BBC
Cập nhật: 13:24 GMT - thứ hai, 20 tháng 8, 2012
Ngân hàng Phát
triển Châu Á ngày 20/8 đưa ra phúc trình mới nhất về triển vọng kinh tế của
Miến Điện nếu xu hướng cải cách được giữ vững.
Nghiên cứu mới
nhất của ADB cho thấy Miến Điện có thể tăng trưởng ở mức 7%-8% một năm để trở
thành một nước thu nhập trung bình và tăng thu nhập bình quân trên đầu người
lên gấp ba lần vào năm 2030 nếu nước này có thể khắc phục "thách thức về
phát triển bền vững thông qua việc tiến hành cải cách toàn diện hơn nữa".
Stephen Groff, Phó Chủ tịch phụ trách hoạt động của
ADB tại khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương phát biểu: “Vị trí chiến lược của Miến Điện với nguồn
tài nguyên thiên nhiên dồi dào và lực lượng lao động hùng hậu là điều kiện lý
tưởng để phát triển thịnh vượng so với sự phát triển kinh tế đầy năng động ở
khu vực Châu Á.
"Miến Điện có thể trở thành
một ngôi sao sáng của Châu Á, tuy nhiên để thực hiện được điều này thì cần phải
có sự kiên định và cam kết lâu dài về cải cách.”
Phúc trình "Miến Điện trong quá trình chuyển
đổi: Cơ hội và Thách thức" là đánh giá cơ bản đầu tiên của ADB về
Miến Điện kể từ khi nước này bắt đầu tiến hành cải cách kinh tế và chính trị
vào năm 2011.
Bản báo cáo
cũng lưu ý rằng còn nhiều việc cần phải làm: mới chỉ có một phần tư dân số ở
Miến Điện được sử dụng điện và chỉ một phần năm số đường xá ở nước này được
phát triển để đi được trong mọi điều kiện thời tiết.
Phúc trình
cũng đề cập tới những nỗ lực cần thiết để tăng cường tính minh bạch và nâng cấp
các dịch vụ công cộng.
Sự tăng trưởng
cũng phụ thuộc vào việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước này – bao
gồm cả những biện pháp kiềm chế lạm phát (dưới 6%) và giữ ngân sách ổn định,
khuyến khích tiết kiệm trong nước và đầu tư vào vốn con người cũng như cơ sở hạ
tầng.
Khó khăn hiện tại
Tuy nhiên, bản
phúc trình cảnh báo rằng Miến Điện cũng có thể phải đối mặt với những rủi
ro về tự do hóa kinh tế nếu quá trình này không được quản lý thận trọng.
Thiệt hại từ
biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, cũng như căng thẳng từ xung đột nội
bộ có thể làm chệch hướng tăng trưởng của đất nước trong tương lai.
Nhằm đẩy mạnh
liên kết xã hội và giảm tỷ lệ nghèo đói, cần phải đầu tư nhiều hơn cho giáo
dục, y tế và các dịch vụ xã hội.
Tuy hơn một nửa
dân số Miến Điện sống nhờ nông nghiệp, chỉ có gần 20% đất trồng trọt được
tưới tiêu.
Báo cáo cũng
nhấn mạnh rằng đầu tư vào thủy lợi và các lĩnh vực khác cũng có thể tăng đáng
kể năng suất cây trồng và tăng thu nhập.
Vị trí của Miến
Điện nằm giữa Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia ở Nam và Đông Nam Á khiến cho
nước này được hưởng những lợi ích từ việc tăng cường thương mại khu vực, du
lịch và đầu tư, đồng thời làm tăng nhu cầu về năng lượng và nguồn tài nguyên
thiên nhiên của các nước láng giềng giàu có hơn.
Để tận dụng
toàn bộ tiềm năng của Miến Điện, phúc trình khuyến cáo quốc gia này phải
tập trung vào tăng cường kết nối thông qua cơ sở hạ tầng giao thông vận tải,
điện và dịch vụ viễn thông, cũng như hiện đại hóa khu vực tài chính.
