05.08.2012
Đã đăng: (phần 1)
- (phần 2)
- (phần 2.1)
- (phần 2.2)
Lẽ ra tôi đã phải viết tiếp loạt bài phân tích các lỗi dịch sai
của ông Dương Tường, nhưng tôi tạm ngưng một thời gian, vì thấy một tờ báo
trong nước vốn có những quan hệ gần gũi với giới dịch giả, là tờ thethaovanhoa,
nơi cô vợ của anh Cao Việt Dung đang công tác, có đăng một bài viết nói ông
Dương Tường phải nhập viện một thời gian ngắn, và đã chi tiêu hết 23 triệu
(chưa đến 1100 đô la Mỹ) nhuận dịch Lolita vào chuyện thuốc men. Quả
thật, tin đó làm những người muốn phê phán ông Dương Tường cũng thấy ái ngại.
Tuy nhiên, về bản chất, không ai muốn tấn công cá nhân ông Dương Tường, mặc dù
trình độ ngoại ngữ tự học của ông còn nhiều điểm cần tranh luận, nhưng ông cũng
là một người có nhiều cố gắng. Những bài viết trên diễn đàn và trên một số tờ
báo chỉ có mục đích phê phán việc coi thường trí thức, xuống cấp đạo đức trí
thức, bè cánh bênh vực nhau, che đậy lấp liếm các phản hồi bất lợi cho mình,
đang lộng hành không chỉ trong giới dịch giả Việt Nam.
Đúng là việc dịch một kiệt tác văn chương khoảng 100 ngàn chữ
tiếng Anh như Lolita cần nhiều hơn 23 triệu đồng VN để có thể thuê được
một dịch giả tốt. Tuy nhiên, không phải vì nhuận dịch quá bèo, mà phỉ nhổ lên
chữ nghĩa, tàn phá một tác phẩm văn học đẹp, và làm hỏng độc giả. Ở đây nên
tách biệt rõ ràng giữa văn hóa và cách tư duy thương mại. Mặt khác, dịch giả là
một nghề được xã hội coi như gắn liền với văn hóa nghệ thuật, nên cái danh ấy
cũng không ít người ham hố.
Nhã Nam đã thầm lặng biên tập lại Lolita và tái bản nó “có
sửa chữa”. Họ không dám đưa ra lời xin lỗi trước công luận, trước những người
mua sách đã mua phải một bản dịch quá tệ hại, mà ráo riết làm việc đằng sau để
chỉnh sửa lỗi bản dịch. Thật đáng tiếc, bản Lolita “có sửa chữa” vẫn còn
gần như đầy đủ các lỗi tệ hại đã được chỉ ra trên Tiền Vệ, và còn vô vàn lỗi
khác mà chưa có dịp đề cập đến. Mặc dù những lỗi khá tức cười như dịch thiếu
thủ đô Washington đã được thầm lặng chỉnh sửa, nhưng số lỗi được sửa là rất ít.
Văn phong lủng củng của dịch giả là cái không dễ biên tập một sớm một chiều. Và
những chỗ hiểu sai tiếng Anh, hiểu không tới dụng ý và cách chơi chữ của tác
giả, hiểu không rõ về những ẩn dụ đằng sau con chữ,… là những chỗ sai cực kỳ
khó sửa, nếu như không nói rằng, không thể sửa nổi, trừ khi dịch lại hoàn toàn.
Để tiếp tục loạt bài phân tích lỗi Lolita, tôi xin theo
bước ông Hà Thúc Lang, trích một đoạn ngắn trong một chương ngẫu nhiên, để chỉ
ra các lỗi dịch do hiểu biết kém về ngoại ngữ nói chung, và văn chương nói
riêng, của ông Dương Tường.
Xin cùng xem chương 10, Lolita, khoảng 900 chữ đầu tiên:
1.
Nguyên bản:
[…] the other thing, my active participation in my uncle's
posthumous perfumes, had by then been cut down to a minimum.
posthumous perfumes: Mùi hương/Nước hoa sau khi
chết. Không hiểu tại sao ông DT dịch thành:
Bản dịch DT:
[…] còn phần việc kia: tham gia tích cực vào kinh doanh
nước hoa do ông chú tôi để lại, thì lúc này đã giảm xuống mức tối thiểu.
Chữ active trong câu văn trên rất hay, nó đa nghĩa, và rất phù hợp
với tổng thể câu văn. Ông Dương Tường dịch thành tích cực thì chỉ được cái xác
chữ thôi. Dịch Lolita khó, vì Nabokov chơi chữ quá nhiều, quá phức tạp,
quá hay; người dịch Lolita vất vả vì phải nghĩ ra cách chuyển tải linh
hồn câu chữ qua một thứ tiếng khác tiếng Anh. Chứ còn dịch thế này thì… còn gì
là văn Nabokov nữa cơ chứ!
