Saturday, 25 August 2012

CUỐI TUẦN Ở THUNG LŨNG HOA VÀNG (Giao Chỉ)





Văn hóa trong cộng đồng

Chúng tôi thực là may mắn được trải qua những ngày cuối tuần bận rộn vào cuối tháng 8 năm nay 2012. Ngày chủ nhật vừa qua đến dự buổi ra mắt võ đường Y Võ Đạo của võ sư Bảo Truyền. Hôm trước là thứ bẩy đi dự đêm thơ nhạc Du tử Lê. Trước đó thêm một ngày là thứ sáu, ngồi bên hiên nhà, buổi chiều tà trong khu mobilhome cao niên, tôi đọc cuốn biên khảo của nữ tác giả Thụy Khuê. Sách viết về chuyện Nhân Văn, Giai Phẩm. Như vậy là trọn vẹn một cuối tuần cho chúng tôi có cơ hội là độc giả, khán giả và cũng là thính giả.
Võ đường Bảo Truyền.


Xin kể chuyện chủ nhật tôi có dịp làm khán giả. Võ sư Bảo Truyền không phải là người xa lạ với San Jose. Ông đã từ Hawaii dọn về Bắc Cali hơn 30 năm trước. Chúng tôi cùng nhau tổ chức nhiều lần cho ông thầy võ đẹp trai biểu diễn các màn khá ngoạn mục làm khán giả Hoa Kỳ ngạc nhiên. Một ngón tay chọc thủng trái dừa, đâm giáo vào cổ, chém dao vào ngực. Với khả năng đặc biệt, ông mở võ đường tại San Jose, và sau nầy trở thành môn phái đầu tiên kết hợp việc luyện võ với chữa bệnh nên gọi là Y Võ đạo.

Còn nhớ mãi kỷ niệm khá đặc biệt khi thầy Bảo Truyền tục huyền, chúng tôi đại diện nhà trai đi rước dâu. Phái đoàn phải chờ ở cửa nhà gái vì hình như chú rể để quên nhẫn cưới. Phải cho người chạy về lấy. Mấy năm gần đây ông Bảo Truyền có vẻ xuống sắc cả tinh thần lẫn vật chất. Ông than thở là người vợ thân yêu qua đời đã đem theo tất cả ý nghĩa cuc sng. Nhưng bây gi dường như võ sư Bo Truyn đã ly li được phong độ. Hc trò ngày xưa nay đã tr thành cao th. Va có kh năng võ thut li va có kh năng kinh doanh và qun tr. Cơ s mi t chc ti s 2000 đường Senter có nhiều lớp dạy võ và chữa bệnh.

Khi tôi đến dự gặp ông bạn cũ đã lấy lại được vẻ hào hoa công tử. Nhìn vào số võ sinh gặp nhiều người quen. Rất ngạc nhiên khi thấy có 2 vị lên nhận tước hiệu đai đen của Y Võ đạo. Luật sư Nguyễn Hữu Liêm và nhạc sĩ Nguyên Nhu. Trong phần biểu diễn tôi lại hết sức bất ngờ khi thấy anh chàng ca sĩ kiêm nhạc sĩ của bài “Phải chi có Huế” hôm nay xuất hiện trong võ phục đen. Nguyên Nhu thủ thế hết sức dũng mãnh dùng 2 tay cùng một lượt công phá 2 bên, mỗi bên 3 cục gạch.Bể tan ngon lành.

Nhà tôi thấy một nữ lưu đứng quay phim rất cẩn thận. Xem ra chính là bà Nguyên Nhu vừa nấu chè thiết đãi quan khách vừa là chuyên viên thu hình. Màn biểu diễn cuối cùng của kỹ sư Hòa phu quân của nhạc sĩ Đào Nguyên. Anh Hòa đập tan 3 hòn gạch xếp chênh vênh không có điểm tựa. Màn này rất khó vì các tay võ sư thường đánh gạch bay xa nhưng gạch không bể. Anh Hoà hiền lành nho nhã mà tôi biết không ngờ có sức mạnh phi thường. Chiều chủ nhật với Y Võ đạo, tôi rất may mắn gặp được bạn cũ với nhiều tài mới mà ít khi nào nghĩ ra được. Mừng cho ông Bảo Truyền với con tim đã vui trở lại. Nếu ông có đi thêm bước nữa thì chúng tôi lại sẵn sàng đại diện nhà trai.