Nền tảng kinh tế
của quốc gia này cũng phải mở rộng vượt ra ngoài khu vực nông nghiệp sang khu
vực sản xuất và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu việc làm ngày càng tăng.
Đức Tâm – RFI
Thứ hai 20 Tháng Tám 2012
Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB - công bố ngày hôm nay, 20/08/2012, được Bloomberg trích dẫn, nền kinh tế Miến Điện có thể đạt được mức tăng trưởng 8% mỗi năm trong vòng một thập niên tới, nếu như lạm phát được kìm giữ thấp và chính phủ tăng cường quan hệ thương mại với các nước láng giềng như Trung Quốc, Ấn Độ.
ADB đánh giá là trong ngắn hạn, kinh tế Miến Điện tương đối lạc quan do mức đầu tư nước ngoài và trao đổi thương mại sẽ lớn.
Bà Cyn Young Park, trợ lý kinh tế trưởng ADB, đồng tác giả bản báo cáo, nhận định : « Miến Điện giàu tài nguyên thiên nhiên, dân số trẻ và có vị trí chiến lược trong khu vực. Tất cả những yếu tố này sẽ giúp Miến Điện có được mức tăng trưởng nội tại mạnh trong một thời gian rất ngắn ».
Kể từ khi lên cầm quyền vào năm ngoái, tổng thống Thein Sein đã tiến hành hiện đại hóa nền kinh tế và thực hiện nhiều cải tổ chính trị, thúc đẩy các nước phương Tây giảm bớt các biện pháp trừng phạt, thu hút nhiều công ty nước ngoài vào nước này làm ăn như tập đoàn Coca Cola, Visa Inc. Nguyên thủ Miến Điện tìm cách tạo thêm công ăn việc làm trong bối cảnh nước này sẽ có bầu cử tổng thống vào năm 2015.
Chuyên gia Park nhấn mạnh, chính phủ Miến Điện cần « khẩn cấp » phát triển lĩnh vực nông nghiệp, khu
vực sử dụng gần 2/3 số lượng lao động toàn quốc. Theo số liệu của ADB, hiện nay, khoảng 20% diện tích đất đai được sử dụng để canh tác và 1/5 diện tích được tưới tiêu. Do vậy, ADB
cho rằng, « tiềm năng khai thác các nguồn nông nghiệp để nâng cao năng suất là rất lớn » và việc phát triển nông nghiệp sẽ giúp cho đông đảo người dân nhanh chóng được hưởng các thành quả kinh tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia ADB
cũng lưu ý một số rủi ro có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Miến Điện. Đó là quản lý kinh tế vĩ mô yếu kém, cơ sở hạ tầng thiếu thốn và nguồn thu
thuế thấp. Hiện nay, khoảng 1/4 dân số có điện dùng, mạng internet mới bước đầu phát triển ở một số nơi.
Tháng trước, Miến Điện thông qua một đạo luật khẳng định quy
chế độc lập của Ngân hàng Trung ương. Chính vì thế, các nhà hoạch định chính sách của Miến Điện sẽ phải đối mặt với các thách thức giữ cho đồng tiền quốc gia được ổn định và kiểm soát được lạm phát, khi mà nguồn đầu tư ngoại quốc đổ vào nước này. Tháng Tư vừa qua, Miến Điện đã từ bỏ chế độ tỷ giá cố định và đang từng bước nới lỏng các hạn chế đối với đầu tư nước ngoài.
Kinh tế gia Cyn Young Park nhận định : « Đối với Miến Điện, ít nhất là trong trung hạn, việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố chủ chốt. Ngân hàng Trung ương cần phải vững mạnh hơn và độc lập hơn trong các hoạt động tiền tệ và quản lý thuế khóa ».
No comments:
Post a Comment