Đào
Tuấn
thực hiện
12/08/2012
Nhân 10
năm ngày Trung tướng và nhà văn hóa lỗi lạc Trần Độ từ trần, BVN xin đăng lại một bài phỏng vấn cũ
của Talawas với GS Nguyễn Huệ Chi vào năm 2002, trong đó ấn tượng về đám tang
Trần Độ là một phần trong cả chuỗi vấn đề thuộc đặc điểm, môi trường văn hoá
và con người Hà Nội mà tác giả khơi gợi, và thời cuộc hiện tại cho thấy,
đây vẫn là những vấn đề "nóng bỏng", hoặc càng nóng bỏng hơn của một
Hà Nội "xôi đỗ" trầm trọng hôm nay (so với bài viết cũ, tác giả có bổ
sung ít nhiều ngay sau khi công bố). Ngoài bài viết này, chúng tôi cũng xin
đăng bài thơ tưởng nhớ Trần Độ của học giả Hà sĩ Phu cùng với một tấm ảnh kỷ
niệm những ngày Trần Độ ghé thăm các sĩ phu Đà Lạt.
Trân
trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Bauxite Việt Nam
------------------------------------------------
Trong mỗi
chúng ta có một Hà Nội: Hà Nội của chốn phồn hoa, của lịch sử rêu phong, của
văn hóa kinh thành, của băm sáu phố phường, của Thạch Lam, của một thời đạn
bom, của Nguyễn Tuân, Vũ Bằng hay Bùi Xuân Phái, của huyền thoại và hoài cổ,
của những biểu tượng chính trị luôn gắn liền với thủ đô.
Hà Nội sắp đi qua mười thế kỷ. Từ nay đến năm kỷ niệm, 2010, lòng hoài niệm về những Hà Nội xưa có lẽ còn đủ thời gian để tự chăm chút, nhưng chính Hà Nội của ngày hôm nay lại đang biến đổi nhanh hơn bất kì thời điểm nào trong quá khứ, với bộn bề câu hỏi cần tìm kiếm câu trả lời. YoHanoi mong muốn đi tìm câu trả lời ấy, và nhất là muốn dành cuộc tìm kiếm này cho những người còn rất trẻ.
Talawas
04.11.02
Hà Nội sắp đi qua mười thế kỷ. Từ nay đến năm kỷ niệm, 2010, lòng hoài niệm về những Hà Nội xưa có lẽ còn đủ thời gian để tự chăm chút, nhưng chính Hà Nội của ngày hôm nay lại đang biến đổi nhanh hơn bất kì thời điểm nào trong quá khứ, với bộn bề câu hỏi cần tìm kiếm câu trả lời. YoHanoi mong muốn đi tìm câu trả lời ấy, và nhất là muốn dành cuộc tìm kiếm này cho những người còn rất trẻ.
Talawas
04.11.02
------------------------------------------------------
Đào Tuấn (ĐT):
Thưa Giáo sư, nhiều người nói rằng bây giờ "toàn nhà quê" ra Hà
Nội. Nhưng đó vốn là chuyện bình thường, vì Hà Nội là nơi quần anh tụ hội.
Nguyễn
Huệ Chi (NHC):
Và thanh lọc, quy luật của một trung tâm là thế. Bao giờ cũng là các nơi hội tụ
về và thanh lọc đi, cuối cùng những gì lắng đọng lại chính là Hà Nội.
ĐT: Chắc sẽ không có khái niệm người Hà Nội theo nghĩa thâm niên
sống ở thủ đô. Ví dụ như ông Nguyễn Du và bà Hồ Xuân Hương. Họ không sinh
trưởng ở Thăng Long nhưng chính môi trường văn hóa Thăng Long đã nuôi dưỡng và
phát triển tài năng của họ. Một tài năng thực sự phải đứng được ở Thăng Long,
phải được Thăng Long công nhận, bằng không sẽ bị đào thải như Giáo sư vừa nói.
NHC: Đó là chuyện bình thường. Tuy nhiên, trong những giai đoạn có
xáo động lớn như mấy thập kỷ lại đây, sự thay đổi dân số cơ học tại Thăng Long
có làm vợi bớt đi những tính cách được kết tinh từ lâu đời và đưa vào những
tính cách chưa thật hoàn hảo, chưa thật đẹp. Những cái như thế thay thế nhau một
cách khiên cưỡng, không theo quy luật, và để lại trong lòng những người vốn gắn
bó với Hà Nội xa xưa một nỗi luyến tiếc - nỗi luyến tiếc ấy là rất chính đáng.
Nhưng cũng phải thấy rằng, trong diễn tiến bình thường, đời sống vẫn luôn luôn
có bổ sung, thay đổi. Và trong những khoảnh khắc lịch sử không bình thường, sự
chuyển biến về chất của những tính cách Hà Nội vốn đã được quan niệm, được nhận
thức hay đã đi vào tiềm thức cũng là điều dễ thấy. Tiếc là thời buổi xáo động
này đã làm mất đi nhiều tinh hoa, trong đó có tinh hoa của tính cách.
ĐT: Luyến tiếc nhưng không phải là lo ngại?
NHC: Đúng! Không phải lo ngại vì thực ra một trung tâm lớn vẫn có khả
năng bao chứa hết mọi thứ. Sau một thời gian rất dài tự nó lại thanh lọc trở
lại. Những cái không có quy luật phải vào lại quy luật. Tinh hoa sẽ còn lại,
phù phiếm sẽ mất đi. Hà Nội là thế. Văn hóa Thăng Long chính là sự bồi đắp từ
thế hệ này qua thế hệ nọ để trở thành một cái gì, và là cái luôn luôn vận động
chứ không đứng im. Nếu anh quan niệm cái đó là cái đứng im và chỉ có như thế
thì đó là sự không hoàn thiện. Thăng Long không phải là một "động
hình" cứ thế mãi trong tâm trí bất cứ người nào.
ĐT: Giáo sư có thấy những con đường của Hà Nội thật đặc biệt
không?
