Wednesday 15 August 2012

NHỮNG TẤM LÒNG của NGƯỜI VIỆT TỊ NẠN qua ĐẠI NHẠC HỘI "CẢM ƠN ANH KỲ 6" & "VÌ NGHĨA TRANG QUÂN ĐỘI BIÊN HÒA HẢI NGOẠI" (Băng Huyền - Quốc Hương/Viễn Đông)




Băng Huyền - Quốc Hương/Viễn Đông
Ảnh: Nguyễn Văn Liêm - Vincent Thái/Viễn Đông
VienDongDaily.Com - 12/08/2012

LITTLE SAIGON - Đã nhiều năm qua, vào tháng Tám, trong trái tim của những người Việt tị nạn tại Nam, Bắc California và trên 50 tiểu bang tại Hoa Kỳ và Canada theo dõi trên truyền hình, đều có cảm giác lâng lâng khó tả khi cùng hướng về các Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa còn sống tại quê nhà để tri ân họ qua chương trình Đại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh”, do Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh - Quả Phụ VNCH với sự yểm trợ giúp sức của Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH Nam California và Tổng Hội Sinh Viên Nam California cùng nhiều hội đoàn trong cộng đồng và các cơ quan truyền thông.

Tháng Tám năm nay đặc biệt hơn, bởi có hai sự kiện thật ý nghĩa được diễn ra trong hai ngày cuối tuần vừa qua.
Quen thuộc với đồng hương Việt Nam vẫn là Đại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh kỳ 6” được tổ chức tại sân vận động Trường Trung Học Bolsa Grande, thành phố Garden Grove, vào trưa Chủ Nhật, ngày 12 tháng 8 năm 2012, được trực tiếp truyền hình trên hệ thống đài SBTN và SET. Trước đó, vào tối Thứ Bảy, ngày 11 tháng 8 năm 2012, tại đài truyền hình VHN, thành phố Fountain Valley, đã diễn ra chương trình đại nhạc hội trực tiếp truyền hình trên đài VHN, nhằm gây quỹ xây dựng Nghĩa Trang Quân Cán Chính VNCH hay còn gọi là “Vì Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa Hải Ngoại” tại Nam California, do ủy ban vận động Ủy Ban Vận Động Xây Dựng Nghĩa Trang Quân Cán Chính VNCH tổ chức.

Bác Sĩ Trung Chỉnh nói về Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa Hải Ngoại tại Đại Nhạc Hội ở Fountain Valley ngày 11-8-2012 - ảnh: Quốc Hương/Viễn Đông

Việc gây quỹ của ĐNH “Cám Ơn Anh” giúp các thương phế binh và cô nhi quả phụ VNCH còn sống tại Việt Nam là nghĩa cử cao quý của đồng hương Việt Nam, của những cựu quân nhân VNCH và thân nhân đang sống tại Hoa Kỳ, để tỏ lòng biết ơn đến tất cả những người lính VNCH đã từng xả thân cho màu cờ chính nghĩa, để thêm một lần nói tiếng cảm ơn tự đáy lòng đến những người lính đã từng là chiến binh một thời xông pha chiến trận, hiến dâng cho tổ quốc tuổi xuân và một phần thân thể để bảo vệ miền Nam. Để rồi họ trở thành những người thương phế binh của bên thua trận, sau biến cố 1975, đành phải kéo lê đời sống khốn khổ cả về vật chất và tinh thần ngay trên quê hương mình.

