tiếng trong phiên
họp của Ban Chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng, đòi hỏi cơ quan công an
nhanh chóng điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo pháp luật bất cứ ai có
hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng gây mất ổn định hoạt động
ngân hàng.
Một đòi hỏi, một chỉ đạo đúng đắn và đúng lúc. Nhưng thâu tóm ngân hàng gây rối loạn cả hệ
thống ngân hàng chỉ vừa xảy ra gần đây và tội phạm này có tính cá biệt cao, rất
ít người có thể phạm tội nên dễ bị phát hiện sớm và đấu tranh loại bỏ không
phức tạp, không khó, không dây dưa kéo dài.
Những dự án hoành tráng được những nhóm lợi ích vẽ ra để
thu hồi đất sống ổn định của người dân, thực chất những dự án đó chỉ nhằm thâu tóm đất đai để kinh doanh kiếm lời
còn tệ hại gấp nhiều lần thâu tóm ngân hàng.
2.
Thâu tóm đất đai đã tạo ra dòng người dân oan khiếu kiện
đất đai kéo dài vô tận trên cả nước và kéo dài vô tận trong thời gian, đã làm
hư hỏng nhiều quan chức trong bộ máy nhà nước. Thâu tóm đất đai, một người đơn
độc không thể làm được mà phải là cả một hê thống quyền lực nhà nước. Thâu tóm
đất đai đã làm cho cả một hệ thống quyền lực nhà nước đối lập với dân, làm tha
hóa bộ máy nhà nước, gây mất ổn định xã hội, thủ tiêu thế mạnh của những vùng
đất đặc thù, làm mất mát, hao hụt, hoang phí rất lớn đất vàng, đất bạc của nông
nghiệp, đẩy nhiều gia đình nông dân vào cảnh khốn cùng, không còn đường sống.
Thâu tóm đất đai
đã tàn phá cả cơ cấu, nền tảng xã hội, phá nát cả qui hoạch tổng thể, hợp lí
của đất nước, gây nguy hại lớn lao và lâu dài gấp nhiều lần thâu tóm ngân hàng
lại chưa được coi là tội phạm nên thâu tóm đất đai đã ngang nhiên diễn ra từ
hàng chục năm nay và đang diễn ra quyết liệt, rộng khắp trên cả nước.
Thu hồi đất nông trường Sông Hậu, chiếm đoạt đất sống ấm no, ổn định của hàng nghìn nông dân nông trường
viên, tội phạm hóa người có công biến mảnh đất phèn hoang hóa nghèo đói thành
đất sống tươi tốt, ấm no, xanh cây, ngọt trái. Việc thu hồi đất ngang trái ở
nông trường Sông Hậu đã đẩy người Anh hùng mở đất trở thành tội phạm, thành dân
oan. Việc thu hồi đất bất chấp kỉ cương và đạo lí đó thực chất cũng chỉ là thâu
tóm đất đai, kinh doanh kiếm lời từ đất của một nhóm lợi ích.
Thâu tóm đất đai làm cho sân bay Tân
Sơn Nhất không thể mở rộng để đón những chuyến
bay quốc tế có nhu cầu quá cảnh đang ngày càng nhiều. Mất đi một nguồn thu lớn
ngoại tệ. Sân bay Tân Sơn Nhất còn hàng trăm hecta đất trống nhưng không thể mở
rộng đường băng, bãi đỗ máy bay vì đất trống sát sân bay đã bị nhóm lợi ích đầy
quyền lực chiếm giữ để họ kinh doanh sân golf và biệt thự.
Việc cưỡng chế đất đai phi pháp ở Tiên
Lãng, Hải Phòng, cưỡng chế bằng máu, đưa công an, quân đội,
đưa súng lớn, súng nhỏ ra đối đầu với một gia đình nông dân hiền lành chỉ chí
thú lấn biển mở đất nuôi chí làm ăn vì dân giầu, nước mạnh. Thu hồi phi pháp
mảnh đất lấn biển bằng mồ hôi và máu của gia đình người nông dân lam lũ Đoàn
Văn Vươn thực chất cũng chỉ là thâu tóm đất đai của một nhóm lợi ích của chính
quyền địa phương Hải Phòng.
