Wednesday 15 August 2012

NỖI BUỒN CUỘC CHIẾN (Nguyễn Quý Đại)





Năm nay mùa đông Âu Châu thời tiết khá lạnh, về đêm đôi khi nhiệt độ xuống trừ 20C, tuyết rơi ngập cao qúa đầu gối, các hồ nước bị đóng băng, đồng rộng mênh mông toàn màu trắng của tuyết, những giàn nho, giàn đường hoa thảo (Hopfen lấy bông để nấu bier) không lá đứng trơ vơ trong gió lạnh, từng đàn quạ đen bay lượn tìm mồi trong bầu trời mù ảm đạm, rừng thông già rủ lá buồn tênh.

Qua đông mọi người đang hướng về mùa xuân, mùa hoa lá đâm chồi, nẩy lộc phô bày sức sống mới sau những tháng u buồn giá lạnh. Cuối tháng ba trời nắng ấm, sáng tinh sương mặt trời chưa ló dạng nghe tiếng chim hót véo von trên những cành cây đang trở mình nở nụ. Mùa Phục sinh đến kỷ niệm ngày Chúa Jesus Kitô được sống lại, đồng hồ phải đổi thêm một giờ vì ngày dài đêm ngắn. Người theo Thiên Chúa vui mừng ngày Chúa sống lại, mọi người được nghĩ 4 ngày dài cuối tuần. Đối với người Việt lưu vong tháng Tư là tháng đau buồn sau cuộc đổi đời, người miền Nam gánh chiụ khổ đau oan nghiệt, là một ngày lịch sử mà con cháu chúng ta cả ngàn đời sau phải ghi nhớ, một ngày thể chế ở Việt Nam đổi thay mà hậu quả của nó không những chỉ dừng lại sau thời hậu chiến thiếu thốn, đói khổ.. (CSVN gọi: „thời bao cấp“) mà còn kéo dài đau thương cho tới nay 37 năm sau … Nhà cầm quyền CSVN cưỡng chiếm và cướp đoạt tài sản đất đai, ruộng nương của người dân vô tội và của các tôn giáo, thậm chí đến nghĩa địa nơi chôn mồ mả ông bà của họ cũng bị đảng CS cướp đoạt, điển hình ở giáo xứ Cồn Dầu Đà Nẵng, giáo xứ Đồng Chiêm, Văn Giang, Hưng Yên…Đảng CSVN cuối đầu dâng hiến tài nguyên, biển, đất…làm nô lệ cho Tàu ngược lại tàn nhẫn, đàn áp người yêu nước. Lời ca tiếng nhạc của Việt Khang là tiếng thét nghẹn ngào của người dân oan „Các anh là ai mà sao lại đánh tôi, , bắt tôi, khi tôi chẳng làm điều gì sai, tôi chỉ có lòng yêu Nước, tôi chỉ muốn chống Tàu xâm lược…”. họ dồn dân vào chân tường là sự báo hiệu ngày tàn của chế độ vô luân, độc tài, tham nhũng, sẽ bị toàn dân đứng lên lật đổ.