Du tử Lê về Hội An


Trong số báo cuối tuần, trang văn học phong phú của Việt Tribune do ông Nguyễn Xuân Hoàng phụ trách đã có nhiều bài giới thiệu nhà thơ Du tử Lê. Đọc kỹ lại mới biết là luật sư Nguyễn Tâm, cũng là nhạc sĩ tổ chức đêm thơ nhạc tại quán Hội An vào thứ bảy. Thi sĩ Du tử Lê là 1 trong 7 nhà thơ được ông Mai Thảo xếp hạng trong hàng thi bá của miền Nam. Đặc biệt thơ của ông Lê đã có hàng trăm bài phổ nhạc bởi nhiều nhạc sĩ danh tiếng.Quán Hội An của luật sư Tâm chật kín và khán giả phải ngồi ra bên ngoài.

Được mời lên nói đôi lời,nhưng tôi xin nói toàn phiếm luận cho vui. Tôi nhận xét là tại San Jose có nhiều tác giả ra mắt tác phẩm, chẳng bao giờ có nhiều phụ nữ như đêm nay. Những người yêu thơ Du tử Lê nếu là đàn bà sẽ sống lâu và trẻ mãi. Còn đàn ông mà yêu thơ Du tử Lê thì e rằng không thọ. Tại sao. Chẳng ai biết. Nhưng thực tế trên báo của ông Nguyễn Xuân Hoàng có bài khen thơ ông Lê của Nguyên Sa. Khen xong là đi. Nguyên Sa đi rồi. Tạ Tỵ cũng khen thơ ông Lê. Tạ Tỵ cũng đi rồi. Người phổ thơ của Du tử Lê qua bài Trăng Saigon suốt 6 tháng chưa xong. Phổ xong là Phạm đình Chương cũng đi luôn. Vì vậy tôi ngại khen thơ ông Lê.

Có người hỏi lời thơ của Lê tôi lưu ý chỗ nào. Phải chăng là ở chỗ thế gian không thể hiểu. Không phải. Hay là đi và về cùng một lối như nhau. Không phải. Làm sao mà như nhau được. Năm 75 ra đi, chạy vắt giò lên cổ. Vượt biên thì 9 mất mười bù. Còn bây giờ Việt kiều trở về, mũ áo xênh xang. Sao mà cùng một lối như nhau được. Thơ của Lê chỉ có 1 con chữ đáng chú ý. Bài Đêm nhớ Trăng Saigon có câu. Nhớ em kim chỉ khíu tình. Khíu là gì. Là mạng vá một lỗ thủng rất nhỏ. Trên bộ áo nhà binh của tôi, ngay chỗ bảng tên, có lỗ thủng vì tàn thuốc lá. Vợ hiền lấy kim khíu lại thật khéo. Nhìn kỹ mới thấy. Đó mới là khíu tình. Anh sỹ quan trẻ ngồi tán cô hàng cà phê. Cô gái nói là anh có vợ rồi, nhìn đường kim chỉ trên vạt áo biết ngay anh đã có vợ hiền.Chán mớ đời.

Trong suốt trăm năm văn thơ, chỉ có Du tử Lê là người đưa tay nghề thợ may (?) với chữ khíu vào thi ca. Tôi là con thợ giầy, hiểu nghĩa chữ khíu mà không cần tra tự điển. Mấy ngàn câu thơ của Nguyễn Du trong Kiều không hề có chữ nào là chữ khíu. Nhân chuyện thi sĩ họ Lê, xin nhắc đến chuyện cụ Võ Phiến bàn về các văn nghệ sĩ xưa và nay. Võ Phiến viết rằng các thi sĩ sống đến hôm nay thực là may mắn. Có được bài thơ phổ nhạc bao nhiêu là ca sĩ hát. Những tấm lòng rung động đều nhớ đến tác giả. Cô ca sĩ tự trọng hát xong là phải giới thiệu ngay nếu có sự hiện diện của nhà thơ. Rồi lại còn thư độc giả và có khi lại có cả trăm Email khen ngợi.