Cựu Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn và các tình nguyện viên, thân hữu đã có mặt tại địa điểm tổ chức từ ngày hôm trước 11-8-2012 để cùng chuẩn bị cho Đại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh” kỳ 6 tại Garden Grove - ảnh: Nguyễn Văn Liêm/Viễn Đông

Còn ĐNH gây quỹ “Vì Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa Hải Ngoại” là một sự cố gắng của những cựu quân nhân VNCH và đồng hương tị nạn tại hải ngoại, chung tay hoàn thành công trình lịch sử tại một lô đất rộng 55 mẫu tây ở Adelanto (gần thiền viện Chân Nguyên) cách Quận Cam khoảng 1 giờ lái xe. Nơi đây sẽ bao gồm nơi chôn, nơi chứa tro cốt, bảo tàng viện Quân Cán Chính VNCH, nhà quàn, cổng chào và tượng Thương Tiếc… để vinh danh những người lính VNCH, những quân cán chính miền Nam đã cùng đứng chung một chiến tuyến, một màu cờ, đã một thời anh dũng bảo vệ quê hương, với một ước nguyện “chúng ta sống chiến đấu bên nhau, thì chúng ta chết cũng sẽ nằm gần kề bên nhau”. Rồi sau năm mươi năm hay một trăm năm nữa, cháu con người Việt tại hải ngoại sẽ có nơi để tìm hiểu về quân lực VNCH, về trang sử nhiều đau thương của dân tộc, khi mà ngay trong nước, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đang tìm cách xóa bỏ mọi dấu tích của quân lực VNCH và viết lại lịch sử một cách bóp méo, một chiều.

Phóng viên Viễn Đông sẽ không đi vào tường thuật thứ tự, lớp lang diễn tiến của cả hai chương trình ĐNH, bởi những diễn tiến ấy đã được ghi lại qua hình ảnh trên truyền hình mà khán giả khắp nơi đã được xem qua, cũng như qua hình ảnh kèm theo bài viết này, để cảm nhận được phần nào cảm xúc từ những lời ca tiếng hát của các nghệ sĩ, các thành viên trong ban nhạc, các MC giới thiệu chương trình, các thiện nguyện viên tham gia trong chương trình… Họ đóng góp thật nhiệt tình và không nhận bất kỳ một thù lao nào, chỉ với ước mong góp vào công việc gây quỹ được thành công, vì ai cũng hiểu rằng, đằng sau những đồng tiền đóng góp của đồng hương là biết bao giọt mồ hôi, công sức nhọc nhằn, để dành biếu tặng vô điều kiện cho ĐNH, chứa đựng tình nghĩa mến thương của mọi người.

Người viết chỉ muốn gửi đến một vài ghi nhận về dư âm của hai chương trình đại nhạc hội đáng được coi là thành công nhất tại Nam California trong tháng Tám năm nay của những người Việt lưu vong.

Các quân binh chủng VNCH và Quốc Quân Kỳ trong lễ khai mạc Đại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh” kỳ 6 tại Garden Grove ngày 12-8-2012 - ảnh: Vincent Thái/Viễn Đông

Nơi an nghỉ cho những người “ra đi”
Hầu hết những người tham dự tại ĐNH Vì Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa Hải Ngoại đều trả lời với phóng viên Viễn Đông vì sao họ không thể “lá rụng về cội”, họ chấp nhận cuộc sống lưu vong và “chết tha hương”.

Theo ông Nguyễn Văn Nhường, cựu Đại Úy Không Quân VNCH, từng là trưởng đoàn phòng thủ tại phi trường Cần Thơ, đến từ San Diego, cho biết ông đã ủng hộ những buổi gây quỹ 3 lần trước của ủy ban, vì rất quý Bác Sĩ Trung Chỉnh là chủ tịch của ủy ban và việc làm ý nghĩa của ban tổ chức. Ông nói: “Chúng tôi đã mang căn cước là người tị nạn, nên chúng tôi luôn luôn xem đất nước này là quê hương thứ hai. Cùng là người Việt, nhưng chúng tôi không thể chấp nhận chế độ cộng sản tại Việt Nam. Nếu chúng tôi may mắn sống đến lúc chế độ cộng sản không còn, thì sẽ về lại quê hương và chết tại đây. Nhưng nếu chế độ đó vẫn còn mà chẳng may tôi phải ra đi, thì tôi nguyện sẽ ở lại đây và nằm lại đây bên đồng đội từng chiến đấu dưới một lá cờ vì hai tiếng Tự Do. Khi tôi nhìn thấy hình ảnh nghĩa trang quân đội tại Biên Hòa (Việt Nam) bị hoang phế, chính quyền Việt Nam cho trồng những cây cổ thụ để rễ cây đâm sâu lòng đất, xuyên thủng quan tài các chiến sĩ của chúng ta, chúng tôi rất đau lòng, mong sao nghĩa trang Biên Hòa tại hải ngoại sớm thành công, và nếu được, thì chúng ta sẽ đưa tro cốt của đồng đội bên Việt Nam qua đây, để cùng bên nhau dưới một lá cờ, thì sẽ ấm áp biết bao”.

