Ngọc
Lan/Người Việt
Friday,
August 03, 2012 6:21:05 PM
WESTMINSTER (NV) - “Những khám
phá đó không giúp đời được tí nào hết! Nhưng mà người nào cũng vậy, luôn luôn
muốn tìm hiểu nhiều hơn về những thứ mình không biết. Người nào cũng muốn biết mình từ đâu tới, quả đất này từ
đâu tới, tại sao lại có mặt trời, và tất cả những gì có trên quả đất này.”
Giáo
Sư Jane X. Lưu, người đoạt cả hai giải thưởng lớn về thiên văn học, Shaw Prize
và Kevli Prize năm 2012. (Hình: Jane X. Lưu cung cấp)
Giáo
Sư Jane X. Lưu, khoa học gia gốc Việt đầu tiên nhận được hai giải thưởng lớn về
thiên văn học năm 2012, nói một cách thẳng thắn về giá trị các công trình khám
phá của cô.
Một
chút bẽn lẽn, ngộ nghĩnh khi nói về bản thân và cuộc sống riêng tư. Một chút dí
dỏm, hài hước khi nêu quan niệm về cuộc sống. Và thẳng thắn, quyết đoán, say
sưa khi nói về công việc, về quả đất, về ước mơ. Ðó là những điều mà khoa học
gia Jane X. Lưu, người đang làm việc tại phòng thí nghiệm Lincoln thuộc Ðại Học
MIT, bộc lộ khi nhận trả lời phỏng vấn của nhật báo Người Việt nhân sự kiện tên
tuổi cô trở nên nổi bật trong lãnh vực thiên văn học thế giới.
Hai giải thưởng lớn bất ngờ đến cùng một tuần
Công trình “Ðịnh danh các vật thể ngoài Hải Vương Tinh” (Trans-Neptunian Objects,
viết tắt là TNOs) của Giáo Sư Jane X. Lưu và người thầy của mình là Giáo Sư
David C. Jewitt, giám đốc Viện Nghiên Cứu Thiên Thể, đại học UCLA, được Shaw
Foundation chọn để trao tặng giải “Shaw Thiên Văn học 2012” tại Hong Kong. Ðây
là giải thưởng được ví như “Nobel Châu Á” do ông trùm truyền thông Hồng Kông
Run Run Shaw bảo trợ từ năm 2004, với số tiền $3 triệu, chia đều cho ba lãnh
vực thiên văn học, khoa học sự sống, và y học và toán học.
Cũng vị giáo sư gốc Việt này, với công trình khám phá “Vành đai Kuiper,”
được Kavli Foundation của Na Uy chọn trao giải “Kavli Thiên Văn học 2012”. Ðây
là giải thưởng được khoa học gia người Na Uy Fred Kavli khởi xướng và Kavli
Foundation tài trợ từ năm 2008. Giải Kavli Thiên Văn Học được xem là “giải
Nobel Thiên Văn học” của thế giới, với tiền thưởng là $1 triệu.
Như vậy, trong cùng
một tuần cuối Tháng Năm, người phụ nữ gốc Việt này vinh dự nhận được hai giải
thưởng lớn nhất cho công trình nghiên cứu thiên văn mà cô cùng thầy Jewitt của
mình thực hiện từ... 20 năm trước.
Nói
với phóng viên Người Việt cảm nghĩ của mình về sự kiện lớn lao này, Giáo Sư
Jane X. Lưu vẫn còn cảm thấy rất ngạc nhiên, “Thật là tôi cũng không tin nổi vì việc này
tôi làm từ 20 năm trước rồi. Lúc làm thì cũng có tiếng một tí, nhưng mà xong
rồi. Hai mươi năm sau, tôi không nghĩ gì đến chuyện đó nữa. Giờ tự dưng có hai
món quà to như vậy thì thật là ngạc nhiên. Tôi không ngờ bởi vì đã 20 năm rồi.”
Vẫn
bằng nụ cười có chút gì như hơi mắc cỡ, bẽn lẽn của người không quen nói về bản
thân mình, cô kể buổi sáng mà cô nhận được email từ Hồng Kông thông báo về giải
thưởng Shaw, cô còn tưởng là “người nào đùa chứ không phải là sự thật nữa”.