Chỉ tội cho cụ Nguyễn Du ngày xưa. Viết được bài thơ chép tay, rồi sửa chữa. Nếu may mắn thì nhờ học trò sao lại. Làm được câu thơ hay, tự ngâm nga lấy một mình. Nếu có cao hứng mà ngâm lớn tiếng, vợ lại tưởng là chồng điên. Làm xong được cuốn trường thi trác tuyệt là Kim Vân Kiều, tác giả phải viết lời cay đắng. Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ, hà nhân khấp Tố Như. Không biết là 300 năm sau, có ai còn thương tiếc Nguyễn Du ? Phần Du Tử Lê, thi sĩ của thế kỷ 21, mới ngoài 70, vẫn nhớ nhà châm điếu thuốc, mà còn nhiều nữ độc giả hâm mộ. Chàng lên sân khấu khoe rằng ngày xưa rủ em 16 ra Vũng Tàu, sáng tác được bài Tạ ơn em. Chỉ cần bắt đầu bằng một bài thơ đơn giản như vậy với lời thơ Ơn em tình những mù loà, cũng đủ cho chàng mang danh hiệu và sống với trọn kiếp là thi sĩ của ái tình.

Chiều thứ sáu, đọc sách

Trước khi đến lò võ thầy Bảo Truyền chủ nhật là đến với đêm thơ Du tử Lê thứ bẩy. Nhưng trước thứ bẩy là buổi chiều thứ sáu đọc sách của Thụy Khê.


Âu Mỹ có khẩu hiệu thường treo trên tường thư viện Reading is Growing. Đọc là trưởng thành. Ăn nhậu là thực phẩm cho cơ thể. Đọc là thức ăn cho bộ óc. Đọc chính là nạp điện kiến thức. Đã từ lâu tôi có đọc các tài liệu về Nhân văn, Giai phẩm một phong trào nổi dậy từ các nhà trí thức văn học trong lòng đảng cộng sản ngoài Bắc.Tưởng là đã biết nhiều, nhưng thực là chưa đủ.

Cầm cuốn sách biên khảo về Nhân văn Giai phẩm của tác giả Thụy Khuê do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương phát hành tôi đã xúc động. Đây quả thực là một tác phẩm. Một lịch sử đấu tranh cho tự do dân chủ qua văn học. Chủ chốt có chừng 10 văn nghệ sĩ và có khoảng 100 người hưởng ứng, trực tiếp và gián tiếp.

Họ chỉ đòi quyền tự do sáng tác. Chống lại chủ trương kiểm soát văn nghệ của đảng. Họ không chống đảng để dành quyền cai trị. Nội vụ chỉ xẩy ra trong vòng 6 tháng ngay sau khi đất nước chia đôi và đảng cộng sản Việt Nam làm chủ miền Bắc.

Trên thực tế, phe cầm quyền rất lúng túng. Vẫn còn hướng về Nga Sô và Trung Cộng để xem tình hình. Mặt khác phải dùng các cấp cao nhất vỗ về phủ dụ phe phản kháng.

