Sunday 5 August 2012

"HOMECOMING" (Lê Phan)




Lê Phan

Năm 2008, tại Thế Vận Hội Bắc Kinh, đô trưởng Boris Johnson của Luân Ðôn nhắc nhở thế giới “Ping-pong được phát minh trên những bàn ăn ở Anh Quốc vào thế kỷ thứ 19. Nó được gọi là 'wiff waff'.
Và ngay từ điều này quí vị đã thấy khác biệt căn bản giữa chúng tôi và phần còn lại của thế giới. Những quốc gia khác, người Pháp chẳng hạn, nhìn vào bàn ăn thì thấy cơ hội để ăn tiệc. Chúng tôi nhìn vào bàn ăn thì thấy cơ hội để chơi wiff waff. Và đó là lý do tại sao Luân Ðôn là thủ đô thể thao của thế giới. Và tôi xin loan báo với nhân dân Trung Quốc, và tôi xin loan báo với toàn thể thế giới: Ping-pong sẽ về nhà. Thể dục sẽ về nhà. Thể thao sẽ trở lại quê hương của nó.”



Ông đô trưởng đầu xù của Luân Ðôn là một con người lý thú. Ông thích chọc cười thiên hạ và thường làm ra cái vẻ là một anh hề, nhưng ông là một chính trị gia lão thành và là một nhà viết bình luận sắc bén. Và chính vì thế, ông đã nhìn thấy ngay sự chính đáng của việc Luân Ðôn chủ trì thế vận hội lần thứ ba. Chưa có một thành phố nào trên thế giới có cái vinh dự đó. Nhưng vinh dự đó đến từ vị thế của Luân Ðôn. Nếu Athens là ngôi nhà truyền thống của thế vận hội, nơi mà trong những năm từ 778 trước Công Nguyên, người Hy Lạp đã tổ chức vận động hội đầu tiên. Nhưng thế vận hội của thời hiện đại như chúng ta thấy ngày nay, phát xuất từ đảo quốc nhiều mưa này.

Sự thực là trong ba lần đứng ra tổ chức vận động hội toàn cầu, những thế vận hội Luân Ðôn quả đã thực hiện một di sản, di sản của những trò chơi mà người Anh đã phát triển và hệ thống hóa trong thế kỷ thứ 19 mà nay đang tràn đầy lịch thi đấu của thế vận hội.

Không tin xin cứ liếc nhìn thử chương trình của vận động hội, những môn thể thao mà Anh Quốc đã hệ thống hóa, hay có ảnh hưởng tràn đầy. Từ các môn điền kinh, bơi lội, quyền anh, chèo thuyền, bơi thuyền buồm, đến đá banh, badminton, quần vợt và ngay cả bóng bàn, vốn là môn đã cung cấp cho ông Johnson đề tài để chọc cười thiên hạ nhưng cũng ngầm giấu một niềm tự hào của nhà quý tộc trong so sánh với kẻ “giàu nổi” Bắc Kinh.

Nhưng không phải chỉ ở các môn thể thao mà thế vận hội của thời hiện đại chịu ảnh hưởng của người Anh. Ngay cả cái gọi là tinh thần thế vận, trong một liên hệ luẩn quẩn, cũng đã phát xuất từ Anh. Khi một ông bá tước người Pháp đi tìm một phương thức để thúc đẩy quốc gia mình, cũng như một động cơ cho tham vọng của mình, ông đã tìm đến Anh Quốc.

Bá Tước Pierre de Coubertin, người vẫn còn mang mặc cảm của việc Pháp thua trận trong cuộc chiến tranh Pháp Phổ năm 1871, tin là người Pháp cần phải khỏe mạnh hơn. Cũng như nhiều người thuộc thế hệ của ông, ông đã say mê nền giáo dục Anh sau khi đọc cuốn tiểu thuyết “Tom Brown's School Days,” mà ông đọc bản dịch 20 năm sau khi cuốn sách ra đời.

Cuốn sách, mà thời đó là một best seller quốc tế, lý tưởng hóa những ngày mà tác giả cuốn sách, Thomas Hughes, trải qua ở trường Rugby, dưới sự hướng dẫn của ông hiệu trưởng Thomas Arnold. Rugby là một trường tư (mà người Anh gọi là trường công để phân biệt với trường chính phủ) nổi tiếng của Anh Quốc, ngang hàng với Eton hay Harrow. Bá tước de Courbetin đã nhiều lần đến thăm Rugby và đã có lần ở lại suốt đêm ở nhà thờ của trường kế bên ngôi mộ của ông hiệu trưởng Arnold. Ông bảo là ông đã nằm mơ thấy “nền tảng” của Ðế Quốc Anh.

Có điều ông hiệu trưởng Arnold thực ra không chú ý bao nhiêu đến thể thao. Nhưng quả là vào giai đoạn đó ở Anh đang rất thịnh hành phong trào “Ki-tô-giáo lực lưỡng” vốn nhấn mạnh đến các trò chơi thể thao và tinh thần fair play như là phương thức để uốn nắn thế hệ tương lai cho việc bảo vệ đế quốc.

