Sunday 26 August 2012

NỢ NGÚT ĐẦU CỦA CÁC TẬP ĐOÀN QUỐC DOANH VIỆT NAM (Stuart Grudgings - Radio Australia)




Stuart Grudgings
Cập nhật lúc 26 August 2012, 16:51 AEST

Nền kinh tế Việt Nam đang đối diện với những vấn đề sâu xa hơn. Khủng hoảng ở Vinashin, Vinalines và Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”.


Nợ chồng chất; triển khai bừa bải
Từ nông thôn tới thành thị, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có mặt ở khắp mọi nơi. Tập đoàn này xây dựng chung cư, mở ngân hàng, tham gia thị trường chứng khoán, cung cấp điện cho hàng triệu gia đình và tuyển dụng 100 ngàn nhân công.
Theo một quan chức cao cấp nắm rõ về hoạt động của EVN, đơn vị cung cấp điện bán lẻ độc quyền tại Việt Nam, tập đoàn này đã bành trướng kinh doanh một cách vô tổ chức. Đây là tập đoàn lớn nhất bị điều tra do các khoản nợ chồng chất khiến các nhà đầu tư giảm lòng tin. Nó đồng thời là dấu hiệu cho thấy sự suy thoái kinh tế đang diễn ra ở Việt Nam, đất nước từng được coi là nền kinh tế có nhiều triển vọng của Đông Nam Á.
Mới đây, việc Tập đoàn Tàu biển Vinashin không thể chi trả khoản nợ 600 triệu đô-la làm tổn hại tới danh tiếng của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Một số người lo sợ số nợ của EVN có thể là khổng lồ so với số nợ của Vinashin mặc dù công ty độc quyền ngành điện ít thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế hơn.
“Tôi có thể nói rằng tình trạng nợ nần của EVN tồi tệ hơn cả Vinashin, với số nợ có thể lên tới hàng trăm ngàn tỉ đồng,” một quan chức nặc danh trong ngành điện lực nắm rõ nội tình của EVN cho biết.
Vụ bắt giữ ông trùm ngân hàng Nguyễn Đức Kiên, một tỉ phú sáng lập Ngân hàng Thương Mại Á Châu, ngân hàng đứng thứ tư tại Việt Nam, làm tăng thêm lo ngại sâu sắc về nguy cơ bất ổn tài chính tại Việt Nam.
Vụ bắt giữ ông Kiên thổi bùng quan ngại về lĩnh vực ngân hàng vốn phải chịu nhiều sức ép vì quan hệ với các tập đoàn nhà nước có nhiều nợ nần. Nhiều tập đoàn kiểu đó, giống như EVN, đã triển khai hoạt động ra ngoài lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của họ trong nỗ lực xây dựng những tập đoàn hàng đầu thế giới theo mô hình ‘chaebol’ của Hàn Quốc.

Sắp xếp ghế phơi nắng trên tàu Titanic?
Ngân hàng Trung ương buộc phải đưa ra công bố hiếm thấy đảm bảo với công chúng rằng các khoản tiền gửi tại ACB an toàn trước tình trạng khách hàng xếp hàng rút tiền. Chỉ số thị trường chứng khoáng Việt Nam giảm khoảng 9% chỉ trong tuần này.
Vụ Vinashin gần sụp đổ vào năm 2010 và vấn đề nghiêm trọng tại công ty hải vận Vinaline năm nay tạo ra một món nợ 6,5 tỉ đô-la đã khiến chính phủ cam kết sẽ nhanh chóng cải cách các tập đoàn nhà nước – vốn chiếm 1/3 doanh thu của nền kinh tế Việt Nam và không cho lãnh vực đầu tư tư nhân phát triển.
Tuy nhiên, các biện pháp công bố vào tháng 7 đã không có hiệu quả trong việc đối phó với tình trạng bè phái và sắp đặt ưu tiên kém khiến cho 100 doanh nghiệp nhà nước lớn nhất (SOE – State Owned Enterprises) mắc nợ tới 50 tỉ đô-la - tương đương với ½ sản lượng kinh tế của Việt Nam trong năm 2010.
Các chuyên gia ngân hàng và công nghiệp cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang đối diện với vấn đề sâu xa hơn khủng hoảng ở Vinashin và Vinalines.
“Đó là bề nổi của tảng băng chìm,” ông David Koh, một chuyên gia về Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á có trụ sở tại Singapore, nhận định.

