Sunday, 19 August 2012

INDONESIA BÁN ĐỨNG ASEAN ? (Trần Khải - Việt Báo)




08/19/2012

Trung Quốc chỉ công nhận Indonesia làm trung tâm hòa giải tranh chấp ở Biển Đông. Một tuần sau khi TQ nói như thế, TQ và Indonesia cho biết sẽ ký một hợp đồng sản xuất phi đạn để giúp Indonesia tăng khả năng tự sản xuất vũ khí. Chúng ta có thể tin rằng Indonesia sẽ không bán đứng bằng hữu trong ASEAN -- như Cam Bốt từng bán đứng trắng trợn, khi dẹp bỏ các bản Thông Cáo Chung ASEAN đầu tháng này – hay không?

Bởi vì ngay khi TQ công nhận chỉ có Indonesia làm trung tâm hòa giải tranh chấp, là thấy Cam Bốt đồng ý soạn thảo lại bản Thông Cáo Chung ASEAN, không lẽ không hề có móc nối gì bí ẩn giữa TQ, Cam Bốt và Indonesia?

Bản tin RFA hôm 10-8-2012 đã kể rằng:

“Trung Quốc hôm qua lên tiếng nói rằng Bắc Kinh mong muốn làm việc với Indonesia như là một trung gian hòa giải không chính thức nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực Biển Đông.

Ngoại trưởng Dương Khiết Trì của Trung Quốc phát biểu như vừa nêu tại thủ đô Jakarta của Indonesia. Ông này còn nói thêm là Bắc Kinh đã sẵn sàng làm việc trên cơ sở nguyên tắc đồng thuận hướng đến thông qua bản qui tắc ứng xử tại Biển Đông, COC.

Tại hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 45 vừa qua hồi tháng bảy ở Phnom Penh, ngoại trưởng của khối này không thể đạt được thống nhất về vấn đề tranh chấp Biển Đông nên không thể đưa ra được thông cáo chung như thông lệ trong lịch sử 45 năm của khối này. Mãi một tuần lễ sau khi kết thúc hội nghị khối mới có tuyên bố 6 nguyên tắc về tình hình tranh chấp Biển Đông.”
(hết trích)

Tại sao TQ không kiêng nể Mỹ, mà chỉ trân trọng với Cam Bốt, và rồi bây giờ là Indonesia?

Báo Nam Hàn Chosun Ilbo cho biết một bản tin hôm Thứ Sáu 17-8-2012 rằng Indonesia và TQ sẽ hợp đồng sản xuất phi đạn.

Bản tin nói, Indonesia đang bàn với TQ để sẽ sản xuất phi đạn C-705, loại chống tàu chiến, trên đảo Java của Indonesia, một phần trong nỗ lực độc lập về sản xuất vũ khí. Kế hoạch sản xuất chung phi đạn này lần đầu nói tới là tháng 7-2012, và tiếp tục khi Ngoại Trưởng TQ Dương Khiết Trì thăm Jakarta tuần trước. Bộ Quốc Phòng Indonesia xác nhận hợp đồng sản xuất phi đạn sẽ ký giữa Indonesia và TQ vào tháng 3-2013, theo tin của báo Chosun Ilbo.

Michael Tene, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Indonesia, nói hợp tác này là một phần trong mục tiêu lớn hơn để tăng khả năng quân sự Indonesia.

Tene nói: “Chắc chắn rằng chúng tôi đang kết thân với tất cả các nước thân hữu để mở rộng khả năng quốc phòng, không chỉ xuyên qua mua vũ khí mà còn đầu tư chung, sản xuất chung để mở rộng khả năng xây dựng kỹ nghệ quốc phòng, và dĩ nhiên cùng với Trung Quốc, chúng tôi có nhiều hợp tác để xây dựng các kỹ nghệ của chúng tôi trong lĩnh vực này.”

Phi đạn này có tầm bắn 120 km. Bộ Quốc Phòng Indonesia nói chuyện sản xuất phi đạn với giúp sức của TQ không liên hệ gì chuyện tranh chấp chủ quyền các vùng biển.

Yohanes Sulaiman, nhà phân tích quốc phòng ở Đại Học Indonesia, nói Indonesia đang tìm thương lượng tốt nhất và cũng vì quan ngại với Mỹ: “Nếu có chuyện bất trắc ở Papua, Mỹ lại chơi thêm một màn cấm vận quân sự khác, thì chúng tôi kẹt quá. Đó là lý do vì sao Indonesia phải mở rộng quan hệ, đặc biệt với TQ, làm nơi cung cấp vũ khí.”

Cần nhắc rằng, Mỹ đã cấm vận quân sự Indonesia 6 năm kể từ 1999 sau khi Indonesia vi phạm nhân quyền táo bạo ở Đông Timor.

Sulaiman nói nhiều tướng Indonesia lo ngại cáo buộc vi phạm nhân quyền ở vùng Tây Papua có thể làm Mỹ đưa thêm một đợt cấm vận mới.

Indonesia đã xài 15.8 tỷ đôla từ năm 2010 tới 2014 để hiện đại hóa vũ khí, và hiện mua vũ khí từ Nam Hàn, Nga, Đức và Anh, và mua chiến đấu cơ F-16 từ Mỹ.

Hãy hình dung, vào tháng 9-2012, đột ngột Trung Quốc lấy cớ bảo vệ ghe cá TQ, đưa quân đổ bộ các đảo Trường Sa còn lại của Việt Nam, chuyện gì sẽ xảy ra?

Hoa Kỳ sẽ thấy rằng đó là chuyện nội bộ giữa các nước xã hội chủ nghĩa, khi thằng anh tát tai thằng em, không dính gì tới chuyện biển xa nghìn dặm? Thế giới rồi cũng sẽ im lặng như năm 1988, khi hải quân TQ tấn công Johnson South Reef (VN gọi là: Gạc Ma: Tàu gọi là: Chigua Jiao) và đảo Collins Reef (VN gọi là Đá Cô Lin; Tàu gọi là Guihuan Jiao) trong nhóm quần đảo Trường Sa?

Khi đó, ASEAN sẽ nói gì? Hoa Kỳ từ bây giờ tới tháng 11-2012 là đang lên cơn sốt tranh cử Tổng Thống, sẽ lớn tiếng nói là miễn sao cho đường hải hành đừng bị cản trở. Khối ASEAN, với thúc giục của Cam Bốt và Indonesia, sẽ nói là xin các bên ngưng bắn để nói chuyện ngoaị giao.

Hà Nội sẽ kêu gọi Việt Kiều hỗ trợ bằng cách vận động dư luận quốc tế, và cho biết sẽ ân xá nhiều nhà hoạt động nhân quyền, hứa sẽ trả tự do sớm cho Cù Huy Hà Vũ, Điều Cày, vân vân.

Có cách nào khác nữa không? Hay rồi Hà Nội sẽ lại nói, thôi thì đành lưu giữ hồ sơ, để cho con cháu thế hệ sau đòi lại các đảo?

Ai dám nói rằng, Cam Bốt và Indonesia sẽ không bán đứng ASEAN?






No comments:

Post a Comment

View My Stats