Sunday 19 August 2012

MỘT MỤC SƯ TỪNG BẢO LÃNH HƠN 420 NGƯỜI TỊ NẠN VIỆT NAM (Thomas Trương - Viễn Đông)




Thomas Trương/Viễn Đông
(VienDongDaily.Com - 18/08/2012)

Ông tên là Ralph S. Watts. Trước năm 1975, ông từng là Hội Trưởng Liên Hiệp Hội Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm, văn phòng tại Singapore. Sau đó, ông đảm nhiệm chức vụ giám đốc cơ quan cứu trợ Adventist Development and Relief Agency International (ADRA) 16 năm (1985-2002). Ông thường xuyên đến Việt Nam vào những năm trước 1975 trong công tác điều hành Giáo Hội toàn khu vực Đông Nam Á. Lúc ấy, ông làm việc với Mục Sư Lê Công Giáo là Hội Trưởng Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm tại Việt Nam. Vào thời Việt Nam Cộng Hòa, Giáo Hạt Việt Nam có trụ sở tại quận Phú Nhuận, với một hệ thống nhân viên hàng trăm người làm việc trong các lĩnh vực truyền giáo, trường học Cơ Đốc, nhà xuất bản và nhà in Thời Triệu, Bệnh Viện Cơ Đốc… rất có tiếng tại Sài Gòn.

Trong những ngày dầu sôi lửa bỏng của cuộc binh biến 1975, chính MS. Watts đã có mặt, chứng kiến những gì của những ngày cuối cùng trước khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản. Ông cũng là người trực tiếp điều hành những công việc cần thiết cho những người thuộc giáo hội lúc bây giờ và tìm cách giúp đỡ, để rồi có khoảng 420 nhân viên thuộc giáo hội cấp dưới quyền của ông rời khỏi Sài Gòn an toàn và sang Mỹ tị nạn.
Không những vậy, sang đến Mỹ, ông cũng là vị mục sư kêu gọi cộng đồng mục sư và giáo hội Mỹ hợp sức giúp đỡ người tị nạn. Sau này, MS. Watts xuất bản tập sách có tựa đề “Các Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm trải qua những ngày cuối cùng của chiến tranh Việt Nam”.

Vợ chồng Mục Sư Ralph S. Watts - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Là tôi tớ của Chúa, không ngại hiểm nguy
Đến Việt Nam vào những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhất, cùng với các cộng sự của mình làm nhiều công việc giúp ích cho người dân Sài Gòn nói chung và các tỉnh miền Nam nói riêng, MS. Watts cho biết ông không sợ nguy hiểm vì tin tưởng mình là tôi tớ của Đức Chúa Trời. Nhiều lần, chúng tôi cùng với MS. Lê Công Giáo có dịp gặp nhau ở miền Nam Cali, thì có cơ hội để đi thăm ông Watts. Ông tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở thành phố Loma Linda. Tuy hai mục sư khác màu da nhưng cùng một chí hướng, và họ xem nhau như bạn, như những “chiến hữu” của Chúa. Hai ông nói chuyện vui vẻ với nhau như những người bạn thân đã từng có những tháng ngày làm việc với nhau từ hồi còn ở Việt Nam trước năm 1975, chia sẻ với nhau những tin vui về những thành quả làm được trong quá khứ và hiện tại.

Lần nào đến thăm, MS. Giáo cũng đích thân đến chợ Việt Nam tại Quận Cam để mua biếu ông bà Watts một trái sầu riêng. Ông bà rất thích ăn loại trái cây đặc biệt này của người dân miền Nam. Ông bà trò chuyện với chúng tôi trong căn phòng khách với chiếc đàn piano mà bà thường đàn cho ông hát Thánh ca, nơi đặt chiếc bàn làm việc soạn bài giảng và tủ kệ với nhiều tượng, bình gốm, bình cổ, tranh ảnh mang nét Á Châu, trong đó rất nhiều món có xuất xứ từ Việt Nam.

Ông Watts nhớ lại: “Được chứng kiến những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh Nam - Bắc Việt Nam, có những lúc tôi cảm thấy mình khi ấy không biết sợ là gì, chỉ biết làm sao cho các nhân viên của mình rời khỏi Sài Gòn, Việt Nam, một cách an toàn rồi tính sau. Một thời kỳ hỗn loạn, ai cũng căng thẳng, lo lắng và gần như chỉ biết tính đến chuyện chạy khỏi một cái gì đó dữ lắm.

