Sunday, 26 August 2012

BỆNH CỦA VĂN NGHỆ SỸ, TRÍ THỨC? (Đào Tiến Thi)




Đào Tiến Thi
27/08/2012

Không như nhiều cuộc tranh luận khác có ý kiến khá tập trung, cuộc trao đổi xung quanh vấn đề “Kẻ thù của Hai Bà Trưng” giữa tác giả Tâm Sự Y Giáo và Đào Tiến Thi cùng với các “còm sĩ” của cả hai bên xem chừng kẻ tám lạng, người nửa cân. Rồi với sự tự kiềm chế của cả hai tác giả, cuộc trao đổi tưởng như đã kết thúc không để lại tâm trạng nặng nề cho bên nào.
Điều này có lẽ xuất phát từ chỗ, dù là phía nào, có quan điểm ra sao thì cũng họ đều là những người có trách nhiệm đối với đất nước.

Hôm nay, nhận được bức thư ngỏ của tác giả Đào Tiến Thi gửi Nhà văn Nguyễn Quang Lập, tôi mới biết Quê choa có bài viết “Không chuẩn thì phải chỉnh” (hai hôm nay tôi không vào mạng vì đi vắng).

Cả ba tác giả: Tâm Sự Y Giáo, Đào Tiến Thi, Nguyễn Quang Lập đều là những người tôi quí trọng. Tôi cho rằng, mặc dù có lời qua tiếng lại nhưng chỉ là những lời giải thích chứ không phải là những mâu thuẫn gay gắt. Hy vọng khi tham gia thảo luận, chúng ta sẽ có thái độ chừng mực, không đẩy sự khác biệt thành mâu thuẫn, không “gây tổn thương không đáng có cho những người cùng một chiến hào chống xâm lược” (Đào Tiến Thi)

.
(Thư ngỏ gửi anh Nguyễn Quang Lập)
Đào Tiến Thi

Hà Nội ngày 26 tháng 8 năm 2012
Kính gửi anh Nguyễn Quang Lập

Lẽ ra em không viết thêm một lời nào nữa về cái chuyện Kẻ thù của Hai Bà Trưng là kẻ thù nào, câu chuyện bắt đầu từ bài viết của tác giả nào đó không dám ghi tên thật mà ẩn dưới cái tên “Tâm Sự Y Giáo”. Tác giả ấy viết bài thứ nhất rồi bài thứ hai và em cũng phản hồi lại bài 1 rồi bài 2. Trong hai bài em đã trả lời khá đầy đủ, và đã xin thôi, không đôi co, tranh biện gì thêm nữa.

Lẽ ra là như thế. Nhưng liền sau đó lại có bài của anh làm cho em nghĩ ngợi nhiều. Vì anh là một trong số nhà văn đương đại hiếm hoi mà em vẫn quý trọng, quý trọng bởi sự tài hoa, và nhất là bởi ngòi bút của anh là một ngòi bút có lương tri, luôn theo sát cuộc sống, dũng cảm phê phán bạo quyền và bênh vực lẽ phải. Em băn khoăn: chẳng lẽ một nhà văn như thế lại thừa thời gian để làm cái việc truy bức một chữ trong SGK đến như thế. Không. Em không tin. Cho nên em viết những dòng này.

Trước hết, em xin đính chính hai chỗ nhầm lẫn của anh.

1. Quyển sách không nói “giặc Hán” là sách Tiếng Việt 3 tập 2 còn quyển sách nói “giặc Hán” là cuốn Rèn kỹ năng cảm thụ văn học qua các bìa tập đọc lớp 3, hai quyển khác nhau nhưng anh đã nhầm là một. Vì thế nên anh viết: “Ở phần Gợi ý cảm thụ của bài đọc, các soạn giả cuốn sách đã viết…”

Và ở chú thích anh lại viết:
“Ngay phần Ghi nhớ cuối truyện đã chống lại lý lẽ của GS. Nguyễn Minh Thuyết: “Dưới ách đô hộ của nhà Hán, dân ta trăm đường cực khổ. Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh đuổi hết quân giặc về nước.”
Em chụp cả bìa hai cuốn sách. Anh đọc lại hai bài viết của em thì càng rõ.

2. Bài em kể lại, tức là dẫn ý, không phải trích dẫn, ý kiến của GS. Nguyễn Minh Thuyết. Cần phải thấy ý ấy đã qua “lăng kính” của em, ngôn từ của em, chứ đến giờ phút này GS. Nguyễn Minh Thuyết chưa hề lên tiếng, cho nên anh phê phán GS. Nguyễn Minh Thuyết là hơi vội vã.