Tôi cố quên những đau buồn, khốn khổ của bản thân, gia đình và bạn bè sau ngày 30.4.1975, nhưng nó cứ hiện về, chập chờn trong giấc ngủ… Tôi đã mơ thấy bạn Huỳnh Văn T. trên mình đầy máu nằm cô đơn không mộ bia ở rừng núi Quế Sơn. Là bạn thân cùng học trường Phan Châu Trinh, T. phải giả từ Đại học Huế 1972 xếp bút nghiêng theo lệnh động viên, vào trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức, sau 9 tháng quân trường về phục vụ tại tiểu khu Quảng Nam tham dự các trận đánh với VC ngay trên quê hương của mình. Cuộc đời của người chiến binh vất vả, nằm bờ, ngủ bụi, ăn cơm sấy uống nước hố bom, thỉnh thoảng tôi nhận thư của T. từ mặt trận gởi về, bạn tôi vẫn yêu đời không than thở, mong cuộc chiến sớm chấm dứt, bom đạn không còn tàn phá quê hương, đêm đêm không còn ánh hỏa châu soi sáng bầu trời. Người lính chiến có thể giả từ vũ khí trở về đời sống dân sự, giấc mơ đơn giản của đời trai thời loạn bay vào hư không! Hiệp định Paris ký xong chưa ráo mực VC càng đánh mạnh hơn khi quân đội Đồng Minh rút khỏi Việt Nam, Chính phủ Mỹ cúp viện trợ cho quân đội VNCH. Bạn tôi nằm lại với núi rừng, ngày tháng trôi qua trong quên lãng phũ phàng. Quê nội tôi ở Quế Sơn, tôi rời quê lúc còn bé nên không biết nhiều nơi mình chào đời chỉ nghe các địa danh của núi rừng như: đồi Lim, Lạc Sơn, hòn Tàu, đèo Le, Nông Sơn, Trà Mi…Tôi chưa đi hết miền đất quê hương, chưa ăn hết các loại mắm đặc sản, nhưng lúc nào cũng hãnh diện Quảng Nam là nơi mình sinh ra và trưởng thành. Miền Trung trải qua nhiều biến động xuống đường, biểu tình… tình hình chiến sự luôn sôi động, trôi theo vận mệnh của lịch sử, sau mùa Xuân 1975. Huế thất thủ ngày 25.3.75. Ðà Nẵng bỏ ngõ ngày 29.3.1975, quân đội và dân chúng xôn xao di tản chiến thuật, chen lấn lên tàu Hải quân, tàu hàng chạy trốn VC.

Chúng ta từng trải qua những thăng trầm của lịch sử VN. Sau 30.4.1975 tôi cũng bị tập trung cải tạo không thể thực hiện việc tìm xác bạn, năm 1978 trước khi vượt biển tôi từ Sài Gòn về Đà Nẵng, sang An Hải tìm nhà bạn, nhưng nhà đã thay chủ đổi ngôi. Tôi đến nhà người yêu của T. lúc đó là cô giáo cấp III để hỏi thăm tin tức bạn, nhưng đổi đời thì lòng người cũng thay trắng đổi đen! Người ấy gọi những người làm việc trước 1975 là „ngụy“ nghe thật đau lòng, bạn tôi bỏ mình trong cuộc chiến và thân phận tôi là công chức của chế độ VNCH, dù người sống hay qua đời đều bị họ kết tội! Tôi cảm thấy ân hận việc đến thăm hỏi tin tức gia đình của ba mẹ T. đi đâu? Dù sao họ cũng một thời yêu nhau tha thiết, nhưng nay là cô giáo thời „đỉnh cao trí tuệ“. Vì các thầy cô thời VNCH bị tập trung cải tạo, không được phép dạy học đành đổi nghề để mưu sinh như: chạy xe ôm, làm phu phụ hồ, bán sách chợ trời, chợ thuốc tây … Kẻ xuống đời, người lên đời, người ấy được trọng dụng nên mau quên những kỷ niệm thời sinh viên, không còn bận lòng với người yêu cũ thuộc về dĩ vãng xa khơi và đã vỗ cánh bay xa….