Ông Phạm Văn Hiền, tổng thư ký của Ủy Ban Xây Dựng Nghĩa Trang Quân Cán Chính VNCH tại hải ngoại, nói: “Đồng hương tị nạn của chúng ta và anh em quân cán chính VNCH đều phải rời bỏ đất nước để ra sống cuộc sống lưu vong cũng vì không chấp nhận chế độ cộng sản. Chúng tôi đã thành lập ủy ban vận động XDNT/QCC-VNCH với quyết tâm xây dựng nghĩa trang bên ngoài Việt Nam, vì nghĩa trang QLVNCH trong nước đang bị chính phủ Việt Nam xóa bỏ dần. Tất cả anh em quân cán chính VNCH, kể cả cha mẹ, con cái, vợ chồng, dâu rể… đều có thể ghi danh với chúng tôi để an nghỉ trong nghĩa trang này. Mong đồng hương hãy chung tay giúp chúng tôi gầy dựng nghĩa trang này sớm thành công”.

Nhiếp ảnh gia phóng viên chiến trường VNCH Nguyễn Ngọc Hạnh đến dự và đem theo những bức hình của ông tặng cho ĐNH để gây quỹ, cảm động nói: “Chúng ta tất cả đều phải chết, nhưng tất cả chúng ta không phải ai cũng đều biết sống. Những người có tấm lòng như trong tiệc gây quỹ này và ĐNH Cám Ơn Anh và những chương trình ý nghĩa khác… đều là những người biết sống, làm những việc đáng làm, để lại cho hậu thế”.

Ký giả chiến trường Kiều Mỹ Duyên, thành viên trong ban cố vấn của Ủy Ban, nói với người viết: “Những nơi nào mà có người Việt Nam tị nạn tại Hoa Kỳ nói riêng thì có Tượng Đài Chiến Sĩ Việt- Mỹ, hay Tượng Đài Thuyền Nhân từ rất sớm. Nghĩa trang cho quân cán chính VNCH thì hơi khó, đòi hỏi người làm phải bỏ nhiều công, sức, tiền vào để thực hiện, nên hơi chậm, muộn còn hơn là không. Tôi rất tin tưởng tấm lòng của mọi người, vì việc làm có ý nghĩa, thì sẽ luôn luôn được nhiều người ủng hộ.
Nay có thêm thế hệ 1,5, thế hệ thứ hai cùng tham gia với ủy ban để đóng góp công sức thực hiện, tôi tin là trong tương lai, muộn lắm là 5 năm hoặc 10 năm thì sẽ thành công nghĩa trang này”.

Bà ngậm ngùi nói thêm: “Nhà cầm quyền độc ác như cộng sản Việt Nam hiện nay chắc chắn sẽ không tồn tại lâu đâu. Tôi tin rằng trong tương lai khi chính phủ khác nổi lên, thì chắc chắn họ sẽ trùng tu lại nghĩa trang quân đội Biên Hòa của chúng ta. Tôi chỉ sợ rằng trong thời gian sắp tới, chính quyền Việt Nam sẽ san bằng nghĩa trang Biên Hòa để bán đất cho nước ngoài xây dựng khu chế xuất. Chỉ mong hồn thiêng các anh chiến sĩ phù hộ đừng để việc đó xảy ra. Chính vì điều đó, mà chúng tôi càng muốn có nghĩa trang tại đây sớm thành công”.