NHC: Những con đường tĩnh lặng của Hà Nội giúp ta chiêm nghiệm về
cuộc sống và tự mình hướng nội. Những con đường ấy cứu vớt mình. Nó cho mình
trở lại sự hồn toàn, trở lại chính là mình. Cách đây mấy năm tôi có gặp một
người bạn Hà Lan vừa chân ướt chân ráo đến Hà Nội. Anh ta cứ xuýt xoa rằng Hà
Nội mới thực là Việt Nam, Hà Nội mới đầy đủ là Phương Đông. Tôi nói là Sài Gòn
rất đẹp, có những góc phố lộng lẫy như ở Paris vậy. Anh ta nói Sài Gòn không là
cái gì cả, có đến Hà Nội mới đích thực gặp được Việt Nam.
ĐT: Phải chăng khi đi trên những con đường của Hà Nội, đường Phan
Đình Phùng, đường Nguyễn Du, đường Thanh Niên... ông ấy cảm nhận được cuộc sống
của mình và của những người khác. Đó chính là Hà Nội, là Á Đông. Đi dưới những
con đường lung linh ánh đèn, những ngôi nhà vút cao với rất nhiều biển quảng
cáo, người ta không thể cảm nhận thấy mình, thiên nhiên đất trời như không phải
của mình nữa thì chắc không phải là Á Đông, là Hà Nội.
NHC: Triết lý Á Đông là cuộc sống phải hòa hợp với tự nhiên. Mỗi
người là một tiểu vũ trụ hài hòa trong đại vũ trụ. Chính thiên nhiên Hà Nội
giúp người ta hòa hợp một cách dễ dàng cái tôi chủ thể với bản thể vũ trụ huyền
bí và mênh mông. Tự thân mình trong môi trường ấy đã có sự hòa hợp rồi. Ở Sài
Gòn mình khó tìm thấy sự hòa hợp đó. Tất nhiên là Sài Gòn rất đẹp - đấy là một
thành phố lớn với những tiềm năng hơn đâu hết để sớm trở thành một thành phố
hiện đại; nhưng Sài Gòn khác với Hà Nội. Đi giữa Sài Gòn mình có cái bồn chồn
của một doanh nhân đi tìm mối hàng, hay đi tìm quán nhậu, còn đi giữa Hà Nội tự
nhiên ta thư thái như một lãng tử. Ngồi ở một góc nào đấy tại Hà Nội là có thể
nghĩ về đất trời, về tất cả mọi thứ và quên đi xung quanh mà không cần phải có
một cố gắng nào hết. Hà Nội vẫn giữ được những cái đó. Nhưng mấy chục năm nay
người ta đã phá hoại quá nhiều môi trường sinh thái văn hóa tự nhiên lắng đọng
từ hàng nghìn năm. Hà Nội bây giờ cũng bươn chải, đua chen một cách ghê gớm.
Phải giữ cho được môi trường Hà Nội để mình tìm được sự hài hòa giữa mình với
thiên nhiên, giữa mình với đại vũ trụ. Đây cũng là nhiệm vụ cấp bách của tầng
lớp trí thức. Chỉ có trí thức mới có nhu cầu giải tỏa mình bằng cách tắm mình
vào thiên nhiên như vậy. Người dân thường mà lấn được Hồ Tây kiếm chỗ bán hàng
thì họ lấn ngay. Kể cả quan chức cũng ít cần thiên nhiên (tất nhiên họ có thiên
nhiên của riêng họ, mênh mông là khác, nhưng hình như họ không nghĩ đến thiên
nhiên của cả cộng đồng). May mà dự án thủy cung Thăng Long thất bại chứ không
Hồ Tây cũng đã bị xâm hại rồi. Chỉ anh trí thức mới nhận thấy cái Hồ Tây này là
quan thiết tới vận mệnh dân tộc cả về sau này nữa. "Đứng cạnh Hồ Tây có
thể quên được trời đất". Đó là lời của ông Tham tán văn hóa Đại sứ quán
Phần Lan tại Việt Nam Pauli Mustonen nói với tôi trong buổi tối chia tay với ông,
một buổi tối Hồ Tây mù sương. Nhưng sau một lúc ngẫm nghĩ ông ấy nói thêm:
"Không biết khi tôi có dịp sang lại Việt Nam thì Hồ Tây có còn là Hồ Tây
như bây giờ hay không". Nghe câu nói ấy chúng tôi đều trầm hẳn xuống và
man mác buồn. Tính lại, từ đó đến nay, đã lại liên tiếp xẩy ra các vụ bán chác
hoặc toan tính bán chác ở mấy Công viên Thống Nhất, Công viên Thủ Lệ, Công viên
Tuổi trẻ, Công viên Yên Sở... Không hiểu sao người ta không nghĩ đến những Thủ
đô lâu đời như Paris, bao nhiêu công viên mênh mông mà có một đời Thị trưởng
nào trong mấy trăm năm qua dám mưu toan cắt xén gì đâu, thế mà Hà Nội của mình
có vài khoảng xanh tí tẹo cứ động một tí là lăm lăm xoay xở. Kỳ quặc quá!
ĐT: Một tờ tạp chí xuất bản ở Hà Nội giải thích hai chữ thanh
lịch của người Hà Nội thế này: Chữ "thanh" trong thanh lịch là thanh
tao, thanh tịnh, thanh nhã, thanh đạm, thanh khiết... Chữ "lịch" là
lịch lãm, lịch thiệp, lịch duyệt, lịch các kiểu, miễn có nghĩa đẹp là được. Có
đúng thế không?
