Wednesday, 22 August 2012

ĐÒN PHẢN CÔNG CỦA NGUYỄN TẤN DŨNG : KHÔNG NHẢ VỊ TRÍ TRƯỞNG BAN CHỐNG THAM NHŨNG (T-Rang - Danlambao)




23-8-2012

Hội nghị Trung ương 5 (hôm 15/05/2012) đã đưa ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo Trung Ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ chính trị, do Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban. Chủ trương nghị quyết là vậy, tuy nhiên trong một diễn biến bất thường hôm 22/08, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có động thái khẳng định ông vẫn là người nắm giữ Ban này.

Chiều ngày 22/08, Cổng thông tin điện tử Chính phủ loan tải bản tin nói về phiên họp thứ 18 Ban chỉ đạo TW về phòng chống, tham nhũng. Đáng chú ý, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp với vai trò Trưởng ban chỉ đạo.


Phải chăng đây là động thái đáp trả của Thủ tướng Dũng ngay sau sự kiện cánh tay mặt của mình là ông trùm Nguyễn Đức Kiên bị bắt?

Thủ tướng 3 Dũng cố bám giữ vị trí Trưởng ban Chống tham nhũng, hay ông dám coi thường cả nghị quyết Trung ương của Đảng?

Ngoài ra, tại cuộc họp bất thường trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chứng tỏ khả năng diễn xuất kỳ tài: "Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng biểu dương Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, đã nghiêm túc chấp hành sự chỉ đạo của Chính phủ; đã khởi tố, điều tra để đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng, gây mất ổn định hoạt động ngân hàng".

Dù rất cay cú, nhưng Thủ tướng vẫn phải mở miệng 'biểu dương' vụ bắt giữ kẻ đang nắm giữ túi tiền mình là Bầu Kiên.

Như vậy, phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thực chất cũng là một màn kịch cho Thủ tướng diễn xuất.



Liên quan đến vụ án "bầu" Kiên: Thủ tướng yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm minh bất kỳ đó là ai

(Chinhphu.vn) Tại phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (BCĐ), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, đã nghiêm túc chấp hành sự chỉ đạo của Chính phủ; đã khởi tố, điều tra để đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng, gây mất ổn định hoạt động ngân hàng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng BCĐ và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng BCĐ, đồng chủ trì phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều 22/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng BCĐ và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng BCĐ, đồng chủ trì phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về phòng và chống tham nhũng

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, 7 tháng đầu năm 2012, dưới sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên cả 2 mặt là phòng và chống.

Theo đó, công tác thông tin truyên truyền về phòng, chống tham nhũng được quan tâm; thể chế về phòng, chống tham nhũng ngày càng được hoàn thiện, việc phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng là nghiêm minh… đặc biệt chúng ta đã tiến hành tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu lên những tồn tại, hạn chế của công tác phòng, chống tham nhũng như còn có cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm; việc sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật về các giải pháp liên quan đến phòng ngừa tham nhũng còn chậm (như việc chuyển đổi vị trí công tác, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, minh bạch tài sản, thu nhập); một số vụ án tham nhũng tiến độ xử lý chậm, gây bức xúc…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu bật yêu cầu cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ các giải pháp cả về phòng và chống tham nhũng.

Với tinh thần như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống tham nhũng gắn với quán triệt và triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI); tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là các chính sách liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai, quản lý doanh nghiệp nhà nước, trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước…

Cùng với đó, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp, làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử. Tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng, nhất là những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng biểu dương Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, đã nghiêm túc chấp hành sự chỉ đạo của Chính phủ; đã khởi tố, điều tra để đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng, gây mất ổn định hoạt động ngân hàng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh theo pháp luật tất cả những người, bất cứ ai có hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng trong cả nước.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tập trung triển khai Kế hoạch số 08-KH/TW ngày 12/3/2012 của Bộ Chính trị liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, trước hết tập trung có trọng tâm, trọng điểm vào các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp để sớm đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.

Cũng tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên BCĐ đã đóng góp nhiều ý kiến, tháo gỡ vướng mắc trong xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài để tiếp tục tập trung chỉ đạo, đôn đốc xử lý dứt điểm trong thời gian tới.

Kết quả tích cực về cả phòng và chống

Báo cáo tại phiên họp, Chánh Văn phòng BCĐ Nguyễn Đình Phách cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2012, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và đạt được những kết quả tích cực trên cả 2 mặt phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng.


Về phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, trong 6 tháng đầu năm 2012, toàn ngành thanh tra đã triển khai 6.065 cuộc thanh tra hành chính và kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi về cho ngân sách nhà nước 6.482 tỷ đồng, 1.291 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính 258 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý 31.207 tỷ đồng; đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 425 tập thể, 697 cá nhân…

Trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, theo báo cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, từ tháng 1/2012 đến tháng 7/2012, các cơ quan pháp luật đã khởi tố 163 vụ/275 bị can về các tội danh tham nhũng, trong đó tham ô tài sản là 59 vụ/97 bị can; nhận hối lộ là 23 vụ/51 bị can; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là 22 vụ/34 bị can; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ 34 vụ/67 bị can; các tội danh tham nhũng khác là 15 vụ/ 26 bị can. Viện Kiểm sát đã truy tố 183 vụ/451 bị can. Toà án đã xét xử sơ thẩm 116 vụ/251 bị cáo về các tội danh tham nhũng.

