Tuesday 21 August 2012

HIỆP ĐỊNH TPP ĐANG TỪNG BƯỚC TRỞ THÀNH HIỆN THỰC (VOA)




VOA
20.08.2012

* Bài xã luận "Hiệp định TPP đang từng bước trở thành hiện thực" phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ

Hoa Kỳ và các quốc gia thành viên khác trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương - gọi tắt là TPP, đang đạt tiến bộ đáng kể hướng tới việc ký kết một thỏa thuận thương mại toàn diện. Ðó là phát biểu của Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, ông Demetrios Marantis, mới đây tại thủ đô Washington.

Singapore, New Zealand, Chile và Brunei đã hoàn tất một thỏa thuận có tiêu chuẩn cao hồi năm 2006, nay là nền tảng cho hiệp định TPP. Các nước này cũng đang tìm cách mở rộng thỏa thuận này, với sự tham gia của Hoa Kỳ, vốn gia nhập TPP hồi cuối năm 2009, và các nước khác là Australia, Malaysia, Peru và Việt Nam.

Mexico và Canada cũng được mời tham gia và sẽ sớm mở các cuộc thương thuyết về vấn đề này.

Hiệp định thương mại đang được thương thuyết có mục đích hỗ trợ việc kiến tạo và duy trì công ăn việc làm trong các nước thuộc Đối tác xuyên Thái Bình Dương, tăng cường quan hệ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và cuối cùng tạo ra một khu vực tự do thương mại khu vực.

Đại sứ Marantis lưu ý rằng, thông qua thỏa thuận này, Hoa Kỳ đang tìm cách thiết lập các tiêu chuẩn thương mại đầy tham vọng, kể cả bảo đảm các quyền của người lao động và bảo vệ môi trường.

Trước khi bước vào vòng đàm phán thứ 14, được tổ chức từ ngày 6 tới ngày 15 tháng 9 tại Leesburg, bang Virginia, các nước thuộc đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ tiếp tục làm việc để phát triển một thỏa thuận toàn diện bao gồm không những các hoạt động trao đổi hàng hóa, mà còn các dịch vụ truyền thống và các dịch vụ mới xuất hiện. Ngoài ra, các nước đối tác sẽ tập trung giải quyết các rào cản thương mại phi thuế quan và nhiều vấn đề khác, đồng thời cổ vũ cho sự trong sáng và tính mạch lạc của các quy định.

Các nước thành viên TPP cũng sẽ tập trung vào nỗ lực làm thế nào để giúp các doanh nghiệp cỡ nhỏ và cỡ trung hội nhập tốt hơn vào nền thương mại toàn cầu.

Đại sứ Marantis mô tả các doanh nghiệp cỡ nhỏ và cỡ trung là "xương sống của nền kinh tế", nguồn chính yếu tạo ra việc làm ở Hoa Kỳ và quy tụ các nhà xuất khẩu lớn nhất nước Mỹ. Ðại sứ Marantis nói sự tham gia của các doanh nghiệp vừa kể vào các hoạt động thương mại khu vực theo tinh thần thỏa thuận TPP sẽ tăng đáng kể giá trị thương mại cho tất cả các đối tác.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương –TPP, sẽ thương thuyết về các vấn đề mới mà các doanh nghiệp và người lao động phải đối mặt trong thời đại kỹ thuật số.

Hoa Kỳ đang tìm cách bảo đảm thông tin được luân lưu tự do trên Internet và buộc các quốc gia phải cân bằng giữa bảo vệ bản quyền và quyền sử dụng thông tin một cách công bằng để tường thuật tin tức, nghiên cứu và học hỏi.

Hoa Kỳ đã đưa ra một đề nghị để bảo tồn môi sinh, và tìm cách giải quyết vấn đề liên quan tới các hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã, khai thác gỗ và thủy sản, lần đầu tiên vấn đề bảo tồn môi sinh được gộp vào một thỏa thuận thương mại.

Đại sứ Marantis nói: "Chúng tôi đang đi đúng hướng để biến Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương thành hiện thực", một thỏa thuận đạt tiêu chuẩn cao, một thỏa thuận của thế kỷ 21, sẽ được dùng làm nền tảng cho nỗ lực hội nhập khu vực trong vùng châu Á-Thái Bình Dương."




No comments:

Post a Comment

View My Stats