“Vành
đai Kuiper” là giả thuyết của một nhà khoa học thiên văn người Mỹ gốc Hòa Lan,
tên là Gerard Kuiper. Từ năm 1951, Gerard Kuiper tiên đoán về sự tồn tại của
một vòng đai quanh hệ mặt trời, bên kia quỹ đạo của Hải Vương Tinh, vốn được
xem là cái nôi phát sinh của sao chổi. Nhưng giới thiên văn học cùng thời cho
rằng “Vành đai Kuiper” là một sự hoang tưởng, không chứng minh được.
Trong
khi đó, Giáo Sư Jane X. Lưu cùng với người thầy của mình vẫn miệt mài tìm kiếm
sự hiện hữu của vành đai này.
Cuối
Tháng Tám, 1992, hai thầy trò tìm thấy thiên thể đầu tiên của “Vành đai
Kuiper”. Khám phá này kết thúc “sự hoang tưởng” và mở ra hướng mới trong việc
giải thích và chứng minh sự hình thành Thái Dương Hệ.
Phát
biểu trước báo giới về khám phá này, Giáo Sư Jane X. Lưu khi đó cho rằng: “Chúng tôi đã phát hiện có hàng triệu thiên
thạch ngoài đó, bên mép rìa Thái Dương Hệ, trong 'Vành đai Kuiper' giống như
Diêm Vương Tinh vậy... Khám phá này làm hoàn toàn thay đổi quan niệm của chúng
ta về định nghĩa hành tinh là gì.”
Con đường đến với thiên văn học
Khoa học gia Jane X. Lưu có tên Việt Nam là Lưu Lệ Hằng.
“Vậy
chữ X. trong tên Mỹ Jane X. Luu có nghĩa là gì?” - “Không có nghĩa gì hết! Tôi
bịa ra đó thôi.” Phóng viên hỏi và bật cười ngay lập tức vì câu trả lời ngộ
nghĩnh của nhà thiên văn nổi tiếng này.
“Tại
vì ai cũng hỏi 'initial' tên tôi là gì mà chả biết, rồi người ta cũng hỏi ông
Jewitt như vậy nên ổng nói bịa đại ra đi nên tôi bịa ra đại đó.” Giáo Sư Jane
X. Lưu giải thích về chữ “X.” trong tên của mình bằng nụ cười giòn tan.
Giáo
Sư Jane X. Lưu, vừa được 49 tuổi hồi Tháng Bảy, hiện đang sống gần Boston, và
làm việc cho phòng thí nghiệm Lincoln thuộc trường Ðại Học MIT. Chồng cô là
người Hòa Lan, cũng từng là một nhà thiên văn học, nhưng đang làm việc cho
Microsoft. Cô có một con gái nuôi 6 tuổi, người Việt.
Sinh
ra trong một gia đình có bốn người con, Giáo Sư Jane X. Lưu có một chị gái và
hai em trai. Thân phụ cô từng làm thư ký cho một công ty hàng không của Mỹ
trước năm 1975. Ðó cũng chính là lý do cô cùng gia đình có cơ hội rời khỏi Việt
Nam vào những ngày cuối cuộc chiến.
Giáo
Sư Jane X. Lưu và con gái Eliot. (Hình: Jane X. Lưu cung cấp)
Nói
về chuyện học hành, người phụ nữ yêu khoa học này chia sẻ, “Hồi nhỏ đi học thấy
trường nào cũng dễ, thấy cái gì cũng dễ nên cũng chả biết học cái gì. Chỉ nghĩ
nếu mình đi học khoa học thì chắc là sẽ tìm việc làm dễ hơn, thế là đi học khoa
học. Hơn nữa, bố mẹ tôi chả bắt tôi học bác sĩ, dược sĩ, chỉ nói đi học nghề
nào giúp có thể tìm được việc làm là tốt rồi.”
Năm 1984, cô tốt
nghiệp cử nhân vật lý trường Ðại Học Stanford.
“Còn
vụ đi làm thiên văn học chỉ là hên thôi.” Mọi chuyện đến trong đời nhà khoa học
này tưởng chừng như đều nhẹ nhàng, qua cách cô nói.
Cô
kể, “Tôi học đại học chả có gì dính dáng đến thiên văn học hết. Khi ra trường,
có một vài tháng tôi làm việc cho phòng thí nghiệm JPL (Jet Propulsion
Laboratory). Tại đây, có dịp nhìn những bức hình thiên văn thấy đẹp quá. Thế là
tôi nghĩ nếu mình có nghề rồi mà học mấy cái này cũng vui. Nên mấy năm sau, khi
muốn trở lại đi học tiếp, nghe bạn bè nói ở MIT có trường học về thiên văn học
lý thuyết cũng giỏi nên tôi thử nộp đơn coi có được không. Khi được thì thôi đi
luôn.”