Về kết quả xử lý các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; đã đưa ra xét xử 2 vụ (vụ Nguyễn Ngọc Quyền “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi thành công vụ trong việc quản lý, sử dụng đất xảy ra tại phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc”; vụ “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam); toà án đang thụ lý 4 vụ; Viện Kiểm sát đang thụ lý 2 vụ; các cơ quan pháp luật đã tạm đình chỉ 2 vụ; cơ quan điều tra đang điều tra và điều tra bổ sung 10 vụ, trong đó việc cơ quan điều tra khởi tố vụ tham ô và cố ý làm trái xảy ra tại Vinalines, được dư luận đồng tình.

Các vụ án tham nhũng đang điều tra bổ sung đều là những vụ đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều khó khăn trong điều tra, truy tố, xét xử, đặc biệt vụ tham nhũng xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, các đối tượng đã dùng nhiều thủ đoạn như ký hợp đồng giả tạo, nâng khống giá trị tài sản mua, cho thuê gây thất thoát, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước.

Những nhiệm vụ trọng tâm sắp tới

Về nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng còn lại của năm 2012, BCĐ sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng; nhất là những nội dung về công tác phòng, chống tham nhũng được nêu trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI),…

Cùng với đó, triển khai thực hiện nghiêm túc những nội dung về phòng, chống tham nhũng được nêu trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI); kết luận Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X).

BCĐ tiếp tục chỉ đạo việc hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng; khẩn trương hoàn thành các văn bản: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2012); Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về công tác, phòng chống tham nhũng, lãng phí; Quy chế phối hợp thực hiện Công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng.

Chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan chức năng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý vụ án tại Công ty cho thuê tài chính II và 9 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp có khó khăn, vướng mắc trong điều tra, truy tố, xét xử.

BCĐ sẽ sớm thành lập các Đoàn công tác giám sát, kiểm tra liên ngành để kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng theo Kế hoạch số 08-KH/TW ngày 12/3/2012 của Bộ Chính trị.


Tổng Bí thư làm Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng

Thứ Ba, 15/05/2012 17:48

(NLĐO)- Hội nghị Trung ương 5 xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng về vấn đề sửa Hiến pháp năm 1992, Luật Đất đai; Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lập lại Ban Nội chính Trung ương.

Sáng 15-5, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra sau 9 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trong không khí dân chủ, đổi mới với hơn 750 lượt ý kiến phát biểu ở tổ và hội trường cùng nhiều ý kiến bằng văn bản hoặc sửa trực tiếp vào các dự thảo nghị quyết, kết luận.


Hội nghị Trung ương 5 đã thống nhất cao ban hành các nghị quyết, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và Luật Đất đai năm 2003; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đổi mới một số chính sách xã hội, tiền lương giai đoạn 2012-2020, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm rõ thêm một số vấn đề và khái quát lại những kết quả quan trọng mà Hội nghị đã đạt được.

Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp chặt chẽ, khoa học

Về tổng kết, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây là một nội dung rất lớn, đặc biệt quan trọng của Hội nghị lần này. Tại Hội nghị, Trung ương nhấn mạnh, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc đặc biệt quan trọng, nhạy cảm, phải có quan điểm và cách nhìn toàn diện, biện chứng, cụ thể, lịch sử, có cách làm khoa học, thận trọng; tránh tư duy tư biện, xa rời thực tiễn.

Trung ương cho rằng, các đề xuất sửa đổi, bổ sung phải dựa trên kết quả tổng kết sâu sắc thực tế thi hành Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật có liên quan; quán triệt đầy đủ yêu cầu thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp.


Về quy trình sửa đổi Hiến pháp, Hội nghị thống nhất, cần thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 2 (khóa XI), tiến hành một cách chặt chẽ, khoa học, dưới sự lãnh đạo của Đảng; có cơ chế bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân về các nội dung sửa đổi, để Quốc hội có đầy đủ cơ sở xem xét, quyết định.

Đất đai: Hài hoà lợi ích Nhà nước, người dân và nhà đầu tư

Hội nghị nhất trí cho rằng: Phải tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; đồng thời quy định rõ ràng, cụ thể hơn và thực thi đầy đủ, đúng đắn hơn các quyền của đại diện chủ sở hữu và quyền thống nhất quản lý của Nhà nước...

Quyền sử dụng đất cũng là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai; không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân.

Khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và hoàn thiện pháp luật về đất đai để sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại hiện nay, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phân bổ hợp lý, sử dụng đất đai đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường sinh thái. Nâng cao chất lượng và bảo vệ đất canh tác nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội và phát triển bền vững. Phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.


Tiếp tục thực hiện giao đất, cho thuê đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân có thời hạn nhưng có thể kéo dài hơn để khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng và yên tâm đầu tư sản xuất. Đồng thời mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất, từng bước hình thành những vùng sản xuất hàng hoá lớn trong nông nghiệp.

Lập Ban chỉ đạo chống tham nhũng thuộc Bộ Chính trị

Trung ương Đảng nhấn mạnh, phải kiên trì và đẩy mạnh nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X), gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); chú trọng cả phòng và chống, cả phòng, chống tham nhũng và phòng, chống lãng phí.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sớm khắc phục các nguyên nhân vừa nêu trên. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu; bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế, xã hội; tăng cường công tác tổ chức và cán bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí; mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch; phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và công luận.

Trung ương quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Không thành lập ban chỉ đạo tỉnh, TP về phòng, chống tham nhũng; tỉnh uỷ, thành uỷ trực tiếp lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Lập lại Ban Nội chính Trung ương, thực hiện chức năng một ban đảng và là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; lập ban nội chính ở các tỉnh uỷ, thành uỷ.








No comments:

Post a Comment

View My Stats