NHC: Đó chỉ là suy nguyên về mặt ngôn từ thôi, còn muốn hiểu thanh
lịch của người Tràng An thực sự thì phải hiểu từ bản chất. Thanh lịch nên được
hiểu nôm na là "nền nã" thì đúng hơn. Tràng An là nơi hội tụ của bốn
phương đất nước sớm nhất trong lịch sử và đã trải qua gần mười thế kỷ. Chính
chiều dày lịch sử đó đã tạo nên con người với một sự ứng xử thế nào cho đẹp và
quan trọng là có được cái ý thức về sự tự do. Xã hội Tràng An nổi bật
lên vì trong cả một cái biển mênh mông là nông thôn và làng mạc với tư tưởng
tiểu nông và nền dân chủ công xã "cá đối bằng đầu", bên trên thì rất
sợ mấy ông chánh phó lý, không làm gì có sự tự do - giới hạn trong cái gọi là
được mặc sức làm ăn sinh sống. Khi anh ra đến môi trường Hà Nội với các nghề
thủ công và buôn bán, với các phường hội, anh bắt đầu cảm nhận được vòng dây
trói bấy lâu thít chặt nay đã nới lỏng ra ít nhiều. Anh bắt đầu có chút tự do,
được cải tiến nghề nghiệp và cạnh tranh với người khác để tăng tiến trong nghề,
nên trong ứng xử anh phải cố giữ cho được cái đó. Thế giới của những người thợ
thủ công và những người dân buôn bán còn có thêm ảo vọng về việc thoát khỏi cái
xiềng tập tục tư tưởng nào đấy mà nông thôn không thoát được. Thế nên càng phải
tôn trọng cái đó để xử sự cho đẹp, tôn trọng tự do của nhau. Những thói quen
mới ấy cứ được cố kết lại, đúc lại dần dần. Đồng thời thêm vào đó là học vấn,
là văn hóa; sự cư xử phù hợp với học vấn và văn hóa càng góp phần tạo ra nét
thanh lịch của Hà Nội.
ĐT: Nhưng hình như cái thanh lịch của người Hà Nội giờ đã khác
xưa lắm?
NHC: Hà Nội bây giờ mất thanh lịch đi nhiều. Sự tăng dân số một cách
cơ học quá nhanh và quá lớn như nói ở trên đã làm văn hóa truyền thống của Hà
Nội phai nhạt đi. Cấu trúc gia đình cũ của Hà Nội bị phá vỡ cũng là một nguyên
nhân quan trọng. Vào khoảng sau 1954, một ngôi nhà từ đời ông đời cha để lại bị
chia xẻ thành năm bảy cái nhà con, cho rất nhiều hộ từ đâu đâu về ở, khiến cho
ứng xử của họ không còn giống như khi ngôi nhà ấy còn là một biệt thự êm đềm,
trong đó có tôn ti, có nhường nhịn, có đi nhẹ nói khẽ nữa. Trật tự văn hóa đã thay
đổi. Để trở lại thanh lịch như mong muốn thì phải chờ thời gian xác lập lại
trật tự - hay đúng hơn là cấu trúc lại - cho hợp với quy luật. Không phải bằng
giáo dục một cách "nhân vi" mà được. Ngày xưa tôi thấy bố tôi nói,
người ta đi ngoài đường không nói những lời sỗ sàng, bây giờ thì chuyện ấy có
nhiều, nhất là với những người trẻ tuổi.
ĐT: Thỉnh thoảng trên đường thấy mấy thanh niên ăn mặc lịch sự
thế mà bỗng nhiên quay ngang nhổ toẹt một bãi nước bọt, rồi bình thản đi thẳng.
NHC: Khi tôi sang Tàu, tới thăm Di Hòa Viên và Thập Tam Lăng, người
các nơi đến tham quan đông nghìn nghịt, nhưng không ai vứt bừa bãi một tờ giấy
nào.
ĐT: Và họ không khạc nhổ theo thói quen Tàu nữa chứ? Họ đã bỏ
được thói quen khạc nhổ mấy nghìn năm.
NHC: Những việc họ làm được như thế khiến tôi nể và sợ. Nhưng ông anh
tôi là Giáo sư Từ Chi lại nói tưng tửng: Cậu đừng tưởng thế mà vội mừng. Ở nhà
mình tuy rằng thế nhưng còn có một khoảnh được là mình kia đấy. Cái "nhôm
nhoam" của mình chính là một chân trời để chúng ta còn nhâm nhi cuộc sống.
Còn để vào được khuôn phép, người Tàu đã phải sát phạt nhau ghê lắm, phải đổ
bao nhiêu máu từ không biết bao cuộc "đại cách mạng văn hóa" mới tạo
được thứ khuôn phép kia. Mà làm thế thì cái giá trả cho nó lớn biết bao nhiêu!