Thiếu minh bạch: số liệu hay ẩn số?
Việc EVN phá sản có thể phương hại hơn nhiều đến toàn bộ nền kinh tế vì nó ảnh hưởng tới việc cung cấp một nguồn năng lượng giá rẻ, vốn là yếu tố sống còn của khu vực sản xuất.
Một bài báo trên tờ Saigon Times trích dẫn một tài liệu của Cơ quan Kiểm toán Nhà nước cho biết EVN nợ 240 ngàn tỉ đồng (tương đương với 11,5 tỉ đô-la) vào cuối năm 2010, gần gấp ba số nợ của Vinashin cùng thời điểm.
Hồi tháng 12/2011, báo Tuổi Trẻ đưa tin EVN đã tổn thất sản xuất 8,4 ngàn tỉ đồng, cao hơn 12 lần số liệu trên báo cáo của EVN.
Các số liệu vừa nêu và các số liệu bất lợi khác về các tập đoàn nhà nước đã không được liệt kê trong thông báo chính thức mà Cơ quan Kiểm toán Nhà nước gửi cho các cơ quan truyền thông hồi tháng 7.
EVN không bình luận trước yêu cầu của Reuters.
Không ai biết chính xác tình hình tài chính thực sự của EVN, tập đoàn nhà nước lớn thứ năm với doanh số do các cơ quan truyền thông công bố là 5 tỉ đô-la vào năm 2011. Tập đoàn độc quyền này công bố lỗ 3,5 tỉ đồng vào năm 2011 nhưng nhiều nhà kinh tế nghi ngờ tính xác thực của các báo cáo tài chính mà EVN công bố.
EVN công bố một số dữ liệu cho các cơ quan truyền thông trong nước nhưng không công bố báo cáo tài chính chi tiết.

Một nền kinh tế không còn nhiều hứa hẹn
Mặc dù có một số khó khăn, Việt Nam vẫn là một nước mạnh về sản xuất mới nổi lên trong thập kỷ vừa qua kể từ sau chiến tranh. Việt Nam đóng vai trò trung tâm trong sản xuất tại Châu Á với nhiều mặt hàng, từ giầy dép tới các linh kiện máy tính. Một nền kinh tế vốn dựa vào những cánh đồng bị bom rải thảm nay đã xây dựng nhiều thương xá tráng lệ và những tòa nhà chọc trời uy nghi.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, những vấn đề nổi cộm của nước này đã làm lu mờ viễn cảnh hứa hẹn - đan xen vào nhau là mức lạm phát tăng liên tục, hành chánh nhiêu khê, cơ sở hạ tầng yếu kém, nợ nần chồng chất trong một hệ thống tài chính thiếu minh bạch.
Tăng trưởng tín dụng chậm lại trong năm nay và nền kinh tế tăng trưởng khoảng 4% so với gần 7% vào năm 2010.
Hồi tháng 7/2012, Ngân hàng Nhà nước thông báo nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đạt mức 8,6%, gần gấp đôi con số ước tính trước đó và là tỉ lệ cao nhất trong các nước lớn ở Đông Nam Á theo đánh giá của công ty Tư vấn Đầu tư Moody (Moody’s Investors Service).
Ngân hàng Trung ương trích dẫn ‘kết quả điều tra’ do thanh tra của họ cung cấp về mức tăng vọt vừa nêu. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình được các tờ báo chính thống trích lời hồi tháng 6/2012 cho biết tỉ lệ nợ xấu là 10%. Một số nhà phân tích tin rằng con số đó có thể còn cao hơn.
“Khó có thể nói con số nào là chấp nhận được,” ông Christian de Guzman, một nhà phân tích cao cấp của Moody tại Singapore, nhận xét. Ông tin rằng nhiều khoản nợ gây khủng hoảng khác có thể sẽ được công bố.