Để có đất xây cất khu đô thị Ecopark
ở Văn Giang, Hưng Yên, kinh doanh căn hộ cao cấp kiếm lời lớn, để thâu tóm được 500 ha đất phù sa màu mỡ bậc nhất của đồng bằng Bắc Bộ do
con sông Hồng bồi lắng từ hàng triệu triệu năm mới tạo nên, để chiếm được mảnh
đất sống từ ngàn đời nay của những gia đình nông dân ở Văn Giang, Hưng Yên, nhà
đầu tư đã liên kết với cả một hệ thống quyền lực mạnh từ trung ương tới địa
phương và cả hệ thống quyền lực mạnh đó đã ngang nhiên vi phạm hàng loạt điều
luật của luật pháp hiện hành để thâu tóm đất đai cho những nhà đầu tư nhiều
tiền, nhiều tham vọng làm giầu bằng chiếm đoạt cơ nghiệp, chiếm đoạt nguồn sống
của người nông dân, làm giầu trên sự khốn cùng của người nông dân.
Nghe ông Thứ trưởng của bộ quản lý đất đai đối thoại với
những người nông dân Văn Giang mất đất càng thấy rõ cơ quan quản lí đất đai đã
đứng hẳn về phía nhà đầu tư khát đất, dùng quyền lực nhà nước thâu tóm đất sống
của người nông dân cho nhà đầu tư kinh doanh nhà, đất. Quyền lực đó đã biến mối
quan hệ mua bán bình đẳng giữa nhà đầu tư cần mua đất và người nông dân có đất
thành mối quan hệ mệnh lệnh hành chính bất bình đẳng giữa cơ quan quản lí nhà
nước và người dân chịu sự quản lí. Quyền lực đó đã ngụy trang cho việc kinh
doanh bất động sản đơn thuần được mang một danh nghĩa mĩ miều: Dự án này là dự
án đổi đất lấy hạ tầng, là lợi ích công cộng, ở góc độ nào đó cũng là lợi ích
quốc gia!
3.
Luật đất đai đã tước đoạt quyền làm
chủ của người nông dân trên mảnh đất hương hỏa cha ông để lại, đã biến “tấc đất
tấc vàng” của đau con xót của người nông dân thành đất chùa, thành “sở hữu toàn
dân”! Luật đất đai lại giao đất chùa đó cho “nhà nước thống
nhất quản lí”! Và quan chức nhà nước được quyền quản lí đất đai đã hối hả và
quyết liệt thâu tóm đất sống của người nông dân cho những dự án kinh doanh thu
lãi khẳm của nhà đầu tư, lạnh lùng bỏ mặc sự khốn cùng của người nông dân.
Thâu tóm đất đai cho những dự án của những ông chủ, bà
chủ kinh doanh nhà đất là cách làm giầu nhanh nhất, dễ nhất, là sự tham nhũng
nhanh nhất, dễ nhất, và cũng là sự tha hóa nhanh nhất, dễ nhất của quyền lực.
Khi luật đất đai vẫn còn có điều
luật “Đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lí” thì tội phạm
thâu tóm đất đai vẫn chưa bị vạch mặt chỉ tên, thì sự tham nhũng dễ nhất, nhanh nhất bằng đất đai còn diễn ra rộng khắp,
thì quyền lực còn bị tha hóa dễ nhất, nhanh nhất bởi đất đai. Và quyền lực đó
sẽ ngày càng đối lập với dân tất yếu dẫn đến bùng nổ, dân phải nổi can qua!
Đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng, ở Vụ Bản, Nam Định, ở Văn
Giang, Hưng Yên, ở Sông Hậu, Cần Thơ đang nóng bỏng dưới chân. Với hiện thực
đang diễn ra, quyền lực đang ráo riết thâu tóm đất ở khắp nơi, cả dải đất Việt
Nam yêu thương, nơi nào đất cũng đang nóng bỏng dưới chân.
Phạm Đình Trọng
No comments:
Post a Comment