Như nước Nga 70 năm xây dựng CNXH đã dựng nên một nền văn hóa mà mình thấy cực
kỳ đẹp đấy, nhưng nó là "nhân vi" nên khi sụp đổ một cái thì bộ mặt
của nó trở nên ghê sợ biết chừng nào. Cô bạn tôi vừa từ Nga về kể rằng, người
nước ngoài, nhất là dân tóc đen như chúng ta, bây giờ đến Nga dễ bị bắt cóc như
chơi. Cái gì đã là "nhân vi" thì không phải là kết quả của sự diễn
tiến tự nhiên, tức là theo quy luật. Nó sẽ mất đi rất nhanh thôi. Trong bộ Tùy tưởng lục nhà văn Ba Kim cho biết, ở
tuổi gần đất xa trời của ông mà hễ cứ hồi tưởng lại suốt mười năm “văn cách”
(cách mạng văn hóa) ông vẫn thấy rùng mình sởn gáy, vì chưa ở đâu dưới gầm trời
này mà người trí thức bị buộc phải biến thành “bò” (vào chuồng bò), phải nhục
mạ tất cả những gì tâm huyết mình đã từng viết ra, và quan trọng hơn nữa là
phải tự thấy việc hủy hoại nhân cách và trí tuệ mình như thế là một “hạnh
phúc”, bởi nhờ có sự tận diệt ấy mới xây dựng được một thế giới hoàn hảo gọi là
chủ nghĩa xã hội (!!!). Tôi chỉ mong sao có một cơ chế biết thuận theo quy luật
tự nhiên để dân Hà Nội, dân Việt Nam được hưởng cái gọi là sự phát triển một
cách bình thường, hồn nhiên, để mà đi tới. Cái đó sẽ đẹp hơn là nhân vi. Với
nhân vi, anh cứ ép cho người ta một cái tốt đẹp nào đó theo ý anh mà người ta
không chấp nhận được thì rốt cuộc một thöù moâ hình “đẹp” giả tưởng ấy cũng
chẳng được lâu bền. Tuy thế, trong đời sống cũng cần có kỷ luật và nề nếp. Và
cũng phải thấy về nhiều phương diện, nhất là văn hóa nghệ thuật, Trung Hoa hiện
nay đã hết sức cởi mở mà mình chưa thể, hoặc chưa dám theo. Cứ đọc những tác
phẩm của lớp nhà văn sung sức ở nước họ như Trương Hiền Lượng, Giả Bình Ao,
Vương Sóc, Mạc Ngôn... và xem những bộ phim của Trần Khải Ca, Trương Nghệ Mưu
và một vài đạo diễn nổi tiếng của họ (chủ yếu là những bộ phim xem chui) là lại
cứ liên hệ đến mình rồi đỏ bừng cả mặt, không biết vì cơ chế hay vì lý do gì mà
văn chương chúng ta cứ lẹt đẹt, y như một thứ sản phẩm “đặt hàng” mà người đặt
cho có đặt chứ thâm tâm cũng không cần đến chúng. Phải nói từ thuở xa xưa cho
đến tận hôm nay, Trung Hoa bao giờ cũng chỉ là nơi dọc ngang của những vị Hoàng
đế (bên cạnh đám anh hùng thảo dã sống ngoài pháp luật). Chưa có cái gì gọi là
“dân chủ”, “tự do” đúng nghĩa ở mảnh đất “thiên triều” đó cả. Nhưng từ ngày cải
tổ, các vị Hoàng đế tân tiến đã biết nhắm tới lợi ích thật sự của đất nước họ -
việc dám công khai cho phép văn học nghệ thuật rời bỏ chức trách làm “cái đuôi”
cho chính trị cũng là vì lợi ích ấy.
ĐT: Còn văn hiến Thăng Long, thưa Giáo sư, chúng ta phải hình
dung thế nào về nó?
NHC: Muốn hình dung cái gọi là văn hiến Thăng Long thì trước hết phải
hiểu "văn hiến" là gì. Gần đây có một vị Viện sĩ định nghĩa văn hiến
là văn học để hiến dâng cho Đảng. Kể cũng là một cách hiểu không phải không
chân thành, xét từ lý thuyết "tiếp nhận". Tiếc rằng trong gốc gác của
nó, hai chữ "văn hiến" lại chẳng liên quan gì đến Đảng Cộng sản vì
hai chữ đó ra đời ở Trung Quốc trước khi Đảng Cộng sản Trung Quốc xuất hiện
hàng mấy nghìn năm. Có lẽ chữ "đảng" mà ông Viện sĩ nói đây là
"hương đảng" dưới thời Khổng Tử chăng. Hiểu thật vắn tắt thì
"văn hiến" bao gồm hai thành tố là điển tịch và hiền tài. Đó là hai
thành tố không tách rời nhau, làm nên bộ mặt văn hóa của một nước. Thăng Long
để lại một truyền thống văn chương sách vở không kém phong phú (ấy là so sánh
một cách tương đối trong kho tàng sách vở văn chương của cả nước), mặc dầu trải
qua các biến cố lịch sử cũng bị mất mát nhiều. Còn hiền tài thì đương nhiên
Thăng Long đời nào cũng có. Không thế đã không có mấy chữ "sĩ phu Bắc
Hà".
ĐT: Tính độc đáo của nền văn hóa Thăng Long nằm ở đâu? Có thể coi
văn hóa Thăng Long là đại diện cho nền văn hóa Bắc Hà được không?
NHC: Cũng có thể coi văn hóa Thăng Long là văn hóa Bắc Hà khi đất
nước mở rộng biên giới về phía Nam sông Gianh kể từ thời nhà Trần trở về sau,
và dần dần hình thành nên một khu vực dân cư rộng lớn cũng là một khu vực văn
hóa quan trọng có tên là văn hóa Nam Hà. Chia nhỏ ra thì Bắc Hà cũng có nhiều
tiểu khu vực văn hóa mang đặc trưng riêng như văn hóa Kinh Bắc, văn hóa Nghệ
Tĩnh v.v...; nhưng hình như có một hiện tượng xẩy ra từ rất sớm, là những tiểu
khu vực văn hóa này luôn luôn lấy Thăng Long làm điểm quy tụ để giao thoa,
xuyên thấm vào nhau; vì thế vô hình trung tinh hoa của những vùng văn hóa nói
trên đều góp phần bồi đắp cho văn hóa Thăng Long thêm rực rỡ. Hơn nữa, nếu bản
thân các thành tố văn hóa nói trên chưa được cọ xát, thanh lọc trong môi trường
Thăng Long thì trước sau chúng vẫn là một thứ văn hóa "mộc" hay văn
hóa "vườn" mà chưa được "đóng dấu" là văn hóa Đại Việt,
nghĩa là chưa nâng cấp vượt bực để trở thành những giá trị phổ biến và có sức
sống lâu bền. Ngược lại, văn hóa Thăng Long cũng không còn là một cái gì thuần