SOE: quản lý yếu kém; trách nhiệm mập mờ.
Vào năm 2009, nhà nước Việt Nam cho các SOE vay vốn khổng lồ với lãi xuất thấp bởi chính phủ muốn giảm tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Với số vốn đó, các SOE đã chi tiêu hoang phí, mở rộng kinh doanh đến lĩnh vực mà họ có ít kiến thức chuyên môn cũng như kinh nghiệm.
Chính phủ tuyên truyền rằng hai vụ vỡ nợ là những vụ việc bất thường do “sự quản lý yếu kém có dấu hiệu tội phạm”. 9 quan chức của Vinashin đã bị kết án tù trong năm 2012 do quản lý kém nguồn lực nhà nước, trong đó có cựu chủ tịch Nguyễn Văn Bình bị kết án 20 năm. 6 quan chức khác của Vinaline đã bị bắt và cựu chủ tịch của công ty này đang bị truy nã.
“Họ gắn kết lợi ích cá nhân với các quyết định đầu tư… ngoài ra còn có tham nhũng” ông Nguyễn Đức Kiên, phó chủ tịch Ủy ban Kinh tế Quốc hội, phát biểu với Reuters
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng các sự cố về quản lý tại Vinashin và Vinaline là căn bệnh chung ở các tập đoàn nhà nước. Ban lãnh đạo của các tập đoàn này hay được lựa chọn dựa trên các mối quan hệ chính trị chứ không dựa vào khả năng kinh doanh nhạy bén. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng đích thân vận động cho sự bành trướng của Vinashin. Trong một động thái hiếm thấy, ông đã xin lỗi trước Quốc hội sau khi Vinashin sụp đổ khiến cho Việt Nam liên tục bị sụt hạng về mức độ khả tín tín dụng trên thương trường quốc tế.
Tuy nhiên, chưa một quan chức chính phủ nào bị ra tòa hoặc bị trừng phạt do công ty phá sản.
Ông trùm ngân hàng Nguyễn Đức Kiên, 48 tuổi, là một trong 30 người giàu nhất Việt Nam. Vụ bắt giữ ông có thể là dấu hiệu cho thấy căng thẳng gia tăng trong đội ngũ lãnh đạo Đảng về các chính sách kinh tế.
“Nhiều người không hài lòng với việc Thủ tướng che chở những tập đoàn nhà nước của Việt Nam như những đứa con cưng,” ông Steve Norris, một nhà phân tích về Việt Nam thuộc Tổ chức Quản lý rủi ro Singapore, nhận xét.

Cơ cấu lỗi thời; cải cách dè chừng
Nhìn sơ qua, một loạt cải cách được công bố hồi tháng 7/2012 có vẻ mạnh tay. Các tập đoàn nhà nước sẽ phải rút khỏi các lĩnh vực kinh doanh không trọng tâm vào năm 2015 và nộp kế hoạch tái cơ cấu vào quý 3 năm 2012. Chính phủ cho biết sẽ định hướng các tập đoàn này sang cơ chế thị trường, sẽ lựa chọn lãnh đạo khắt khe hơn và cho họ có thêm quyền lực để chống lại những chi phối chính trị, và lập ra một cơ quan đặc biệt để giám sát việc sử dụng tài sản của các tập đoàn nhà nước.
Hiện nay, các nhà phân tích chờ các báo cáo tài chính hàng quý mà các tập đoàn nhà nước buộc phải công bố theo chỉ thị mới, để xem mức độ minh bạch có thực sự được cải thiện hay không.
Các nhà phê bình như ông Lê Đăng Doanh, một nhà kinh tế có tư tưởng cải cách, cho rằng những thay đổi này ít có tác động tới vấn đề cốt lõi – đó là chính phủ không dứt khoát từ bỏ mô hình quản lý các tập đoàn nhà nước theo kiểu Liên Xô cũ vì nó là điểm tựa quan trọng cho sức mạnh kinh tế và xã hội của Đảng Cộng sản.
“Đảng cộng sản vẫn nắm giữ vai trò lãnh đạo và các doanh nghiệp nhà nước vẫn được chính phủ xem là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô,” ông Doanh nói. “Nếu tình trạng này còn tồn tại, các khái niệm cải cách sẽ rất hạn chế.”
Mặc dù có lượng người tiêu dùng lớn, Việt Nam đã không thu hút được sự quan tâm của đầu tư nước ngoài trong năm nay so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Philippines và Indonesia.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 28% trong nửa đầu năm 2012 so với năm trước, một dấu hiệu cho thấy quốc tế ngày càng thận trọng về tình trạng bất ổn chính trị tại Việt Nam và đang tìm kiếm các nước có nguồn nhân công chi phí thấp khác như Myanmar mới mở cửa.
“Đầu tư trực tiếp nước ngoài đang quan tâm tới Myanmar chứ không phải Việt Nam,” một nhà ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội nói. “Những lợi lộc dễ kiếm ở Việt Nam đã cạn hết.”