“Đường phố vào những giờ giới nghiêm vẫn nghe những tiếng nổ, vẫn nghe những tiếng kèn xe cứu thương. Bệnh viện vẫn mở cửa đón những bệnh nhân vào cấp cứu. Các y tá, bác sĩ vừa phải cứu người vừa nghĩ cách sửa soạn hành lý để ra đi. Ngay cả có những bệnh nhân, có người may mắn cũng được máy bay rước đi. Các mục sư, các giáo sĩ và gia đình họ đều mang hàng trang ra phi trường Sài Gòn chờ các chuyến bay đến rước. Tất nhiên là các nhà ga đông nghẹt người. Họ đều là những người có liên quan đến chế độ Việt Nam Cộng Hòa, và họ có tên trong các danh sách để rời Việt Nam vì sợ ở lại sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.

Kệ trưng những món lưu niệm của Mục Sư Watts thời gian còn làm việc tại Việt Nam - ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

“Sau cái ngày 1975, chỉ còn lại vài mục sư và một vài nhân viên kẹt lại. Chúng tôi rất lo lắng cho họ, vì không biết họ có bị điều gì khi mà cộng sản nắm quyền và không biết tiền đồ của Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm còn tồn tại được hay không”.

Cơ Đốc Phục Lâm trước 1975
Năm 1920, Cơ Đốc Giáo đã được các giáo sĩ hải ngoại đến Việt Nam truyền rao và kéo dài cho đến những năm 1930, 1940. Đến những thập niên 50, 60 và 70 Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm phát triển rất mạnh.

Một trong những lĩnh vực được đa số người dân miền Nam biết đến là Bệnh Viện Cơ Đốc. Năm 1986 cho đến năm 1974, bệnh viện được đánh giá là một trong những nơi có nhiều bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng viên Mỹ cũng như Việt Nam, trang bị máy móc hiện đại lúc bấy giờ. Bệnh viện ở ngay ngã tư Phú Nhuận, Sài Gòn. Hằng năm đều có những phái đoàn y tế gồm các bác sĩ từ Mỹ về Việt Nam và phẫu thuật miễn phí cho người dân ở toàn miền Nam.
Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm Việt Nam là một bộ phận của tổ chức giáo hội toàn thế giới. Ông Watts từng có thời gian làm việc ở miền Nam. Từ Sài Gòn, ông thường xuyên có những chuyến đi về Cần Thơ để tham dự các chương trình truyền giảng bố đạo lớn, khánh thành đoàn tàu Thư Báo Truyền Đạo với 5 chiếc tàu lớn do MS. Trần Ngọc De, MS. Phạm Văn Bình và Truyền Đạo Trương Công Hoẳng… đi khắp các tỉnh sông nước Cửu Long để truyền bá sách đạo. Hễ khi các nhân viên của mình bị bắt, có khi là lính quốc gia, hay là ngay cả Việt cộng nằm vùng… thì chính ông Watts cũng nhờ người can thiệp để bảo lãnh ra. Trong đó, có rất nhiều nhân viên của Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm Việt Nam. Ông nói: “Đương nhiên, chiến tranh là điều không ai mong muốn, bởi vì nó gây biết bao tang tóc và ly tán…”.

Bìa tập sách hồi ký của Mục Sư Ralph S. Watts về cuộc chiến trước 1975
ảnh: Thomas Trương/Viễn Đông

Mới đây, trong lần đến nhà ông, MS. Watts cũng cho biết: “Chuyện xảy ra cách đây 4 năm. Tôi được biết, sau một thời gian rất dài thì Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm Việt Nam mới được nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam công nhận là một đạo giáo chính thức. Trước đây, tôi từng biết nhiều người ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Nam, người ta cho rằng đây là đạo Mỹ... Việt Nam ngày nay vẫn còn bị liệt vào những quốc gia lạc hậu và nghèo đói trên thế giới, cũng như so với những nước trong khu vực. Nên có thể xem đây là quốc gia có nhiều triển vọng để gieo hạt giống đạo tốt lành cho nhiều người biết đến”.

Còn tiếp một kỳ


Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này.

Thomas Trương/Viễn Đông




No comments:

Post a Comment

View My Stats