Trong
quá trình làm luận án cao học, rồi tiến sĩ tại đại học UC Berkeley và MIT, cô
Jane X. Lưu làm việc dưới sự hướng dẫn của Giáo Sư David C. Jewitt.
Khoa
học gia Jane X. Lưu nói về người thầy của mình bằng một sự trìu mến, “Tôi thấy
mình hên là khi đó tôi có người thầy hướng dẫn là Giáo Sư David C Jewitt. Thầy
thì giỏi nên mình học được cũng nhiều. Thầy vừa thật là giỏi, lại vui tính, dễ
dãi nên hai thầy trò hợp lắm. Nhờ làm việc với thầy nên tôi học được nhiều mà
cũng thành công nhiều.”
“Nếu
mà được làm việc với người giỏi thì mình sẽ luôn luôn giỏi thôi.” Người khám
phá ra “Vành đai Kuiper” nói thêm.
Năm 1991, cô Jane X. Lưu được Hội Thiên
Văn Hoa Kỳ trao giải “Annie Jump Cannon Award in Astronomy,” là giải thưởng
hàng năm dành cho một nhà thiên văn nữ có đóng góp quan trọng nhất.
Năm 1992, cô nhận bằng tiến sĩ tại MIT,
và nhận học bổng Hubble của đại học UC Berkeley.
Cũng
năm này, khi tiểu hành tinh “5430 Luu”
được đặt theo tên cô tạo nên cảm hứng và niềm tự hào cho biết bao người Việt
Nam khác trên thế giới, thì người tìm ra tiểu hành tinh 5430 lại nói một cách
hóm hỉnh, nhẹ nhàng, “Chuyện này cũng chả
quan trọng mấy đâu vì nếu mình tìm được những cái tiểu hành tinh thì người ta
cho cái tên, mà có nhiều người tìm ra được nhiều hành tinh lắm, nên vụ này
không quan trọng lắm.”
Trả
lời câu hỏi, “Là một phụ nữ, theo đuổi một ngành khoa học không có nhiều người
theo như vậy, có điều gì khó khăn không?” Nhà thiên văn học Jane X. Lưu ngẫm
nghĩ một thoáng trước khi bộc bạch: “Ðàn
bà làm nghề này thì hơi khó nhưng mà cũng không khó hơn những nghề khác đâu.
Nếu một người đàn bà làm nghề trong đó có nhiều đàn ông thì luôn luôn là khó
hơn. Nghề nào cũng vậy, vì cả thế giới này, nghề nào người đàn ông cũng ở bậc
cao nhất, luôn luôn chỉ có đàn ông. Nên đàn bà muốn đi lên thì càng khó, vì
người ta không có nể mình lắm. Nếu có nể, họ cũng chỉ nể vừa vừa, vì luôn luôn
họ coi mình thấp hơn đàn ông. Không phải người nào cũng vậy, nhưng phần đông là
như vậy. Nghề nào cũng bị như vậy.”
“Từ từ rồi cũng sẽ
có sự thay đổi thôi, nhưng mà 50 năm hay 100 năm nữa cũng chưa xong vụ này
đâu,”
nữ khoa học gia bật cười khi nêu cảm nghĩ của mình.
Sau
khi nhận bằng tiến sĩ, cô làm giáo sư Ðại Học Harvard và Ðại Học Leiden ở Hòa
Lan. Sau đó, cô trở lại Hoa Kỳ, tạm chia tay với việc nghiên cứu, khám phá bầu
trời, quả đất cùng các hành tinh, để về làm công việc chế tạo dụng cụ thiên văn
tại phòng thí nghiệm Lincoln cho đến nay.
Hãy nghĩ điều gì khác hơn là tiền
“Làm khoa học bao
nhiêu năm đây là lần đầu tiên thấy mình có số tiền lớn như vậy.” Giáo Sư Jane X. Lưu
vẫn nói bằng một giọng hài hước vui vẻ.
Người
đoạt giải “'Nobel' Thiên Văn học 2012” tính toán kế hoạch sử dụng tiền thưởng,
“Trước nhất, tôi trả hết tiền nhà còn
thiếu. Thứ hai, là để một tí tiền cho con gái 6 tuổi của tôi đi học đại học.