Là người lần đầu tiên đến tham dự ĐNH gây quỹ Vì Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa Hải Ngoại, bà quả phụ Nguyễn Thị Nguyệt (đến từ San Francisco), có chồng là cựu quân nhân VNCH đã hy sinh trong chiến dịch Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, cho biết, năm nào cũng vậy, bà về Nam California để dự ĐNH Cám Ơn Anh, thường xuyên đóng góp cho Hội H.O. giúp cho những thương phế binh và các cô nhi quả phụ kém may mắn hơn mẹ con bà, còn sống tại Việt Nam có được sự trợ giúp vật chất và tinh thần vui hơn khi biết cộng đồng người Việt tại hải ngoại đã không quên ơn họ. Bà nói, mỗi lần có tổ chức đại nhạc hội, bà không bỏ sót kỳ nào. Riêng lần ĐNH Cám Ơn Anh tại San Jose, bà còn là một thiện nguyện viên trực điện thoại nhận đóng góp của đồng hương ngay trong suốt thời gian diễn ra chương trình. Năm nay, biết có ĐNH gây quỹ Vì Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, bà đã ghi danh tham dự, vì thấy đây là việc làm rất nhiều ý nghĩa; bà mong sự đóng góp nhỏ nhoi của mình sẽ giúp ủy ban sớm thành công trong việc xây dựng nghĩa trang.

Các vị dân cử hay sắp ra tranh cử đến để ủng hộ Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa Hải Ngoại tại Đại Nhạc Hội ở Fountain Valley ngày 11-8-2012 - ảnh: Quốc Hương/Viễn Đông

Cũng là người đến dự lần đầu tiên ĐNH gây quỹ tại đài truyền hình VHN, ông Lê Văn Hồng là một cựu trung sĩ tham gia địa phương quân trong tiểu khu Gia Định, đến từ Seattle, Washington, ông cho biết ông vốn quen thân với BS. Trung Chỉnh khi còn sống tại Việt Nam. Nên khi biết có ĐNH này, ông đã đến cùng với vợ và em gái để ủng hộ cho ban tổ chức. Ngoài ra, ông cho biết ông cũng là một người đóng góp thường xuyên của ĐNH Cám Ơn Anh. Ông Hồng nói: “Hồi năm 1980, tôi có cơ hội đi Biên Hòa, có viếng thăm nghĩa trang quân đội, lúc đó tôi buồn lắm, bởi khung cảnh điêu tàn, tôi đến để tưởng nhớ bức tượng Thương Tiếc bị giựt sập. Bảy con tôi đều ở Mỹ hết rồi. Nên tôi không muốn về Việt Nam an nghỉ, nhất là Việt Nam vẫn còn cộng sản như hiện nay. Mộng của tôi là sẽ về đây an nghỉ, và tôi sẽ ghi danh 2 mộ phần cho tôi và nhà tôi với ủy ban. Riêng ĐNH Cám Ơn Anh là chương trình tôi ủng hộ hằng năm, dịp này tôi vui vì có thể tham dự và ủng hộ được cả hai chương trình. Những kỳ trước tôi chỉ được xem qua đài SBTN, và gửi check cho ĐNH, nhưng lần này tôi sẽ có mặt tham dự để cảm nhận được không khí của chương trình này”.

Ông nói thêm: “Xin cám ơn ban tổ chức đã kiên trì thực hiện ĐNH Cám Ơn Anh, để chúng tôi có cơ hội đóng góp đến các thương phế binh VNCH tại Việt Nam. Hồi xưa khoảng những năm 1985-1986, chúng tôi, các cựu quân nhân VNCH còn sống ở Việt Nam, cũng đã âm thầm cùng với nhau đóng góp để giúp các thương phế binh quanh vùng mình sống chứ không phổ biến rộng như Hội H.O đang làm như hiện nay”.