Đường Lê Lợi ồn ào, trường xưa im lìm dưới hàng cây cao nghiêng bóng, sân trường vẫn còn những cánh phượng đỏ rơi…, kỷ niệm tuổi học trò sống lại trong ký ức, trên đường đời vạn nẽo, ai còn ai mất, khó tìm nhau, mỗi người một cuộc sống, cặm cụi tảo tần đi tìm „cái ăn“ để sống qua ngày. Nhìn lớp học sân trường thuở nào, tôi vừa thấy xa lạ vừa thấy thân thương, bồi hồi nhớ lại một thời đã qua. Nỗi buồn trĩu nặng trong lòng, tôi lang thang đến cống Mê Linh, đường vào phi trường vắng bóng những chàng Pilot hào hoa ngày nào, quán phở Hoàng chỉ còn lại cái bản hiệu phai màu, không còn nồi nước lèo bốc mùi thơm ngon. Chủ quán là ba của bạn tôi, sau 1975 ông đổi nghề bán nước dừa, nước đá, thuốc lá. gặp tôi ông vui mừng tâm sự : „năm 1954 bỏ miền Bắc di cư vào Nam, 21 năm sống ở Đà Nẵng tạo nên sự nghiệp, đời sống sung túc từ đôi bàn tay trắng, các con học thành tài, nhưng ngày nay bạn tôi không giúp được gia đình vì lương không đủ ăn mà cuối tháng còn về xin gạo mang theo!“ Tôi tâm sự với ông có thể là lần cuối tôi về thăm lại bạn bè và những con đường xưa, lối cũ trước khi vượt biển đổi mạng sống với biển cả, với công an và với rủi may… nếu may mắn vượt thoát thì hy vọng đời mình có một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn. Sống trên quê hương mà bị kỳ thị, bị kết tội „ngụy“ khó có thể vươn lên. Chế độ mới đưa miền Nam đến nghèo khổ, bi đát như miền Bắc không tự do, thiếu tình người, họ rất giỏi trong việc bóc lột, dối trá, bưng bít, ngụy biện, che dấu những xấu xa, thấp kém và tuyên truyền ca tụng chiến thắng, hòa bình, thống nhất, thực tế chỉ phơi bày một miền Bắc xã hội chủ nghiã thua kém miền Nam, xô bồ và thối nát về mọi mặt. Trường hợp bố tập kết là cán bộ cao cấp có thể lãnh cho con thiếu uý sĩ quan pháo binh ra khỏi trại cải tạo, nhưng bố không làm thì làm sao có tình người trong xã hội mới?

Chủ nghĩa Mác-Lênin trở thành một trò cười. Sự tồi tệ của nó được chứng minh rõ rệt qua sự đói rách, cùng cực của đồng bào miền Bắc, bà con vào thăm miền Nam thấy cái gì cũng muốn xin, muốn mượn, người có tiền ra chợ trời mua sắm, người có quyền thế thì tịch thu của người khác mang về Bắc, phải nhận rằng ngày 30.4.1975 là ngày giải phóng miền Bắc chứ không là giải phóng miền Nam.

Tôi về quê nội thăm mộ tổ tiên cũng như dò hỏi những người Nghiã quân, Địa phương quân từng tham gia chiến trận của bạn tôi ở đồi Lim là một cao điểm trên đó có thể quan sát được thung lũng núi rừng bao quanh, từng phát hiện VC di chuyển, họ gọi phi cơ oanh tạc hay pháo binh làm địch thiệt hại nặng nề, đó là cái gai phải nhổ nên VC dồn lực lượng tiêu diệt trước khi chiếm quận lỵ Quế Sơn. Tôi chưa tìm ra tung tích nơi nào bạn tôi cùng binh sĩ hy sinh thì bị du kích bắt giam một đêm tra hỏi, tôi phải lặng lẽ rời quê …Trong cuộc sống lưu vong tôi không thể quên những người bạn một thời học sinh, sinh viên với mình cùng chia xẻ buồn vui ….dù bây giờ mỗi người dong ruỗi theo số phận nổi trôi! Ở Đức tôi gặp những người trước 1970 du học, một thiểu số cựu học sinh Phan Châu Trinh nhưng tôi cảm thấy khó gần vì tình người sao qúa hờ hững với quê hương dân tộc, hơn 30 năm ở Đức tôi ít gặp cựu sinh viên du học (cựu HS.PCT) tham dự biểu tình chống cộng, (nếu có chỉ một thiểu số mà thôi) nhất là những cuộc biểu tình chống Tàu xâm chiếm biển đảo của Việt Nam, phải chăng họ quên công ơn của những người chiến binh VNCH năm xưa, đổ xương máu chiến đấu bảo vệ quê hương bờ cõi để họ ung dung đi du học? Họ thờ ơ trước nỗi khổ đau tang tóc của đồng bào nơi quê nhà. Những thập niên trước một số người từng nghe lời chiêu dụ của CS Hà Nội thành lập „Hội Đoàn Kết“ theo phong trào phản chiến chống chính quyền VNCH. “Ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng sản“, bởi vậy kẻ sĩ đôi khi trên đời này khó kiếm.… May mà bên cạnh những người phản trắc cũng không thiếu những trái tim đầy nhiệt huyết tha thiết với quê hương… Bạn Nguyễn Văn Hoàng du học Ý tốt nghiệp kỹ sư ngành cơ khí, học chung lớp với Trương Công Lập, bà xã là nhạc sĩ kiêm ca sĩ Cẩm Hoa sáng tác và hát nhạc đấu tranh ủng hộ phong trào tranh đấu cho tự do dân chủ Việt Nam, một tấm lòng với quê hương “chữ tâm còn một chút nầy“ dù ở Ý xa nhưng tình bạn với gia đình tôi luôn gắn bó.