túy sản sinh trong lòng nó, mà nó mặc nhiên trở thành một dòng sông lớn tiếp
nhận nguồn nước của các con sông nhỏ chảy từ xứ Đông, xứ Đoài, xứ Bắc, và xứ
"trại" (Thanh, Nghệ, Tĩnh) để thay đổi lưu lượng và hoạt tính trong
chất nước của mình. Tuy nhiên, đó quyết không phải là một sự hỗn hợp - đó là cả
một quá trình lượng biến thành chất, khiến người Thăng Long như được uống một
thứ nước mới, có vị trong trẻo và đậm ngọt hơn hẳn. Tranh Hàng Trống không hơn
tranh Đông Hồ, chữ khắc và môtip trang trí trên bia đá một số ngôi chùa Hà Nội
không đẹp hơn chữ khắc và môtip trang trí trên bia đá nhiều ngôi chùa trong nước,
vì đó là sản phẩm của những địa phương đem so sánh với nhau. Nhưng tranh do
người Pháp thuê các họa sĩ dân gian bậc thầy tập trung ở Thăng Long vẽ đầu thế
kỷ XX thì đa dạng hơn tranh hai địa phương kia rất nhiều; chữ khắc và trang trí
trên bia đá ở Văn miếu lựa chọn đội ngũ thợ khắc có truyền thống lâu đời của
nhà nước phong kiến rõ ràng là sắc sảo chỉnh tề hơn chữ khắc và mô típ trang
trí trên những tấm bia ở nhiều nơi ta đã gặp; và Truyện Kiều gắn bó với
ngôn ngữ nghệ thuật Thăng Long và cả nước thì khác xa Thác lời trai phường
nón chỉ gắn bó với ngôn ngữ địa phương Nghệ Tĩnh, tuy đều là tác phẩm của
Nguyễn Du. Yếu tố bác học hóa được nâng lên rõ hơn, tính điển phạm cũng được
nâng lên rõ hơn. Cho nên cái độc đáo của văn hóa Thăng Long có lẽ nên nhìn ở ba
phương diện: 1. Kết tinh được các tố chất của nền văn minh châu thổ sông Hồng
trải dài trong lịch sử; 2. Thu hút được sự sống tươi rói từ mọi vùng miền để
thanh lọc những yếu tố già cỗi như một chu trình luân lưu không ngừng; 3. Được
hệ thống hóa và điển phạm hóa để trở nên cân đối hơn, nền nếp hơn, có bài bản
hơn.
ĐT: Chính nền văn hóa ấy đã sản sinh ra cốt cách sĩ phu Thăng
Long. Ai tiêu biểu cho cốt cách ấy? Lý Thường Kiệt được chăng?
NHC: Sĩ phu Thăng Long có mặt hay và mặt dở. Một mặt, họ được đào tạo
chu đáo về học vấn, về nhân cách nên phần lớn biết giữ phẩm chất người sĩ quân
tử. Về mặt ứng xử cá nhân có những người tỏ ra rất khí tiết. Nhưng mặt khác họ
lại gắn mình với bộ máy hành chính trung ương, là sự nối dài quyền lực của giai
cấp thống trị, nên cũng không ít người mang nặng tư tưởng bảo hoàng. Sống giữa
một nơi đô hội, lại là nơi tập trung tai mắt của triều đình, họ thường nhạy bén
với thời tiết chính trị, nhiều người có được một tầm nhìn khoáng đạt. Nhưng sự
trói buộc của cơ chế nhà nước đối với họ cũng trực tiếp hơn ở địa phương nên
nhiều người cũng lại cảm thấy rõ thân phận hèn mọn của mình. Đó là những mâu
thuẫn tồn tại thường xuyên trong bất kỳ một trí thức Thăng Long nào ở bất kỳ
thời nào. Lý Thường Kiệt cũng không ngoại lệ.
ĐT: Tháp Bút ở Hồ Gươm mang hàng chữ "tả thanh thiên"
của cụ Nguyễn Văn Siêu, một trong hai "bồ chữ" của thiên hạ. Không
biết cụ Nguyễn Văn Siêu do nghĩ nhiều quá, mong muốn nhiều quá mà không
làm được gì hay sao mà đành viết lên trời xanh như vậy?
NHC: Nguyễn Văn Siêu là hình ảnh lộn trái của Cao Bá Quát. Cao Bá
Quát có nói mấy câu đại khái thế này: "Một đêm tôi nằm ngủ bỗng nghe mùa
xuân đến phá tan cái rét cuối đông, sáng mai trở dậy thấy khắp nơi hoa nở thắm
rực. Tôi ước sao việc đời cũng giống như việc hoa, sau một cơn giông tố thế là
ở đâu non sông cũng đều đổi mới hết thảy". Cần phải có một cơn bão quét
sạch bụi bặm để đổi mới chóng vánh mọi cái cũ trên đời, đó là ý thức nung nấu
trong lòng Cao Bá Quát. Sĩ phu thuở ấy muốn gì? Muốn có một sự thay đổi và tất
cả như dồn lại trong tâm hồn nhà chí sĩ họ Cao. Cao Bá Quát chính là sự bột
phát nhãn kiến bén nhạy của sĩ phu Thăng Long. Nguyễn Văn Siêu thì không thế.
Mọi điều suy nghĩ ông đều nén lại trong lòng. Nén lại đến mức không còn tìm ra
lời giải cho những điều mình nghĩ. Không tìm ra, không biết hỏi ở đâu thì hỏi ở
trời xanh.
ĐT: Tại sao phải nén lại như vậy?
NHC: Họ là hai người bạn, cùng chí hướng nhưng tính cách có khác
nhau. Nguyễn Văn Siêu là một người nhẫn nhục chịu đựng, tự thấy những cái
ngưỡng không vượt được. Không vượt được cả chính mình. Ông rất khâm phục Cao Bá
Quát. Nhưng hành vi quá khổ của Cao Bá Quát thì tư tưởng của ông không bắt kịp.
Khi hai anh em họ Cao tử nạn, ông làm câu đối điếu: "Thương thay tài
điệu tót vời, khó anh khó em, một cặp cùng sinh lại cùng thác / Thôi nhỉ cơ sự
đến vậy, đáng thương đáng ghét, nghìn năm dây xấu cũng dây thơm". Chỗ
đau đớn nhất trong tiếng khóc bạn của Nguyễn Văn Siêu là ông phải thừa nhận theo
thói đời lúc ấy, rằng việc Cao Bá Quát làm là để lại tiếng xấu muôn thuở. Nhưng
sâu trong tiềm thức, ông lại phải nói với trái tim đang nhỏ máu của mình rằng
đó mới thực là tiếng thơm. Đó chính là cái mâu thuẫn ông không giải quyết được
cho chính mình. Phải viết lên trời xanh là vì lẽ ấy. Mỗi ông đều có cái hay.