Hoạt cảnh “Đợi Anh Về” của Ban Tù Ca Xuân Điềm trong Đại Nhạc Hội “Vì Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa Hải Ngoại” tại Fountain Valley ngày 11-8-2012 - ảnh: Quốc Hương/Viễn Đông


Những tấm lòng vì các thương binh
Tại ĐNH Cám Ơn Anh kỳ 6, cũng như bao năm qua, chương trình mỗi năm diễn ra đều đặn, nhưng cảm xúc của mỗi người tham dự dường như vẫn luôn luôn tươi mới như phút ban đầu.

Với chị Trần Ngọc Thủy, đến từ Sacramento, đi cùng gia đình và con cái, anh chị em trong nhà tất cả là 12 người, đã ủng hộ ĐNH nhiều năm qua và xem chương trình tại nhà, nay chị và người thân đến dự để cảm nhận được không khí ĐNH và muốn các con hiểu được việc làm cao quý của cộng đồng Việt Nam dành cho việc tri ân những thương phế binh VNCH, và cũng là một cách để chị dạy con của mình về việc “uống nước nhớ nguồn”.

Riêng ông Nguyễn Quang, lần đầu tiên thay mặt Hội Đồng Hương Ninh Hòa Dục Mỹ hải ngoại đến dự đại hội và tặng chút quà cho đại nhạc hội, vì cũng là một cựu tù nhân đến Mỹ qua chương trình H.O, nên ông rất cảm động khi tham dự chương trình, qua hình ảnh rước quốc quân kỳ, bài hợp ca xuất quân và hình ảnh những bạn trẻ khoác áo lính diễn theo bài hát, gợi lại cho ông nhiều kỷ niệm.

Người bạn trẻ Lân Nguyễn, đến từ Rowland Heights, cho biết đây là lần thứ nhì tham dự ĐNH. Bạn cho biết ba của bạn là một cựu quân nhân VNCH, từng bị đi tù cải tạo 7 năm, gia đình bạn đến Mỹ chương trình H.O, khi bạn tròn 7 tuổi. Bạn rất cảm động khi tham dự chương trình này, và muốn đóng góp cho ĐNH vì bạn thấy mình rất may mắn khi sinh sống tại đất nước tự do, có cơ hội học hành, còn những người con của các thương binh hoặc các cô nhi quả phụ VNCH, còn kẹt tại quê nhà thì phải trải qua biết bao khổ nhọc. Chính vì vậy, năm ngoái được người chú đưa đến đây dự ĐNH, bạn tự hứa với mình sẽ luôn luôn ủng hộ cho chương trình nhiều ý nghĩa này.

Còn ông Lâm Văn Xê, nguyên khóa 19 Võ Bị Đà Lạt thuộc Biệt Động Quân, và vợ là bà Trần Kim Tiên đều đã ngoài 70 tuổi, cho biết cả hai vợ chồng bà và con cái luôn đóng góp tiền mỗi năm cho ĐNH. Bà nói: “Vợ chồng tôi đến từ Los Angeles, năm nào cũng dự ĐNH Cám Ơn Anh, chỉ có lần tổ chức San Jose, xa quá, thì không dự được. Đại hội này ý nghĩa lắm. Tôi muốn đến dự để mọi người xem ti vi thấy đông, để cổ võ ban tổ chức và cho thấy sức mạnh của cộng đồng mình ủng hộ chương trình ý nghĩa như thế này. Chứ ở nhà xem tivi sướng hơn, ngồi ở đây ngó lên sân khấu đâu có thấy gì. Nhưng sẽ thấy tinh thần đồng hương hải ngoại hướng về thương phế binh VNCH cao như thế nào”.