Còn nữa thì người nào trong gia đình cần thì giúp. Tôi cũng muốn cho tiền cho
những người làm việc giúp cho quả đất này.”
“Tôi lo cho quả đất
này không biết sống được bao nhiêu lâu nữa.” Nụ cười người phụ nữ pha lẫn sự lo
lắng của một nhà khoa học.
Giáo
Sư Jane X. Lưu (thứ nhất từ phải) cùng gia đình, mẹ, con gái, cháu, chị và hai
em trai. (Hình: Jane X. Lưu cung cấp)
Giáo
Sư Jane X. Lưu nói thêm bằng giọng nghiêm túc, “Tôi muốn giúp quả đất là vì tôi lo cho việc khí hậu sẽ nóng dần lên.
Ai cũng biết nếu cả thế giới nóng lên thì nó sẽ thay đổi tất cả đời sống trên
trái đất này. Cái gì có trên quả đất này mà mình xài nhiều quá thì rồi cái gì
cũng hết, nước cũng hết, xăng cũng hết. Người thì ngày một đông hơn. Dĩ nhiên
đời tôi thì tôi không lo rồi, nhưng mà mấy đứa nhỏ có thể đời sống sẽ khó hơn,
nên tôi lo cho con nhỏ của tôi và những người trẻ hiện nay. Hai mươi năm nữa
thì tôi vẫn sống được, không có sao hết. Nhưng 50 năm nữa thì không biết sẽ ra
sao.”
Quyết
định rời giảng đường đại học để được làm việc theo ý mình cũng làm mọi người
ngạc nhiên. Tuy nhiên, cô nói về quan niệm sống của mình: “Nhiều người tưởng tôi ‘khùng’ khi từ bỏ chức giáo sư để chế tạo dụng
cụ thiên văn tại MIT, nhưng tôi lại thấy hạnh phúc. Tôi muốn thay đổi, muốn làm
cái gì mới nên tôi không làm nghiên cứu nữa mà làm ứng dụng, chế tạo cái này
cái nọ. Cũng là cách học thêm một nghề khác.”
Cũng
chính vì không muốn lặp lại, đi lại trên con đường người khác đã đi, đã khám
phá, nên Giáo Sư Jane X. Lưu cho rằng,
“Nếu có dịp trở lại đại học làm nghiên cứu, chắc chắn là tôi không làm nghiên
cứu về thiên văn nữa, bởi vì giờ đây có quá nhiều người làm cái này rồi. Mình
phải tìm cái gì người ta chưa làm để mà làm chứ!”
Chia
sẻ với người trẻ gốc Việt nhân dịp được nhận giải thưởng lớn này, Giáo Sư Jane
X. Lưu nói, “Tôi thấy người Việt Nam đến
đây phần đông ai cũng làm việc thật là chăm, đi học thật là chăm để tìm được
việc làm tốt, để mong được thành công. Nhưng tôi mong là những người trẻ hãy
nghĩ điều gì khác hơn là chỉ lo về tiền.”
“Ai cũng cần tiền để
sống nhưng mà nếu nhiều tiền quá thì nó cũng chẳng giúp hơn cho mình cái gì.
Tôi biết người khác không nghĩ như vậy, nhưng tôi thì nghĩ như vậy. Tôi chỉ
thấy cần vừa đủ tiền để sống, cho thêm cũng không thay đổi cách sống của tôi,
nên tôi mong những người trẻ nghĩ nhiều hơn những điều gì khác hơn là tiền. Như
lo cho người nghèo, cho thú vật hay quả đất, có nhiều thứ cũng cần mình lo.
Ðừng có luôn luôn nghĩ về mình và nghĩ về tiền. Tôi chỉ mong như vậy.” Cô nói một cách tha
thiết.
Im
lặng một lúc, cô nói tiếp, “Tôi mong con
tôi lớn lên sẽ thành người đàng hoàng, nó sẽ không chỉ nghĩ về mình mà còn lo
nhiều chuyện khác, lo cho người khác, lo cho thú vật. Tôi cũng mong cho có
người lo cho quả đất này vì mình sống cần có bao nhiêu thứ từ quả đất cho, mà
mình cũng phá nhiều quá. Nếu mình không biết giữ thì rồi đời sẽ khó cho tất cả
mọi người.”
––
Liên
lạc tác giả: NgocLan@nguoi-viet.com
No comments:
Post a Comment