Người mà như Cao Bá Quát thì ít.
ĐT: Số đông trí thức nhẫn nhịn như Nguyễn Văn Siêu là do thói
quen ngàn đời hay do một điều gì khác?
NHC: Do đào tạo kiểu nhà nho phải chấp nhận cái khuôn, không vùng ra
khỏi khuôn nhưng bản thân lại thấy chật hẹp. Cái khuôn luôn ràng buộc mình và
luôn phải đi tìm một lối thoát. Lối thoát ấy có thể là quay về với đạo Phật để
giải thoát gánh nặng trần tục trong con người phận vị của mình, hoặc là tìm vào
với Lão Trang để được hòa mình vào bản thể, được đồng nhất mình với thiên nhiên
vô vi tự tại. Những cách thoát ly ấy đều giúp nhà nho trở thành người tự do
trong những thời khắc nào đấy, nghĩa là họ được sống trong những giây lát mà
trong tâm tưởng, cái khuôn dường như không còn ràng buộc được mình. Nhưng thực
tế thì cái khuôn vẫn cứ lù lù khuôn chặt lấy họ. Hai cách giải thoát, Phật hay
Lão Trang, đều có tính chất ảo tưởng, nhưng cũng chính là cách mà Nguyễn Văn
Siêu và nhiều nhà nho ở nhiều thời đại chọn lựa. Sĩ phu Bắc Hà, sĩ phu Việt Nam
ngày xưa là như thế. Văn hóa Việt Nam theo tôi là văn hóa dung hợp, tức là
không chịu ép mình trong một thứ văn hóa độc chuyên. Luôn luôn tìm cách hóa
giải sự độc chuyên bằng việc điều hòa cái học chính thống và cái học phi chính
thống, cái vốn bác học và cái vốn dân gian, nó giúp làm mềm mại hơn tư tưởng
của mình. Cái độc chuyên - bất kỳ hình thù thế nào, dưới cách gọi mỹ miều nào -
cũng là từ ngoài mang đến cho người Việt chứ không phải là sản phẩm gốc của
người Việt. Đạo Nho có phải là của người Việt đâu. Đặc điểm tư duy của người
Việt là thu nhận tất cả mọi thứ và dung hóa chúng với mục đích thực dụng, và
cũng chẳng thứ nào đến đầu đến đuôi. Bản sắc văn hóa Việt Nam phải chăng chính
là cái đó.
ĐT: Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát sống dưới thời phong kiến. Mà
thời phong kiến thì không thể nói là có dân chủ được. Nếu có thì chỉ là sự manh
nha, nhờ một điều kiện hãn hữu nào đấy. Vậy lý do chính là thiếu dân chủ. Vì
thiếu dân chủ mà người ta không nói được nên bị kìm nén. Nhu cầu giải thoát tư
tưởng là nhu cầu tự nhiên nhất của con người. Với trí thức, nhu cầu ấy còn mãnh
liệt hơn. Cụ Nguyễn Văn Siêu chắc phải bức bách lắm mới phải viết lên trời
xanh. Cái áp lực "không được là mình" nó phải lớn lắm đúng không ạ?
Hà Nội bây giờ có thế không?
NHC: Nếu nhìn trên đại thể, chúng ta đã có một xã hội công dân từ hơn
50 năm nay, bởi vì một nước đã gọi là "dân chủ cộng hoà" tức là có
dân chủ. Có xã hội công dân tức là người dân có quyền làm chủ tư tưởng của
mình, có quyền phản bác người khác hay là người trên mình, và đặc biệt có một
lớp người cấp tiến, đại diện và phát ngôn cho tư tưởng của mình. Nhưng xem kỹ
một chút thì mọi thứ ấy đều có mà chỉ là hình thức chứ chưa có năng động tính.
Không có một nền công nghiệp cao, một nền kinh tế thị trường thật phát triển
thì cái nhu cầu bức bách vận hành thật hoàn hảo, liên tục và tự động "cỗ
máy" xã hội công dân cũng làm gì có. Mà không vận hành thì cỗ máy sẽ hoen
rỉ, nhất là không thể từ trong đó, do chọn lọc tự nhiên mà nẩy sinh ra một tầng
lớp ưu tú, có năng lực hướng xã hội đi tới, có tầm nhìn xa, đóng vai trò như
một lực lượng xã hội định hướng (groupe social orienté). Ở những nước văn minh,
tầng lớp trí thức phải đóng được vai trò này. Ở chúng ta thì ai? Sự chọn lọc tự
nhiên không có nên đành thay bằng sự chọn lọc nhân tạo: bộ máy Đảng và bộ máy
chính quyền kiêm luôn việc định hướng ấy. Nhưng tôi nghĩ, những người nắm quyền
lực có thể là giỏi đấy song chức năng của họ chủ yếu là quản lý, là thực thi
quyền hành nên không quen suy nghĩ sáng tạo; còn lực lượng có khả năng dự báo
và định hướng xã hội phải là sản phẩm hữu
cơ tự nhiên mà có của xã hội công dân - họ được kết tinh từ xã hội công dân
như một sự phát sáng về mặt trí tuệ, tinh thần, chứ đâu có nhất thiết cứ phải
nắm quyền chấp chính. Tuy nhiên, điều đáng buồn ở nước mình là kẻ đã tóm thâu
được quyền chấp chính thì cứ tưởng mình là đại diện cho trí tuệ của dân tộc.