Thứ hai, anh kết tội em là “phân bua chống chế” thì cũng chưa được chính xác.
Em nói chữ “chống chế” trước. Anh xem, ngay sau khi nêu ý kiến của GS. Nguyễn Minh Thuyết, em đã viết: “Chỗ này, tôi có quan điểm hơi khác GS. Nguyễn Minh Thuyết một chút, sẽ nói ở phần sau”. Phần sau của bài em đã nói rõ: “tôi cũng đã nhận thấy để văn bản như hiện giờ không ổn lắm”. Như thế là em nhận lỗi. Em nhận cái lỗi (biên tập) ấy của em chỉ ở mức ấy thôi, bởi vì vẫn khẳng định:

“Để như SGK hiện nay theo tôi tuy chưa rõ lắm nhưng cũng không có hại như một số người nghĩ. Với tên các nhân vật như Bà Trưng, Thi Sách, Tô Định, lên lớp 4, học lịch sử, học sinh sẽ rõ; còn trong khi học, nếu học sinh có hỏi, cô giáo cũng không khó trả lời”.

Như thế không thể gọi là “chống chế”. Chống chế là “Viện lý, viện cớ để tự bào chữa, ví dụ: đã làm sai còn chống chế” . Ở đây SGK không “sai” mà chỉ “sót” (mà sót cũng chỉ theo ý em nghĩ thôi, không phải theo ý GS. Nguyễn Minh Thuyết). Thiếu sót trong một văn bản thì thực ra là điều khôn cùng. Anh làm nghề viết, chắc anh thấy mỗi lần đọc lại bản thảo là một lần sửa; dù có đọc lại lần thứ 10, thứ 20,… thì vẫn sửa. Bài vừa in xong đã thấy có chỗ muốn sửa; một năm sau đọc lại, nhiều chỗ muốn sửa hơn nữa.

Nếu chỉ nói riêng “chống” (không có chữ “chế”) thì thực ra em chỉ chống lại sự thổi phồng, bóp méo của tác giả “Tâm Sự Y Giáo”, ông này coi soạn giả SGK là “lươn lẹo né tránh”.

Còn nói về hai chữ “phân bua” thì đúng là em phân bua. Phân bua là việc làm cần thiết khi một người bị hiểu sai (phân bua: “Trình bày để cho người ta đừng có nghi ngờ, đừng có nghĩ xấu cho mình” )

Ở bài trước em phân bua, đại ý: Hồi biên tập sách này (2003 – 2004), do không có vấn đề với Trung Quốc (hoặc có rồi mà không biết) cho nên biên tập viên là em cũng không để ý. Và trong bối cảnh không có vấn đề ấy, điều bỏ sót đó cũng không sao cả. Chỉ khi quan hệ với Trung Quốc có vấn đề thì cái “linh giác” mới mách bảo cho ta viết như thế là còn thiếu sót. Hồi ấy không thấy, bây giờ thấy thì trong phạm vi có thể, em đã sửa cái sót đó trong cuốn sách do chính em viết: Rèn kỹ năng cảm thụ văn học qua các bài tập đọc lớp 3. Sách này là sách tham khảo, không phải SGK, em không có quyền sửa lại văn bản trong SGK. Với mục Ghi nhớ em ghi rõ: “Dưới ách đô hộ của nhà Hán…” và mục Hướng dẫn cảm thụ: “Những năm đầu công nguyên, nước ta bị nhà Hán đô hộ. Dưới ách tham tàn của chúng…”

Ở bài này em phân bua thêm rằng: Em chỉ biên tập lần đầu và biên tập tái bản lần thứ nhất (2004); tất cả những lần biên tập tái bản về sau đều do các biên tập viên khác thực hiện, không phải em.

Cũng cần nói thêm: thời điểm trước 2007, tức là trước khi tranh chấp Việt – Trung trở nên căng thẳng, nhiều bản đồ Việt Nam còn hồn nhiên quên vẽ Hoàng Sa, Trường Sa. Em nhớ trong cuộc họp cộng tác viên tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, một cán bộ của Vụ báo chí cầm ngay cuốn tạp chí Ngôn ngữ và đời sống vừa in xong, chỉ vào bìa 4, nơi có một bản đồ Việt Nam (dùng cho một quảng cáo), đã phê bình bản đồ ấy không có Hoàng Sa, Trường Sa. Anh ạ, tất cả mọi việc phải đặt trong bối cảnh cụ thể của nó, chứ từ hiện tại nhìn về quá khứ có nhiều cái còn đáng nguyền rủa nữa.

