Friday, 10 August 2012

BAO GIỜ VIỆT NAM CÓ NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ? (Thái Bình - Boxitvn)




Thái Bình
11/08/2012

Việt Nam đã là thành viên của tổ chức Thương mại Thế giới từ năm 2007. Nền kinh tế của chúng ta vận hành theo cơ chế thị trường từ cuối những năm tám mươi cuối thế kỷ trước. Nhưng đến nay hầu hết các nước tư bản vẫn chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, người tiêu dùng Việt Nam chưa được hưởng những ưu việt có lợi người tiêu dùng của kinh tế thị trường; người tiêu dùng có quyền lựa chọn sản phẩm, có quyền trả giá, có quyền được cung cấp sản phẩm dịch vụ theo thoả thuận, chứ không theo kiểu cửa quyền áp đặt như giá xăng dầu, giá điện… hiện nay. Tại sao vậy? Tại cái đuôi định hướng hay tại điều hành nền kinh tế của ta?

Thực ra cái đuôi định hướng chỉ là khẩu hiệu, còn bản chất vấn đề là cách thức điều hành của ta. Điều hành nền kinh tế thị trường của tư bản đã có mấy trăm năm, ta có thể hoàn toàn học tập được để áp dụng điều hành nền kinh tế của ta. Thực tế lý thuyết kinh tế chỉ ra rằng, muốn điều hành nền kinh tế thị trường thành công chúng ta phải tôn trọng những quy luật khách quan vốn có của kinh tế thị trường. Nhưng thực tế chúng ta không áp dụng những quy luật khách quan mà điều hành nền kinh tế theo ý chí chủ quan, thậm chí can thiệp thô bạo vào kinh tế thị trường, làm biến dạng và méo mó nền kinh tế, hậu quả điều hành nền kinh tế theo ý chí chủ quan đã gây bao hệ luỵ.

- Kinh tế tụt hậu, kinh tế vĩ mô bất ổn kéo dài, giá cả leo thang liên tục khiến người dân khốn đốn, đặc biệt là người nghèo. Điều hành nền kinh tế không có cạnh tranh cũng là điều kiện để tham nhũng và lãng phí, điều hành nền kinh tế kém cạnh tranh sẽ không có động lực nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, kết cục sản phẩm của ta kém cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

- Người tiêu dùng không có quyền lựa chọn mà lẽ ra trong kinh tế thị trường họ phải là “thượng đế”.

- Kết cục tất yếu, nền kinh tế Việt Nam thu nhập bình quân đầu người đứng tốp cuối thế giới, nhưng giá cả rất nhiều mặt hàng thiết yếu lại đứng tốp đầu thế giới, có thể kể ra vô số: giá thuốc chữa bệnh, sữa, xăng dầu, gas, ôtô, bất động sản…

Như vậy người dân nghèo lại càng nghèo hơn, lẽ ra đối với họ số tiền kiếm được quá ít thì giá cả phải hợp lý cơ may đỡ khổ, nhưng vì nhiều lý do trong đó chủ yếu nhóm lợi ích nên chưa thể vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường?

Nhà chức trách luôn lý giải ôtô gây tắc đường, gây tai nạn phải hạn chế nên đánh thuế cao, còn thuốc chữa bệnh và sữa… những người có trách nhiệm đổ cho bọn con buôn tăng giá; vậy dân đóng thuế nuôi nhà chức trách, nhà chức trách đều có bằng cấp học vị cao mà tại sao không đủ khả năng, điều kiện trị đám con buôn, để đám con buôn lũng đoạn thị trường gây thiệt hại nền kinh tế và người tiêu dùng?

Giá điện lúc đầu nhà chức trách giải thích tăng cho bằng giá thế giới và khu vực; sau khi bằng khu vực thậm chí cao hơn khu vực thì nhà chức trách nói tăng để có tiền đầu tư; về vấn đề này anh bạn tôi ví không khác nào một anh đi câu cá bán, trước khi đi câu anh ra chợ hỏi người mua cá mượn tiền để sắm cần đi câu. Điện của ta hiện nay sản xuất từ hai nguồn chính; thuỷ điện và nhiệt điện ngoài ra mua một ít từ Trung Quốc. Thuỷ điện chiếm khoảng 30% sản lượng với giá thành rất thấp; chỉ tính khấu hao và nhân công còn nước “trời cho”; nhiệt điện có hai loại chạy nhà máy than và chạy khí cả hai loại năng lượng này đều nguồn cung trong nước, tại sao không ổn định được giá mà liên tục tăng, đổ gánh nặng lên người dùng? Nhân nào thì quả đó thôi, vì từ khâu sản xuất, truyền tải, phân phối điện đều trong tay Tập đoàn Điện lực ViệtNam, làm gì có cạnh tranh, vì thế bao nhiêu yếu kém, thất thoát, lãng phí của ngành điện người dùng lãnh đủ.

Hiện nay ngành phân bón sau khi đưa các nhà máy Đạm Phú Mỹ, Cà Mâu, Ninh Bình vào sản xuất; ta đã tự túc được phần lớn phân bón cho nông nghiệp, lượng phân bón nhập khẩu rất ít, nhưng người nông dân vẫn phải mua phân bón theo giá thế giới cao ngất ngưởng. Trong khi đầu ra của họ theo giá trong nước. Chính vì vậy gần 30 năm những thành tựu đổi mới kinh tế nông dân được hưởng rất ít. Nông dân sau gần 30 năm đổi mới họ được gì; chỉ thấy họ khác thời bao cấp ở chỗ; thời bao cấp họ thiếu cả hai thứ là tiền và hàng hoá, nay hàng hoá đã quá dồi dào nhưng tiền vẫn không có; so thời bao cấp số hộ đói, số hộ nghèo có giảm, nhưng nông dân chiến khoảng 70% dân số Việt Nam vẫn là đối tượng nghèo nhất hiện nay, số hộ thiếu đói cũng chủ yếu là nông dân và khoảng cách thu nhập giữa họ với các đối tượng còn lại ngày càng lớn.

Kinh tế thị trường mà bên bán định đoạt tất về giá cả, chất lượng hàng hoá dịch vụ, bên mua không có bất cứ quyền gì ngoài quyền phải trả tiền.

Chúng ta cần nhanh chóng vận hành nền kinh tế thị trường đầy đủ đúng nghĩa, đúng quy luật, nếu không nền kinh tế của Việt Nam tiếp tục bất ổn vĩ mô, trì trệ, kém sức cạnh tranh,thiếu động lực, tụt hậu ngày càng xa với khu vực và thế giới; người tiêu dùng lẽ ra phải ở thế thượng phong, thực tế phải thiệt thòi lép vế do độc quyền và nhóm lợi gây ra. Đúng như 71 trí thức vừa kêu gọi phải “tiến hành cải cách sâu sắc, toàn diện về chính trị,tạo điều kiện cải cách các lĩnh vực khác trước hết cải cách về kinh tế và giáo dục”, vấn đề nêu trong bài viết này là một phần của cải cách kinh tế.

Hà Nội 10/8/2012
T.B.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

No comments:

Post a Comment

View My Stats