EVN là trường hợp điển hình
Việt Nam đã dần cải cách khu vực tập đoàn nhà nước trong nhiều năm, cắt giảm số công ty từ 6000 xuống chỉ còn 1300 kể từ đầu thế kỷ 21 và chuyển đổi 3388 hãng và các công ty con thành các doanh nghiệp tư nhân thông qua cổ phần hóa.
Tuy nhiên, quy trình tư nhân hóa nay đang ì ạch.
Ông Đào Văn Hưng đã mất chức lãnh đạo EVN hồi năm nay sau những thất thoát lớn trong hoạt động viễn thông, không bao lâu trước khi công ty này và các khoản nợ được đối thủ là công ty viễn thông quân đội Viettel thâu tóm. Ông Hưng quay trở lại làm việc tại Bộ Công Thương Việt Nam trong khi chờ điều tra.
Dưới sự lãnh đạo của ông Hưng, EVN đã mở rộng sang lĩnh vực bất động sản, viễn thông, ngân hàng, thậm chí trong khi cả nước thường xuyên bị cắt điện do thiếu đầu tư cho sản xuất điện năng.
Một quan chức của ngành này cho Reuters biết phương pháp kế toán của công ty này là điều bí ẩn, thậm chí đối với nhân viên làm việc ở bộ phận này. Không ai biết các khoản lỗ đến từ lãnh vực kinh doanh chính hay từ các lãnh vực phụ.
Quan chức vừa nói cho rằng nguồn nhân lực khổng lồ nhưng trình độ thấp là một vấn đề lớn khác.
Mặc dù cưu mang các doanh nghiệp yểu mệnh khác, khoản nợ chồng chất của EVN có lẽ là do không có quyền tính giá thành điện tiêu thụ cao để bù đắp cho chi phí sản xuất. Giá điện Việt Nam có lẽ thấp nhất Châu Á và điều này dẫn tới việc đầu tư chưa đầy đủ và nguồn cung cấp năng lượng kém ổn định gây tổn hại cho các doanh nghiệp.
Ông Hank Tomlinson, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam, cho biết một số hãng rượu bia do nước ngoài đầu tư tại Việt Nam phải dùng máy phát điện 100% vì chi phí tính ra rẻ hơn so với tình trạng bị cắt điện liên tục.
“Các doanh nghiệp cần một nguồn điện ổn định chứ không phải một nguồn điện giá rẻ đòi hỏi có máy phát điện chạy liên tục để phòng trường hợp bị cắt điện,” ôngTomlinson nói.
EVN đã tăng giá điện 5% hồi năm nay nhưng sự thiếu minh bạch về lý do tăng giá khiến các doanh nghiệp nghi ngờ bởi tại thời điểm này nhiều cơ sở kinh doanh phá sản do xiết chặt tín dụng.
“Doanh nghiệp giờ đây bị dao động và tổn thất kinh tế quá lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể làm gì? Chúng ta đành phải chịu đựng khó khăn này,” ông Cao Tiến Vi, chủ tịch Công ty giấy Sài Gòn nói, và thêm rằng EVN không hề thông báo trước việc tăng giá mới đây.




No comments:

Post a Comment

View My Stats