Đức Tâm - RFI
Thứ hai 20 Tháng
Tám 2012
Chế độ kiểm duyệt tồn tại từ nửa thế kỷ qua tại Miến Điện, một trong những nước vốn bị coi là tồi tệ nhất về tự do báo chí, đã chính thức được hủy bỏ vào hôm nay, 20/08/2012.
Theo thông báo đăng trên
website của bộ Thông tin Miến Điện, Vụ đăng ký và giám sát báo chí của bộ « đã cho phép các tờ báo thuộc loại chính trị và tôn giáo, được đăng bài mà không cần phải gửi bản nháp trước » đến cơ quan này.
Kể từ tháng Ba năm ngoái, khi chế độ quân sự độc tài giải thể và một chính phủ dân sự được thành lập, chế độ kiểm duyệt cũng đã được nới lỏng, đặc biệt đối với các hồ sơ không nhậy cảm lắm.
Ông Tint Swe, cựu sĩ quan quân đội, lãnh đạo Vụ đăng ký và giám sát báo chí của bộ Thông tin Miến Điện, người đã từng làm cho các trưởng ban biên tập báo chí Miến Điện lo ngại, run sợ trong 7 năm qua, nói với AFP : « Hệ thống kiểm duyệt đã bắt đầu từ ngày 06/08/1964. Hệ thống này được xóa bỏ sau 48 năm hai tuần ».
Cho đến nay, tổ chức Phóng viên Không Biên giới thường đưa Miến Điện vào trong nhóm cuối bảng xếp hạng về tự do báo chí, đứng thứ 169 trong tổng số 179 quốc gia.
Thế nhưng, cùng với tiến trình cải cách dân chủ hóa, nhiều nhà báo cũng như các nhà hoạt động chính trị bị cầm tù, đã được trả tự do trong những tháng qua. Người dân trong nước có thể tiếp cận được các websites thông tin, báo chí nước ngoài và của giới truyền thông Miến Điện lưu vong.
Ông Nyein Nyein Naing, giám đốc điều hành tuần báo 7 Day News, tỏ ra vui mừng : « Chúng tôi đã phải hứng chịu những lo lắng trong nhiều năm trời và giờ đây, chế độ kiểm duyệt đã chấm dứt ». Tuy nhiên, ông cũng lưu ý là các phương tiện truyền thông vẫn có thể bị trừng phạt, trả thù, nếu đưa các thông tin « có hại cho sự ổn định Nhà nước ».
Theo giới quan sát, trên thực tế, báo chí, đài phát thanh và vô tuyền truyền hình vẫn cảnh giác, áp dụng chế độ tự kiểm duyệt.
Từ Bangkok, thông tín viên Arnaud Dubus tường trình:
« Về lý thuyết, tại Miến Điện, chế độ kiểm duyệt đã chấm dứt. Cho tới nay, tất cả các báo, tạp chí đều phải nộp toàn bộ các bài viết của mình cho một ủy ban kiểm duyệt trước và cơ quan này sẽ chỉnh sửa, cắt dán các bài viết sao cho phù hợp với đường lối chính trị của chính quyền.
Ủy ban này vẫn tồn tại nhưng không làm nhiệm vụ kiểm duyệt nữa. Đồng thời, một Hội đồng báo chí Miến Điện được thành lập, chịu trách nhiệm nghiên cứu những vấn đề đạo đức nghề nghiệp liên quan đến báo chí.
Tuy nhiên, các nhà báo Miến Điện vẫn tỏ ra hoài nghi. Cuối tháng Bẩy vừa qua, hai tuần báo bị đình bản vì đã không nộp bài để kiểm duyệt trước. Chỉ sau khi có một chiến dịch phản đối của các nhà báo mà chính phủ đã buộc phải cho phép hai tuần báo này hoạt động trở lại.
Mặt khác, đa số các nhà báo cho rằng tân Hội đồng báo chí không độc lập, bởi vì lãnh đạo Hội đồng là một cựu thẩm phán và các thành viên lại do chính quyền chỉ định.
Tiến trình mở cửa về chính trị tại Miến Điện tạo thêm sức mạnh cho các nhà báo. Họ tỏ ra rất năng động và sẽ không chấp nhận những biện pháp nửa vời ».
Theo các nhà báo Miến Điện, cần phải có một khuôn khổ pháp lý rõ ràng để bảo đảm quyền tự do báo chí. Ông Nyein Nyein Naing nói với AFP :
« Chúng tôi sẽ được hưởng toàn bộ quyền tự do báo chí khi luật về báo chí, được tất cả các nhà báo chấp nhận ».