Anh là nhà văn cho nên em còn nói thêm ý này: Để chữ “Thuở xưa…” quả có không ổn về văn phong, nhưng bảo nó “mơ hồ về lịch sử” thì lại không đúng. Lỗi ở chữ “xưa”, nhưng không phải ở chỗ nó không chỉ cụ thể thuở/ triều đại nào mà ở chỗ nó không có tính xác định. Nếu ta thay chữ “xưa” bằng chữ “ấy” thì lại hoàn toàn được: “Thuở ấy, nước ta bị giặc ngoại xâm đô hộ…”. “Thuở ấy” là một thời điểm xác định trong tương quan với sự kiện được nói đến. Ngoài ra, chữ “ngoại xâm” cũng không nhất thiết phải là ngoại xâm nào. Đây là một truyện đọc, một loại tác phẩm có tính văn học. Nó có dáng dấp như truyền thuyết, cổ tích, tiểu thuyết lịch sử, có thể nêu năm tháng, triều đại mà cũng có thể không. Các sự kiện, chi tiết, nhân vật có thể như chính sử mà cũng có thể không. Nhà văn không làm chức năng của nhà viết sử. Nhà văn hư cấu để làm nên tác phẩm. Đọc Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung hay những tác phẩm về đề tài lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng, Hà Ân, Nguyễn Huy Thiệp,… thì ta thấy rõ . Cho nên ở đây thực ra do hiện nay ta phải chống xâm lược Trung Quốc nên em cũng như anh muốn ghi là “giặc Hán”, như là một ý muốn chủ quan của người đọc hơn là bắt buộc tác phẩm của ông Văn Lang phải như vậy.

Thưa anh Nguyễn Quang Lập, những điều “phân bua” trên tuy khá dài nhưng không phải là điều chính cần nói trong thư này. Trong thư này em muốn nói một điều khác, cái điều đã thể hiện một phần ở tiêu đề bức thư: tại sao văn nghệ sỹ, trí thức cứ phải đánh nhau chí tử vì ba cái lặt vặt? Nhất là như anh, em và GS. Nguyễn Minh Thuyết. Em biết anh chẳng thành kiến gì với em hay với GS. Nguyễn Minh Thuyết. Hãy chưa nói chuyện tình nghĩa riêng tư gì, mà ở chỗ: cả em và anh còn thấy biết bao điều ngang trái, trong đó có cả vấn đề Trung Quốc đang bị người ta “lươn lẹo né tránh” thực sự mà chúng ta chưa dám phê phán hoặc phê phán rất nhẹ.

Vậy thì chỉ có thể giải thích cái bệnh thích “oánh nhau” ở đây là cái bệnh của văn nghệ sỹ, trí thức nước ta nói chung? Trong bối cảnh hiện nay, chắc anh cũng không ít lần đau lòng khi thấy người ta cư xử với nhau theo kiểu Tơ tóc nỗi riêng thì xét nét/ Giang sơn nghĩa cả nỡ mần thinh . Thực ra bảo “nước ta nói chung” thì cũng không chính xác, mà có lẽ chỉ ở những những giai đoạn suy đồi nó mới thế. Ngay như hồi trước Cách mạng tháng Tám, dưới chính thể thực dân “thối nát”, thế mà các trí thức thời đó tranh luận với nhau rất ôn hòa, nhã nhặn, không đao to búa lớn, không quy kết nọ kia. Mà họ thường là người trẻ tuổi, hầu hết là thanh niên. Đó là điều rất đáng cho chúng ta hôm nay suy nghĩ.

Em viết thư này thôi thì dù anh cho rằng em lại “phân bua chống chế” một lần nữa cũng được, nhưng đúng là chỉ vì quý trọng anh mà em phân bua thôi.

Kính chào anh.
Chúc anh viết văn, viết báo ngày càng hay.

Đào Tiến Thi

Tác giả gửi cho Nguyễn Tường Thụy blog

------------------------------------------------------------

24-8-2012

Đào Tiến Thi
22/08/2012

Tâm sự y giáo  gửi cho Nguyễn Tường Thụy blog
21/08/2012

(Giãi bày cùng độc giả Nguyễn Tường Thụy Blog)
Đào Tiến Thi
20/08/2012

19/08/2012










No comments:

Post a Comment

View My Stats