Còn số đông dân chúng lại ngược lại, quen nghĩ một cách thụ động, hễ đã có
người thay mình làm việc cai quản thì thôi, cứ phó mặc cho họ thay cả "cái
đầu" của mình luôn. Thế là "cái khuôn" dù muốn dù không cũng cứ
tồn tại hiển nhiên. Tôi nhớ trong đám tang của Trung tướng Trần Độ, mọi người
đến rất đông, tôi cũng đến, nhưng đến nơi mới biết hóa ra lòng mong muốn được
bày tỏ niềm thương tiếc người mình kính trọng cũng có khuôn phép của nó cả. Mỗi
vòng hoa viếng viết thế nào cũng có quy định hết, vượt ra ngoài quy định là
“cắt xẻo”. Thế nên khi mà người con trai tướng Trần Độ phát biểu từ chối lời
điếu văn của vị đại biểu Quốc hội vừa đọc trước đấy thì tự nhiên như một tiếng
lòng kêu gọi, cả ngàn con người đột ngột vỗ tay như sấm ran. Bởi vì nỗi bức xúc
phải dồn nén lại những tình cảm thiêng liêng ở trong mỗi người đã ứ tràn, nên
có cơ hội là lập tức bùng phát. Ngay người đọc điếu văn hình như cũng chỉ làm
một việc không thể không làm. Giọng đọc đều đều của ông càng khiến mọi người
bức xúc hơn. Khi nghe đến chỗ phê phán người đã khuất thì nhiều người đều bật
khóc, trong đó có tôi. Một người trèo lên ghế hô rất to: “Như thế này thì nhân
nghĩa Việt Nam để đâu?”, tiếng hô làm ai nấy càng được thức tỉnh, nhộn nhạo cả
lên, không còn giữ yên lặng như lúc đầu. Về sau tôi cứ thử giải thích lý do vì
sao mình đã khóc nức nở mà đành chịu, không hiểu vì sao.
Cố Trung tướng Trần Độ cùng với các sĩ phu Đà Lạt (Hà Sĩ Phu cung
cấp)
ĐT: Thân phận ông ấy không nói lên hình ảnh của số đông, nhưng
nói lên một điều gì đó mà không cần phải nói. Tại sao thân phận sĩ phu Thăng
Long lại cô đơn đến vậy. Khi Nguyễn Văn Siêu viết "tả thanh thiên"
chắc ông ấy phải cô đơn lắm.
NHC: Hết sức cô đơn. Phàm là trí thức thì bao giờ cũng cô đơn. Chỉ
một mình mình vượt ngọn núi của chính mình. Không ai thay mình được cả. Không
thể có bạn đồng hành. Trí thức Thăng Long thế kỷ XVIII nằm ở giữa hai sức ép,
một bên là vua Lê, một bên là chúa Trịnh. Như tôi đã nói ở trên, trong xã hội
phong kiến, trí thức Thăng Long thế nào cũng gắn mình với quyền lực. Không có
trí thức tự do không gắn mình với quyền lực mà tồn tại được. Nhưng là trí thức
thì lại luôn luôn ảo tưởng là mình có một khoảng trời tự do. Anh ta nằm ở thế
mâu thuẫn ấy. Mà ở đây quyền lực lại được xẻ đôi ra (vua Lê và chúa Trịnh). Anh
gắn với quyền lực này thì bị quyền lực kia chi phối. Nó đe nẹt anh cho nên anh
phải đi len vào giữa. Và vì vậy trí thức Thăng Long càng cô đơn hơn và càng phải
giữ mình hơn rất nhiều.
ĐT: Họ chấp nhận cô đơn hay là họ hèn?
NHC: Họ có phần hèn nhưng phần hèn ấy đáng thương hơn đáng trách. Đến
một lúc nào đấy, có một chỗ nào đấy anh bột phát và trở lại tính cách hồn toàn
của mình mà anh đã giấu đi trong đời sống bình thường. Ở một thời điểm nào đấy,
với một điều kiện thích hợp nào đấy anh bột phát và trở lại là anh. Cao Bá Quát
cũng thế đấy. Anh trí thức Bắc Hà giữ được cái đó như một điểm sáng của lương
tri làm cho người ta kính trọng, nhưng đồng thời cũng làm người ta thương. Bởi
vì anh ta bị những sức ép khác nhau giữa những mâu thuẫn không giải quyết nổi.
ĐT: Tức là những trí thức ấy không hèn. Họ biết họ giỏi nhưng
không thắng được mệnh trời. Họ biết con đường phải đi nhưng không đủ sức để đi.
Đành chờ cho thế cuộc xoay vần sao?
NHC: Cũng còn do ở hoàn cảnh. Khoảng năm 1958 sau khi nhóm Nhân Văn
Giai Phẩm bị tai nạn thì người nào cũng giữ mình. Không ai dám lên tiếng bênh
ai dù biết rằng những tiếng nói như Một
ngày chủ nhật, Mười năm, Sắp cưới, Mở hầm, Vào đời,
Phở, Tờ hoa và
nhiều bài trên tuần báo Văn... chẳng liên quan gì đến Nhân văn Giai
Phẩm. Nhưng cũng có một ít người như Nguyên Hồng cương trực bỏ Hà Nội đưa cả
gia đình về ấp Đồi Cháy, Hữu Loan bỏ Hà Nội về Thanh Hóa đi đập đá ... Tất
nhiên không nhiều. Giữa một xã hội mà ai ai cũng chấp nhận sự cào bằng thì còn ai
dám làm một cái gì gọi là sáng tạo độc đáo được. Thứ nữa là mấy chục năm gần
như là không được đọc gì cả. Những cuốn sách chỉ nói chuyện chống đối lễ giáo
như của Tự lực văn đoàn cũng là sách cấm rồi. Nhưng chủ yếu thì vẫn là do người
trí thức tự giới hạn mình, tự kiểm duyệt mình và lâu dần điều đó trở thành tiềm
thức, như một thứ phản xạ có điều kiện. Giống như con cá trong bể, mới bỏ vào
bể nó nhìn ra tưởng ngoài kia cũng là nước liền đâm đầu vào mặt kính và cố
nhiên phải quay trở lại, nhưng sau nhiều lần đâm như thế nó biết rằng chỗ này
đi qua không được bèn nẩy sinh một thứ phản xạ có điều kiện, hễ đến sát mặt
kính là quay lại thôi. Ông Nguyễn Khắc Viện đã đưa ra ví dụ trên đây để nói trí
thức chúng ta tạo được thói quen tự kiểm duyệt mình như thế nào.