Lúc đó, có một dư luận khá đông những nhà trí thức Pháp tin là một trong những lý do của sự thành công của Anh Quốc chính là vì các trò chơi thể dục được sử dụng như là một hình thức giáo dục, ở cả trong giới lãnh đạo cũng như trong quần chúng. Họ tin là thể thao đã giúp cho Anh Quốc nhồi những giá trị đạo đức đúng cho toàn dân ở mọi tầng lớp. Trong số những người này có Bá Tước Coubertin.

Lord Coe, một cựu huy chương vàng thế vận và là chủ tịch Ủy Ban Tổ Chức Thế Vận Hội Luân Ðôn, thường hay đọc bài thơ từ thế kỷ thứ 19 của Henry Newbolt tả lại một cậu học sinh Anh chơi cricket (một hình thức baseball, hay đúng hơn theo người Anh, là nguồn gốc của baseball), lớn lên đi đánh trận ở những vùng đất xa xôi và tiếng hô xung phong là điệp khúc “Play up! Play up! And play the game! (Chơi đi! Chơi đi! Và chơi trò chơi đi).

Bài thơ đó đại khái như sau “Giòng sông của sự chết đã vượt bờ, Và ở xa nước Anh, và vinh danh tên bạn, Vang lên tiếng hô thúc trận của một câu bé học sinh: Play up! Play up! And play the game!” Theo Lord Sebastian Coe, sự phát triển của đế quốc, việc chế ra những trò chơi thể thao này, việc hệ thống hóa các trò chơi thể thao này, và rồi sự bành trướng của những môn thể thao này, đã xảy ra trong một giai đoạn chỉ có 20 đến 30 năm.

Ðiều đáng ngạc nhiên là tại sao người Anh đã không đứng ra tổ chức một Olympic trước, mà lại để cho một người Pháp làm việc này.

Thực ra người Anh đã bắt đầu trước. Từ đầu thế kỷ thứ 17, ông Robert Dover đã bắt đầu một vận động hội có tên là “The Cotswold Olimpick Games”. Olimpick của ông Dover hiếu chiến hơn, với đánh kiếm là một trong những trò chơi quan trọng. Từ đó vận hội này được có lúc được tổ chức, có lúc không, cho đến khi được phục hưng thời thập niên 1950 và từ năm 1966, được tổ chức hàng năm.

Ông Coubertin có lẽ chưa bao giờ nghe thấy vận hội trên, nhưng ông có biết đến vận hội Wenlock Olympian Society, bắt đầu vào năm 1850 bởi một ông bác sĩ tên là William Penny Brookes ở một ngôi làng nhỏ ở Shropshire có cái tên khá kỳ cục là Much Wenlock. Vận hội này có khá nhiều trò kể cả điền kinh cũng như các cuộc thi nghệ thuật không mấy khác thế vận hội nghệ thuật hiện nay. Kẻ thắng ở Much Wenlock được đội vòng nguyệt quế. Nhưng vận hội này không bao giờ lan ra quốc tế. Ông Coubertin có đến thăm và ở lại bàn chuyện với ông Brookes.

Khi được hỏi tại sao Anh Quốc không mở rộng trò chơi này thành trò chơi quốc tế, Giáo Sư Tony Collins, chuyên về sử thể thao, giải thích là nhân sinh quan của người Anh trong giai đoạn đó thu hẹp trong đế quốc Anh. Với một đế quốc nơi “mặt trời không bao giờ lặn”, Anh đã tổ chức những cuộc thi đấu thể thao với các phần của đế quốc đó. Năm 1911, Luân Ðôn đã ăn mừng lễ đăng quang của Vua George V với một “Lễ hội của đế quốc”. Nhưng phải đến năm 1930 thì Vận hội Ðế quốc (Empire Games) mới bắt đầu ở Canada, và nó đã biến dạng thành Commonwealth Games (Vận hội của Khối thịnh vương chung Anh), vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Bá Tước Coubertin, có lẽ trong truyền thống thích vĩ đại của nước Pháp, đã đứng ra tổ chức vận hội toàn cầu. Ông đã lấy những “sáng kiến” của người Anh về sự quan trọng của thể thao, giá trị đạo đức của nó, sự quan trọng của quy chế tài tử và phát triển nó thành một triết lý quốc tế. Và ông đã tung ra thế vận hội đầu tiên ở Athens năm 1896.

Nhưng năm 1994, ông Juan Antonio Samaranch, lúc đó là chủ tịch Ủy ban Thế vận Quốc tế, đã tìm đến Much Wenlock, nơi mà hàng năm vẫn còn tổ chức vận hội, để đặt vòng hoa ở ngôi mộ của ông Brooke. Ông giải thích là ông muốn tưởng nhớ đến người thực sự là “kẻ sáng tạo ra vận hội hiện đại”.

Và đó cũng là lý do tại sao trong hai con “mascot” của Luân Ðôn 2012 lại có một con tên là Wenlock. Bởi điều mà Ủy Ban Thế Vận Luân Ðôn muốn khẳng định là tuy Hy Lạp có thể là nơi phát xuất của phong trào Olympics nhưng Anh Quốc mới chính là nền tảng của vận động hội thời hiện đại.

Và chính vì thế năm nay, Luân Ðôn, nơi đã từng tổ chức Olympic năm 1908 và 1948, là thành phố đầu tiên ba lần chính thức tổ chức Olympics Mùa Hè của thời hiện đại.  








No comments:

Post a Comment

View My Stats