Wednesday, 22 August 2012

HỆ LỤY CHÍNH TRỊ CỦA VIỆC BẮT BẦU KIÊN ? (Stephen Norris - BBC)




Stephen Norris
Chuyên gia phân tích - Control Risks Group
Cập nhật: 10:14 GMT - thứ tư, 22 tháng 8, 2012

Hiện vẫn còn sớm để đưa ra kết luận rõ ràng nào về chuyện có động cơ chính trị nào đằng sau vụ bắt ông Nguyễn Đức Kiên dựa vào những thông tin ít ỏi đang được cung cấp nhỏ giọt.

Nếu chúng ta nhìn vào tiểu sử của ông, hay những gì chúng ta biết về tiểu sử đó, ông Kiên không phải là người xa lạ với các tranh cãi.

Ông đã bị cáo buộc về những vụ làm ăn mờ ám trong quá khứ và đã bất đồng với nhiều cá nhân và tổ chức có quyền lực.

Do vậy có khả năng ông Kiên đã chọc vào ai đó có quan hệ ở cấp cao và vụ này không liên quan trực tiếp tới chính trị hay quan hệ của ông với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Mặc dù vậy, các cáo buộc hiện tại có vẻ khá nhẹ và cách bắt giữ ông khá đáng ngạc nhiên và bởi vậy cách giải thích hợp lý hơn có thể là ông Kiên là nạn nhân của cố gắng nhằm làm suy yếu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Ông Kiên có liên hệ với Thủ tướng và một số nguồn nói rằng ông là một trong số những người giàu có nằm ngoài chính phủ làm ăn với các cộng sự của Thủ tướng trong nhiều dự án lớn, kể cả một số dự án gây tranh cãi, bao gồm cả các hoạt động sáp nhập trong ngành ngân hàng.

Người ta cũng đồn rằng vụ bắt giữ ông đã được giữ bí mật tới phút chót và một phần của bộ máy an ninh và các bộ trưởng nội các có quan hệ với Thủ tướng đã không được thông báo nhằm tránh sự can thiệp vào quá trình bắt giữ.

Nếu đúng vậy, người thông qua vụ bắt giữ có lẽ muốn đạt được hai mục tiêu:
1. Tìm thấy tì vết của ông Kiên có liên quan tới Thủ tướng hay gia đình ông và dùng nó để hạ uy tín của ông Dũng, vốn đã bị hoen ố sau vụ scandal Vinashin và hoạt động yếu kém của khu vực doanh nghiệp nhà nước nói chung. Nếu các đối thủ có thể biến ông Dũng thành biểu tượng của tham nhũng, họ có thể toan đẩy ông khỏi ghế thủ tướng và lấy lại tính chính danh đã hoen ố của Đảng Cộng sản trong việc chống tham nhũng.

2. Ngăn cản những nhân vật giàu có từ khu vực tư - và thậm chí cả chính trị gia - có liên hệ với ông Dũng bằng cách cho thấy rủi ro của mối quan hệ và như thế giảm được quyền lực và ảnh hưởng của ông Dũng.

Trong tình huống này, vụ bắt ông Kiên có thể được xem là diễn biến mới nhất trong cuộc tranh giành quyền lực giữa Thủ tướng Dũng và các đối thủ đứng đầu Đảng Cộng sản, một cuộc chiến mà việc dùng các cuộc điều tra tham nhũng để loại bỏ đồng minh của đối phương và sử dụng truyền thông nội địa một cách chiến thuật là chuyện không có gì xa lạ.

Thỏa hiệp mới

Chỉ riêng vụ bắt ông Kiên không thôi có lẽ không báo hiệu sự sụp đổ nhanh chóng của ông Thủ tướng.
Điều đáng quan sát là sau ông Kiên liệu có thêm các vụ bắt giữ nào trong những tuần/tháng tới đây hay vụ ông Kiên chỉ được dùng như cây gậy mà các đối thủ của Thủ tướng dùng để buộc ông bỏ bớt quyền lực.

Khả năng thứ hai này có vẻ hợp lý hơn và có lẽ sẽ lại có một đơn thỏa hiệp mới trong đó Thủ tướng chuyển một số quyền uy cho đối thủ nhưng vẫn tại nhiệm.

Các đối thủ của ông có lẽ không đủ số đông trong Bộ Chính trị để buộc ông ra đi hoặc không có người sẵn sàng thay thế. Trước mắt có nhiều khả năng ông Dũng vẫn tại nhiệm.

Cuộc đấu đá nội bộ này chắc chắn có ảnh hưởng tới tình hình kinh tế, chủ yếu vì những tranh cãi chính xoay quanh việc làm sạch hệ thống ngân hàng nợ nần chồng chất cũng như cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Việc cải cách ngân hàng đã bị trì hoãn từ lâu, nhiều hạn chót đã bị lỡ và nó cho thấy sự thiếu nhất quán trong chính sách kinh tế vĩ mô vốn gây ra tình trạng khó vay vốn và ảnh hưởng tới các doanh nghiệp tư nhân.

Vụ bắt ông Kiên có vẻ phát tín hiệu cho thấy hiện vẫn chưa có sự đồng thuận trong số các lãnh đạo cao cấp về cách giải quyết vấn đề trong hệ thống ngân hàng (và cải cách kinh tế nói chung) và kết quả sẽ là bất ổn về chính sách kinh tế trong tương lai.

Bài viết gửi BBC của tác giả đang làm việc ở Singapore cho một công ty tư vấn rủi ro về chính trị và an ninh.






No comments:

Post a Comment

View My Stats