ĐT: Thói quen do anh tạo ra rồi anh cứ tưởng là tự nhiên. Nhưng
bây giờ có ai ép buộc anh đâu, anh cứ tự do thoải mái mà suy nghĩ, mà nói, cứ
nói đi sao không nói. Nhưng nói thì lại sợ!
NHC: Nếu trong xã hội anh chỉ được nghĩ có chừng ấy, và cũng chỉ biết
xoay quanh có chừng ấy suy nghĩ thì làm sao tạo ra sự khác nhau. Khổng Tử nói:
"Quân tử hòa nhi bất đồng". Hòa ái với nhau nhưng không phải anh nào
cũng giống nhau như hai giọt nước. Rất cần sự khác nhau trong tư tưởng, trong
cách kiến giải những vấn đề đời sống. Nhưng từ lâu rồi, ta đã không được khác,
ta quan niệm khác là chống, vì vậy làm gì có điều kiện để bật nẩy thiên tài.
Nếu cho rằng ý nghĩ của một ai đấy ban bố ra là giới hạn cuối cùng của sự nghĩ
rồi thì làm sao vốn liếng trí tuệ chung của xã hội còn bừng tỉnh dậy và nhân
lên được.
ĐT: Ý Giáo sư nói là về mặt tư duy, cần phải có đua tranh lành
mạnh, văn hóa và công bằng?
NHC: Và phải được coi là một điều kiện đương nhiên. Khác không phải
là chống. Khổng Tử cũng nói phải nghiên cứu "dị đoan" tức là những
trường phái khác với hệ tư tưởng của mình. Có nghiên cứu thì cái tốt cái đẹp
của mình mới lộ ra. Ông khuyến khích học trò như vậy. Theo tôi đã đến lúc cần
phải nghiên cứu những cái khác với cái chính thống, và việc đó phải được coi là
bình thường. Nó phải trở thành một học phong. Trí thức Thăng Long giữ được
truyền thống đó là rất giỏi. Năm 1956 mà Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đã yêu cầu
xây dựng nền dân chủ pháp quyền. Hay vừa xong cải cách ruộng đất mà Giáo sư
Trần Huy Liệu đã viết bài Thử xét lại hồ sơ của giai cấp địa chủ, chỉ ra
rằng địa chủ việt Nam đại đa số có vai trò là người tổ chức sản xuất và là lực
lượng quan trọng ở nông thôn, và họ lại yêu nước. Lại như Nguyễn Khắc Viện từng
báo hiệu nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế bao cấp nhiều năm trước khi đổi mới xẩy
ra. Đó đều là những người có cái nhìn sáng suốt vượt thời đại, là những người
có gan, có tài, và gắn bó thiết thân với quyền lợi dân tộc. Sĩ phu Bắc Hà có
tầm nhìn xa như vậy đấy. Nhưng tập hợp lại thành lực lượng có thể dự báo và để
cho người dân nhìn vào đấy như một chỗ dựa thì lại chưa có.
ĐT: Chưa có, vậy phải chờ đợi ở đâu?
NHC: Cả hai phía, ở chính quyền và ở trong lòng xã hội. Tôi cho là ở
Việt Nam, yếu tố dân chủ ban đầu có được là do có sự manh nha từ trên xuống.
Những người sáng suốt nhất trong giới cầm quyền có tầm nhìn xa (Hồ Chí Minh năm
1945 chẳng hạn) đã đưa dân chủ từ bên ngoài vào cho dân chúng. Nhưng dần dần
dân chủ khi đã trở thành một nhu cầu của sự sống, tự nó sẽ nội sinh. Hai cái đó
phải trở thành một mẫu số chung. Không có được một mẫu số chung thì dù có đưa
lên phương tiện truyền thông rằng mình có thừa dân chủ cũng chẳng ai dám gật vì
đó mới là kiểu “dân chủ” của một phía. Mà đã là “dân chủ” của một phía thì sự
cân bằng không bao giờ lập được và cũng không thể kiểm chứng được nó có thật là
nhu cầu của hiện hữu hay không. Dân Hà Nội từ bao nhiêu năm nay chẳng phải đã
có kinh nghiệm ứng xử rất linh hoạt là trong các cuộc bầu cử các cấp, cứ để một
người đi bầu luôn cho tất cả nhà cho tiết kiệm thì giờ và sức lực đấy là gì (ai
bảo người Hà Nội không thực tế thì hãy cứ nhìn vào việc này). Chỉ khi có một
mẫu số chung rồi thì mới có cơ hội cho sự phát triển.
ĐT: Theo Giáo sư thì có thể phác họa những nét đặc trưng của diện
mạo trí thức Hà Nội ngày nay không? Đặc biệt là trí thức trẻ. Khi thế giới đã
bước những bước rất dài, chúng ta "dường như" đã bị tụt hậu về tư
tưởng, và lỗi đó trước hết thuộc về trí thức?
NHC: Thì đúng thế. Nhưng biết làm thế nào được. Diện mạo trí thức Hà
Nội hôm nay xét cho kỹ vẫn chưa xa sĩ phu Thăng Long thuở xưa bao nhiêu đâu.
Đời sống bao giờ cũng có sự kế thừa, và một bước nhảy đứt đoạn là ảo tưởng.
Phải tích cực tạo ra những điều kiện xã hội cho bước nhảy ấy.
ĐT: Thế thì làm sao họ đáng gọi là sĩ phu Thăng Long của hôm nay?
Của một thế giới đang toàn cầu hóa và hậu hiện đại?
NHC: (cười rất to).
ĐT: Cảm ơn giáo sư Nguyễn Huệ Chi rất nhiều, cảm ơn thầy.
Hà Nội 8/2002
© Talawas 2002
No comments:
Post a Comment