2.
Nguyên bản:
One of his former employees, the scion of a distinguished family,
suggested I spend a few months in the residence of his impoverished cousins, a
Mr. McCoo, retired, and his wife, who wanted to let their upper story where a
late aunt had delicately dwelt.
Bản dịch DT:
Một nhân viên cũ của chú tôi, hậu duệ của một gia đình quyền quí,
gợi ý là tôi nên đến ở vài tháng tại nhà người bà con của ông, một ông McCoo đã
về hưu; vợ chồng họ, giờ đây khánh kiệt, muốn cho thuê tầng gác trên, nơi một
bà cô quá cố từng sống những ngày êm đềm.
Delicately ở đây mang nghĩa: susceptible to illness or adverse
conditions - dễ ốm đau bệnh tật, nào phải êm đềm. Không hiểu ông Dương
Tường tra từ điển nào mà delicately thành ra êm đềm? Chữ dịch sai tuy nhỏ nhưng
làm méo mó toàn bộ đoạn văn. Văn Nabokov không có gì là thừa, mỗi chữ mỗi từ
đều tiềm ẩn một cái ý nào đó, để làm phông nền cho một cái gì đó sắp đến, để
diễn giải một cái gì đó đã qua. Vì thế, cần cẩn trọng với từng từ của Lolita.
Với Lolita - không thể dịch theo kiểu đoán mò.
3.
Nguyên bản:
[…] and I said it sounded perfectly perfect […]
Bản dịch DT:
[…] và tôi nói như vậy thì hoàn toàn trúng ý tôi […]
Dịch quá xa nguyên bản.
4,5,6,7,8.
Nguyên bản:
Possibilities of sweetness on technicolor beaches had been
trickling through my spine for some time before, and McCoo's cousin had, in
fact, sharply diverted that train of thought with his
well-meaning but as it transpired now absolutely inane suggestion.
Speaking of sharp turns: we almost ran over
a meddlesome suburban dog (one of those who like in wait for cars) as we
swerved into Lawn Street.[…]
Bản dịch DT:
Từ ít lâu nay, triển vọng về những giờ phút êm đềm trên những bãi
biển đầy màu sắc rực rỡ đã róc rách suốt dọc sống lưng tôi và người bà con của
McCoo, trên thực tế, đã làm lệch dòng suy nghĩ ấy bằng cái đề xuất thiện ý
nhưng giờ đây hóa ra hoàn toàn ngu xuẩn của ông ta.
Nói về những bước ngoặt đột ngột: khi rẽ vào phố Lawn Street, xe chúng
tôi suýt chẹt phải một chú cẩu rách việc (một trong những con chó ngoại ô
chuyên rình xe ô tô(1)). […]
Lời bình:
[4] “Possibilities of sweetness” dịch thành “triển vọng về
những giờ phút êm đềm” quá sai, nó là khả năng/có thể/viễn cảnh tương
lai ngọt ngào/tươi mát. [5] McCoo cousin ở đây chính là ông McCoo
chứ không phải người bà con của ông ấy. [6] Dịch thiếu một từ quan trọng
là “sharply”. Từ này cần thiết, vì ngay ở câu sau, Nabokov nhắc lại nó
một lần nữa. [7] “meddlesome” mà dịch thành “rách việc”
thì vừa không sát nghĩa, lại còn quá thô, vì đó không phải từ dành cho chó. [8]
Lawn Street thì dịch thành phố Lawn, hoặc để nguyên Lawn
Street, chứ ai lại dịch thành “Phố Lawn Street”?
Chỉ khoảng 900 chữ đầu chương 10 đã xuất hiện ít nhất là 8 lỗi trên
đây, chưa kể nhiều chỗ dịch khó hiểu khác. Tần suất lỗi của bản dịch Lolita
của Dương Tường không hề nhỏ chút nào!
Tham khảo:
1. Bài viết về ông Dương Tường trên báo vietnamplus: “Tác phẩm Lolita
tiếng Việt - nỗi buồn dịch thuật” của An Di.
2. Bìa bản dịch Lolita có sửa chữa: http://tienve.org/home/images/lolita-biamoi.jpg
--------------------------------------------
Bài liên quan :
https://www.dropbox.com/s/p9dkdg6it1zfeof/Duong%20Tuong%20Lolita.pdf
ReplyDeleteThấy có bản dịch Lolita của Dương Tường, ở dạng ebook pdf đây