Người Quảng Nam ở Đức không nhiều lắm, tại Berlin có Hội Đồng Hương Quảng-Đà họ thuộc diện đi lao động, sau khi nước Đức thống nhất được ở lại như người Bắc phần lớn họ sống, sinh hoạt riêng, con cái họ cũng học hành siêng năng và thành đạt. Người Việt tỵ nạn là “thuyền nhân“ đến Đức sau năm 1979 thành công, hội nhập tốt đẹp có nghề nhiệp vững chắc, con cháu tốt nghiệp đại học thành tài, đi làm việc có địa vị cao trong xã hội. Nhìn lại tuổi thanh xuân đã qua, bây giờ đầu hói tóc bạc, nhưng tôi vẫn thấy không an lòng vì giấc mộng năm xưa, tôi không mê tín dị đoan nhưng có sự vô hình mà khoa học không thể chứng minh. Những điều hiển linh thật sự như anh Cao Hữu Thiên chủ bút Đặc San Đất Quảng ở Tacoma qua người ngoại cảm tìm được mộ thân phụ bị VC bắt giết chôn trong lò hầm than Sơn Long. Anh Nguyễn Văn Trị con bác tôi cựu HS. Trần Quý Cáp Hội An bạn tù Tiên Lãnh với các anh Phạm Cây Trâm, Mạc Phương Đình, Võ Văn Dật …Anh Trị tìm được xác của bác bị VC bắt tập trung và bắn chết năm 1965 bên kia đèo Le, vùi lấp ở ven núi, 46 năm trôi qua, theo chỉ dẫn của người ngoại cảm đào xuống 3 tất thì thấy màu đất đen…hốt những phần đất đó cải táng về quê để con cháu phụng thờ.

Tôi vẫn nhớ nụ cười hiền hòa đạo đức của T. luôn tin vào đấng toàn năng Đức Chúa Trời, thời học sinh nghèo chúng tôi cùng chia xẻ buồn vui, đi ăn bánh bèo sau trường Nam tiểu học, xem phim kiếm hiệp Tàu ở rạp Kim Châu, Kinh Đô, ở Huế thì ăn chè bắp Cồn Hến, uống cafe gần trường Pèlerin, ngồi thư viện, cuối tháng cùng tôi đi tàu lửa về Đà Nẵng… nhớ lại những kỷ niệm một phần đời với người bạn thân đã về bên kia thế giới là một trong muôn nẽo tìm về quê hương trong lòng người viễn xứ. Thời gian trôi qua thay đổi biển dâu biến thành đồng ruộng, đồi núi quê tôi người ta trồng cây bạch đằng xanh tươi và còn những hố bom lấy nước tưới ruộng vườn hay làm đìa nuôi cá. Dân làng từng tìm thấy xương, đầu người của cả 2 bên „bạn thù“ trong cuộc chiến và cải táng về nghiã trang cho những người vô danh. Nơi đó không còn hận thù chỉ có cỏ cây chen lá, người dân tôn kính đốt những nén nhang thơm trong những ngày rằm tháng Bảy. Tôi luôn cầu nguyện những chiến binh hy sinh tính mạn nơi sa trường để bảo vệ Quê hương linh hồn được siêu thoát về thế giới vĩnh hằng.