Ca sĩ đến hàng ghế khán giả để quyên góp cho Đại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh” kỳ 6 tại Garden Grove ngày 12-8-2012 - ảnh: Nguyễn Văn Liêm/Viễn Đông

Cảm động trước tấm lòng của mọi người đến tham dự, ông Phan Tấn Ngưu - chủ tịch Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH tại hải ngoại, trưởng ban tổ chức ĐNH Cám Ơn Anh kỳ 6, nói với phóng viên Viễn Đông: “Như lời nhạc sĩ Trúc Hồ đã trình bày với mọi người trong ĐNH này, chúng tôi mong sao phát động có nhiều gia đình tại hải ngoại nhận bảo trợ cho mỗi một thương phế binh VNCH, thì việc giúp cho hơn 20 ngàn hồ sơ đang cần giúp sẽ không phải là chuyện khó khăn. Chỉ cần có người nhận bảo trợ như vậy, thì chúng tôi khỏi làm đại nhạc hội hằng năm nữa, hội H.O chỉ cung cấp cho đồng hương hồ sơ và để đồng hương trực tiếp giúp. Nhưng nếu lần phát động này vẫn không thành công, thì chúng tôi sẽ phải tiếp tục tổ chức đại nhạc hội để có tiền giúp những thương phế binh còn lại. Chỉ xin mọi người hãy làm cố gắng trong khả năng của mình, và đừng quên anh em thương phế binh”.

Cựu Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, chủ tịch Hội H.O nói: “Cá nhân tôi già rồi, nên đây là ĐNH cuối cùng tôi tham gia, nhưng hội H.O vẫn tiếp tục tồn tại, và muốn những nơi khác đứng ra tổ chức đại nhạc hội giúp chúng tôi. Chúng tôi không buồn giận những người chống phá chúng tôi. Sở dĩ họ có những lời chống phá chúng tôi, vì quan tâm đến TPB, họ sợ mất tiền của TPB, vì họ chưa hiểu chúng tôi, tưởng chúng tôi hưởng lợi từ số tiền này. Nếu họ đến xem chúng tôi làm việc, trên 20 người trong ban điều hành lo cho hơn 20 ngàn hồ sơ, thì sẽ thương chúng tôi, chứ không có những lời lẽ như vậy nữa. Còn riêng việc bảo trợ, tối thiểu mỗi tháng quý vị hãy bỏ ra 10 Mỹ kim, để 12 tháng có 120 Mỹ kim giúp 1 thương phế binh nhẹ. Còn thương phế binh nặng thì chúng tôi cho mỗi người 200 Mỹ kim. Quý vị nào thấy khả năng giúp được, thì hãy liên lạc với chúng tôi, chúng tôi sẽ đưa danh sách, địa chỉ, chứng minh thương tật, để quý vị giúp từng người”.

Cả hai chương trình đại nhạc hội đã kết thúc, nhưng sự lo lắng cho đời sống của những người đồng đội ở Việt Nam cũng như nơi chốn an nghỉ của những cựu quân cán chính VNCH vẫn chưa dứt, để rồi sẽ có những thế hệ trẻ hơn tiếp nối công việc gìn giữ di sản VNCH vì lý tưởng tự do. - (VĐ)

Để bảo trợ cho thương phế binh VNCH, xin liên lạc:

Bà Nguyễn Thị Hạnh Nhơn
Điện thoại: 714-539-3515
Email: hanhnhonnguyen@yahoo.com


Để biết thêm chi tiết về Nghĩa Trang Quân Cán Chính VNCH, xin liên lạc:
Ủy Ban Xây Dựng
Điện thoại: 714-554-0963, 714-586-9466
RVN Veteran Cemetery
PO Box 1497, Anaheim, CA 92815


Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này.
Băng Huyền - Quốc Hương/Viễn Đông







No comments:

Post a Comment

View My Stats