Hiện nay, Quốc hội Miến Điện đang thảo luận dự luật này. Nội dung
văn bản không được công bố, nhưng nhiều tờ báo đã được tham
khảo, liên quan đến các quyền và nghĩa vụ của nhà báo, đạo đức nghề nghiệp.
Trong khi chờ đợi có được một văn bản pháp quy rõ ràng, giới truyền thông Miến Điện đã không ngừng đẩy lùi các giới hạn về quyền tự do báo chí. Hồi tháng Ba, tuần báo The Voice, trích dẫn nguồn tin từ các nghị sĩ giấu tên, cho biết là cơ quan
kiểm toán quốc gia đã phát hiện ra những trường hợp man trá, biển thủ công quỹ ở bộ Mỏ, Thông tin, Nông nghiệp và Công nghiệp. Một cơ quan đã kiện tuần báo, nhưng tòa án Miến Điện đã cho rằng tuần báo có quyền không tiết lộ tên nhà báo thực hiện cuộc điều tra này.
Nhận định về sự kiện Miến Điện chính thức bãi bỏ chế độ kiểm duyệt báo chí, lãnh đạo một tuần báo ở Rangoon nói : « Đó là một ngày quan trọng đối với tất cả các nhà báo Miến Điện, những người đã phải làm việc trong nhiều năm dài với những hạn chế bỉ ổi. Đây là một ví dụ khích lệ những tiến bộ mà đất nước được chứng kiến dưới sự lãnh đạo của tổng thống Thein
Sein ».
----------------------------------------------------
BBC
Cập nhật: 08:07 GMT - thứ hai, 20 tháng 8, 2012
Miến Điện đã quyết định dỡ bỏ kiểm duyệt với báo chí trong
nước, Bộ Thông tin nước này vừa cho hay.
Cơ quan Đăng ký
và Kiểm tra báo chí (PSRD) của Miến Điện thông báo kể từ thứ Hai
ngày 20/8 thì các nhà báo của nước này không cần phải nộp bài để
kiểm duyệt trước khi cho đăng tải.
Miến Điện lâu
nay vẫn kiểm soát chặt chẽ mọi
phương tiện truyền thông của nước này.
Tuy nhiên chính
phủ dân sự của Tổng thống Thein Sein đã dần dạn nới lỏng các hạn
chế đối với báo chí kể từ khi lên nắm quyền hồi năm ngoái.
48 năm 2 tuần
“Lệnh kiểm
duyệt bắt đầu vào ngày 6/8 năm 1964 và đã chấm dứt sau 48 năm và hai
tuần,” ông Tint Swe, người đứng đầu PSRD nói với hãng tin Pháp AFP hôm
thứ Hai 20/8.
Tuy nhiên một
quan chức nước này nói với AFP rằng phim ảnh vẫn tiếp tục bị kiểm
duyệt.
Hãng tin Pháp
dẫn lời một biên tập giấu tên của một tạp chí ở Rangoon nói: “Hôm nay là một ngày trọng đại cho tất
cả các nhà báo ở Miến Điện – những người đã làm việc dưới những
hạn chế khắc nghiệt trong hàng bao nhiêu năm trời.”
Báo chí ở
Miến Điện đã được hướng dẫn để được phép nói về các chủ đề chính
trị và xã hội gây tranh cãi – điều mà dưới chế độ độc tài quân sự
trước đây họ còn không dám mơ tới.
Khoảng 300 tờ báo và tạp của nước này trong
những lĩnh vực ít nhạy cảm cũng đã được cho phép tự xuất bản không
phải kiểm duyệt trước. Trong khi đó, lệnh cấm cũng được dỡ bỏ đối
với 30.000 trang mạng, cho phép người dùng Internet lần đầu tiên tiếp
cận các nội dung chính trị.
Hồi tháng 10
năm ngoái, ông Swe đã từng phát biểu rằng kiểm duyệt nên được dỡ bỏ
vì nó đi ngược lại hoạt động dân chủ nhưng vẫn cảnh báo rằng tất
cả các báo chí phải có trách nhiệm đi đôi với quyền tự do báo chí.
Sau khi lệnh
dỡ bỏ kiểm duyệt được công bố, một số nhà báo Miến Điện bày tỏ
quan ngại rằng họ vẫn có thể bị luật pháp sờ đến nếu chính quyền
bắt lỗi tác phẩm của họ sau khi đăng tải.
No comments:
Post a Comment