Những người thương binh bỏ một phần thân thể cho quê hương, được an ủi „lá rành đùm lá rách“ hàng năm Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng tổ chức gây quỹ cứu trợ cho Thương Phế Binh VNCH, tuổi già sức khoẻ suy yếu theo thời gian, không được nhà cầm quyền CS giúp đỡ, đời sống họ khổ đau, cô đơn và thua thiệt.

Nhớ về Đà Nẵng những con đường còn in dấu chân kỷ niệm như: Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Lê Lợi. Trường Phan Châu Trinh với tuổi học trò, quê hương chúng ta là địa danh lịch sử từ thời dựng nước, mở mang bờ cõi về phương Nam, Quảng Nam vùng đất „Điạ Linh Nhân Kiệt – Ngũ Phụng Tề Phi“ nơi phát động phong trào Duy Tân (1908), có nhiều danh nhân nổi tiếng được đăng trong tác phẩm dày hơn 800 trang „Quảng Nam Đất Nước & Nhân Vật“ của nhà văn Nguyễn Quyết Thắng, còn thiếu những người có công là danh nhân ở hải ngoại. Chúng ta thông cảm vì sống dưới chế độ CS ông Thắng phải ghi tên những người được chế độ phong là “liệt sĩ” có công với cách mạng như nhân vật Nguyễn Văn Trỗi bị bắt lúc 22 giờ ngày 9.5.1964 đang gài mìn để ám sát Robert Mac Namara ở cầu Công lý đó là hành động khủng bố phá hoại. Tôi nhớ không lầm cố luật sư Phạm Nam Sách biện hộ cho anh, đã thuật lại “Trỗi không dám khai dù bị tra tấn, vì sợ đồng bọn VC nằm vùng sẽ khủng bố giết gia đình vợ con, anh chấp nhận tử hình để gia đình bình an”.

Chế độ CS chủ trương bịt mắt, bịt miệng con người, chúng ta không quên sau 1975 nhà cầm quyền Đà Nẵng kết án tổ chức chống lại chế độ, với bản tử hình cho các cựu giáo sư Nguyễn Văn Bảy (trường Kỹ thuật), Trần Ngọc Thành (PCT) và nhiều người trong đó có cựu học sinh PCT anh Nguyễn Văn Được thiếu uý CSQG bị bắn anh đã hô to ”đảo đảo CSVN”. Họ là những anh hùng dám đánh đổi mạn sống mình chống lại chế độ. VNCH bị bức tử 37 năm qua, chúng ta phải vinh danh và không quên đốt nén hương lòng tưởng nhớ những người đã nằm xuống trên quê hương vì Tự Do và Dân Chủ.

Năm 2012 kỷ niệm 60 thành lập trường mang tên Phan Châu Trinh, cụ Phan từng đấu tranh với thực dân Pháp mong thoát khỏi ánh nô lệ, chủ trương dựng nước một cách vững chắc bằng con đường “khai dân trí, chấn dân sinh hậu dân sinh” và phải có dân chủ thật sự, “độc lập mà không có dân chủ thì không phải là điều hạnh phúc cho dân”, tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh ngày nay vẫn còn giá trị. Cụ để lại cho chúng ta tấm gương sáng chói về lòng yêu nước, thương dân và luôn có dũng khí đấu tranh.

Chúng ta bỏ nước ra đi tìm tự do vì không chấp nhận chế độ CS luôn tiếp tục ủng hộ tích cực người dân trong nước vùng lên đấu tranh giải thể đảng cộng sản đòi lại quyền căn bản làm người được sống trong độc lập, tự do.

Nguyễn Quý Đại

Đặc San kỷ niệm 60 năm thành lập trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng
(California tháng 7. 2012)

BÀI LIÊN QUAN :


Tin tức về Đại Hội CHS PCT Kỳ II 19-6-2012  (Việt Báo, Người Việt)







No comments:

Post a Comment

View My Stats