Phải đọc toàn thể cuốn biên khảo mới thấy rõ khí thế mạnh mẽ can trường và anh dũng của các văn nghệ sĩ trong Nhân văn Giai phẩm. Những bài thơ, những bài văn, những tranh vẽ, những nghị luận làm điên đảo chính quyền.
Những tên tuổi của kiện tướng như Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phan Khôi, Văn Cao, Phùng Cung, Trần Duy, và còn rất nhiều người khác. Mỗi người một vẻ, mỗi người đều có một hoàn cảnh khác biệt, mỗi người đều có một tâm lý và một phong thái ứng xử riêng, nhưng tất cả đều bị lôi cuốn vào cơn bão đấu tranh đầy lý tưởng do chính anh em tạo ra và tự mình cuốn hút vào cuộc nổi dậy hết sức dũng mãnh và cũng hết sức cô đơn.
Cầm tác phẩm trong tay, tôi quả thực không ngờ tác giả cuốn biên khảo là một phụ nữ.Trong rừng hoa văn học Việt Nam hiếm có tác phẩm biên khảo của nữ lưu. Nhân văn Giai phẩm lại là đề tài phức tạp và khó thực hiện.
Cũng nhờ đọc trong tác phẩm, tôi được biết là nhà cầm quyền Hà Nội phải huy động toàn thể các văn nghệ sĩ đã khuất phục mở mặt trận đấu tố phe Nhân văn Giai phẩm.Trong khi đó phía phản kháng đã lần lượt trả giá rất đắt bằng suốt cuộc đời còn lại, không phải chỉ riêng cá nhân mà hệ lụy cho cả vợ con, gia đình, anh em, họ hàng, bằng hữu.

Cuộc tranh trừng bằng tù tội, cô lập, bao vây, cấm đoán kéo dài từ 20 qua 30 và đến cả 40 năm sau. Nhưng sau cùng, cũng thực sự may mắn, một số lớn tên tuổi trong Nhân văn Giai phẩm vẫn còn sống để lên tiếng qua các kỳ phỏng vấn bằng điện thoại, bằng thư tín, bằng tài liệu hay gặp trực tiếp. Nhờ đó bản án văn học ghê gớm nhất của lịch sử văn hóa Việt Nam còn được ghi lại đầy đủ, khách quan và công bằng qua tác phẩm mà tôi có hân hạnh đọc được hơn nửa thế kỷ sau. Điều đáng kể thêm là trong tác phẩm ngàn trang của Thụy Khuê, ngoài chuyện đấu tranh, độc giả biết rõ về cuộc đời của các tác giả tài hoa nhất của miền Bắc trong giai đoạn dân tộc đấu tranh dành độc lập. Thí dụ như Văn Cao người viết bản quốc ca cho miền Bắc và Lưu Hữu Phước, tác giả quốc ca miền Nam. Phạm Duy chính là người hát bản Tiếng quân ca lần đầu tiên tại Hà Nội ngày 7 tháng 8-1945 và bà bác sĩ Nguyễn tôn Hoàn hát bài Tiếng gọi sinh viên cũng tại Hà Nội 1943.

Chúng tôi đã có một kỳ cuối tuần hết sức phong phú. Thứ sáu với Nhân văn Giai phẩm của Thụy Khuê, thứ bảy với thi sĩ Du tử Lê, chủ nhật với võ sư Bảo Truyền. Cuộc sống cao niên đầy ắp văn hóa mà chỉ phải trả nhà hàng Hội An 1 chai la ve có 3 đồng bạc. Niềm vui văn hóa cuối tuần lãng đãng kéo đến thứ tư chuyển qua giây phút ngậm ngùi khi tiễn đưa bác Sơn Điền về cõi vô cùng. Giáo sư Nguyễn viết Khánh 91 tuổi, ra đi tại San Jose với sự hiên diện đông đảo của văn nghệ sĩ và truyền thông 2 miền Nam Bắc Cali. Các thành viên Việt Tấn Xã. Cựu sinh viên Vạn Hạnh và Đà lạt. Đây là cây bút lão thành mang kiếp con tằm đến thác vẫn còn vương tơ. Bài báo cuối cùng ông viết mấy tuần trước về câu chuyện phi thuyền bay trong không gian cả năm trời đã hoàn thành sứ mạng gửi vệ tinh đáp lên sao Hỏa. Bây giờ lời cầu nguyện của những người ở lại sẽ đưa phi thuyền chở Sơn Điền vào vũ trụ bao la vốn là đề tài quen thuộc của nhà báo trên 60 năm cầm bút…

Minh Phượng và Huỳnh Lương Thiện chia buồn cùng tang quyến (Photos by Truong Xuan Man)


© Giao Chỉ
© Đàn Chim Việt




No comments:

Post a Comment

View My Stats